Góc phố đời người – Phóng Sự

Kỳ 3: Trái tim đường phố

Từ nhỏ chị đã lay lắt giữa hè phố. Nhờ những đồng tiền lẻ kiếm được, chị dần dần lo được cuộc sống cho mình. Và như mắc nợ với nơi đã cưu mang, bảo bọc cuộc đời mình, chị đã mang những số phận lề đường về chăm sóc, lo toan.

Gia đình chị Phùng Thị Huệ nghèo, nghèo lắm! Chị nhớ lại: “Nhà tôi đến 13 anh chị em, cả thời thơ ấu của tôi chưa biết một bữa ăn ngon là gì”. Từ nhỏ, chị đã phải ra ngồi ở góc chợ Vĩnh Thọ (Nha Trang) bán từng bịch trà đá để mưu sinh. Chị kể: “Thân gái, lại còn nhỏ nên tôi đâu có giành khách với người ta, hết người này bắt nạt lại đến người kia bắt nạt. Nhiều hôm đi bán về mà áo quần rách tả tơi, mặt mày xây xước do đám bán trà đá lớn tuổi đánh đập, xua đuổi. Những lúc gặp trời mưa, tiền bán nước không đủ trả tiền đá, tiền trà nên chỉ còn cách là đi gom rác, rửa chén thuê quanh chợ mong kiếm chút cơm thừa canh cặn”.

Đến những năm học cấp II, chị Huệ chuyển về ngồi ở góc chợ Đầm bán từng ly nước mía để có tiền đến trường. Chúng bạn biết chuyện, có người thông cảm, nhưng cũng nhiều lần chị đã phải khóc trước những lời khinh miệt của bè bạn. Chị tâm sự: “Lớn rồi nhưng tôi chỉ có mỗi hai bộ đồ, một bộ để đi học, một bộ để đi bán nước mía. Hôm nào trời mưa, áo không kịp khô tôi lại phải mặc bộ đồ nhàu nát để vô lớp.

Thấy chúng bạn quần áo tươm tất nhiều khi tôi không kìm được những giọt nước mắt tủi thân. Trưa đi học về ăn qua quýt cho xong chuyện là phải ra ngồi ở góc chợ đến tối mịt mới về. Nhiều bữa đói đến lả người nhưng tôi chỉ dám gặm một khúc mía sâu cầm hơi, còn khúc nào tốt thì dành ép nước để bán kiếm tiền phụ mẹ mua gạo lo bữa cho cả gia đình”. Màn đêm buông xuống, khi bè bạn cùng trang lứa đang say sưa bên trang sách thì chị vẫn còn ở vỉa hè với vác mía to nặng trên vai sau một ngày mưu sinh.

“Không giúp là có tội”

Cố vượt qua khổ cực để có cái chữ vào đời. Chị thi đậu vào trường sơ cấp y tế. Những ngày tiếp theo của chị vẫn là sáng vào trường, chiều ra góc chợ cùng xe nước mía. Chị lập gia đình, gia tài vẫn là hai bàn tay trắng. Với đồng lương của ngành y tế thời đó, cuộc sống của chị cũng chẳng thể khấm khá hơn. Lại thêm con cái ra đời, đôi vợ chồng trẻ nhiều khi tưởng chừng đã không thể vượt qua nổi buổi cơ hàn. Sẵn có nghề cũ, sáng vào cơ quan, tối chị lại treo đèn ngồi ở góc phố bán nước mía nuôi con. Suốt một thời gian dài, xe nước mía đã nuôi sống cả gia đình chị.

Cuối năm 1992, chị Huệ dành dụm được chút vốn mở một bàn vé số nơi vỉa hè trước nhà. Chị kể: “Mình ngồi bán đã thấy may mắn lắm rồi, cứ thấy thân phận bọn trẻ bán vé số dạo sao khổ quá. Ngày mưa cũng như ngày rét, chỉ có vỉa hè, gốc cây làm chỗ trú thân mà nhiều đứa đâu có vốn mà bán, đi vay mượn, lãi cắt cổ, bán được vé nào, chủ nợ thu lãi hết đồng đó”.

