Năm Con Ngựa, Tản Mạn Vài Chuyện Ngựa

CON NGỰA SẮT CỦA PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG

Ở nước ta, vào đời vua Hùng vương thứ 6, tại làng Phù dổng, huyện Võ giàng, tỉnh Bắc ninh, có đôi vợ chồng nọ sinh hạ được một bé trai kháu khỉnh, khiến cha mẹ đúa bé rất vui mừng và hết lòng nuôi nấng để mong ngày sau nối dõi tông đường. Nhưng rồi sự vui mừng đó giảm dần đi để nhường chỗ cho sự lo âu, phiền muộn, vì không hiểu sao đứa bé suốt ngày chỉ nằm yên một chỗ, không cử động la khóc gì cả, mãi đến năm ba tuổi mà vẫn chưa biết nói và đi được bước nào. Cha mẹ bé đã đi cầu đảo nhiều nơi nhưng vẫn không hiệu quả.

Giữa lúc đó thì có tin giặc Ân đã tràn vào xâm lấn bờ cõi, thanh thế rất mạnh, đi tới đâu tàn sát dân lành tới đó, quan quân triều đình không chống cự nổi. Tin cấp báo bay về đến kinh sư, nhà vua rất lấy làm lo lắng, vội sai sứ giả đi rao truyền khắp nước để tìm người tài giỏi ra dẹp giặc. Khi sứ giả đi đến làng Phù đổng thì bỗng nhiên cậu bé nói trên ngồi nhổm dậy và cất tiếng nhờ cha mẹ đi mời sứ giả vào nói chuyện. Cha mẹ cậu bé lấy làm kinh ngạc, tưởng chừng như đang sống trong giấc chiêm bao. Nhưng với thực trạng rõ ràng trước mắt, cha mẹ cậu bé đi từ kinh ngạc đến vui mừng và cuối cùng, theo lời cậu bé, đi tìm sứ giả đến cho cậu ta tiếp kiến. Cậu bé nói với sứ giả về tâu vua cho đúc một con ngựa và một cây roi bằng sắt thật to lớn để cậu dùng đi đánh giặc. Sứ giả về tâu lại, nhà vua lấy làm lạ bèn cho đòi cậu bé vào chầu, sau đó cũng cho đúc ngựa và roi như lời xin của cậu bé. Khi đúc xong, toán thợ rèn đem ngựa đến, cậu bé vỗ vào đầu ngựa một cái, lập tức con ngựa đó nát ra từng mãnh vụn. Lần thứ nhì cũng thế. Đến lần thứ ba, triều đình trưng tập cả ngàn thợ rèn, thu gom hết sắt trong dân chúng, đúc một con ngựa và một cây roi cực lớn rồi hì hục khiêng đến sân chầu. Cậu bé trông thấy rất bằng lòng, lập tức vươn vai một cái, tự nhiên con người trở nên cao lớn hơn một trượng, đoạn từ biệt nhà vua, cha mẹ và mọi người rồi nhảy phóc lên mình ngựa, ra roi phi nước đại, không mấy chốc đã tới trận địa của giặc Ân. Cậu bé – mà lúc nầy đã trở thành một con người to lớn – thúc ngựa vào trận giặc, tới đâu ngựa phun lửa ra tới đó, còn cậu thì vung roi đánh tới tấp, bọn giặc ngả lăn ra chết, nằm ngổn ngang như rạ. Bỗng chiếc roi bị gảy, cậu liền vói tay nhổ cả một bụi tre làm vũ khí, tiếp tục tấn công quân giặc. Không bao lâu, toàn bộ quân giặc bị tiêu diệt sạch, nhưng rồi ngay sau đó, người con trai Phù đỗng cũng phóng ngựa đi luôn, đến núi Sóc sơn thì cả người lẫn ngựa đều bay thẳng lên trời, từ đó về sau không còn ai trông thấy nữa. Vua nhớ ơn, sai lập đền thờ ở làng Phù đỗng và phong tước là Phù đổng Thiên vương. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng Tư, dân chúng trong vùng mở hội linh đình để tưởng nhớ vị anh hùng đã có công cứu nước. Ngoài ra, dân gian còn có thành ngữ ỏVươn vai Phù đổngõ để chỉ một sự lớn mạnh phi thường, như cậu bé làng Phù đổng chỉ trong nháy mắt đã trở thành một con người vĩ đại.

NGƯẠ ĐÁ HAI PHEN PHÒ XÃ TẮC

Theo lối kiến trúc cuả nước ta ngày xưa thì mỗi khi xây dựng đền đài, lăng miếu để thờ các vị vua chúa hay các bậc vĩ nhân trong lịch sử, người ta thường tạc hình các ngưạ voi băng đá đặt trước sân chầu, có lẽ để cho các vị nói trên sai khiến như lúc còn sinh tiền vậy. Chiêu lăng, nơi thờ các vị vua nhà Trần ở Long hưng, chính là một trong những nơi như thế.

