Đạo Phật Qua Cái Nhìn Của Thế Giới Âu Tây

Từ thời Ðức Thế Tôn còn tại thế, đạo Phật được truyền bá một cách sâu rộng khắp trên lưu vực sông Hằng cũng như qua các thị trấn và những quốc gia thời bấy giờ của xã hội Ấn Ðộ, quê hương của Phật. Phật pháp được tuyên thuyết bởi Ðức Phật, cũng như các hàng Thánh chúng đến từng nhà, từng người, từng cộng đồng trong xã hội. Phật pháp đã tạo sự bình an cho con người, đã xây dựng một nếp sống đạo đức, lễ nghi hướng thượng cho tất cả. Phật pháp là của chung tất cả, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính hay giai cấp vua chúa, nông nô. Ðạo Phật thời Ðức Phật còn tại thế đã truyền bá đến bốn giai cấp – Bà La Môn, Sát Ðế Lợi, Phệ Xá và Thủ Ðà La – một cách tự nhiên và bình đẳng, dẫu rằng xã hội Ấn Ðộ thời đó rất nặng về tinh thần giai cấp và nô lệ. Phật pháp đã vượt lên trên tất cả mọi phạm trù của thế gian để xây dựng cho thế gian một đời sống thanh bình thái hòa.

Hôm nay, đạo Phật đã có mặt hầu hết ở các quốc gia phương Ðông. Sự hiện hữu của đạo Phật hơn hai nghìn năm qua để có những quốc gia đạo Phật đã trở thành quốc giáo của dân tộc đó.

Ðạo Phật đã thấm sâu, đâm chồi, mọc rễ và lớn mạnh qua các lãnh vực văn hóa, gia đình, xã hội, nghệ thuật, kiến trúc… để hòa quyện thành nếp sống tâm linh tối thượng. Cũng như bằng tinh thần gìn giữ quê hương, bảo vệ tổ quốc, thương yêu giống nòi… đạo Phật đã hòa tan vào mọi môi trường, hoàn cảnh để cứu nước, an dân mà suốt một dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam đã chứng minh một cách hùng hồn qua dòng lịch sử đó. Vì tinh thần của đạo Phật là tự giác, tự sinh, tự chủ, để tự tu và tự chứng mà hoàn toàn không tùy thuộc, lệ thuộc nơi ai, bị trị bởi ai. Ðạo Phật tôn trọng sự tu tập và chứng đắc của mọi người, mọi loài. Ðạo Phật để con người làm chủ chính con người. Do vậy, Ðức Phật đã dạy:

“Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi.”

Hay:

“Các con hãy tự mình là hải đảo của riêng mình.”

Ðây là sự tôn trọng tuyệt đối từ nơi Ðức Phật đến với con người. Sự tôn trọng này để đưa đến thành quả mà Ðức Phật đã tuyên bố:

“Ta là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành.”

Ðây là một ý thức dẫn khởi và chủ đạo trong nếp sống tâm linh cao thượng. Từ đây, đạo Phật được tôn xưng là đạo của tự giác trong mỗi tâm thức, là đạo hòa bình trong mỗi ý nghĩ, lời nói, hành động; là đạo thể đạt được sự bình an qua hai phạm trù tục đế và chơn đế, thế gian và xuất thế gian.

Mấy nghìn năm qua, ở thế giới phương Ðông, tiếp nhận đạo Phật như món ăn tinh thần thanh khiết, và đã hòa nhập biến thành nền văn hóa giác ngộ của các quốc gia phương Ðông ấy. Trong khi đó các nhà khoa học, bác học cũng đã nghiên cứu tìm tòi về đạo Phật để đi đến kết luận đạo Phật là đạo của con người, cho con người và vì con người.

“Trên thế giới này có nhiều tôn giáo, nhưng tôn giáo có khả năng xây dựng đời sống tâm linh, giải quyết đời sống tâm linh, thăng hoa đời sống tâm linh, thể chứng đời sống tâm linh, thì tôn giáo đó phải là Phật Giáo.”

Ðó là lời nói của nhà bác học Albert Eistein. Và cũng nhà bác học Albert Eistein đã tuyên bố:

“Sau thế kỷ 21, còn lại những thế kỷ sau là những thế kỷ của đạo Phật được phát triển lớn mạnh.”

