Thỏng tay vào chợ

Giờ đây bảo gì không là Đạo. Trắng đen vàng tía xanh lam đỏ thắm, ngắn dài, tốt xấu là gì đi nữa mà tự chúng không có niệm phân biệt, thì đối với người thể hiện tâm vô phân biệt có gì là sai trái chướng ngại đâu. Xuôi ngược tuỳ duyên, xuống lên tự tại nào buộc nào vương, tâm vật nhất như ngoài tâm không khác. Ở đây, mọi chuyện không gì là không nhiẹm mầu dung nhiếp, như Đại Mai đã thể hiẹn trong cuộc sống của chính mình khi được Mã Tổ trắc nghiệm.

“Mã Tổ nghe Đại mai lên núi ở, bèn sai một người đến thăm dò, tăng đến hỏi Đại Mai:

– Hoà thượng gặp Mã Tổ được cái gí mà về ở núi này?

Sư đáp:

– Mã Tổ nói với tôi “Tức tâm tức Phật”tôi bèn ở núi này.

Vị tăng thưa:

– Gần đây Mã Tổ nói “Phi tâm phi Phật.”

Đại mai nói:

– Ông già mê hoặc người chưa lúc nào nghỉ. Mặc ông phi tâm phi Phật, tôi chỉ biết tức tâm tức Phật.

Vị tăng trở về thưa lại Mã Tổ những lời sư nói. Mã Tổ bảo với đại chúng:

– Trái Mai (me) đã chín rồi.”

Khi tâm thức đã chín mùi bùng vỡ thì còn gì để chướng ngại trong cuộc sống nữa. Giờ đây dù nói ngược nói xuôi, nói phải nói quấy đều là những thể hiện nhiệm mầu của cuộc sống, có gì sai trái nhau đâu. Khi mê thì có tâm có Phật, có mọi thứ thể hiện đối lập ngăn cách nhau, còn khi ngộ ra rồi chúng đâu có ngăn cách sai biệt nữa. Vì vậy mà việc thể hiện hằng ngày của các thiền sư trong cuộc sống luôn luôn tự tại thong dong, như thiện sư Viên Chiếu (Việt Nam) đã trả lời nhân một vị tăng hỏi:

“Tăng hỏi Viên Chiếu:

– Nếu gặp lúc cấp bách đôi đường thì sẽ xử sự như thế nào?

Viên Chiếu đáp:

– Trượng phu theo phóng khoáng

Trăng gió hãy vui chơi.”

Giờ đây cái gì không thể hiện việc vui chơi. Tất cả giờ đây đều trở thành một trò đùa không hơn không kém. Một trò đùa vô tư lự, không mang bất cứ một giá trị nào được áp đặt lên chúng, để biến chúng trở thành cái xác chết cứng nhắc không hồn, mà chúng luôn luôn thể hiện một cách linh động uyển chuyển, tuỳ theo duyên khởi Hiệp-biến mà thể hiện cái tâm vô phân biệt, không dính mắc đối với cuộc sống. Ở đây, sẽ rõ ràng hơn trong cung cách thể hiện tâm không phân biệt vượt thoát trong cuộc sống được Linh Hựu và Vân nham thể hiện qua cuộc đối thoại sau.

“Linh Hựu hỏi Vân nham:

– Nghe nói huynh ở Dược Sơn lâu lắm phải không?

Vân Nham đáp:

– Phải.

Linh Hựu hỏi:

– Tướng Dược Sơn đại nhơn như thế nào?

Vân Nham đáp:

– Sau khi Niết bàn mới có.

Linh Hựu hỏi:

– Sau khi Niết bàn mới có là thế nào?

Vân Nham đáp:

-Rưới nước chẳng dính.

Vân Nham hỏi lại Linh Hựu:

– Bách Trượng đại nhơn tướng thế nào?

Linh Hựu đáp:

– Chững chạc vòi vọ, sáng suốt rực rỡ. Trước tiếng chẳng phải tiếng, sau sắc chẳng phải sắc. Con muỗi đậu trên trâu sắt, không có chỗ cho huynh cắm mỏ.”

