Lâm chung những điều nên biết

IX. NHỮNG LỜI KHAI THỊ LÚC LÂM CHUNG

Ông nên biết phàm con người ở thế gian không luận sự tình như thế nào, đều phải gánh chịu hai việc bệnh khổ và tử vong là điều không ai tránh khỏi. Nay thân ông đang bệnh nhưng tâm ông không quá bi sầu thống khổ mà nên chuyên tâm trì niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà, niệm niệm ông nên duyên theo tiếng niệm Phật mong cầu vãng sanh Tây phương, như thế ngay đây bệnh khổ sẽ không làm ảnh hưởng.

Chúng ta là người niệm Phật không luận sự tình như thế nào, đến lúc lâm chung tất cả mọi việc đều nên buông xả, trong tâm chỉ có một câu hồng danh A Di Đà Phật rõ rõ ràng ràng, niệm niệm đều chấp trì câu A Di Đà Phật. Ông nên tự nhủ : “Giờ đây tôi chỉ có một câu A Di Đà Phật dù ba ngày, năm ngày hoặc bảy ngày vãng sanh cũng tốt, trước sau chí nguyện của tôi không bao giờ dời đổi”. Ông nếu làm theo lời tôi thì câu Phật hiệu đó sẽ bảo chứng cho ông quyết được vãng sanh Tây phương. Nhất định ông không nên nghe theo những lời chỉ vẻ của hạng người không có trí thức, có chút bệnh khổ rồi kêu chồng kêu vợ, cầu trời, tiên, quỷ thần bảo hộ đây là điều sai lầm lớn. Nên biết chúng ta người niệm Phật, khi lâm chung không luận là có bệnh khổ hay không bệnh khổ đều nên thành khẩn cầu đức Phật A Di Đà sớm đến tiếp dẫn. Còn trời, tiên, quỷ thần ngay bản thân họ vẫn còn sanh tử luân hồi trong lục đạo làm sao có đủ sức mạnh đến cứu bạt được ông thoát ly sanh tử luân hồi.

Chỉ có đức A Di Đà Phật từ bi, Ngài có bốn mươi tám đại nguyện cùng thần thông đạo lực vô lượng, mới có thể cứu độ được ông vĩnh viễn thoát ly sanh tử luân hồi. Ông nếu còn tư tưởng mong cầu thiên, tiên, quỷ thần bảo hộ thì mau buông bỏ, một lòng niệm Phật cầu sanh Tây phương. Nếu như thọ mạng của ông chưa hết, nhờ công đức niệm Phật này sẽ tiêu trừ nghiệp chướng bệnh sẽ thuyên giảm. Còn bằng thọ mạng của ông đã hết cũng nhờ công đức niệm Phật này quyết định được vãng sanh. Giả sử ông chỉ cầu lành bệnh không cầu sanh Tây phương, như vậy nếu thọ mạng của ông chưa hết sẽ không được vãng sanh, bệnh của ông cũng khó lành, chẳng những bệnh của ông khó lành mà còn tăng thêm sự thống khổ. Chúng ta làm người trong thế giới Ta bà này phải chịu vô vàn sự khổ não, nếu như được vãng sanh Tây phương thì sự hưởng thọ khoái lạc là vô cùng vô tận.

Giả sử ông có tâm mong cầu chư thiên tiên bảo hộ mạng sống như thế ông còn có tâm sợ chết, nếu như ông có tâm sợ chết thì tâm ông đã cùng với bản nguyện đức Phật A Di Đà có sự ngăn ngại cảnh giới Tây phương sẽ không hiện tiền, lúc đó sẽ vĩnh viễn lặn hụp trong biển khổ sanh tử luân hồi chẳng có thời gian trông mong giải thoát. Nếu ông còn tâm sợ chết nay nên tự răn trách : “Tôi đã phát tâm niệm Phật vì sao còn tâm ngu si sợ chết, khiến bản thân chướng ngại không được vãng sanh Tây phương? Từ nay về sau tôi nguyện khẩn thiết chí thành một lòng niệm Phật cầu nguyện Phật từ bi sớm đến tiếp dẫn”.

