Người Tây Tạng Nghĩ Về Cái Chết: Người Chết Đi Về Đâu – Chương I

3.      Về Năm trí:

a. Pháp giới trí:

Pháp thân vốn không có hình tướng, là thực tại cuối cùng của chân lý, của pháp giới; nó cũng được xem là mầm mống tiềm tàng của chân lý. Trong luận vãng sanh mô tả rằng, pháp thân sẽ lóe sáng trong ngày đầu của thân trung ấmnhư là một thứ ánh sáng màu xanh dương tốt đẹp của đức Phật Ðại Nhật, vị Phật là hiển lộ thế giới vật chất, làm cho thế giới ấy trở thành có hình tượng, có thể trông thấy được. Nói “pháp giới” là để tượng trưng cho thế giới vật chất giả hợp thành hình tướng. Từ vật chất giả hợp hiện ra các sanh vật của thế giới này và của tất cả các thế giới. Trong các sanh vật ấy thì sự ngu độn của cảnh giới súc sanh là nổi bật, ảo giác hay sự mê lầm về hình tướng bắt đầu tạo tác, làm nên các cảnh giới của vòng luân hồi, cũng như cảnh giới tri thức của loài người, mà muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào đó thì chỉ có Niết-bàn. Khi một người cố gắng đạt đến sự hoàn hảo bằng vào sự tu tập đúng hướng trong suốt đời sống của mình, thì sự ngu độn của thú tính kia và ảo tưởngvề hình tướng hay sự chấp ngã đều được chuyển hóa thành cái biết đúng đắn, thánh thiện; cái trí thâm nhập khắp Pháp giới – Pháp giới trí – đó sẽ lóe sáng trong tâm thức người ấy.

b. Ðại viên cảnh trí:

Giống như vật chất giả hợp chói sáng trong thân trung ấm vào ngày thứ nhất tạo ra các vật thể, yếu tố nước sẽ chói sáng trong ngày thứ hai tạo ra dòng sinh động là máu. Sự giận dữ và sự đam mê của nó thường làm mở ám tâm trí. Ý thức giả hợp với tâm sân hận, hai yếu tố này một khi được chuyển hóa thì sẽ trở thànhÐại viên cảnh trí, được nhân cách hóa thành Kim Cang tát-đỏa, là ánh sáng phản chiếu trong báo thân của đức Phật Bất Ðộng.

c. Bình đẳng tánh trí:

Trong ngày thứ ba, yếu tố đất – vốn tượng trưng cho các chất rắn chắc đã cấu tạo thành hình thể con người và mọi hình dáng của vật chất – làm phát sanh ra sự kiêu mạn. Xúc giác giả hợp với tâm kiêu mạn, hai yếu tố này một khi được chuyển hóa thì sẽ trở thành Bình đẳng tánh trí, được nhân cách hóa thành đức Phật Bảo Sanh.

d. Diệu quan sát trí:

Trong ngày thứ tư, yếu tố lửa – tượng trưng cho mọi nguồn năng lượng của người và động vật – làm phát sanh ra sự đam mê tham luyến, sự thèm muốn, hay tâm tham dục. Sự chuyển hóa tâm tham dục sẽ trở thành Diệu quán sát trí, được nhân cách hóa thành đức Phật A-di-đà là đức Phật có ánh sáng vô biên, soi sáng khắp thế giới.

e. Thành sở tác trí:

Trong ngày thứ năm, yếu tố gió, hay sự chuyển động của không khí – yếu tố đã tạo thành hơi thở và sự chuyển động của cuộc sống – tạo ra sự ganh ghét. Sự chuyển hóa tâm ganh ghét này sẽ trở thành Thành sở tác trí, được nhân cách hóa thành đức Phật Bất Không Thành Tựu.

Sự hoàn hảo của nguyên lý tư tưởng thánh thiện dẫn đến sự bất thối chuyểnthánh thiện, được tượng trưng bằng đức Phật Ðại Nhật. Sự hoàn hảo của những đặc tính tốt đẹp được tượng trưng bằng đức Phật Bảo Sanh. Và sự hoàn hảo của những hành động thánh thiện được tượng trưng bằng đức Phật Bất Không Thành Tựu.

