Người Tây Tạng Nghĩ Về Cái Chết: Người Chết Đi Về Đâu – Chương IV

04. GIẢNG LUẬN

của đức Lạt-ma Chőgyam Trungpa Rinpoche

1.      Nội dung sơ lược

Theo cách  phân loại trong Phật giáo thì sách này không phải là kinh – vì không do Phật trực tiếp thuyết dạy, mà thuộc về luận, và được gọi là Luận vãng sanh. Vấn đề cần đề cập trước hết là không nên vội so sánh luận này với các huyền thoại về người chết. Bởi vì như thế chúng ta sẽ dễ quên đi một điều cơ bản, đó là qui luật của sự diệt vong và sự tái sanh, xảy ra một cách liên tục.

Nói đến chết cũng chính là nói đến sự sống, cho nên cũng có thể gọi luận này làLuận tái sanh. Luận này nói đến cái chết, nhưng với một quan niệm hoàn toàn mới. Luận này cũng được gọi là Tâm kinh, vì trong tâm chứa cả sự sống và cái chết. Tâm đã sản sanh ra đời sống, trong đó chúng ta sinh hoạt, hít thở và hoạt động. Ðó chính là đối tượng của luận.

Ở Tây Tạng, trước khi đạo Phật du nhập có một tôn giáo khác gọi là đạo Bon. Tôn giáo này đã biết rõ cách ứng xử với người sắp chết, tìm hiểu dấu hiệu của họ như nhiệt độ thân thể… Tôi cho rằng, nền văn minh đạo Bon cũng như các huyền thoại Ai Cập hình như cũng chỉ quan tâm đến dấu tích người chết để lại mà ít lưu ý tới hoạt động của tâm thức người chết.

Ðiều tôi muốn trình bày ở đây là: sau khi chết tâm thức sẽ ở trong một trạng thái chao đảo giữa sáng suốt và sai lầm, giữa giác ngộ và mê vọng. Tôi cũng muốn trình bày những phương cách dẫn dắt đến chánh kiến, xa rời vọng niệm.

Trong tiếng Tây Tạng, bardo có nghĩa là chuyển tiếp, hay khoảng hơû. Trong luận này, bardo chính là giai đoạn giữa cái chết và sự tái sanh, tức là thân trung ấm. Trong đời sống hằng ngày, bardo chính là những giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác: cái chết thật ra vẫn diễn ra thường xuyên trong cuộc sống[1]. Kinh nghiệm về giai đoạn chuyển tiếp là một trong những cơ sở tâm lý quan trọng của con người. Trong đời sống thông thường, thật ra chúng ta liên tục trải qua những giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn được xem là “chao đảo”trong cuộc đời. Có khi ta không có cảm giác an toàn, có khi không rõ mình muốn gì, có khi không rõ đời mình sẽ đi về đâu… Vì vậy, Luận vãng sanh này không phải chỉ nhắn gửi với người sắp chết, hoặc người đã chết, mà cho cả những ai vừa mới sanh ra. Mỗi người chúng ta trải qua cái chết và cái sống liên tục ngay trong đời sống này, ngay trong khoảnh khắc này.

Trong một ý nghĩa sâu kín hơn, ta có thể hiểu bardo – giai đoạn chuyển tiếp – là giai đoạn tiến về sáu trạng thái của tâm lý, “sáu nẻo đường” hay “lục đạo”. Trên sáu nẻo đường đó, các vị “thiện thần” hay “ác thần” sẽ hiện ra, như trong luận này mô tả. Trong tuần đầu tiên, các vị thiện thần sẽ xuất hiện, tuần cuối là các vị ác thần: có khi thấy chư Phật và các vị thiên tướng, có khi xuất hiện dưới dạng dữ tợn làm thần thức hết sức sợ hãi. Những chi tiết được mô tả trong luận này là những trạng thái rất thực trong đời sống hằng ngày, không phải chỉ là những hình ảnh hoặc cảm giác mà thần thức cảm nhận sau khi chết.