Nên biết lúc lâm chung bệnh khổ phát hiện là do ác nghiệp của ông nhiều đời nhiều kiếp đã tạo mà cảm thành, hoặc những oan gia do nhiều kiếp đến nay đã bị ông bức hại họ kéo đến để đòi lại nợ xưa. Vì thế có nhiều bệnh khổ phát hiện khiến tâm ông sanh phiền não làm chướng ngại không thể an tâm niệm Phật. Nếu ông hiểu rõ được nghĩa ý này như thế tâm ông sẽ không bị phiền não xoay chuyển, niệm Phật mới có thể tăng thêm lòng chí thành khẩn thiết, niệm niệm không rối loạn tâm an trụ vào câu hồng danh A Di Đà Phật, quyết được vãng sanh thế giới Cực lạc”.

X. GIẢI THÍCH NHỮNG MỐI NGHI VỀ BỆNH KHỔ LÚC LÂM CHUNG

Người niệm Phật đến lúc lâm chung nếu có các bệnh nặng phát hiện, không nên sanh tâm nghi ngờ cũng không nên kinh sợ. Trước đây, pháp sư Huyền Trang lúc lâm chung cũng có bệnh nặng huống gì chúng ta là hàng cụ phược phàm phu làm sao tránh khỏi bệnh khổ. Nên biết những bệnh khổ này là do ác nghiệp đời trước của ông cảm ra, bây giờ nếu ông không dõng mãnh niệm Phật thì ác nghiệp này sẽ chiêu cảm quả báo đời sau. May ông có căn lành biết niệm Phật nên một số ác nghiệp nương vào từ lực của Phật A Di Đà, chuyển sang quả báo nhẹ một vài bệnh khổ trong kiếp hiện tại. Bệnh khổ này chỉ là tạm thời sau khi chịu xong rồi ngay đó ông sẽ được vãng sanh Cực lạc.

Ông nên dõng mãnh đề khởi một câu A Di Đà Phật, niệm niệm chuyên chú vào câu Phật hiệu không nên có một niệm bệnh khổ xen vào.Ông nên biết thời điểm lâm chung là sự phân ranh đời sau ông thát sanh về cảnh giới Tây phương hay đọa lạc vào Địa ngục. Tâm ông nếu giờ phút này duyên theo bệnh khổ phiền não đó là đang đọa lạc vào cảnh giới Địa ngục, nếu duyên theo danh hiệu A Di Đà Phật đó là vãng sanh thế giới Cực lạc. Nên cẩn thận! Cẩn thận!

Lúc này hơi thở của ông nếu quá ngắn, bốn chữ A Di Đà Phật niệm không nổi thì chỉ niệm một chữ Phật là được. Tâm ông duyên theo chữ Phật nghĩ tưởng mình đã vãng sanh. Nếu vì các bệnh khổ quá bức bách thậm chí một chữ Phật niệm cũng không nổi, lúc đó tâm ông nên tưởng trước mặt mình rõ rõ ràng ràng có đức Phật A Di Đà hiện thân đưa tay tiếp dẫn. Tâm ông mỗi niệm mỗi niệm nghĩ rằng mình đã vãng sanh Cực lạc, khi lâm chung thần thức quyết định nương theo tâm nguyện cầu sanh đó mà được vãng sanh.

Cổ đức có dạy : “Người nào khi lâm chung không thể quán tưởng hay niệm Phật được, thì chỉ cần khởi ý biết có Phật, người đó mạng chung quyết được vãng sanh, trong kinh Pháp cổ đã dạy như vậy”.

( Giải thích sơ lược câu nói trên của cổ đức ).

Người nào khi sanh tiền tu pháp quán tưởng nhưng chưa thành tựu Quán tưởng tam muội, hoặc tu pháp trì danh nhưng chưa thành tựu công phu nhất tâm bất loạn. Một mai khi lâm chung do bệnh nặng bức bách thân tâm không được an định cho đến có vô lượng sự chướng ngại, lúc đó quán tưởng không thành trì danh cũng không được. Người đó nếu có thể nghĩ tưởng trước mặt mình có Phật A Di Đà từ bi duỗi tay tiếp dẫn, niệm niệm nghĩ rằng mình đã vãng sanh. Một niệm sau cùng với tâm mong cầu vãng sanh, tâm này sẽ duyên theo niệm mong cầu mà vãng sanh Tây phương. Đây là lời nói chân thật xuất phát từ trong kinh Pháp cổ chính đích thân Phật tuyên thuyết.

