100 Cây Thuốc….

   9.  CÁC LOẠI HẠT

96.  HẠT BÍ NGÔ

Tên khác:  Bí Rợ, Bí Đỏ, Hoàng qua tử

Tên khoa học:  Semen cucurbitae, Semen peponis

1.     Tính vị:  Vị bùi, thơm, không độc.  Tính ôn  DD

 

2.     Hoạt chất:  Có tinh dầu, chất béo và hoạt chất peponosite.

3.     Dược năng:  Thông hơi, tán khí, lợi đại tiện và trung tiện.

4.     Chủ trị:  Trừ giun sán, thanh lọc dạ dầy.  Trợ ruột, thông tam tiêu, hạ đàm.  Bổ dương, thêm tinh dịch, trừ di tinh, hoạt tinh.

5.     Xử dụng:  Hột phơi khô, lột vỏ ăn.  Tốt hơn nên rang chín ăn, vừa thơm ngon vừa nhuận trường.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ GIUN SÁN:  Lấy 100gr hạt Bí lột vỏ, trộn chút đuờng ăn sáng lúc lòng không, trong 3 ngày liền.  Sán lãi bị say, sẽ ra hết.  Trẻ em dưới 10 tuổi ăn 50gr mỗi lần.

*CƯỜNG DƯƠNG:  Hằng ngày ăn 30gr hạt bí rang vừa cường dương vừa nhuận trường.

97.  HẠT CẢI

Tên khác:  La Bạc Tử

Tên khoa học:  Semen Raphani, Semen sativi

1.     Tính vị:  Vị  ngọt, te, thơm, không độc.  Tính bình D

2.     Hoạt chất:  Có tinh dầu và sulfure…

3.     Dược năng:  Tiêu thực, tan tà khí, hóa đàm, thông giọng.

4.     Chủ trị:  Trị các chứng suyễn và ho hen, đầy bụng, các chứng lị, nôn ói, ợ chua ăn không tiêu, đầy hơi, nhất là các chứng đờm tích.

5.     Xử dụng:  Hạt phơi khô, sao vàng, nấu uống mỗi lần chừng 10gr.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ HO LÂU NGÀY:  Hạt Cải 10gr, hạt Tía tô 10gr, hạt cải Bẹ 3gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 4, 5 lần, mỗi lần 3 thìa ăn canh.

*TRỊ ĐẦY BỤNG, NO HƠI:  Hạt Cải 10gr, củ cải 20gr, giã nhỏ, pha chút muối ăn.

CẤM KỊ:  Những người khí hư không nên dùng.

98.  HẠT CAU

Tên khác:  Binh Lang

Tên khoa học:  Semen Areceae

1.     Tính vị:  Vị chát, có chút độc.  Tính ấm D

2.     Hoạt chất:  Có tannin, oleine, các chất saccharose, galactane và hoạt chất arecoline chát.

3.     Duợc năng:  Giúp tiêu hóa và bài tiết, sinh dịch vị.

4.     Chủ trị:  Chủ trị giun sán, điều hòa cơ mô tiêu hóa.  Chữa các chứng viêm ruột kiết lị.  Đặc biệt chữa các chứng bệnh trẻ em:  Lở đầu, đờm dãi và sốt rét, đau bụng.

5.     Xử dụng:  Hạt phơi khô, nấu uống mỗi lần 3gr.  Có thể tán nhỏ, trộn với dầu ăn, chữa các bệnh ngoài da.

6.     Toa thông dụng:

*THUỐC TIÊU:  Hạt Cau khô 5gr, nấu nửa lít nước, sôi kỹ, cạn còn độ 1 chén, uống nóng, mỗi ngày 2 lần.  Có thể tán thành bột, pha nước sôi uống.

*LỞ ĐẦU, BỆNH NGOÀI DA:  Hạt Cau tán thành bột 5gr, hạt nhãn 5gr, hòa với dầu mè hay dầu lạc, bôi các chỗ sưng đau, lở loét.

99.  HẠT DÒNG DÀNH

Tên khác:  Chi Tử, Sơn Chi nhân

Tên khoa học:  Gardenia jasminoides, Fructus gardeniae

1.     Tính vị:  Vị đắng, không độc.  Tính hàn D

2.     Hoạt chất:  Có glucoside màu vàng gọi là gardenine, có tannin, tinh dầu và pectine.

3.     Dược năng:  Cầm máu, thanh nhiệt, lợi tiểu.

4.     Chủ trị:  Trị các chứng cảm sốt, miệng khát khô, đau cổ,  mắt đỏ, da vàng, khó tiểu tiện, kể cả các chứng máu cam, thổ huyết, đại tiện máu, lị máu, nhất là cao máu.

5.     Xử dụng:  Trái phơi khô, sao chín, nấu uống mỗi lần 10-15gr.  Trái tươi giã nhỏ pha chút muối đắp chỗ sưng đau.

6.     Toa thông dụng: 

*CĂNG MÁU:  Chi Tử 1 chỉ, Đào nhân 2 chỉ, hạnh nhân 4 chỉ giã nát rồi trộn đều với 1 trứng gà âm dương đã luộc chín,  chia thành 2 bánh.  Giã 7 hạt tiêu sọ, và 7 hạt gạo nếp, chia đều, nhét vào giữa 2 chiếc bánh trên, băng vào huyệt Dũng tuyền, nằm nghỉ chừng 2 giờ, bỏ ra.  Đây là Toa rất hiệu nghiệm trị Căng Máu.

