100 Cây Thuốc….

11- CÁC LOẠI RAU

 120.  RAU CẢI NGỌT

Tên khác:  Cải trắng, Bạch Giới

Tên khoa học:  Brassica Sinensis

1.     Tính vị:  Vị ngọt, nhạt.  Tính mát  A

2.     Hoạt chất:  Có glucose, các chất khác đang nghiên cứu.

3.     Dược năng:  Giải nhiệt, trợ tiêu hóa và bài tiết, tiêu độc.

4.      Chủ trị:  An dạ dầy, trị bệnh ruột, trừ táo bón, tan ung thư.  Đặc biệt trị ung thư dạ dầy, dạ dày lở loét và ung thư thực đạo.

5.     Xử dụng:  Luộc ăn hay có thể giã sống, lấy nước cốt (juice) uống.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ BỆNH DẠ DẦY:  Cải Ngọt 200gr cả lá và cuộng, giã sống, lấy nước cốt, pha chút muối uống, mỗi ngày 2 lần, trong 1 tuần.

*BÀI KHÁC:  Lá Cải Ngọt khô 15gr, Rau Muống khô 15gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2 lần, trong 1 tuần.

121.  RAU CẢI CỦ

Tên khác:  Lú Bú, La Bạc.  Hạt:  La Bạc Tử

Tên khoa học:  Raphanus sativus

1.     Tính vị:  Vị ngọt, hơi nồng, tính bình.  Hạt:  cay, thơm, ngọt.  D

2.     Hoạt chất:  Có nhiều glucose…   Hạt có tinh dầu, sulfure…

3.     Dược năng:  Thông khí, tiêu đàm, lợi tiểu.

4.     Chủ trị:  Giúp tiêu hóa, trị nhức đầu, tiêu chảy, phù thũng, bí tiểu tiện.

5.     Xử dụng:  Ăn sống, luộc hay nấu canh ăn đều tốt.  Có thể phơi khô làm dưa chua ăn hay nấu nước uống.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ NHỨC MỘT BÊN ĐẦU:  Giã củ cải, lấy nước cốt, nhỏ vào lỗ mũi bên nhức đầu.

*SỐT RÉT, HO SUYỄN:  Hạt Cải 10-15gr, nấu uống, mỗi ngày 2 lần, trong 1 tuần.

*PHÙ THŨNG, BÍ TIỂU TIỆN:  Lá Cải khô, nấu nước 10-15gr, uống mỗi ngày 2 lần, trong 5 ngày.

*HO SUYỄN, KHÓ THỞ:  Hạt Cải 10gr, Tía tô 10gr, Kinh giới 5gr sao vàng, nấu ½ lít nước uống ngày 2, 3 lần.

*KHÀN TIẾNG, ĐAU CỔ:  Nước cốt Củ cải hòa với nước gừng, uống

122.  RAU CẢI BẸ

Tên khác:  Cải Xanh, Cải cay, Cải Dưa.  Hạt:  Giới tử

Tên khoa học:  Brassica juncea

1.     Tính vị:  Vị cay, hơi đắng, không độc.  Tính ấm  D

2.     Hoạt chất:  Có nhiều azote, sinapic acid.  Hạt có sinigrine, arachididic acid, men myoxine, protide, chất nhầy, chất béo…

3.     Dược năng:   Lợi khí, tiêu viêm, long đờm.

4.     Chủ trị:  Trị các chứng đàm tích, thông lợi kinh lạc.  Giới tử giúp khai vị và tiêu thũng.  Trị tức ngực, đầy hơi, ho đàm, suyễn nghịch, ứ huyết.  Trị cả các chứng ngoài da, nhọt độc.

5.     Xử dụng:  Rau luộc, xào hay nấu canh ăn rất ngon.  Có thể phơi khô nấu nước uống.  Hạt nấu nước uống, mỗi lần 6-10gr với nửa lít nước.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ HO ĐÀM:  Lá khô 6-10gr nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2 lần, trong năm ba ngày.

*TRỊ NHỌT ĐỘC:  Lá hay hạt giã nát, hòa với giấm chua, đắp chỗ sưng đau.

123.   QUẢ CÀ GHÉM

Có nhiều loại:  Xanh, Tím và Trắng.