Sử chép rằng vào thế kỷ thứ 13, dưới triều đại nhà Trần, nước ta đã ba lần bị quân Mông cổ sang xâm chiếm, nhưng cả ba lần chúng đều thảm bại, phải từ bỏ mộng thôn tính nước ta như chúng đã thôn tính nhà Tống bên Tàu và nhiều nước khác. Để làm nổi bật chiến công hiển hách cuả quân dân ta dưới đời nhà Trần, thiết tưởng cũng nên biết qua về sự hùng mạnh của quân Mông cổ. Nguyên người Mông cổ thuộc giống rợ Đạt đát, ở về phía tây bắc tỉnh Hắc long giang bên Tàu. Đó là một giống người hung bạo, hiếu chiến, có tài cưỡi ngựa bắn cung và xông pha trận mạc. Truyền đến Thiết mộc Chân thì đã rất cường thịnh, ông ta bèn đại hội các bộ lạc và lên ngôi Đại hãn (như Hoàng đế), lấy hiệu là Thành cát tư hãn (Gengis Khan – 1206). Đến đời các Đại hãn A hoạt đài, Mông kha, Hốt tất liệt… thì vó ngựa của quân Mông cổ đã tung hoành khắp nơi trên hoàn vũ. Họ đã diệt nước Kim, bình nước Tống, đoạt Tây bá lợi á, vào Nga la tư, tiến thẳng đến bờ sông Danube; một đạo quân khác từ Ba lan tiến đánh thành Venise cuả Ý, khiến các nước Âu châu rúng động, gọi quân Mông cổ là hoàng họa (cái họa da vàng), hoặc cây gậy cuả Thượng đế. Cũng may là vì trong nước có biến, quân Mông cổ phải rút về nên các nước Âu châu mới thoát nạn. Nhưng cũng chính đạo quân hùng mạnh đó, ba lần sang chinh phục nước ta thì đều bị đánh tan không còn manh giáp. Lần thứ nhất (1257), tướng Mông cổ là Ngột -lương -hợp- thai, từ Vân nam theo đường sông Thao giang xuống đến tận Thăng long, vua tôi nhà Trần phải tạm thời triệt thoái để rồi sau đó phản công ở Đông bộ đầu, khiến quân Mông cổ phải chạy thất điên bát đảo. Lần thứ hai (1284), tướng Mông cổ là Thái tử Thoát Hoan thống lãnh 50 vạn quân, dùng kế “dĩ đồ diệt Quắc” (mượn đường nước Ngu mà đi đánh nước Quắc), giả tiếng mượn đường nước ta đi đánh Chiêm thành, nhưng kỳ thực là để thôn tính nước ta. Bị triều đình ta cự tuyệt, quân Mông cổ bèn tràn sang, thế như vũ bão. Quân ta phải tạm thời rút lui rồi sau đó đánh tan quân địch ở các trận Hàm tử, Chương dương, Tây kết v.v.. khiến Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho quân sĩ kéo chạy về Tàu. Lần thứ ba (1287). cũng lại chính Thoát Hoan quyết tâm sang đánh báo thù, mượn tiếng đưa Trần ích Tắc về làm An nam quốc vương, nhưng cũng như hai lần trước, lần nầy quân Mông cổ cũng bị quân dân ta đánh bại ở sông Bạch đằng, các tướng Ô mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc v.v..bị bắt, Thoát Hoan phải nhò bọn Trịnh bằng Phi, Áo lỗ Xích …hộ vệ mới chạy thoát được về bên kia biên giới.

Khi đã quét sạch quân Nguyên ra ngoài bờ cõi, vua tôi nhà Trần bèn đem bọn tướng giặc bị bắt vào làm lễ hiến phù ở Chiêu lăng. Nhân thấy các ngựa đá ở trước lăng, con nào chân cẳng cũng lấm đầy bùn đất, vua Trần Nhân tôn cho rằng nhờ khí thiêng sông núi nên đến ngựa đá cũng ra trận và góp phần đánh thắng quân thù, do đó Ngài xúc cảm làm hai câu thơ chữ Hán:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Ngựa đá hai phen phò xã tắc
Âu vàng muôn thuở giữ sơn hà)

(Ghi chú : Quân Mông cổ ba lần sang xâm chiếm nước ta, nhưng lần đầu có tính cách thăm dò. Hai lần sau mới thực sự ác liệt nên vua Trần Nhân tôn mới nói là “Ngựa đá hai phen phò xã tắc…”).

