Góc phố đời người – Phóng Sự

Kỳ 4: Rút ruột nuôi con

Mười hai năm ròng rã bám lấy góc phố để giành giật sự sống của con từ tay thần chết, cuối cùng người đàn ông ấy đã chiến thắng. Nhưng để làm được điều đó, anh phải vượt qua bao khó khăn giữa Hà Nội, thậm chí đặt cược đời mình với số phận.

Tên anh là Phạm Lê Hiệu, người ta vẫn thường gọi anh là Hiệu “râu”. Với nét mặt rắn rỏi, lại thêm bộ râu kẽm, cương nghị, gương mặt khắc khổ như định mệnh sinh ra để đứng mũi chịu sào, lo cho đàn con. Sau nhiều năm trong quân ngũ, năm 1982 anh Hiệu “râu” phục viên về lại quê nhà. Quê anh ở xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Những tưởng cuộc đời của anh từ đó êm ả, vui vầy với vợ con, nào ngờ sóng gió cũng bắt đầu từ đây.

“Con phải sống Hùng ơi!”

Năm 1983, đứa con đầu là Phạm Lê Mạnh đang khỏe mạnh thì bỗng dưng vàng vọt rồi yếu hẳn. Khi phát hiện chứng bệnh viêm cầu thận thì đã quá muộn, thằng bé không thoát được lưỡi hái của tử thần dù đã ra sức chạy chữa. Vừa chôn cất đứa con đầu lòng xong thì đứa con thứ là Phạm Lê Hùng bắt đầu lâm bệnh với những triệu chứng tương tự. Đó là năm 1989, Hùng vừa tròn 11 tuổi.

Không thể khoanh tay ngồi nhìn đứa con thứ hai ra đi, anh Hiệu khăn gói đưa con ra Hà Nội chữa trị. Từ đó, đều đặn mỗi tháng anh phải dắt con ra Bệnh viện Nhi trung ương một lần để khám và lọc thận. Những đồng tiền dành dụm được từ ruộng vườn, những đồ dùng trong nhà cũng lần lượt ra đi theo những chuyến khám bệnh của con. Căn nhà ở quê ngày càng trống mà bệnh tình của Hùng vẫn không hề thuyên giảm. Đến năm 1996, bệnh của Hùng trở nên trầm trọng hơn: viêm cầu thận cấp độ 4. Năm đó Hùng hết tuổi được miễn giảm viện phí, phải chuyển qua Bệnh viện Bạch Mai. Vậy là từ đó anh phải thuê nhà ở hẳn tại Hà Nội để chạy thận nhân tạo cho Hùng.

Gia cảnh suy kiệt, sức khỏe hao mòn, nhưng người cha vẫn động viên con: “Không thể dừng được. Con phải sống Hùng ơi!”. Và anh bắt đầu lao vào cuộc “chạy đua” với thần chết để giành lại sự sống cho con. Anh nói: “Nếu chết thì tôi phải chết trước con, tôi còn sống ngày nào thì nó phải sống ngày đó”. Để kiếm được mỗi tháng hơn 3 triệu đồng chạy thận cho con là chuyện “đội đá vá trời” đối với một người sống bằng nghề nông như anh Hiệu. Ruộng vườn ở quê thiếu bàn tay đàn ông nên khéo gói ghém lắm cũng chỉ vừa đủ cho người vợ ở nhà nuôi ba đứa em của Hùng.

Thương con, nhiều lần anh đã nghĩ đến chuyện lấy thận mình ghép cho con, nhưng khi hỏi biết được chi phí tốn cả hàng trăm triệu đồng, anh Hiệu thấy quá sức mình. Anh viết đơn gửi bệnh viện bày tỏ nguyện vọng xin được hiến toàn bộ thân thể mình hoặc bất cứ bộ phận nào dù đó là mắt, gan, tim, phổi… cho bệnh nhân nào cần đến, với nguyện vọng là có đủ tiền để Hùng được ghép thận. Song ý định cứu con như thế cũng không thể thực hiện được. Tình thế đặt người cha trước bước đường cùng…

Máu loãng cho con

Để có tiền duy trì sự sống cho con, anh Hiệu xin đi dọn vệ sinh ở bệnh viện, đổi lại anh được bắc cái bếp tổ ong ở góc khuất để cơm nước cho con. Nấu nướng chỉ là cái cớ, thật ra anh đang tính cho mình một lối ra. Nhận thấy nhu cầu cần nước sôi trong bệnh viện rất lớn, anh lén bảo vệ nấu nước chế vô phích rồi đem đi bán. Anh kể: “Tôi là người “khai sinh” ra chuyện bán nước sôi ở Bệnh viện Bạch Mai đấy.