Tên khác:  Bạch Già Tử.  Cà pháo, Cà xanh, Cà bát

Tên khoa học:  Solanum album (viride)

1.     Tính vị:  Vị ngọt, chát, không độc.  Tính ôn AAA

2.     Hoạt chất:  Có vitamin A, các chất khác còn đang nghiên cứu…

3.     Dược năng:  Giải nhiệt, tán phong (cà nén).

4.     Chủ trị:  Trị xích bạch điến, trúng phong, bán thân bất toại, phong hàn, răng chảy máu, sưng nướu răng và các chứng úng nước, thủy thũng.  Lá tươi trị các vết đao thương, vấp ngã và các chứng tràng phong, hạ huyết…

5.     Xử dụng:  Cà không nên ăn sống, tốt hơn nên để lâu, mới có tác dụng chữa bệnh.  Rễ và lá Cà phơi khô, nấu uống mỗi lần 15gr.  Trái cà nén càng để lâu càng tốt.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ XÍCH BẠCH ĐIẾN:  Cà to bổ đôi, chấm vào lưu huỳnh, chà xát chỗ bị bệnh, mỗi ngày 2, 3 lần.

*TRÀNG PHONG, HẠ HUYẾT:  Lá Cà ghém 15gr, chè Tàu 5gr, Cam thảo 5gr, nấu ½ lít nước uống mỗi ngày 2, 3 lần.

 124.   RAU CẦN TÀU

Tên khác:  Cần Tây, Cần Thái

Tên khoa học:  Apium graveolens

1.     Tính vị:  Vị ngọt, thơm, hắc, không độc.  Tính mát D

2.     Hoạt chất:  Có tinh dầu thơm, lemonene, silinene, một sesquitecpen, sedanolite và anhydride sedanonic…

3.     Dược năng:  Giải nhiệt, hạ khí, giãn thần kinh, lợi tiểu.

4.     Chủ trị:  Giúp tiêu hóa, điều hòa khí huyết.  Đặc biệt trị bệnh căng máu (huyết áp cao).  Trừ phong nhiệt, thành ruột.  An thần tĩnh trí, trị nhức đầu.  Điều kinh, trị xích bạch đới.

5.     Xử dụng:  Có thể ăn sống hoặc xào nấu với thịt, tôm cá.  Có thể phơi khô (âm can), nấu nước uống.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ CĂNG MÁU, NHỨC ĐẦU:  150gr Cần Tàu, thái nhỏ, xay với một lon Root Beer cho thật nát, chia làm hai phần uống trong ngày, nhưng phải uống cách nhật, 3 ngày là đủ.  Lâu lâu làm lại như vậy.

*ĐIỀU KINH, TRỊ XÍCH BẠCH ĐỚI:  Cần Tàu tươi 100gr, lá ngải tươi 30gr, Nghệ vàng cũng 30gr, nấu 1 lít nước, uống mỗi ngày 3 lần, trong 3 ngày.

125.    RAU DIẾP TRỜI- (BỒ CÔNG ANH)

Tên khác:  Bồ Công Anh, Mũi Mác:  Lá nhọn, Chỉ thiên

Tên khoa học:  Lactuca indica

1.     Tính vị:  Vị đắng, ngọt, hơi cay, không độc.  Tính mát D

2.     Hoạt chất:  Hoa có tinh dầu, fatty acids.  Lá có chất nhầy, choline, taraxasterol và levulin…

3.     Dược năng:  Sát trùng, tiêu viêm, giải nhiệt.

4.     Chủ trị:  Trị phù thũng, nhọt độc, đinh độc, tràng nhạc, sưng vú và các vết thương nhiễm trùng.  Giúp an thần, an dạ dầy, bổ Tim, nhuận huyết.

5.     Xử dụng:  Có thể ăn sống, luộc hay nấu canh ăn.  Nếu để khô, nên phơi âm can (trong bóng dâm cách nắng 1m)

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ VẾT THƯƠNG:  Lá giã nát pha chút muối, băng vết thương

*BỆNH DẠ DẦY:  Lá Diếp trời tươi 30gr, cải ngọt tươi 50gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2 lần, trong 5 ngày.

*SƯNG VÚ:  Bồ công anh tươi 30gr, Sài đất 20gr, lá quít tươi 10gr, nấu nửa lít nước, mỗi ngày uống 2 lần.

126.   RAU DỀN

Tên khác:  Hiện Thái

Tên khoa học:  Dền Xanh:  Amaranthus viride

Dền Tía:  Amaranthus tricolor

1.     Tính vị:  Vị ngọt, thơm.  Tính mát.  Dền Tía A.  Dền Xanh AA

2.     Hoạt chất:  Có chất màu, alcaloide, tannin, albumin, glucose…

3.     Dược năng:  Thanh nhiệt, lọc máu, lợi tiểu, an thần.

4.     Chủ trị:  Trị nhức đầu, hạ nhiệt, giúp tiêu hóa, lưu thông khí huyết, trừ nhọt lở.  Đặc biệt trị xung huyết, ứ huyết và căng máu (áp huyết cao).