XI. PHƯƠNG PHÁP TRỢ NIỆM

Đối với việc trợ niệm trước hết người chủ lễ phải nên quán sát bệnh tình người bệnh như thế nào. Nếu như bệnh đang nhẹ chưa hệ trọng lắm, lúc đó khởi đầu tán bài Liên trì hải hội, tụng một biến kinh Di Đà ba biến Vãng sanh thần chú ( tốt nhất là hai mươi mốt biến ) ; kệ tán Phật ( A Di Đà Phật thân kim sắc… ) tiếp theo niệm câu Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật, niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật khoảng mười câu rồi chuyển sang niệm bốn chữ hồng danh A Di Đà Phật. Nếu như bệnh nặng hệ trọng ( chuẩn bị lâm chung ) thì khởi đầu niệm bốn chữ hồng danh A Di Đà Phật. Pháp khí sử dụng trợ niệm chỉ nên dùng khánh âm thanh mõ qúa trầm không nên dùng.

Người trợ niệm ban ngày chia thành hai ban, ban đêm chia thành ba ban, số người mỗi ban tối thiểu là hai người hạn định một giờ đồng hồ đổi ban. Phương pháp trợ niệm ban ngày ban một niệm Phật lớn tiếng ban hai mặc niệm qua một giờ đồng hồ đổi lại ban hai niệm lớn tiếng ban một mặc niệm, cũng niệm một giờ đồng hồ rồi đổi ban. Ban đêm, ban một niệm lớn tiếng ban hai và ban ba mặc niệm hoặc có thể nghỉ ngơi, niệm một giờ đồng hồ đổi lại ban hai niệm Phật lớn tiếng, ban một và ban ba mặc niệm hoặc có thể nghỉ ngơi, lại niệm một giờ đồng hồ đổi lại ban ba niệm Phật lớn tiếng, ban một và ban hai mặc niệm hoặc có thể nghỉ ngơi.

Như thế cứ luân phiên thay ban nên không luận là ba ngày, năm ngày, bảy ngày, nửa tháng, một tháng đều có thể trợ niệm lâu dài. Các ban trợ niệm luân phiên theo thứ tự, bắt đầu là ban một tiếp theo là ban hai và ban ba kế lại bắt đầu là ban một, như thế hết các ban rồi lại từ đầu khiến cho ngày đêm âm thanh Phật hiệu tương tục. Mỗi ngày ba bữa cơm ăn nước uống đều phân chia người khác phục vụ. Ngưới trợ niệm nếu sau khi dùng cơm xong thời gian tiếp ban chưa đến có thể mọi người trong ban thay nhau nghỉ ngơi đôi chút để phục hồi tinh thần.

Trước khi trợ niệm người chủ lễ nhất định cần đối trước bệnh nhân khai thị :’’ Ông nên biết giờ phút này mọi người đang niệm Phật trợ niệm cho ông, ông nên cùng mọi người đồng niệm. Nếu như sức khỏe quá suy nhược không thể niệm theo, ông nên lưu tâm chú ý lắng nghe mọi người niệm Phật thì cũng như ông đang niệm. Có điều tai ông nghe câu Phật hiệu phải rõ một câu nghe một chữ rõ một chữ, tai nghe rõ rõ ràng ràng, trong tâm nên biết ghi nhớ rõ rõ ràng ràng. Ông nên toàn tâm toàn ý hướng về âm thanh danh hiệu Phật A Di Đà”. Sau khi nói lời khai thị đó xong mới cử hành nghi thức niệm Phật trợ niệm.

Nếu như người bệnh có lúc rơi vào trạng thái hôn mê không còn hay biết, lúc đó người trợ niệm nên dùng khánh kê sát tai người bệnh đánh một vài tiếng, đồng thời âm thanh Phật hiệu phải lớn hơn khiến cho tâm người bệnh lần lần thoát khỏi sự hôn mê.