Ðược mô tả giống như trong một kịch bản, người chết liên tiếp nhìn thấy từ cảnh này đến cảnh khác, mỗi cảnh trình diễn một thuộc tính thánh thiện hay nguyên lý bẩm sanh vốn có trong mọi thực thể con người, để thử thách từng người và làm bộc lộ rõ một phần nào đó trong tâm thức của họ đã được phát triển như thế nào. Sự phát triển trọn vẹn Năm trí hay 5 năng lực giác ngộ được nhân cách hóa thành hình tượng 5 vị Phật, dẫn đến sự giải thoát, hay sự thể nhập Phật tánh. Sự phát triển từng phần sẽ đưa đến sự tái sanh trong một cảnh giới cao hơn trong lục đạo, chẳng hạn như cõi trời, hay cõi người…

Sau ngày thứ năm thì các cảnh được nhìn thấy của thân trung ấm sẽ trở nên mỗi lúc một kém thánh thiện hơn. Người chết càng ngày càng chìm trong bùn lầy ảo tượng luân hồi. Ánh sáng lóe chiếu  cũa những bản chất thánh thiện tự xóa mờ dần thành ánh sáng của bản thể hạ đẳng. Lúc bấy giờ, giấc mộng sau cái chết chấm dứt theo sự tiêu tan của tình trạng chuyển tiếp, đối với người nhận biết nó. Vì các tưởng tướng được tích chứa trong tâm thần, tất cả đều đã hiện ra như các quá tượng của một cơn ác mộng, nên người chết từ trạng thái chuyển tiếp bước dần sang trạng thái giả dối, tức là sự tái sanh vào thế giới loài người, hay một trong nhiều cảnh giới của lục đạo.

Vòng bánh xe của cuộc luân hồi cứ xoay vòng liên tục như thế cho đến khi nào kẻ dính mắc vào đó có thể tự mình dứt bỏ được các mối dây ràng buộc, nhờ vào sự giác ngộ mà đi đến chổ chấm dứt mọi đau khổ, ràng buộc.

Một điều cần lưu ý nữa là, quyển sách này sẽ được tiếp nhận một cách dễ dàng hơn nếu như người đọc đã tìm hiểu qua các hình thức tang lễ của xứ Tây Tạng cùng với những ý nghĩa tượng trưng của chúng. Phần sau đây sẽ trình bày một cách tóm lược để giúp người đọc có được một cái nhìn khái quát về vấn đề này.

Sau khi các triệu chứng của cái chết đã hiện ra như được mô tả trong những trang đầu của sách, người ta lấy một tấm drap trắng phủ lên mặt người chết. Lúc bấy giờ, sẽ không ai động chạm đến thân thể người chết nữa, để cho tiến trình của cái chết không bị gián đoạn, bởi vì tiến trình này chỉ chấm dứt khi thân trung ấm hoàn toàn ra khỏi xác thân. Người ta tin rằng tiến trình này được kéo dài bình thường từ ba ngày rưỡi đến bốn ngày. Nếu không có sự giúp sức của một vị tu sĩ thì người chết thông thường phải trải qua trọn thời gian ấy mới biết là mình không còn có thân người nữa.

Vị tu sĩ đến làm công việc giúp sức cho người chết được người Tây Tạng gọi làPhô-ô. Khi vị này đến, ông ngồi trên một chiếc chiếu hay trên một chiếc ghế đặt bên cạnh đầu của người chết. Những thân thuộc của người chết đều phải ra khỏi phòng đặt tử thi và đóng hết các cửa sổ, cửa ra vào lại để giữ yên lặng trong khi tiến hành việc giúp thần thức ra khỏi xác thân.

Vị Phô-ô làm việc này bằng cách tụng đọc kinh điển có ý nghĩa chỉ dẫn cho người chết hướng về cõi Cực Lạc ở phương tây của đức Phật A-di-đà để thoát khỏi trạng thái phải mang thân trung ấm. Vị này khuyên dạy thần thức trong lúc thoát xác đừng quyến luyến tài sản, thân quyến. Sau đó, vị này quan sát trên đỉnh đầu của người chết, nơi giao tiếp giữa hai phần của đỉnh sọ gọi là cửa Brahma, để xác định sự thoát ra của thần thức. Nếu đầu của tử thi không bị hói thì vị này sẽ nhổ đi một ít tóc ở vị trí này. Nếu người chết do tai nạn hay vì một lý do nào khác mà thi hài không có tại nơi hành lễ thì vị này phải tập trung tinh thần, quán tưởng cho đến khi có thể nhìn thấy thân người chết như thật, rồi mới gọi thần thức người ấy đến để khuyên dạy và tiến hành cuộc lễ trong khoảng một giờ.

