Đi tìm 7 kỳ quan thế giới mới

Từ nhiều năm, 7 kỳ quan của thế giới cổ đại đã được truyền tụng rất nhiều, nhưng ngoài các Kim tự tháp ở Ai Cập, 6 kỳ quan còn lại chỉ còn là phế tích mà thời kỳ huy hoàng nhất của chúng chỉ tìm thấy trên các bức hoạ và tài liệu lịch sử. Phải chăng đã đến lúc cần tìm những công trình “mới” để thay thế? Những thành viên của tổ chức New 7 Wonders nghĩ vậy. Và họ đang tìm kiếm khắp địa cầu các kỳ quan đẹp nhất xứng đáng với danh hiệu “Tân kỳ quan thế giới”.

Đấu trường Colosseum (Ý)

Được xây dựng vào thế kỷ đầu sau Công nguyên, đấu trường Colosseum được xây bằng đá theo nhiều phong cách La Mã cổ, cổ điển, Doric, Ionic và Corinthian (các kiểu kiến trúc cổ của Hy Lạp), có sức chứa hơn 50.000 người, chia thành 3 tầng dành cho các tầng lớp dân chúng khác nhau vào xem các trận giác đấu. Trong suốt lịch sử của mình, Colosseum đã chứng kiến cái chết của hơn 9.000 con vật và hàng ngàn đấu sĩ giác đấu.

Tượng Moai trên đảo Phục Sinh (Chile)

Đảo Phục Sinh (Easter Island) nổi tiếng với 230 bức tượng người bán thân, quay lưng ra biển, mặt hướng vào trung tâm của đảo, với chiều cao dao động từ 1,8 đến hơn 6 mét, nặng từ khoảng 20 đến 82 tấn. Ngoài ra còn có hơn 394 bức tượng đang được điêu khắc ở các mỏ đá và khoảng 200 bức tượng khác nằm rải rác trên đường từ mỏ đá đến nơi cần dựng tượng. Tất cả các bức tượng được tạc từ một tảng đá nguyên khối, một số có “khăn vành” trên đầu, làm bằng xỉ núi lửa màu đỏ, cao khoảng 1,8 mét với đường kính lên đến 1,9 mét và nặng… 11 tấn.

Vạn lý trường thành (Trung Quốc)

Công trình nhân tạo duy nhất có thể nhìn thấy từ Mặt trăng này giống như một con rồng dài 6.700km trải dài từ đông sang tây, băng qua sa mạc, đồng cỏ, núi non (có nơi cao hơn 1.000 mét) và là chứng nhân về lịch sử, văn hoá, sự phát triển trong suốt 2.400 năm lịch sử của Trung Quốc. Hiện còn khoảng 20.000 tháp canh trên trường thành và 10.000 tháp canh hay truyền tin riêng biệt khác, số gạch đá của trường thành có thể xây dựng mười bức tường dày 1m, cao 5m vòng quanh trái đất.

Điện Kremli (Nga)

Khu Kremli là một diện tích 275.000m2, với trung tâm là quảng trường Sobornaya (quảng trường nhà thờ), bao quanh là các nhà thờ, cung điện, tháp chuông và rất nhiều tháp canh. Tất cả tạo thành một khối kiến trúc bề thế, nguy nga, sừng sững như một pháo đài lịch sử nhìn ra Quảng trường Đỏ tại Moskva.

Lâu đài Neuschwanstein (Đức)

Lâu đài Neuschwanstein là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất nước Đức và là thắng cảnh được chụp hình nhiều nhất, được xây dựng cuối thế kỷ 19 theo phong cách kiến trúc La Mã. Các phòng bên trong của lâu đài được trang trí và xây dựng theo nhiều lối kiến trúc khác nhau, từ Byzantine cho đến La Mã hay tân Gothic.

Đền Kyomizu (Nhật)

Nằm bên cạnh một dòng thác nhỏ, đền Kyomizu làm bằng gỗ cao 13 mét là một thắng cảnh nổi tiếng tại Kyoto, mang đặc trưng phong cách kiến trúc của Nhật với các cửa lùa và mái cong nhẹ. Ngôi đền nằm trong một không gian cực kỳ thanh tịnh, tuy làm toàn bằng gỗ nhưng lại trường tồn với thời gian và “sống sót” qua rất nhiều cơn động đất.