Nói một cách khác, những cảnh tượng thần thức trải qua sau khi chết chính là bộ mặt thực của chính tâm lý chúng ta, được nhận ra trong dạng thức hết sức sâu lắng. Không ai có thể cứu rỗi chúng ta, tất cả tùy thuộc vào chính những gì chúng ta tha thiết theo đuổi. Một vị minh sư hay người bạn tốt may ra có thể hướng dẫn được một vài điều, nhưng thật ra họ không đóng vai trò quyết định.

Làm sao có thể biết được những gì sau khi chết? Có ai đội mồ sống dậy kể chuyện cho ta nghe đâu? Thật ra thì những điều xảy ra trong giai đoạn trước khi tái sanh gây ấn tượng vô cùng mãnh liệt, trẻ sơ sanh còn có thể “nhớ”. Nhưng khi lớn lên, ấn tượng của cha mẹ và môi trường chung quanh ngày càng đậm nét. Bị quy định trong một khung cảnh mới, ấn tượng xưa ngày càng mờ nhạt, chỉ thỉnh thoảng lóe lên. Những lúc đó chúng ta lại thấy xa lạ, nghi ngờ những ấn tượng đó, có lúc sợ hãi, nên sớm quên đi. Vì vậy nói về những ấn tượng sau khi chết là nói về một chủ đề không mấy ai tin.

2.      Giai đoạn chuyển tiếp ngay trước khi chết

Cảm giác cơ bản đầu tiên của người sắp chết là không biết chắc mình sẽ chết hay tiếp tục sống. Cần hiểu chết ở đây nghĩa là chấm dứt mối liên hệ với thế giới vật chất. Không những thế, người chết sẽ có cảm giác mình đang từ bỏ một thế giới có thực để đi vào một thế giới không ổn định.

Thế giới có thực có những đặc trưng gì? Ðó là một thế giới có niềm vui, nỗi buồn, có thiện, có ác. Tóm lại đó là một thế giới luôn luôn có hai cực, thế giới nhị nguyên. Nếu có ai đứng ngoài được sự tranh chấp giữa hai cực đó, người ấy sẽ hiểu thấu được tri kiến nhất nguyên. Với tri kiến này, người ta sẽ không còn mâu thuẫn, vì nhìn thấy được vạn hữu trong một thể trọn vẹn thống nhất. Những mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra là vì chúng ta không thấy được bản chất thật sự của nhị nguyên. Chính vì tri kiến sai lầm về thế giới nghị nguyên hiện tại nên người chết có cảm giác sợ hãi, vì thấy mình đang phải từ bỏ cái có thực để đi vào một nơi hoang địa, của tối tăm, của sương mù.

Luận vãng sanh này mô tả những giai đoạn của sự chết khi các yếu tố tứ đại[2]dần dần tiêu tan và đoạn diệt. Khi yếu tố đất đoạn diệt trong yếu tố nước, người chết có cảm giác hết sức nặng nề trì trệ. Lúc yếu tố nước tiêu tan trong yếu tốlửa, người chết thấy rõ bộ tuần hoàn ngưng hoạt động. Khi yếu tố lửa tan trong yếu tố gió, người chết mất cảm giác về nhiệt độ, về sự tăng trưởng. Và khi yếu tốgió tan vào trạng thái không, chính lúc đó người chết thấy mất hẳn mối liên hệ với thế giới vật chất. Cuối cùng, khi không hoặc thức tan biến trong thức vô ngã,thần thức người chết bỗng nhiên cảm nhận một thứ ánh sáng rực rỡ, chói lòa, một thứ ánh sáng tự thân. Ðây là trạng thái có khi được gọi là chân tâm hay pháp thân thường trú. Tiếc thay, thần thức người chết sẽ không lưu lại nơi đây, mà thông thường sẽ bị nghiệp lực lôi kéo dẫn dắt đi về những cảnh giới khác.