*TRỊ NÓNG GAN, NÓNG TIM, VÀNG DA, VÀNG MẮT:  Chi Tử 15gr, Sâm Hoa kỳ 20gr, Cam thảo 5gr, nấu  nửa lít nước, uống ngày 2, 3 lần.

100.  HẠT GẤC

Tên khác:  Mộc Miết Tử

Tên khoa học:  Semen momordicae

1.     Tính vị:  Vị đắng, có chút độc.  Tính ôn D

2.     Hoạt chất:  Có tinh dầu, chất béo, protide, glucoside, tannin, sinh tố A và ít chất  men khác.

3.     Dược năng:  Thông lợi đại trường, tiêu tan thũng độc.

4.     Chủ trị:  Trị các chứng sưng vú, ung nhọt, quai bị và các bệnh hậu môn.  Dầu hạt gấc giúp các vết thương mau lành.  Uống dầu hạt gấc, bệnh nhân chóng lên ký.

5.     Xử dụng:  Hạt Gấc phơi khô, sao vàng, nấu uống mỗi lần 15gr.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ NHỌT ĐỘC:  Giã hạt Gấc pha với giấm, xoa bóp nhiều lần.

*TRỊ SƯNG VÚ:  Giã nhân hạt Gấc hoà với rượu đắp chỗ sưng, mỗi ngày thay một lần.

*TRỊ LÒI DOM:  Hạt Gấc giã nát, pha với giấm thanh, gói bằng vải, băng vào hậu môn, qua đêm bỏ băng.

101.  HẠT MÍT

Tên khác:  Mác Mi, Mác Mi Tử

Tên khoa học:  Semen Artocarpi

1.     Tính vị:  Vị bùi, thơm, không độc.  Tính ôn D

2.     Hoạt chất:  Có tinh bột, glucose, sinh tố A, chất béo, ít muối khoáng, và protid.

3.     Dược năng:  Tán khí, thông hơi, nhuận tràng, lợi trung tiện.

4.     Chủ trị:  Rửa ruột, đán tan thủy úng, giúp tiêu hóa, trị đau bụng khí, chướng hơi.  Bổ dương, thêm tinh dịch.  Lá mít trị tiêu chảy, ăn khó tiêu.  Giúp an thần và tăng sữa sản phụ.

5.     Xử dụng:  Có thể luộc, nướng hay rang ăn.  Tác dụng nướng và rang giúp dương hoá nhiều hơn.

6.     Toa thông dụng:

*ĐAU BỤNG KHÍ:  Ăn 5 đến 10 hạt mít luộc hay nướng, sẽ thông trung tiện, hết đau liền.

*TRỊ TÁO BÓN:  Tối trước khi ngủ, ăn 10 hạt mít luộc hay nướng với 100gr đậu lạc (phụng) uống 1 ly nước lọc.

102.  HẠT NA

Tên khác:  Hạt mãng cầu ta ( cả mãng cầu Xiêm)

Tên khoa học:  Granum Annonae

1.     Tính vị:  Vị đắng, có nhiều độc.  Tính nhiệt DD

2.     Hoạt chất:  Có tinh dầu, chất béo, các thứ acids:  Myristic, palmitic, stearic, arachidic và oleic.  Có một alcaloide gọi là anonine.

3.     Dược năng:  Sát trùng, tiêu viêm.

4.     Chủ trị:  Trị các bệnh ngoài da:  lở loét, nhọt độc.  Đặc biệt chữa trị các chứng có

trùng độc, như sâu chân, sâu quảng, nấm.

5.     Xử dụng:  Hạt phơi khô, đốt cháy thành than, tán nhỏ, pha với dầu ăn, bôi xức các chỗ sưng đau, lở loét.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ SÂU QUẢNG:  Hạt na phơi khô, đốt cháy, tán bột pha với dầu mè hay dầu lạc, băng vào chỗ lở loét, mỗi ngày thay băng 1 lần, cho tới khi khỏi bệnh.

*ĐẦU NGỨA, NHIỀU GẦU:  Hạt na khô, giã nát ngâm rượu hay nấu nước sôi, gội đầu.  Thường thường dùng 300gr cho 2 lít nước.

103.  HẠT NHÃN

Tên khác:  Lệ chi, Long nhãn tử

Tên khoa học:  Euphoria longana, Semen Euphoriae longanae

1.     Tính vị:  Vị chát, không độc.  Tính ấm DD

2.     Hoạt chất:  Có chất béo, saponin và tannin.

3.     Dược năng:  An thần, tán tà khí.

4.     Chủ trị:  Trị chứng đau bụng, đau lưng, xán khí, kém trí nhớ, hay hốt hoảng lo sợ.  Cũng chữa các chứng chốc lở, đứt tay chân.  Gội đầu sạch gầu.