Kim tự tháp Giza (Ai Cập)

Tại Giza, ngoài Kim tự tháp Cheops còn có 2 Kim tự tháp nhỏ hơn là của vua Khafre và vua Menkaure. Trong các bức ảnh chụp 3 Kim tự tháp này thì Kim tự tháp của vua Khufu là cái lớn nhất, nằm ở giữa. Ngoài ra tại đây còn có tượng nhân sư Sphinx nổi tiếng.

Quần thể đá chồng Stonehenge (Anh)

Những khối đá có kích thước khổng lồ (một số khối nặng tới 45 tấn) và hình dạng bí hiểm (từ xa trông như những chiếc nanh lớn) ở Stonehenge cho đến nay vẫn là đề tài bất tận cho các cuộc nghiên cứu. Những chi tiết kỳ lạ và bí hiểm dẫn tới rất nhiều giả thuyết về sự ra đời của công trình, trong đó có cả giả thuyết về sự có mặt của người ngoài hành tinh.

Nhà hát con sò Sydney Opera House

Nhà hát con sò có chiều dài 185 mét, chiều rộng 120 mét được xây dựng trên Điểm Bennelong, nằm nhô hẳn ra cảng, nhìn qua cầu cảng Sydney nổi tiếng. Bên trong nhà hát có 1.000 phòng lớn nhỏ khác nhau, trong đó 3 phòng chính là: phòng hoà nhạc (2.679 chỗ ngồi), nhà hát opera (1.547 chỗ), sân khấu kịch (544 chỗ). Nhỏ nhất là nhà hàng Bennelong. Đây là một công trình không thể bỏ qua khi đến nước Úc.

Thành cổ Timbuktu (Mali)

Nằm ở rìa nam của sa mạc Sahara, cách sông Niger 20km về phía bắc, thành cổ Timbuktu thuộc Mali, một quốc gia Tây Phi, do tộc người di cư Tuareg xây dựng vào năm 1100 sau Công nguyên và sát nhập vào đế chế Mali từ cuối thế kỷ 13. Timbuktu từng là một trung tâm thương mại quan trọng, nổi tiếng về sự giàu sang với những đền đài cung điện tráng lệ trang trí bằng vàng thật. Tại đây có nhiều Thánh đường và cung điện rực rỡ. Nổi bật nhất là đền thờ Hồi giáo Djingareyber, được xây dựng bằng một nguyên liệu gọi là “banco”, một hỗn hợp của đất với rơm hoặc gỗ. Giáo đường San Core ở phía đông bắc Timbuktu nổi bật lên nhờ ngọn tháp hình Kim tự tháp, với những hoa văn kiểu Mauritania cổ.

Ý tưởng tìm kiếm những kỳ quan thế giới mới do nhà làm phim mê phiêu lưu của Thuỵ Sĩ, Bernard Weber, đưa ra. Ông bắt đầu thực hiện dự án này vào năm 2001, lập ra tổ chức Bảy kỳ quan thế giới mới (New 7 Wonders Foundation) với website New7Wonders.com và kêu gọi cư dân internet đề cử và bầu chọn những công trình đẹp nhất trên thế giới vào danh sách 7 Tân kỳ quan thế giới. Vào năm 200 trước Công nguyên, nhà triết học Philon đã tự mình chọn ra Bảy kỳ quan cổ đại. Nhưng Weber muốn làm công việc chọn lựa này một cách dân chủ hơn. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta đã có thêm nhiều kỳ quan mới. Nhờ có điện thoại và mạng internet, đây là lần đầu tiên toàn thế giới được tham gia bầu chọn”. Tiêu chí để một công trình được đề cử là phải do con người xây dựng lên, hoàn thành trước năm 2000 và đang được bảo tồn tốt. Mỗi châu lục phải có ít nhất một đại diện và mỗi quốc gia chỉ được có một công trình tham gia.

Hơn 20 triệu người đã tham gia cuộc bình chọn từ năm 2001 đến cuối 2005. Vào năm 2005, có tất cả 200 công trình và đền đài được đưa vào danh sách. Thông qua bình chọn, danh sách này giảm xuống còn 77 công trình và một Ban giám khảo gồm những kiến trúc sư tên tuổi quốc tế dưới sự lãnh đạo của cựu chủ tịch UNESCO, ông Federico Mayor, đã chốt lại 21 công trình vào vòng chung kết. Điều thú vị là, yếu tố thời gian đã được xoá nhoà khi mà Kim tự tháp Giza ở Ai Cập (được chọn là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại) một lần nữa lọt vào danh sách bình chọn 7 kỳ quan thế giới hiện đại, đứng ngang hàng với nhà hát Opera Sydney, một công trình được tạo nên nhờ kỹ thuật hiện đại.