Về mặt tâm thức, khi trải qua những giai đoạn vừa kể, người chết có những cảm giác khác nhau, nhưng nói chung là hoang mang không rõ mình đạt đượcchánh kiến hay sa vào điên loạn. Khi mất yếu tố đất, thần thức có cảm giác mình mất luôn cách suy nghĩ duy lý thông thường, lúc đó chỉ còn dựa vào yếu tố nước,và cho rằng tuy thế mình vẫn còn biết suy luận. Tới lúc yếu tố nước đoạn diệt, thần thức rời bỏ suy luận. Lúc đó cảm tính nổi lên rất mạnh. Thần thức tha thiết nhớ tới những người mình yêu thương hoặc hằn học với những gì mình ghét bỏ. Yếu tố lửa làm các cảm giác yêu ghét đó lên đến cao độ. Nhưng khi lửa tan đi trong gió thì những cảm giác ấy cũng nhạt dần, thần thức có cảm giác trống rỗng hoặc thanh thản, đồng thời mất khả năng tập trung, tất cả bị cái không xâm chiếm.

Sau đó là pháp thân thường trú hiện ra, thật ra là lúc đạt đến chân tâm. Trong trạng thái này, thần thức sẽ thấy được tính chất nhất thể, sẽ có cảm giác niềm vui và đau khổ chỉ là một, xuất hiện cùng lúc. Cái tự ngã vốn hay tranh chấp mâu thuẫn trong cõi nhị nguyên, một khi nhận ra được cái nhất nguyên sẽ tự tan biến và chân tâm xuất hiện.

Chính từ chân tâm không sanh không diệt này, nghiệp lực sẽ bắt đầu xuất hiện dẫn dắt thần thức đi vào đời sống mới. Nếu thần thức lưu trú trong chánh niệm, nhất tâm trong thiền định, pháp thân sẽ xuất hiện. Còn nếu thần thức bị năng lực của nghiệp báo dẫn dắt. Thần thức sẽ xa dần pháp thân thường trú. Lúc đó một tâm niệm chấp hữu khởi lên, và  tùy theo mức độ chấp hữu. Thức sẽ đi vào những cảnh giới khác nhau trong sáu cõi luân hồi, hay lục đạo. Chính năng lực chấp hữulà động cơ thôi thúc thức đi vào lục đạo, hay sáu nẻo đường. Vậy lục đạo là gì? Ðó là những cảnh giới sẽ lần lượt được trình bày sau đây.

3.      Lục đạo

a.      Ðịa ngục (Nãraka)

Ðây là cảnh giới mà mức độ chấp hữu lớn nhất. Nghiệp lực dồn thần thức tới mức độ bị nghiệp lực sai khiến hoàn toàn. Từ trong cảm giác không của chân tâm bất hoại, thần thức khởi lên ý niệm căm ghét. Sự căm ghét làm thần thức muốn gây khổ cho ai đó, nhưng không có ai là đối tượng, nên thần thức quay lại làm khổ chính mình. Vừa khởi tâm muốn đánh đập ai đó thì hành động đánh đập đã quay lại hành hạ chính thân mình. Ðó là cơ sở của địa ngục.

Trong tác phẩm “Niềm vui giải thoát”, Gampopa đã mô tả một cách sinh động cõi địa ngục và nỗi đau khổ, mà thật sự là đang diễn ra trong tâm ý chúng ta. Thật sự thì không có ai đứng ra trừng phạt ta trong cõi địa ngục cả, chính cái năng lực căm thù hiện ra thành một thế giới đầy lửa, ta thường hay gọi là hỏa ngục.

Còn một dạng khác của cảnh giới địa ngục hoàn toàn ngược lại. Khắp nơi ngự trị một thế giới băng giá lạnh lùng. Ðó cũng là một dạng của sự căm ghét, làm ta không muốn liên hệ với bất cứ ai. Sự căm ghét này phần lớn xuất phát từ sự kiêu ngạo, ngã mạn, làm hiện ra một thế giới lạnh lẽo chung quanh, trong đó thần thức tự cho rằng chỉ có mình là nắm được lẽ phải.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.