Vào lúc ấy, một vị Lạt-ma giỏi về chiêm tinh được gọi là Tsi-pa, sẽ được mời đến để quyết định về giờ giấc sẽ di chuyển thi hài người chết, cũng như việc phải đặt thi hài như thế nào là tốt nhất, đồng thời xác định cả giờ giấc và phương thức tiến hành tang lễ, cùng với các nghi thức để có lợi cho người chết.

Thi hài người chết thường phải được cột trong tư thế ngồi, giống như tư thế của những bộ xương hay xác ướp đã được tìm thấy trong các ngôi mộ rất xưa ở nhiều nơi trên thế giới. Tư thế đó được gọi là hình phôi thai, tượng trưng cho sự tái sanh vào một đời sống khác. Sau đó, thi hài được đặt trong một góc phòng của người chết, không phải là góc phòng của vị thần nhà.

Bạn bè và thân quyến của người chết tụ họp trong nhà và ăn uống ở lại đó cho đến khi nào thi hài người chết được mang đi. Nếu việc thần thức hoàn toàn thoát ra khỏi xác thân chưa được vị Phô-ô xác định chắc chắn thì chưa được động chạm đến thân người chết trước ba ngày rưỡi hoặc bốn ngày sau khi chết. Trong khi vẫn còn người đến dự tang lễ thì người ta tiếp tục cúng cơm cho người chết vào mỗi bữa ăn. Thức ăn được đặt trong một cái bát để trước thi hài, và sau khi tin rằng người chết đã hưởng hết phần tinh túy vô hình của thức ăn, người ta mang thức ăn ấy đổ đi.

Sau khi thi hài người chết được mang đi rồi thì một bức ảnh của họ được thay thế vào đó, và trước bức ảnh ấy, người ta tiếp tục dâng cúng thức ăn cho đến hết một thời gian là 49 ngày. Ðây chính là quảng thời gian mà thần thức được tin là phải trải qua giai đoạn mang thân trung ấm.

Trong lúc tiến hành tang lễ, tập Luận vãng sanh này được tụng đọc trong nhà người chết, hoặc tại nơi họ đã chết. Các vị Lạt-ma luân phiên nhau tụng đọc suốt đêm ngày để giúp cho thần thức người chết hướng về cõi Cực Lạc phương tây của đức A-di-đaø. Việc cầu nguyện cho người chết cũng được tiến hành tại ngôi chùa mà lúc sanh tiền người chết thường lui tới, và thường là do các tu sĩ chùa ấy tổ chức.

Sau lễ an táng, các vị Lạt-ma vẫn còn trở lại nhà người chết mỗi tuần một lần để tiếp tục tụng đọc Luận vãng sanh cho đến hết thời gian 49 ngày.

Người chết thường được vẽ hình ngồi trên một chiếc ghế gỗ với quần áo tươm tất. Trước mặt bức ảnh này, người ta đặt một hình vẽ khác gọi là Spyang-pu. Trong hình Spyang-pu có vẽ tượng trưng hình người chết ở giữa, hai chân được cột lại trong tư thế sùng kính, chung quanh có những vật biểu tượng cho năm đối tượng tuyệt hảo của các giác quan: thứ nhất là một cái gương soi, biểu tượng cho thân, phản ảnh các hiện tượng và cảm giác, nhất là thị giác; thứ hai là một cái vỏ ốc, thức ba là một cái đàn 7 dây, hai vật này biểu tượng cho âm thanh; thứ tư là một cái lọ hoa, tượng trưng cho khứu giác; và thứ năm là các áo quần bằng lụa và đồ trang sức với lọng che trên đầu, tượng trưng cho xúc giác. Các món ăn dâng cho người chết đều để trước ảnh này, và các vị Lạt-ma xem ảnh tượng này như là người đã mất và đọc Luận vãng sanh này ở phía trước ảnh.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.