Triết lý và thực tiễn của Pháp môn Tịnh Độ – Phần IV

Phật thất viên mãn

Chúc mừng chư vị! Chúng ta có đầy đủ phước duyên tham gia Phật thất bảy ngày, công đức bảy ngày đến đây đã viên mãn, có gieo nhân ắt sẽ gặt được quả. Chúng ta gieo nhân xuất thế gian thì nhất định sẽ lìa khổ được an lạc. Chúng ta cùng nhau hồi hướng công đức niệm Phật bảy ngày đến tất cả chúng sinh đồng sinh về Tịnh độ.

Ngày nay, chư vị sẽ trở lại thế gian. Điều mà chúng tôi muốn nhắn nhủ cùng chư vị là phải luôn nhớ bài kệ cảnh tỉnh của ngài Duy-ma: “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, nào có chi vui. Đại chúng hãy cùng nhau tinh tấn, tu tập hết mình, nhớ đến vô thường, chớ nên phóng dật”.

Ngày mai đây, chúng ta về lại tổ ấm gia đình, trở lại công việc thế gian. Chư vị phải luôn nhớ rằng, mạng sống chúng ta mỗi ngày mỗi ngày trôi qua là tiến dần đến cái chết. Chúng ta phải luôn nghĩ mình như con cá đang ở trong một hồ nước vào mùa nắng hạn, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày nước cạn. Những con cá ở trong đó làm sao vui để mà sống được, vì mạng sống của chúng như đèn treo trước gió, có gì là vui! Chúng ta cũng như vậy, đã mang thân người tức phải chịu bốn quy luật, sinh, lão, bệnh, tử, không có một ai tránh khỏi định luật đó. Sự chết sống chúng ta nào ai biết được, mà chỉ biết rằng mình rồi cũng chết. Cổ đức có nói: “Sinh hữu kỳ, tử vô hạn” là vậy.

Phật dạy chúng ta cảnh đời này là vô thường, là giả tạm, thân này do Ngũ uẩn hợp lại mà thành, đủ duyên là hợp lại, hết duyên phân ly, không có gì là thật cả. Thân đã không thật, vạn vật trong vũ trụ này cũng không có gì trường tồn bất diệt, mà tất cả đang thầm lặng biến đổi không ngừng, đến một lúc nào đó rồi cũng bị diệt thôi. Cho nên, chư vị phải có Chánh kiến, thấy được thế gian là như vậy, để rồi làm sao? Để rồi phải cố gắng nỗ lực tu hành, không nên phóng dật như người thế gian. Chúng ta là đệ tử Phật, Phật nghĩa là giác là giác ngộ, giác ngộ về cái gì? Giác ngộ về vũ trụ nhân sinh là vô thường, vô ngã, thế gian này là khổ đau, tất cả vạn vật không có trường tồn, mạng sống con người như điện chớp, như sương sớm, như dây leo thành giếng, không thể trường tồn mãi. Phải giác ngộ như vậy thì mới có được tâm buông xả để lo chuyên niệm Phật. Người thế gian sở dĩ họ khổ đau cũng do chấp trước thân này là thật, tất cả đều là thật, cho nên lo tham đắm tạo nghiệp, rồi mãi mãi trôi lăn trong vòng sinh tử khổ đau, không ngày giải thoát. Còn chúng ta là người tu theo Phật pháp, phải nương theo chánh pháp mà giác ngộ.

Mai đây, chư vị về nhà rồi, cần phải luôn ghi nhớ những đều đó. Nhớ không được tham đắm như người thế gian, hãy mau mau công phu niệm Phật, phát tâm chí thành xưng niệm danh hiệu Phật. Bảy ngày công phu ở đây tuy rất ngắn ngủi, song cũng có thể giúp được chư vị phần nào trong việc phát khởi tín tâm mà niệm Phật. Thời gian trôi qua không có đợi chờ một ai cả. Mỗi ngày trôi qua là mạng sống giảm dần, chúng ta càng tiến dần đến cái chết. Cho nên, kính thỉnh chư vị hãy mau mau gấp rút tu trì, vì thân người khó được, một khi mất thân rồi biết có tìm lại được không. Chúng ta phải chí thành tin sâu, nguyện thiết niệm Phật, vì đời mạt pháp này, chỉ có niệm Phật mới giải quyết được sinh tử thôi. Chúc chư vị niệm Phật thành tựu vãng sinh, chúng ta hãy cùng nhau hẹn gặp lại tại thế giới Tây Phương vậy!

Nam mô A-di-đà Phật!

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo, Sách Truyện. Bookmark the permalink.