Cơn Sân Hận

“Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi đối diện với một người hay một điều kiện không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn, bất bình vì bị xúc phạm… nhân đó làm những chuyện sai trái. Sau cơn giận thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù. Hầu như ai cũng từng nổi giận, trong một thời điểm nào đó, với một mức độ nào đó.

Sân hận là biểu hiện cho năng lượng của tâm khi tham ái không được thoả mãn. Sở dĩ sân hận sinh khởi là do lòng yêu thích “cái ta” hay thích “cái của ta”. Nếu người ta mắng nhiếc, chê bai kẻ nào khác thời ta không thấy giận, nhưng nếu ai chửi bới hoặc khiển trách ta hay người thân của ta, hoặc làm tổn hại tài sản của ta lập tức ta cảm thấy khó chịu ngay. Khi khó chịu tăng dần thời sẽ trở thành nóng giận. Sân hận là cánh cửa mở vào địa ngục vì nó dẫn đến sự huỷ diệt bản ngã.

Nhưng nên nhớ rằng trên đời này không ai tránh khỏi bị khiển trách, bị chê bai, khó tránh khỏi miệng thế gian như Đức Phật đã từng đưa nhận xét trong Kinh Pháp Cú:

(Pháp Cú 227)
Người con Phật hãy nghe đây
Chuyện không phải chỉ đời này mà thôi
Từ đời xưa đã nói rồi:
“Làm thinh thời sẽ có người chê bai,
Nói nhiều cũng bị chê hoài,
Dù cho nói ít cũng người chê thôi”.
Làm người không bị chê cười
Thực là chuyện khó ở nơi cõi trần.

Trong quá khứ, trong tương lai và trong hiện tại chưa hề có người nào bị tất cả mọi người chê bai hay được tất cả mọi người khen ngợi, đúng như lời Đức Phật dạy:

(Pháp Cú 228)
Ở đời toàn bị chê bai
Hay toàn nghe tiếng người ngoài khen ta
Từ xưa chẳng thấy xảy ra,
Tìm trong hiện tại thật là khó sao,
Tương lai cũng chẳng có nào.

Nhưng vì bị chê bai mà nổi sân thời tai hại vô cùng vì lúc nóng giận thì con người không còn đủ bình tĩnh để tự kiểm soát hành vi và ngôn ngữ của mình. Khi sân hận phát khởi, nó có khả năng hủy hoại công đức và tâm an lạc. Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra.” Và: “Một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức.” Đức Phật khuyên: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các ngươi.”

Phải tu tâm để đạt tới “vô sân”. Vô sân là không nóng nảy, hết giận hờn. Chúng sinh bị qua nhiều kiếp sinh tử luân hồi chính vì không thắng nổi lòng sân. Chư Phật được tự tại, giải thoát, là do dứt trừ được lòng sân tận gốc. Điều khó nhất là diệt trừ phẫn nộ ngay từ trong tâm. Khi tâm chúng ta không còn nghĩ đến giận hờn thì tự nhiên cơn phẫn nộ sẽ không bộc phát.

Trong khi đốn cây để cất tịnh thất cho mình, thầy Tỳ kheo nọ vô tình làm tổn hại đến cái chồi non của một vị thần cây. Vị này nổi giận, muốn giết thầy nhưng kịp nghĩ suy nên kiềm chế được cơn sân hận của mình đang phát sinh. Ðức Phật tán dương và dạy:

(Pháp Cú 222)
Khi cơn giận dữ bùng ra
Ai mà ngăn được mới là người hay
Giỏi như hãm lại được ngay
Chiếc xe đang chạy chở đầy, phóng nhanh,
Nếu không thì bản thân mình
Cầm cương hờ hững tài tình gì đâu.

Đại đức Mục Kiền Liên hỏi thăm nhiều vị Trời nhờ công đức gì mà được tái sinh vào cảnh trời. Các vị này kể ra những hành động xem ra có vẻ không quan trọng lắm như chân thật, nhẫn nại và bố thí v.v… Khi ngài Mục Kiền Liên bạch hỏi Đức Phật vậy những hành động tuy nhỏ nhưng tốt lành có thể nào dẫn đến các cõi trời không, Đức Phật dạy:

(Pháp Cú 224)
Nói lời chân thật luôn luôn,
Dẹp cơn nóng giận dỗi hờn khó coi,
Dù ta có ít của thôi
Cũng chia bố thí cho người đến xin,
Nhờ ba việc tốt lành trên
Đưa ta đến cõi chư thiên, cõi trời.

Giảng về quả phúc của người cúng dường đến bậc hoàn toàn thanh tịnh, Ðức Phật dạy rằng cỏ dại làm hại ruộng vườn thời lòng sân hận cũng làm hại loài người. Vì vậy người nào diệt hết lòng sân hận thì người đó đáng được ngưỡng vọng và khâm phục:

(Pháp Cú 357)
Cỏ hoang làm hại ruộng vườn
Lòng sân gây hại nhiều hơn cho người,
Ai lìa sân hận được rồi
Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng
Hưởng về phước báu vô vàn.

Voi là một con vật quan trọng hàng đầu trong số những thú vật được con người huấn luyện để sử dụng. Giống như voi với sức mạnh có thể bứng gốc một thân cây, quấn vòi quanh thân cây ấy để mang đi dễ dàng, Đức Phật dạy rằng con người cũng có thể tạo cho mình tiềm lực vật chất, nghị lực tinh thần, lòng kiên nhẫn và sức mạnh, chẳng khác một con voi thuần thục. Luyện được lòng nhẫn nhục mới là khó:

(Pháp Cú 321)
Luyện voi dự hội, tài thay
Luyện voi vua cưỡi cũng hay vô cùng,
Nhưng mà nếu luyện được lòng
Luôn luôn nhẫn nhục, chẳng còn nổi sân
Khi nghe phỉ báng bản thân
Mới là điêu luyện, muôn phần tài hơn.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.