Các công trình kiến trúc phục vụ môi sinh

Cao ốc cây trồng – kỷ nguyên mới của ngành nông nghiệp đô thị

Hoa màu, cây ăn trái không lâu nữa có thể sẽ được trồng trong những nhà kính với kích cỡ bằng những tòa cao ốc tại các trung tâm thành phố trên khắp thế giới – theo báo Daily Mail của Anh.

Phối cảnh một “cao ốc cây trồng” cao 54 mét tại thành phố Linkoping, Thụy Điển.
Phối cảnh một “cao ốc cây trồng” cao 54 mét tại thành phố Linkoping, Thụy Điển.

Ứng dụng công nghệ hệ thống trồng cây trong nước Verticrop do công ty Alterrus phát triển, tập đoàn thực phẩm của Anh Birds Eye và các nhà sản xuất lương thực đang nghiên cứu xây dựng “cao ốc cây trồng”, có thể cao đến hàng trăm tầng phục vụ sản xuất trái cây và rau củ. Đây là một nỗ lực nhằm giúp việc sản xuất nông nghiệp ngày càng bền vững, đạt hiệu quả kinh tế và đáp ứng nhu cầu đang ngày một tăng.

Các “nông trại thẳng đứng” này sẽ sử dụng hệ thống vun trồng và dưỡng cây tiên tiến nhằm chăm sóc thực vật bằng nguồn nước chứa chất dinh dưỡng, vì vậy loại bỏ nhu cầu sử dụng đất, đồng thời giúp khu vực thành thị bớt lệ thuộc vào nguồn thực phẩm được trồng và thu hoạch tại các vùng nông thôn. 1 mét vuông diện tích trồng rau thủy canh kiểu này có thể sản xuất hơn 80kg rau củ và một “cao ốc cây trồng” 25 tầng có thể cung cấp đủ rau quả cho khoảng 350.000 người.

Do nhiệt độ bên trong các nhà kính này được kiểm soát, công ty Birds Eye cho rằng những nông trại của họ sẽ gia tăng đáng kể sản lượng rau màu bởi vì chúng được trồng quanh năm. Bên cạnh đó, các cây được trồng trong môi trường khép kín nên sẽ tránh được việc sử dụng thuốc trừ sâu, vốn không tốt cho sức khỏe người dùng. Được biết, một số loại rau quả như cà chua và dâu tây được trồng bằng kỹ thuật trên đã có mặt tại nhiều siêu thị.

Hiện tại, nhiều “cao ốc cây trồng” đã được lên kế hoạch xây dựng hoặc đang trong quá trình xây dựng ở các nước Thụy Điển, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và thành phố Chicago của Mỹ. Vào năm 2014, kiến trúc này chắc chắn sẽ cung cấp một lượng lớn rau xanh và an toàn cho cư dân đô thị.

Mỹ sắp có tòa nhà “xanh” nhất thế giới

Tập đoàn dịch vụ tài chính PNC của Mỹ hy vọng có thể vượt qua những yêu cầu của chứng chỉ LEED Bạch kim – mức cao nhất dành cho những công trình sử dụng năng lượng hiệu quả theo tiêu chuẩn của Hội đồng Công trình Xanh Mỹ, với việc xúc tiến xây dựng không gian làm việc có lợi cho sức khỏe bằng thiết kế mới nhất với tên gọi The Tower. Cao ốc văn phòng này sẽ “mọc lên” cạnh tòa nhà trụ sở của PNC tại khu phức hợp PNC Plaza ở thành phố Pittsburgh (Mỹ).

Thiết kế sinh động của The Tower, do công ty kiến trúc Mỹ Gensler thực hiện, được nhận xét là đã thoát khỏi phong cách thiết kế truyền thống, vốn gắn liền với môi trường máy lạnh, và có mục tiêu đầy tham vọng là trở thành tòa nhà chọc trời có thiết kế “xanh nhất” hành tinh. Các nhân viên tương lai tại tòa nhà gồm 33 tầng này sẽ có cơ hội tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và không khí trong lành ngay cả khi đang ngồi trong văn phòng.

Vách kính kép có chức năng thông gió của The Tower .
Vách kính kép có chức năng thông gió của The Tower .

Tòa nhà The Tower có tổng diện tích xấp xỉ 74.322m2 với tổng kinh phí xây dựng lên đến 240 triệu USD. Việc giải phóng mặt bằng để phục vụ cho việc xây dụng tòa nhà này được triển khai từ mùa xuân năm 2012 và công trình được dự kiến hoàn thành vào mùa hè năm 2015.

Thông thường không gian việc tại các tòa nhà theo phong cách thiết kế châu Âu thường được đặt ở gần các cửa sổ, nhằm giúp nhân viên có thể làm việc dưới ánh sáng tự nhiên quanh năm. Do nhận thấy khí hậu ở Pittsburgh có khả năng gia tăng nguồn ánh sáng tự nhiên ở các khoảng trống giữa các tầng cũng như nhiệt độ khá ổn định, các nhà thiết kế của The Tower đã nảy ra ý tưởng tận dụng ưu thế trên bằng cách dùng một mặt dựng hoàn toàn bằng kính. Nó gồm 2 tấm kính dày được lắp đặt cách nhau một khoảng trống – nơi các luồng không khí bên ngoài có thể lùa vào bên trong tòa nhà những khi có gió – cơ chế được mô tả giống như tòa nhà đang “hít thở” thật sự. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tòa cao ốc này sẽ không cần dùng đến các hệ thống cung cấp ánh sáng và điều hòa không khí thường thấy ở những tòa nhà hiện hành.

Kết cấu sàn nhà cải tiến giúp The Tower ít tiêu hao năng lượng.
Kết cấu sàn nhà cải tiến giúp The Tower ít tiêu hao năng lượng.

Ngoài ra, hệ thống thông gió sử dụng năng lượng Mặt trời cũng là một đặc điểm giúp The Tower luôn trong trạng thái mát mẻ. Theo đó, hệ thống này sẽ hút luồng không khí vào trong thông qua các cửa sổ mở, thay vì đẩy không khí ra ngoài như thường thấy trong các tòa nhà cao tầng hiện tại. Kỹ thuật mới cho phép không khí di chuyển khắp các tầng và sau đó được hút ra ngoài qua các ống thông khí trên trần. Bên trong The Tower, các kiến trúc sư của Gensler thiết kế khoảng cách sàn nhỏ hơn nối giữa 2 tầng nhằm tạo điều kiện để các nhân viên giữa tầng trên và tầng dưới đi lại dễ dàng, hạn chế tối đa tình trạng sử dụng thang máy lên xuống nhiều lần. Kết cấu sàn này còn nhằm mục đích mang nhiều ánh sáng và khí trời vào bên trong tòa nhà.

Nhờ kết hợp kiểu thiết kế hiện đại của vách kính và sàn nhà, The Tower được dự đoán sẽ là cao ốc tiết kiệm đáng kể nhu cầu tiêu thụ điện năng dùng cho chiếu sáng và điều hòa không khí. Cụ thể, tòa nhà này sẽ tiêu thụ ít hơn 50% năng lượng so với một tòa nhà văn phòng thông thường và giúp PNC tiết kiệm ít nhất 30% trong tổng chi phí năng lượng mà công ty hiện phải chi trả – Phó chủ tịch điều hành và giám đốc Gary Saulson tiết lộ thêm.

Theo Báo Cần Thơ

http://www.khoahoc.com.vn/sukien/cong-trinh/

This entry was posted in Môi Sinh, Đời Sống. Bookmark the permalink.