Chúng ta hãy cùng lắng tâm chiêm nghiệm những lời nói trên có đúng như vậy không? Sự chiêm nghiệm của tự thân, của tha nhân, của một dòng lịch sử nhân loại trên hành tinh này. Quả thật, đạo Phật có khả năng thoáng đạt, siêu thoát để đáp ứng đời sống tâm linh cho những ai mong cầu. Ðạo Phật có đủ giáo pháp – tám vạn bốn ngàn pháp môn tu – Ðạo Phật có đủ phương tiện để cho con người chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh. Ðạo Phật có giáo pháp Tam Vô Lậu Học: Giới, Ðịnh, Tuệ. Ðạo Phật có giáo pháp: Văn, Tư, Tu; có Tứ Diệu Ðế; có Bát Chánh Ðạo; có Thất Giác Chi… vậy đạo Phật có phải là một tôn giáo có khả năng đáp ứng đời sống tâm linh như nhà bác học Albert Eistein đã nói? Trí Tuệ và Từ Bi là đôi chân của đạo Phật bước đi trên mọi nẻo đường sinh tử để độ sanh – Bi Trí song vận. Và đôi chân Phước Huệ là nhân tố tác thành một Ðức Phật – Phước Huệ lưỡng toàn phương tác Phật. Con người tu phước, tu huệ để thành Phật. Tu trí, tu bi là phương tiện tuyệt hảo để độ sanh. Vậy đạo Phật có phải là đạo của con người, cho con người và vì con người để thăng hoa đời sống thánh thiện? Và “Sau thế kỷ 21, là những thế kỷ của đạo Phật.”, nhà bác học Albert Eistein đã thấy một cách tường tận về đạo Phật là đạo của hòa bình. Ðức Phật không gây hấn chiến tranh, không bạo động, không khủng bố. Ðức Phật gieo rắc tình thương, ban vui cứu khổ. Ðạo Phật tôn trọng sự sống của con người và loài vật, nên đạo Phật sống mãi với con người đến ngàn vạn kiếp sau. Ðiều gì tạo nên sự sống và bảo vệ sự sống thì điều ấy sẽ sống mãi với sự sống. Cái gì tạo nên sự chết, chém giết cho chết thì cái ấy sẽ bị chết và không tồn tại lâu dài. Theo định luật nhân quả tất nhiên ! Theo lý công bằng và lẽ phải !

Thế giới Âu Tây ngày hôm nay, con người tiếp xúc với đạo Phật, đã nghiên cứu và tu chứng. Họ chấp nhận đạo Phật là tôn giáo của chính họ. Vì họ thấy rõ bản chất của đạo Phật là đạo của hòa bình. Ðạo thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ; đạo khơi nguồn tánh đức thương yêu cho sự sống. Thấy được điều này, nên vào năm 1999 Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày Phật Ðản làm ngày Hòa Bình cho Thế Giới, và bao nhiêu bài diễn văn khai mạc cho những Ðại Lễ Phật Ðản ấy được xem như những Bức Thông Ðiệp ca tụng hòa bình, xưng dương cho đạo Phật như hiện thân của hòa bình ở khắp mọi thời, mọi chốn. Bằng tâm tư trân quý hòa bình mà cả hai phương trời Ðông cũng như Tây, đã tích cực xây thành đắp lũy để xiển dương hòa bình, mà tượng Phật Ngọc hòa bình cho thế giới – Jade Buddha for Universal Peace – ngày hôm nay được cung thỉnh triển lãm các quốc gia trên thế giới là một biểu tượng tích cực cho hòa bình. Tượng Phật Ngọc hòa bình cho thế giới có phải là minh triết trong đời sống tâm linh, là niềm an lạc vô biên của loài người trên hoàn vũ.

Ngày hôm nay, thế giới Âu Tây đã thấy được nguồn năng lượng siêu thoát của đạo Phật qua hương vị giải thoát của giáo pháp, qua sự hiện thân của chư vị Thánh Tăng. Sau khi viên tịch đã để lại nhục thân không tan rã, để lại lưỡi, tim, xá lợi… và ngang qua công cuộc hoằng dương chánh pháp của chư vị Tăng già là hình ảnh, là dấu ấn in sâu vào tâm khảm của người dân Âu Tây để họ biết về đạo Phật nhiều hơn. Cho nên “Sau thế kỷ 21, là những thế kỷ của đạo Phật được phát triển lớn mạnh.” như nhà bác học Albert Eistein đã nói, con người phải nghĩ gì?

Tượng Phật Ngọc hòa bình cho thế giới – Jade Buddha for Universal Peace – là một kỳ quan của thế giới, là một bảo vật vô giá của thiên niên kỷ này mà cả hai xã hội con người, phương Ðông và phương Tây đã gặp nhau để sinh thành nếp sống tâm linh siêu thoát.

NGUYÊN SIÊU – Tháng 5 năm 2009

http://buddhahome.net/phatphap/tongquat/

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.