Người bệnh sắp đến lúc chấm dứt hơi thở với người trợ niệm nếu là số nhiều, tốt nhất là cùng bà con đối trước Tam bảo, hoặc quỳ niệm hoặc lễ niệm, đồng thời trong tâm mỗi người đều quán tưởng đức Phật A Di Đà hiện đang phóng ánh sáng lớn tiếp độ người chết, người chết đang ở trong hào quang của Phật chắp tay trang nghiêm mà vãng sanh Tịnh độ. Sau khi đã chấm dứt hơi thở độ mười phút người trợ niệm nên chia thành hai ban, mỗi ban luân phiên niệm Phật khoảng nửa giờ đống hồ, bắt đầu từ thời điểm này trở đi nhất định cần phải niệm Phật lớn tiếng. Rồi cứ tuần tự đổi ban niệm Phật như trước.

Lúc người bệnh chuẩn bị chấm dứt hơi thở người trợ niệm cần đặc biệt chú ý. Nếu khuôn mặt người bệnh ra mồ hôi hoặc hiện tướng sầu khổ, hoặc đầu, thân, tay chân cử động. Các tướng trạng đó là biểu hiện của bệnh khổ hành hạ. Hoặc người bệnh đôi lúc rơi vào trạng thái hôn mê không hay biết. Nếu có các tình huống như thế phát hiện thì biết bởi người bệnh khi sanh tiền công phu niệm Phật chỉ là tầm thường, rất khó làm chủ chánh niệm. Lúc đó người trợ niệm nên đến gần người bệnh răn nhắc : “Cảnh giới Tây phương hiện đang ở trước mặt ông, ông nên cố gắng trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà để được vãng sanh Cực lạc”. Lại để ý thân sắc người bệnh nếu vẫn tương tự như trước, người trợ niệm nên nhắc lại lời đó một lần nữa, tối đa không quá ba lần sau đó chỉ niệm Phật lớn tiếng trợ niệm mà thôi.

Người bệnh sau khi đã chấm dứt hơi thở trước khi thân thể chưa lạnh hẳn, ở trong giai đoạn trung gian này những vị trong ban trợ niệm cần hết sức chú ý, tuyệt đối cấm thăm dò hơi nóng và bà con khóc lóc chỉ nên phát tâm niệm Phật lớn tiếng trợ niệm. Cần phải trải qua mười hoặc mười hai giờ đồng hồ mới có thể mời một vị có sức tu hành tương đương và kinh nghiệm dùng tay nhẹ nhàng thăm dò hơi nóng thân thể người chết, cho đến khi toàn thân lạnh hẳn việc trợ niệm mới tạm dừng. Lúc đó người trợ niệm hướng về trước Phật, thay mặt người chết hồi hướng công đức niệm Phật, cầu nguyện người chết được vãng sanh Tịnh độ.

Nếu toàn thân người chết vẫn chưa lạnh hẳn thì không luận một ngày, hai ngày, ba ngày mọi người đều nên phát tâm niệm Phật lớn tiếng. Cá nhân mỗi người trợ niệm đều nên nghĩ, đây là lúc chúng ta thay thế đức Như lai cứu độ chúng sanh thoát ly sanh tử. Mọi người không nên vì chút thời gian này mà sanh tâm nhọc nhằn biếng nhác khiến cho người chết lạc lối không được vãng sanh Tây phương. Chúng ta mỗi người cần phát tâm dõng mãnh, niệm Phật lớn tiếng trợ niệm cho đến khi người chết toàn thân lạnh hẳn mới tạm đình chỉ việc trợ niệm. Chúng ta nếu trợ niệm với tâm như thế mới chân chánh phát Bồ đế tâm hành Bồ tát đạo biểu hiện sự tu hành một cách thực tế.

XII. THỜI GIAN TẮM RỬA THAY QUẦN ÁO

Người chết sau khi toàn thân lạnh hẳn qua hai giờ đồng hồ mới có thể tắm rửa và thay y phục. Nếu các đốt tay chân cong cứng thì dùng vải cũ nhún nước nóng háp vào chỗ cong, khoảng vài ba phút tay chân sẽ mềm mại. Hai mắt nếu chưa nhắm cũng dùng vải nhún nước nóng háp vào mắt, khoảng vài ba phút sẽ nhắm lại.