5.     Xử dụng:  Luộc hay nấu canh ăn hằng ngày. Có thể phơi khô, nấu nước uống.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ CĂNG MÁU:  Dền Tía khô 15gr, lá Cối xay 10gr, hạt Muồng Láng 10gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2, 3 lần.

*LỌC MÁU:  Dền Tía khô 15gr, cỏ Mần Chầu 15gr, nấu nửa lít nước, uống hằng ngày.

*TRỊ NHỌT LỞ:  Hoa Dền Tía 20gr, hoa Mào gà 20gr, nấu 1 ly nước 100ml, rửa mụn.  Có thể giã sống, đắp vào chỗ sưng lở.

127.  KHOAI LANG

Tên khác:  Cam Thự, Hồng Thự

Tên khoa học:  Ipomea batatas

1.     Tính vị:  Vị ngọt, thơm, không độc.  Tính mát AAA

2.     Hoạt chất:  Có tinh bột, chất béo, sinh tố:  A, B, C, nhiều glucose, protein.  Dây khoai có adenine, betain, cholin.  Lá có chất nhựa tẩy.

3.     Dược năng:  Giúp tiêu hóa, nhuận trường.  Giải nhiệt.  Củ thêm sát trùng.

4.     Chủ trị:  Dây khoai Lang, vì có 1 hoạt chất giống như insulin, nên có thể trị đái đường.  Lá khoai Lang luộc ăn chữa táo bón.  Củ khoai lang trị các chứng lị, tiêu chảy, táo bón, trĩ lậu, thương hàn.

5.     Xử dụng:  Lá khoai Lang luộc hay nấu canh ăn.  Dây khoai lang nấu nước uống.  Củ luộc hay nướng ăn, có thể chắt lấy nước uống sống.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ KIẾT LỊ:  Ban sáng, lúc lòng không, ăn độ 100gr khoai Lang sống, cầm bệnh liền.

*TRỊ TÁO BÓN:  Trước khi đi ngủ, ăn một đĩa rau Lang luộc, hoặc dùng 100gr củ khoai sống giã lấy nước cốt uống lúc đói, ngày 2 lần.

129.  RAU MÁ

Tên khác:  Liên Tiền thảo

Tên khoa học:  Centella asiatica

1.     Tính vị:  Vị thơm, đắng, không độc.  Tính mát D

2.     Hoạt chất:  Có alcaloide, glucoside, muối picrate, muối chloroplatinate.

3.     Dược năng:  Cầm máu, giải nhiệt, sát trùng, lợi tiểu.

4.     Chủ trị:  Trị sốt rét nóng nhiều, máu cam, thổ huyết, khí hư, huyết bạch, tả lị.  Giúp sáng mắt, trị các chứng nhọt độc, sang lở, hốt hoảng.  Gan nhiệt.  Trị phụ nữ đau bụng máu.  Bổ Gan, điều hoà tạng phủ.

5.     Xử dụng:  Giã sống, pha đường uống mỗi lần 40-50gr.  Có thể luộc ăn, hay phơi khô  nấu nước uống, mỗi lần 20gr.

6.     Toa thông dụng:

*NHỌT ĐỘC, SƯNG ĐAU:  Nhai lá Má tươi, đắp trên chỗ sưng đau.

*KIẾT LỊ, NƯỚC TIỂU ĐỤC, SẠN THẬN:  Lá tươi giã lấy nước cốt, pha đường uống mỗi ngày 2 lần, trong 1 tuần.

*KINH HÀNH:  ĐAU BỤNG, ĐAU LƯNG:  Lá Má khô 20gr tán nhỏ, uống với nước nóng, mỗi ngày 2 lần lúc đói, trong 3 ngày.

130.  RAU MÃ ĐỀ

Tên khác:  Xa Tiền.  Hạt:  Xa Tiền Tử

Tên khoa học:  Plantago major

1.     Tính vị:  Vị ngọt, nhạt, không độc.  Tính mát A

2.     Hoạt chất:  Lá có aucubine, sinh tố C, K và muối kali, citric acid.  Hạt có chất nhầy, adenine, cholin, succinic acid, plantenolic acid và vài chất khác.

3.     Dược năng:  Thanh nhiệt, mát phổi, lợi tiểu, bổ âm, giúp ngủ ngon.

4.     Chủ trị:  Trị tê thấp, đi tả nóng, tiêu máu, sạn thận, mắt sưng đỏ, ho lâu ngày sưng khí quản, nhọt độc.  Lợi tinh cường âm, giúp đàn bà dễ có con.  Nuôi thỏ, đẻ rất nhiều con.