Hiện nay, Weber cùng các đồng sự ở New 7 Wonders đang kết thúc nhiệm vụ đi khắp thế giới để tận mắt đánh giá về những kiến trúc đẹp nhất từng được xây dựng. Lịch trình của chuyến World Tour này đã được định sẵn và đăng tải trên website New7Wonders.com. Nhóm thực hiện chuyến World Tour bằng một phương tiện đặc biệt: một chiếc khí cầu khổng lồ màu xanh da trời tuyệt đẹp, trông giống như một con cá voi xanh. Tất cả 21 địa danh trong danh sách chung kết đều sẽ được Bernard Weber trao giấy chứng nhận ứng cử (certificate of candidacy) khi đoàn New 7 Wonders ghé thăm trong chuyến World Tour này.

Từ 5.9.2006, nhóm New 7 Wonders bắt đầu chuỗi hành trình từ thành cổ Acropolis ở Hy Lạp. Sau đó, cứ đều đặn khoảng một tuần, chiếc khí cầu màu xanh lại bay lượn nhiều vòng trên bầu trời của một địa danh, tạo nên một quang cảnh hoành tráng chưa từng có với các ứng cử viên của 7 Tân kỳ quan thế giới. Đến nay, nhóm đã đến thăm 12 công trình ở 12 nước khác nhau, từ nơi xa nhất ở Đông Á cho đến khu quần thể đá chồng Stonehenge ở Anh, hay ngôi đền Taj Mahal ở Ấn Độ. Công việc tìm kiếm 7 tân kỳ quan của thế giới, nói chung, là một công việc vất vả. Theo lịch, nhóm dành tháng 12 để nghỉ ngơi trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

Để tranh thủ cảm tình của nhóm New 7 Wonders cũng như của những người tham gia bình chọn, các nước có công trình lọt vào danh sách 21 kỳ quan vào chung kết đều ráo riết chuẩn bị những chiến dịch “Vote for me” (Bầu cho tôi). Nhóm Bernard Weber đã được nhà hát Sydney Opera House đón tiếp bởi những diễn viên trong trang phục biểu diễn của vở nhạc kịch Priscilla, Queen of the desert. Quần thể đá chồng Stonehenge thì gây ấn tượng với các vị khách “đặc biệt” bằng 50 vị tu sĩ trong những chiếc áo choàng dài màu trắng hát cầu kinh và nhảy múa, khấn nguyện những lời cầu chúc cho sự trường tồn của những tảng đá Stonehenge.

“Chúng tôi cho họ một cơ hội để tự trình diễn với những người bình chọn trên toàn cầu và với người dân của chính nước họ”, Tia Viering, nữ phát ngôn của nhóm N7W nói. “Họ chịu trách nhiệm về việc trình bày công trình của họ theo cách mà họ muốn chúng tôi xem nó”.

Buổi trình diễn tại đền Taj Mahal đánh dấu kết thúc chuyến đi châu Á – một chuyến đi với những điểm dừng chân tại Haghia Sophia ở Istanbul, Vạn lý trường thành ở Trung Quốc, và đền Angkor Wat ở Campuchia. Bắt đầu từ tháng 1.2007, nhóm đã tới châu Phi để thăm thành cổ Timbuktu trước khi ghé Petra ở Jordan và rồi quay trở lại những Kim tự tháp ở Ai Cập. Vào đầu tháng 2, họ đến Nam Mỹ với những điểm dừng ở Rio de Janeiro, Machu Picchu, Chichen Itza và đảo Phục Sinh (Easter Island).

Điểm đến cuối cùng trong chuyến World Tour của họ là nơi đặt tượng Nữ thần Tự do ở New York vào ngày 6.3. Công việc bình chọn sẽ tiếp diễn cho đến hết ngày 6.7, trước khi những công trình giành chiến thắng được công bố vào ngày 7.7.2007 – một ngày tháng được chọn cố tình để nhấn mạnh số 7. Và sau đó? Chúng ta sẽ chờ đợi xem những kỳ quan mới có phát triển nét đặc sắc của kỳ quan cũ không. Mà điều này phải chờ thời gian trả lời vào khoảng năm 4200.

Thục Phương

http://www.trunghocthuduc.com

This entry was posted in Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.