Đối với việc mặc y phục cho người chết, tốt nhất là khi sống họ mặc y phục gì thì nên liệm y phục đó. Áo quần liệm không phải sang trọng và mặc nhiều là tốt. Nên biết, nếu có lòng thương người chết điều tốt nhất là làm cho họ vãng sanh Tây phương hưởng thọ mọi sự khoái lạc. Chỉ có việc làm cho người chết vãng sanh mới thực được tính là hiếu thuận, là thân ái, là từ ái. Nếu chỉ lo trang điểm hình thức chỉ cầu ngưới khác tán thán, nhất định phải mặc đồ tẩm liệm cho sang trọng, quan tài cho đắt tiền, phát tang rầm rộ, ăn uống linh đình… mà hoàn toàn không đoái hoài đến sự lợi ích chân thật của người chết, đây quả thật là đại sai lầm.

XIII. PHƯƠNG PHÁP TIẾN VONG

Sau khi người chết đã vãng sanh Tây phương, đối với việc tang lễ cúng tế vong linh nên lấy việc cúng chay niệm Phật làm chính ( cấm sát sanh, rượu thịt, cử ngũ tân ). Nếu muốn làm công đức tốt nhất nên thỉnh vài ba vị Tăng Ni đến trợ giúp niệm Phật. Số ngày nhiều hay ít nên xem qua tình hình kinh tế gia đình để quyết định. Đối với việc niệm Phật cúng tế vong linh trong bà con nhiều người tham dự là rất tốt, nhân vì người bà con có mối quan hệ huyết thống, do đó tâm niệm Phật so với người ngoài sẽ tha thiết chí thành hơn. Với việc niệm Phật không luận người xuất gia hay tại gia nếu ai có tâm khẩn thiết chí thành sẽ đạt được công đức to lớn. Công đức sau mỗi thời niệm Phật đều đối trước bàn linh thay mặt cho người chết hồi hướng vãng sanh Tây phương. Giả sử người chết đã vãng sanh nhờ công đức niệm Phật này có thể tăng cao phẩm vị Liên hoa, bằng như chưa được vãng sanh cũng có thể nương nhờ công đức này mà sớm vãng sanh Cực lạc.

Người thế tục phần nhiều đều cho các việc tụng kinh, lễ sám, chẩn tế là kỳ đặc còn niệm Phật là chuyện tầm thường, một số người có quan điểm như thế là không thông hiểu Phật pháp. Công đức của câu niệm Phật kinh Quán vô lượng thọ có nói : “Niệm một câu Phật hiệu có thể tiêu trừ tám mươi vạn ức kiếp sanh tử trọng tội”, như thế ai là người dám cho công đức niệm Phật là tầm thường. Lại trong phần Hạ phẩm hạ sanh của kinh này nói : “Nghe được tên gọi tựa đề mười hai bộ kinh có thể tiêu trừ một ngàn ức kiếp ác nghiệp cực nặng, niệm một câu A Di Đà Phật có thể tiêu trừ năm trăm vạn đại kiếp sanh tử trọng tội”. Lại nói: “Chỉ cần nghe một câu A Di Đà Phật có thể tiêu trừ vô lượng đại kiếp sanh tử trọng tội”. Lời dẫn trong kinh là có căn cứ chúng ta có thể biết được công đức niệm Phật là bất khả tư nghì.

Việc thỉnh các pháp sư đến tụng kinh, lễ sám, chẩn tế nếu có tâm chí thành thì công đức rất lớn, đáng tiếc người ngày nay tâm chí thành rất ít. Đại sư Ấn Quang nói : “Các vị Tăng hiện nay khi làm pháp sự, phần nhiều đều là phô diễn bên ngoài không đúng như pháp, chỉ đặt nặng hình thức đạo tràng dễ xem, thành ra việc làm chỉ là hư sáo. Giả sử chuyên tâm niệm Phật mọi người ai cũng có thể niệm được, công đức càng rộng lớn lại thiết thực. Nếu như đem công đức niệm Phật hồi hướng cho pháp giới chúng sanh đồng sanh Tây phương thì công đức lại càng tăng thêm rộng lớn, đối với người chết đạt được sự lợi ich vô cùng vô tận”.

Người chết sau khi đã vãng sanh Tây phương, bà con trong thời gian bốn mươi chín ngày ăn chay niệm Phật giữ năm giới thì người còn kẻ mất cả hai đều được sự lợi ích không thể nghĩ bàn.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.