5.     Xử dụng:  Hạt nhãn phơi khô, sao vàng, nấu uống, mỗi lần 10 hạt tới 15 hạt với nửa lít nước, uống ngày 2 lần.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ LỞ NGỨA NGÓN CHÂN HAY NGÓN TAY:    Hạt nhãn cạo vỏ đen ngoài, thái mỏng, phơi khô, tán bột, rắc vào chỗ lở ngứa rất mau lành.

*AN THẦN:  Hạt nhãn khô 10gr, lá dâu tằm khô 10gr (tươi 40gr) Cam thảo sao 5gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 3 lần.

104.  HẠT QUÍT

Tên khác:  Quất hạch, Kể cả hột các thứ cam

Tên khoa học:  Granum citrus deliciosae

 1.     Tính vị:  Vị đắng, te, không độc.  Tính ấm D

 2.     Hoạt chất:  Có tinh dầu thơm, chất béo, vài glucoside.

 3.     Dược năng:  Giúp tiêu hóa, thông hơi.

 4.     Chủ trị:  Trị xán khí, dương trụy và các chứng sưng ngứa và lở loét bộ phận sinh dục.  Nó còn giúp kiện Tì, trợ Gan và Thận.  Trừ các chứng thấp khí và hóa đàm.

 5.     Xử dụng:  Hột cam quít phơi khô, sao vàng, nấu nước uống, mỗi lần 50 hạt.

 6.     Toa thông dụng: 

*TRỊ SƯNG, SA BỘ PHẬN SINH DỤC (sa đì):  Hạt cam quít 10gr, nấu 2 bát nước, sôi kỹ còn 1 bát, uốngnóng.  Có thể dùng thêm 10gr hạt Vải càng tốt.

*HÓA ĐÀM:  Hột cam quít 10gr, gừng sống 20gr, nấu nửa lít nước sôi kỹ, pha chút mật, uống từ từ từng hớp một cách nhau giây lát.

 

105.  HẠT SEN

Tên khác:  Liên nhục

Tên khoa học:  Semen Nelumbonis nuciferae

 1.     Tính vị:  Vị ngọt, bùi, không độc.  Tính mát D

 2.     Hoạt chất:  Có tinh bột, đường raffinose, chất béo, protein, calcium, phosphore, chất sắt.

 3.     Dược năng:  Bổ Tì bổ Tâm, an định tâm thần.

 4.     Chủ trị:  Trị các chứng dị tinh, mộng tinh, bạch đới hạ, táo bón.  Chữa luôn trĩ nhiệt, nước tiểu đỏ.  Đặc biệt chữa chứng mất ngủ lâu ngày do thần kinh suy nhược.  Tim Sen vị đắng, mát, cũng thanh nhiệt và an thần, bổ Tim, trị áp huyết cao.

 5.     Xử dụng:  Hạt Sen nấu nước, nấu cháo, hoặc rang chín ăn, mõi lần 50-70 hạt.

 6.     Toa thông dụng:

*TRỊ MẤT NGỦ LÂU NGÀY:  Hạt Sen 50 hạt, lá Dâu tằm 15gr (tươi thì 45gr sao vàng)  Cam thảo 5gr, nấu nửa lít nước, sôi thật kỹ, còn 1 ly, chia làm 2 lần uống trong ngày.

*TRỊ HẠ HUYẾT (đi tiêu ra máu):  Tim Sen 15gr, chè Tàu 15gr, Cam thảo 3gr sao vàng, chế nước sôi, uống 2, 4 lần trong ngày.

106.  HẠT Ý RĨ

Tên khác:  Bo bo, Ngọc mễ, Cườm Ý rĩ

Tên khoa học:  Coix lacryma

 1.     Tính vị:  Vị ngọt, nhạt, không độc.  Tính mát D

 2.     Hoạt chất:  Có tinh bột, nhiều protein và glucose….

 3.     Dược năng:  Hạ khí, giải thấp nhiệt, lợi Trường Vị, bổ Tì tạng.

 4.     Chủ trị:  Giải trừ tà khí trong gân cốt, trị các chứng co giật, phong thấp và nhức mỏi, tê rần.  Cầm tả lị, các chứng lao lực, nhất là phế lao.  Có năng lực bồi bổ.

5.     Xử dụng:  Cách thông thường là nấu cháo ăn, mỗi lần 50gr, có thể nấu chung với các vị khác.

6.     Toa thông dụng:

*ĐẠI BỔ, HỒI XUÂN:  Hạt Ý rĩ 100gr nấu với giò heo, hầm thật nhừ, ăn mỗi ngày 1 lần trong 3 ngày.

*TRỊ PHONG THẤP, NHỨC MỎI:   Y rĩ 30gr, Thục đậu 30gr, nấu cháo thật nhừ ăn hằng ngày.

*TRỊ GIUN SÁN HIỆU NGHIỆM:  Rễ cây Ý rĩ khô 100gr, đổ 1 lít nước nấu sôi kỹ cho đến cô lại như cao, ăn ngon và tẩy giun rất mạnh.

CẤM KỊ:  Đàn bà mang thai, phải kiêng vị này.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.