Không cầm lòng, chị kêu chúng về nhà và đưa vé số cho đi bán, cho dù có người biết chuyện đã khuyên ngăn: “Đưa vé số cho đám bụi đời đi bán thì có ngày ôm nợ vào thân!”. Trong số năm đứa trẻ lang thang đầu tiên mà chị cưu mang đã có vài đứa lấy vé số bán xong rồi ôm tiền bỏ đi. Đến khi tìm được, chị lại dỗ dành khuyên răn chúng như một người mẹ.

Sau bao năm “làm chủ” bàn vé số, đến năm 1997, chị chắt bóp để “nâng cấp” lên đại lý vé số. Số tiền dành dụm được bao lâu đáng lẽ để lo cho thân mình sau bao năm lao khổ, chị lại bỏ ra đi thuê một căn nhà ba tầng khang trang làm nơi ở cho những người không quen biết. Không chỉ bọn trẻ lang thang mà còn là những bà cụ già ốm yếu, tật nguyền, những phụ nữ tha phương cầu thực với con mọn trên tay. Chẳng phân biệt chủ khách, gia đình chị cùng sống chung với họ, ăn cùng mâm như một đại gia đình. Ai đến chị cũng đều vui vẻ nhận lời, miễn là người đó chí thú làm ăn. Cũng chẳng cần tiền thế chân, tất cả đều được phát vé số đi bán mỗi ngày.

Biết chuyện, một vị giám đốc công ty xổ số đã gọi chị lên và quát: “Tụi tui tiền tỉ đây mà chưa dám mạo hiểm như cô, nếu cô còn làm theo cách này thì chúng tôi sẽ không cho cô làm đại lý nữa, có ngày đi tù cả đám!”. Chị từ tốn đáp: “Mình có khả năng mà không giúp là có tội. Họ từ quê ra, nghèo rớt mồng tơi thì lấy đâu ra vài trăm ngàn để thế chân, thế chấp, chỗ đâu ngả lưng khi đêm về. Tôi đã từng lăn lóc trên hè phố nên quá hiểu cái khổ của người nghèo”.

Trả nợ vỉa hè

Có những lúc căn nhà ấy là nơi nương tựa của gần 500 cảnh đời khốn khó. Chị sắm cho họ từng cái mền, từng chiếc chiếu nhưng chưa bao giờ chị lấy một đồng tiền nhà. Ngày hai bữa ăn, mỗi bữa chị lấy 3.000 đồng, chị luôn bù thêm để bữa ăn của họ có chút cá chút thịt. Suốt 10 năm qua, ngày nào chị Huệ cũng thức dậy từ 3 giờ sáng để ra chợ lo cái ăn cho cả trăm con người trong “gia đình vé số”, rồi tất bật với việc phân chia vé số.

13% hoa hồng từ công ty xổ số, chị để cho người bán hưởng 12%; 1% còn lại để chi tiền điện nước, chi phí sinh hoạt chung cho “đại gia đình”. Bà cụ Nhung, người đã nương tựa trong nhà chị suốt mười năm qua, cho biết: “Coi vậy chứ chị Huệ nguyên tắc lắm, chưa bao giờ chị cho trẻ con đi bán cả, đứa nào vô đây thì chị nuôi ăn rồi tìm cách liên lạc người nhà vô rước về.

Nhiều người muốn về quê, chị cho tiền xe để về. Ai đau ốm thì chị nuôi cơm, ai vô viện thì chị lo tiền thuốc thang, viện phí. Mới đây, có bà cụ bệnh sắp chết nhưng nằng nặc không chịu về quê, đòi được chết trong nhà chị. Bà cụ ấy nói rằng cả cuộc đời chỉ có chị Huệ là thương bà nhất, không ngờ trên đường đời lang thang khất thực lại gặp một trái tim nhân hậu đến thế”.

Chị Huệ nói: “Đó là cách tôi trả nợ đời, trả nợ hè phố, nơi đã dạy tôi khôn lớn”.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.