Một phích nước bán được 500 đồng, mỗi ngày tôi cũng kiếm được 30.000 đồng”. Để kiếm được số tiền đó, hằng ngày anh phải dậy từ 3g sáng, gồng mình xách nước vượt rào, đi bộ vòng vèo để tránh bảo vệ. Bán trong bệnh viện vẫn không đủ, anh lại ra ngồi ở góc đường bán thêm. Bán miết rồi cái tên Hiệu “râu” trở thành Hiệu “phích” lúc nào anh cũng không hay.

Ngoài bán nước sôi trước cổng bệnh viện, anh Hiệu nhận làm bất cứ việc gì, miễn sao có đủ tiền kéo dài sự sống cho con. Ai kêu làm vệ sinh phòng anh cũng làm, ai kêu cõng bệnh nhân lúc giữa khuya anh cũng đi. Người thương thì cho năm ba ngàn đồng, ai không có thì anh cũng chẳng đòi hỏi. Đã vắt kiệt sức cố bằng nhiều cách, nhưng nhiều khi anh cũng không lo nổi cho con được chạy thận đủ liều mà chỉ chạy cầm hơi. Thấu hiểu gia cảnh của cha con anh Hùng, bệnh viện đã tạo điều kiện bằng cách cho anh mở một quán nước ở góc khuất cuối phố. Quán nước nghèo với chỉ mấy cái bánh và vài ly chè chén, nhưng nhờ vui vẻ, nhiệt tình nên có nhiều người đến ủng hộ cha con anh.

Từ ngày mở quán, công việc của anh lại càng bận rộn hơn. Một ngày mới của anh bắt đầu từ sáng sớm với những phích nước sôi, sau đó về trông nom quán nước. Tối lại lần mò ra chợ Đồng Xuân bốc thuê vác mướn kiếm thêm tiền. Ngoài ra, ai kêu móc cống, xếp gạch, phụ hồ…, việc gì anh cũng làm. Nhiều đêm khi anh về tới nhà thì trời cũng đã tờ mờ sáng. Làm lụng không nghỉ là thế, nhưng với căn bệnh của Hùng thì số tiền anh kiếm được cũng như gió vào nhà trống. Cảnh người cha nhịn đói cả ngày dành tiền lo cho con là hình ảnh thường ngày đối với bà con quanh bệnh viện.

Không chỉ gồng mình với những công việc nặng nhọc, những lúc thấy con suy sụp, người cha lại ôm con vào lòng âu yếm và hôm sau gồng mình rút từng giọt máu loãng còn lại cho con. Suốt 12 năm ròng, không biết Hùng đã nhận của cha bao nhiêu lít máu, nhưng chỉ biết mỗi khi da của người con hồng lên cũng là khi thần thái người cha xanh hơn bấy nhiêu. Rút ruột nuôi con bệnh chưa đủ, anh Hiệu lại về quê đón con trai út ra Hà Nội học. Rồi đến lượt hai cô con gái hết cấp III cũng lần lượt ra Hà Nội, đứa thì học nghề, đứa lại vào cao đẳng. Trước chỉ lo cho Hùng, nay lại thêm ba đứa nữa, tiền bệnh viện, tiền ăn, tiền trọ, tiền học…, mọi thứ đều dồn lên đôi vai gầy guộc của người cha nghèo khó. Để có thêm thu nhập, anh xin nuôi heo ở khu nhà trọ, để có thức ăn cho heo cứ tối tối anh lại đi bới từng giỏ rác trên vỉa hè để tìm cơm nguội; hay những ngày giá rét, anh cũng phải trầm mình giữa lòng hồ hôi hám để vớt bèo nuôi heo.

Cuộc chiến đấu với thần chết tưởng chừng đã đến hồi kết khi đứa con đau ốm của anh có được thẻ bảo hiểm. Phần thắng như đã thuộc về nghị lực kiên cường của người cha. “Tôi định bám lấy góc đường này vài ba năm nữa để lo nốt cho con Yến, thằng Hiếu rồi về quê bế cháu, nhưng…”. Ai ngờ anh lại vừa nhận được hung tin: người vợ nơi quê nhà của anh đã mắc bệnh ung thư. Người cha kiệt sức ấy lại phải lao vào một cuộc chạy đua mới, không biết liệu lần này người đàn ông 54 tuổi đó có thắng nổi tử thần…

________________________

Một người khắc chữ lưu niệm, một người sửa viết máy trên hè phố, bao nhiêu năm nuôi cả gia đình. Mơ một căn nhà chật hẹp để nương thân khi già yếu nhưng vẫn mãi là giấc mơ.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.