Chuyện ông già ở cửa ải mất ngựa (tái ông thất mã)

Theo sách Hoài nam tử cuả Lưu An  đời Hán (trong Hán văn tinh túy cuả Lãng Nhân) thì có một ông già ở cửa ải, một hôm bị mất một con ngựa qúy. Mọi người chung quanh đến hỏi thăm và chia buồn cùng ông, nhưng ông nói: “Biết đâu đó chẳng phải là cái may cho tôi?” (Thử hà cự bất vi phúc hồ?). Được vài tháng, con ngựa đó trở về, lại dắt thêm về một con ngựa Hồ rất tốt. Mọi người đến chúc mừng, nhưng ông lão lại nói: “Biết đâu đó chẳng phải là cái rủi của tôi?” (Thử hà cự bất năng vi hoạ hồ?). Sau đó không lâu, người con trai ông lão cưỡi con ngựa mới, bị nó lồng lên, hất cậu ta té xuống đất, gảy cả hai chân. Mọi người chung quanh đều đến chia buồn, nhưng ông lão lại nói: “Biết đâu đó chẳng phải là cái may cho gia đình tôi?” (Thử hà cự bất vi phúc hồ?) Một năm sau, có giặc Hồ tràn vào cửa ải, hầu hết trai tráng trong vùng đều chết vì giặc giã, riêng người con ông lão vì cớ gảy chân nên còn sống sót, cha con đều được an toàn. Rồi Lưu An kết luận :õõXem thế thì trong cái rủi có cái may, trong cái may có cái rủi, sự biến hoá không biết đâu là cùng và lẽ sâu xa không thể lường trước đượcõõ (cố phúc chi vi họa, họa chi vi phúc, hóa bất khả cực, thâm bất khả trắc dã).

Còn nhớ cách đây mấy năm, sau khi đến Mỹ, kẻ viết bài nầy có đi học một lơp Anh ngữ buổi tối dành cho người lớn tuổi, gặp cô giáo cho học một bài có nhan đề “We never know what will happen in life” (Chúng ta không bao giờ biết được điều gì sẽ xảy ra trong đời), nội dung y hệt như bài Tái ông thất mã trên đây, khiến tôi nghĩ rằng có lẽ người Anh (hay người Mỹ) dịch bài đó ra cho người bản xứ đọc để hiểu rõ cái lẽ họa phúc trên đời vậy.

Ngựa ký kéo xe muối (ký phục diêm xa)

Trong các loài ngựa, có ngựa kỳ và ngựa ký được gọi là thiên lý mã, vì mỗi ngày chúng có thể chạy được hàng nghìn dặm. Có một người họ Tôn tên Dương, tự là Bá Nhạc, sống dưới đời Tần Mục công, rất có tài xem tướng ngựa. Một hôm ông đi qua vùng Ngu bản, gặp một con ngựa ký già bị người ta bắt kéo một xe muối lên núi Thái hàng. Móng nó duỗi ra, đầu gối nó khuỵu lại, mồ hôi rỏ xuống đầm đìa. Giữa dốc nó thụt lùi, ráng đội càng xe lên nhưng không lên được nữa. Bá Nhạc trông thấy, xuống xe, ôm đầu nó mà khóc, cởi áo mà phủ cho nó. Nó cúi đầu xuống mà phì hơi, ngưỡng cổ lên mà hí, tiếng hí động tới trời như tiếng kim tiếng thạch. Vì sao nó phản ứng như vậy? Vì nó biết Bá Nhạc là ngươi thông cảm cho tình cảnh của nó.

Đời nhà Đường, văn hào Hàn Dũ có bài Thiên lý mã, đại ý như sau: Đời có Bá Nhạc rồi sau mới có thiên lý mã. Thiên lý mã thường có mà Bá Nhạc chẳng thường có. (Vì không có Bá Nhạc) cho nên dù là danh mã thì cũng chỉ bị nhục nơi tay kẻ tôi tớ, chết nơi xó chuồng máng cỏ mà thôi, chẳng bao giờ được nổi danh thiên lý. Ngựa mà đi được hàng nghìn dặm, mỗi lần ăn thường hết một thạch thóc. Người nuôi nó không biết cái hay thiên lý của nó nên không cho nó ăn đầy đủ, do đó tài nghề giỏi dắn không xuất hiện ra được, dẫu muốn cùng ngựa thường so sánh còn chẳng được thay, làm sao cầu cái hay nghìn dặm cuả nó? Quất nó chẳng đúng phép, nuôi nó chẳng hợp với tài cuả nó, bắt nó hí mà không hiểu được ý cuả nó rồi than phiền rằng: “Thiên hạ không có ngựa” (Thiên hạ vô mã dã). Than ôi! Kỳ thật không có ngựa ư? Kỳ thật là không biết ngựa vậy!(Ô hô! Kỳ chân vô mã da? Kỳ chân bất tri mã dã!). Đời sau có thành ngử “Ký phục diêm xa” (Ngựa Ký kéo xe muối), ám chỉ những ngươi có tài năng mà không được ai biết tới hoặc không được dùng đúng chỗ.