5.     Xử dụng:  Lá luộc hay nấu canh ăn vừa ngon vừa dễ ngủ.  Hạt nấu nước uống.

6.     Toa thông dụng:

*NHỌT ĐỘC:  Lá tươi giã nhỏ đắp chỗ đau, chóng vỡ mủ và mau lành.

*BÍ TIỂU TIỆN:  Hạt Mã đề 20gr, Cam Thảo lá 5gr sao vàng, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2, 3 lần.

*SẠN THẬN:  Xa tiền tử 100gr nấu 2 lít nước, cạn còn nửa lít, uống 2, 3 lần trong ngày, sỏi sạn có thể tan lần.

131.  RAU MỒNG TƠI

Tên khác:  Lạc Quỳ

Tên khoa học:  Xanh:  Basella viridis

Tía:  Basella rubra

1.     Tính vị:  Vị ngọt, nhạt, nhớt.  Tính mát AA

2.     Hoạt chất:  Có saponine, chất sắt, sinh tố A và sinh tố B.

3.     Dược năng:  Lưu thông huyết mạch, lợi tiểu, nhuận trường.

4.     Chủ trị:  Giúp mát máu, điều hòa khí huyết, thanh lọc dạ dầy và ruột, trị táo bón, chống tích tụ, trị đau mắt, sưng đau vú, huyết vận, huyết tụ.

5.     Xử dụng:  Luộc hay nấu canh ăn rất ngon.  Mồng tơi tía tốt hơn.

6.     Toa thông dụng:

*HUYẾT VẬN, HUYẾT TỤ:  Mồng tơi Tía giã nát, pha giấm thanh, đắp lên chỗ huyết vận, huyết tụ (ma cắn).

*ĐAU MẮT:  Trái Mồng tơi chín, ép lấy nước, nhỏ vào mắt, ngày 3, 4 lần.

*TRỊ TÁO BÓN:  Tối trước khi đi ngủ, ăn một đĩa rau Mồng tơi luộc.

132.  RAU MUỐNG

Tên khác:  Ứng Thái, Không Tâm Thái

Tên khoa học:  Ipomea aquatica, Ipomea reptans

1.     Tính vị:  Vị ngọt, nhạt, chát.  Tính mát AAA

2.     Hoạt chất:  Có tannin, albumin, chất béo, glucose, vitamin B1, B2, và C.

3.     Dược năng:  Giải nhiệt, thông máu, bổ máu, lợi tiểu, nhuận trường, giải độc.

4.     Chủ trị:  Giải tà khí, thêm tế bào thịt.  Trị các chứng đau dạ dầy, dạ dầy lở loét, xuất huyết, máu cam, kiết lị, đau bụng máu, đau bụng kinh.

5.     Xử dụng:  Ăn sống, luộc, xào, nấu canh ăn.  Có thể chắt lấy nước cốt uống hay phơi khô nấu uống.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ DẠ DẦY LỞ LOÉT:  200gr rau muống sống giã lấy nước cốt, pha 1 chút muối uống, mỗi ngày 2 lần, trong 5 ngày.  Có thể nấu canh thật nhừ, ăn trong hai bữa cơm trưa và tối, trong 2 tuần.

*TRỊ MÁU CAM:  100gr rau muống sống, giã lấy nước cốt pha chút đường uống, mỗi ngày 1 lần trong 5 ngày.

*TRẺ EM NÓNG CAO ĐỘ:   Rau muống sống 100gr giã lấy nước cốt, uống 2, 3 lần trong ngày, trong 1 tuần.

133.  RAU SAM

Tên khác:  Mã Xỉ Hiện

Tên khoa học:  Portulaca oleracaea

1.     Tính vị:  Vị chua, nhạt, không độc.  Tính hàn AA

2.     Hoạt chất:  Có sinh tố A, C, tannin, saponosite, men ureaza, protide, muối kali, oxalate acid.

3.     Dược năng:  Giải nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, nhuận trường.

4.     Chủ trị:  Trị các chứng kiết lị, ghẻ lở, ho ra máu, đàm máu, giun sán, nhất là giun kim.  Chữa sốt rét, nhiễm trùng sưng đau bộ phận sinh dục, ác sang nhọt độc.

5.     Xử dụng:  Luộc hay nấu canh ăn.  Có thể uống sống, mỗi lần 30gr.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ SƯNG ĐAU VÀ NHỌT ĐỘC:  Rau Sam tươi giã nát, đắp chỗ sưng đau, lở loét, mỗi ngày thay 1 lần.

*KIẾT LỊ, GIUN KIM:  Giã 30gr rau Sam sống, lấy nước cốt uống, mỗi ngày 1 lần, trong ba ngày liền.

CẤM KỊ:  Hay đi tiêu chảy, không nên dùng.

                Khi nấu canh không nên nấu với cá.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.