Nên giữ lòng tin như thế nào khi đi chùa gặp nhiều scandal ?

Hỏi: “Con thấy mình đang bị stress nặng. Tâm luôn xáo trộn, buồn vui lẫn lộn.

Con mong muốn bắt đầu việc tu tập để giúp tinh thần trở lại yên bình (Ảnh minh họa – nguồn internet)

Nhưng sự ám ảnh những cảm giác không tốt đối với cửa thiền như, kinh sách lộn xộn, tổ chức dường như rất khó hiểu và thêm nữa là sự xung đột phân chia quyền lực và có gì đó dường như là sự khác biệt mang màu sắc đẳng cấp….  trong cửa thiền và những chuyện scandal gần đây liên quan đến Phật giáo làm con có cảm giác thất vọng

Những điều đó là trở ngại vì lòng tin cảm giác như bị vơi đi. Tại sao mình được dạy về những lời nguyện sẽ cứu vớt con người thoát khỏi khổ đau? Vậy tại sao những người đang mỗi ngày tu hành thực hiện các hạnh Bồ-tát vậy mà còn đau khổ thì liệu mình sẽ làm được gì để giải thoát cho mình và gia đình?

Con mong những lời giảng của thầy sẽ xóa đi những vầng mây đen đang lởn vởn trong tâm con để con có đủ nhiệt huyết dấn bước vào con đường đạo.”

Đáp:

Chào Con!

Đọc những dòng chữ trên của Con, thầy hiểu những gì Con đang trải qua. Vâng, thật sự cảm giác thất vọng là điều khó tránh khỏi đối với một người mới bước vào cửa chùa như Con cùng rất nhiều người khác khi nhận ra những gì mình thường suy nghĩ, thường “cho là”, thường lí tưởng về cửa chùa lại không hề như vậy. Tất nhiên, Con có quyền thất vọng, có quyền đặt câu hỏi, có quyền yêu cầu đối với tình trạng đang diễn ra nơi thiền môn. Vì người Phật tử đã phát tâm cúng dường, phát tâm hộ trì Tam Bảo thì cũng đồng nghĩa khi đến cửa Tam Bảo sẽ được mang lại những giá trị tinh thần tương xứng với tấm lòng đó. Tuy nhiên, thầy xin chia sẻ đôi điều bằng cái hiểu, cái thấy của mình (mà thực ra đó cũng là điều thầy có thể làm được trong lúc này) về vấn đề Con nêu ra.

Thầy sẽ không làm công việc đi phân tích, đánh giá, bình phẩm những “kinh sách lộn xộn, tổ chức rất khó hiểu và thêm nữa là sự xung đột phân chia quyền lực và có gì đó dường như là sự khác biệt mang màu sắc đẳng cấp”. Vì lẽ công việc đó mất rất nhiều thì giờ, rất phức tạp, vả lại, từ từ Con cũng sẽ hiểu ra mà thôi (nếu Con vẫn đến chùa, vẫn quan sát, vẫn sẵn lòng tìm hiểu). Thầy chỉ muốn trao đổi cùng con đôi điều thế này:

– Nói về tổ chức thì không có tổ chức nào hoàn hảo cả. Vì tổ chức là do con người lập ra, nên nó sẽ xuất hiện với hình thức và tính chất như người lập ra nó. Và một điều hiển nhiên, những người trong chùa, đâu phải là qua khỏi cổng tam quan, cạo đầu, ăn chay là biến thành Thánh cả? Họ vẫn là những con người chỉ có điều đang trên bước đường tự hoàn thiện bản thân. Nghĩa là họ vẫn còn những lỗi lầm, những khuyết điểm, những sai trái, những bất cập như người thường. Do đó, tổ chức họ lập ra làm sao tránh khỏi những bất ổn được? Nói thế không phải để Thầy biện minh, cũng không phải để Con dễ dãi, mà để cho chúng ta thông cảm thôi. Thông cảm cho người được thì ta cũng đã phần nào làm cho tâm hồn mình thanh thản hơn, phải không ạ?

– Mặt khác, đâu phải ai vào chùa cũng hoàn toàn với thiện ý, thành ý? Câu nói của dân gian “Ở đâu cũng có anh hùng. Ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên” luôn đúng mà. Đôi khi, cũng cần xét lại: phải chăng vì mình không đủ duyên phước để gặp “anh hùng”, lại gặp toàn… trong khi “anh hùng” đâu phải không có, đâu phải hiếm. Coi chừng ta mắc phải lỗi “vơ đũa cả nắm”, đồng thời đóng bít cả cánh cửa dẫn đến những vị chân tu, những người đức hạnh vẫn còn đâu đó, vẫn ở quanh đây mà chỉ vì hơi vội vàng, hơi “cảm tính” nên ta không thấy đó thôi.

– Lại nữa, trong nhà Phật có dạy: “y pháp bất y nhân” nghĩa là nương theo giáo pháp chứ không nương theo người, dựa vào giáo pháp chứ không dựa vào người. “Người” ở đây chỉ cho những ai mang danh giữ gìn giáo pháp của đức Như Lai lại không thực hành, không chứng ngộ được giáo pháp ấy. Gặp những người như thế, ta không nên thắc mắc, không nên đôi co làm gì. Hãy cứ dựa theo những điều Phật đã dạy mà tu hành, mà thấy ra giá trị của con đường Ngài chỉ bày. Biết bao nhiêu thiết chế xã hội, biết bao nhiêu tôn giáo trên thế giới bị chung cái nạn ấy: người sáng lập, vị giáo chủ thì rất anh minh, đức hạnh, trong khi kẻ đi sau, kẻ làm theo lại hiểu sai, làm sai (cả vô tình và cố ý) nên đã khiến méo mó, dị dạng con đường, giáo lí cao đẹp kia.

Những điều thầy chia sẻ trên đây, Con đồng ý chứ ạ? Còn về vấn đề sau, Con nói: “Tại sao mình được dạy về những lời nguyện sẽ cứu vớt con người thoát khỏi khổ đau? Vậy tại sao những người đang mỗi ngày tu hành thực hiện các hạnh Bồ-tát vậy mà còn đau khổ thì liệu mình sẽ làm được gì để giải thoát cho mình và gia đình?” thì thầy không hiểu hết hàm ý lắm. “Mình” ở đây là ai ạ? Là những người trong chùa, hay là Con? Mà cho dù là ai chăng nữa thì rõ ràng rằng: nghe là một chuyện, hiểu là một chuyện và thực hành lại là chuyện khác. Ngày cả thực hành cũng còn phải xem thực hành đúng hay sai nữa kia. Bởi thế, đâu thể nói rằng cứ tu đi là hết đau khổ liền, tốt đẹp liền, giải thoát liền?! Có cái đích nào mà không phải đi đến bằng những con đường? Có con đường nào đi mà không phải trải qua thời gian? Có con đường nào mà chẳng năm ba ngả rẽ? Cho nên, đừng vội kết luận, đừng vội mong đến đích.

Nãy giờ thầy nói có lẽ đã nhiều, Thầy chỉ mong Con nếu đã có niềm tin bất diệt vào Đức Phật, vào giáo pháp của Ngài thì hãy cứ thản nhiên sống, điềm nhiên đi và an nhiên bước theo con đường đã chọn. Vấn đề là chính mình chứ không phải người khác, Con ạ.

Chúc Con nhiều điều an lành trong cuộc sống.

Nghiêm Thuận (NPT)

http://www.phathoc.net

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.