CHỈ HƯƠU NÓI NGỰA

Theo sách Sử ký cuả Tư mã Thiên (bản dịch cuả Nguyễn hiến Lê) thì sau khi Tần Thủy hoàng chết rồi, Thừa tướng Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao giả chiếu buộc Thái tử Phù Tô phải tự sát rồi lập con thứ là Hồ Hợi lên thay, lấy hiệu là Tần Nhị thế. Sau đó Triệu Cao tìm cách hãm hại Lý Tư để được lên làm Thưà tướng. Lúc nầy thế lực nhà Tần đã vô cùng suy yếu, bên ngoài thì lực lượng chư hầu đã làm chủ tình hình mà trong triều thì Triệu Cao chuyên hoạnh, không coi Tần Nhị thế ra gì. Y đã nuôi dã tâm làm phản, nhưng còn e ngại sự chống đối cuả quần thần nên tìm cách thăm dò thái độ cuả họ. Một hôm y hội họp các quan rồi dâng cho Nhị thế một con hươu, nhưng bảo đó là con ngựa. Nhị Thế cười nói: “Thừa tướng lầm đấy chứ! Sao lại gọi con hươu là con ngựa?” Rồi Nhị Thế hỏi các quan, nhiều người im lặng, nhưng cũng có người nói là ngựa để vừa lòng Triệu Cao, trong khi một số ít nói đó là con hươu. Triệu Cao bèn chú ý những người nói hươu để rồi tìm cách hãm hại. Từ đó ai nấy đều sợ Cao, đến nỗi y giết Tần Nhị thế và lập Tử Anh lên thay, tức là Tần Tam thế. Nhưng rồi y lại bị Tử Anh đâm chết ỏ trai cung trước khi ông nầy ra đầu hàng Lưu Bang và Hạng Võ. Cơ nghiệp nhà Tần đến đây là hoàn toàn chấm dứt

Khi vua Thủy Hoàng nhà Tần thống nhất Trung quốc, lên ngôi hoàng đế, đã tin tưởng rằng ông sẽ truyền ngôi cho đến vạn đời nên  lấy hiệu là Thủy hoàng (vị hoàng đế đầu tiên), đời con sẽ là Nhị thế, đời cháu là Tam thế và mãi mãi cho đến Vạn Vạn thế. Nhưng không ngờ chỉ trong vòng 15 năm thì sự nghiệp tan thành mây khói. Sở dĩ như vậy là vì ông ta đã thi hành một chính sách cai trị độc tài tàn bạo, đốt hết sách vở cuả thánh hiền, chôn sống hàng ngàn nho sĩ và áp dụng nhiều hình thức đàn áp nhân dân trong nước. Đời nhà Hán, Giã Nghị có làm bài Quá Tần luận, phê bình chính sách nhà Tần một cách nghiêm khắc và xác đáng. Đến đời nhà Đường, thi hào Đỗ Mục có bài phú về cung A phòng rất nổi tiếng (cung nầy do Tần Thủy hoàng xây dựng nên), trong đó có đoạn kết đáng làm bài học cho đời sau: “Ô hô! Diệt lục quốc giả, lục quốc dã, phi Tần dã. Tộc Tần giả, Tần dã, phi thiên hạ dã. Ta hồ! sử lục quốc các ái kỳ nhân tắc túc dĩ cự Tần; Tần phục ái lục quốc chi nhân tắc khả chí vạn thế nhi vi quân, thùy đắc nhi tộc Tần dã. Tần nhân bất hạ tự ai nhi hậu nhân ai chi; hậu nhân ai chi nhi bất giám chi, diệc sử hậu nhân nhi phục ai hậu nhân dã” (Than ôi! kẻ diệt sáu nước chính là sáu nước chứ không phải nhà Tần. Kẻ diệt cả họ nhà Tần chính là nhà Tần chứ không phải là thiên hạ. Ôi! nếu người sáu nước biết đoàn kết thương yêu nhau thì đủ sức chống cự nhà Tần (ý nói vì người sáu nước chia rẻ nhau nên bị nhà Tần tiêu diệt). Nếu nhà Tần biết yêu thương dân sáu nước thì có thể truyền ngôi đến vạn đời chứ ai diệt nhà Tần cho nổi? Người Tần không rãnh để tự thương cho mình mà để đời sau thương giùm cho họ. Người sau thương giùm cho họ mà không biết lấy đó làm gương thì lại khiến đời sau nữa thương cho đời sau đó vậy). Than ôi! Nếu các nhà làm chính trị đời nay mà rút được bài học đó thì có thể khỏi bị thân bại danh liệt, nhân dân nguyền rũa và để tiếng xấu cho đời sau.

This entry was posted in Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.