Cái gì rưới nước chẳng dính, cái đó không bị nhiễm; cái gì cắm mỏ vào mà không có chỗ để cắm, thì cái đó không rỉ lậu. Ở đây tâm vô phân biệt của các thiền sư được thể hiện một cách tự do tự tại không nhằm bất cứ một chủ đích nào cả. Do đó cũng không có bất cứ một hậu quả nào khả dĩ tác động trong tương lai, và vì vậy hệ thống nhân-quả sẽ không còn can hệ lệ thuộc vào cuộc sống của các ngài, mặc dù các ngài sống với nó như muôn ngàn các duyên khác. Đây cũng là nếp sống mà thiền sư Thạch Đầu đã từng tuyên bố.

“Một hôm Thạch Đầu tuyên bố như vầy:

– Dù các ông có nói gì, các ông có hành xử như thế nào, nhưng những điều như thế vẫn không liên hệ gì đến cái đó.

Duy Nghiêm ở Dược Sơn luận giải lời tuyên bố ấy như vầy:

– Ngay cả khi các ông không nói gì, ngay cả khi các ông không hành xử theo cách nào hết; nhưng nhũng điều như thế cũng không liên hệ gì đến cái đó.

Thạch Đầu bảo:

– Ở đây dù muốn cắm mũi kim cũng chẳng có chỗ.

Duy Nghiêm nói:

– Ở đây giống như người trồng hoa trên đá.”

Có nói hay không có nói, hành xử hay không hành xử, thì cũng không liên hệ đến cái đó. Vậy, cái đó là cái gì? Trong khi chúng vẫn luôn luôn hiện hữu tất cả thời tất cả nơi, mà vẫn không có chỗ để cắm mũi kim, không có chỗ để bám rễ, hay chính hoa không thể nào ccó thể ra rễ được. Ở đây, nếu có chỗ để cho hoa bám rễ thì điều đó sẽ báo hiệu cho chúng ta một sự lệ thuộc đang hiện hữu; hay có chỗđể cắm được mũi kim thì chính chỗ đó đang rỉ lọt. Cả hai điều này nói lên tánh cách mất tự tại của cuọc sống chúng ta, nhưng ở đây thiền tông luôn luôn thể hiện nếp sống tự tại giải thoát ngay trong dòng sống. Do đó những gì được thể hiện ra bên ngoài mà mang tánh cách trói buộc lệ thuộc thì không phải là nếp sống của thiền tông. Cho nên từ điều kiện không điều kiện này, đã tạo ra bước đi phiêu bồng tự tại. Các thiền sư tự thân đã không bị lệ thuộc vào các duyên, thì các duyên tự chúng cũng chả can hệ gì đến các ngài. Do đó, cho dù chúng đã bị tâm phân biệt con người áp đặt lên tự thân chúng những nhãn hiệu mà tự thân chúng không có, thì đối với cái hậu quả không hậu quả của vô sự giữa chúng và các thiền sư sẽ trở thành tự tại vô ngại.

Ở đây, mọi giá trị luân lý đạo đức theo cuộc sống thế tục của nhân-quả nhị nguyên, đều bị hành động của các thiền sư vô hiện hóa, bỡi sự thể hiễn vô phân biệt vượt thoát này, mặc dù đối với giá trị nhân-quả của chúng ta là một điều tối kỵ. Đó là bước đi tự tại được thể hiện qua cuộc sống, vừa đoiidi trị vọng chấp, vừa đem lại hiệu quả chuyển đổi đột biến trong lối nhìn và bước đi kế tiếp của hành giả. Ở đây, mọi trở ngại mâu thuẫn sai biệt đều không hiện hữu, nên vấn đề thắc mắc tại sao như thế này mà không như thế kia hay ngượ lại như ngài Triệu Châu đã thể hiện.

“Triệu Châu hỏi một vị tăng mới đến:

– Đã từng đến đây chưa?

Tăng thưa:

– Đã từng đến.

Sư bảo uống trà đi, sư lại hỏi một vị tăng khác:

– Đã từng đến đây chưa?

Tăng thưa:

– Chưa từng đến.

Sư bảo uống trà đi. Sau đó viện chủ hỏi sư:

– Vì sao đã từng đến dạy uống trà, và chưa từng đến cũng lại dạy uống trà?!

Sư gọi:

– Viện chủ!

Viện chủ đáp:

– Dạ!

Sư bảo:

– Uống trà đi!

Việc uống trà là một viẹc bình thường trong việc đói ăn khát uống, trong những cuộc tiếp xúc gặp gỡ nhau, chứ có chi lạ đâu; chúng cũng chả can hệ chi đến việc đã từng đến hay chưa từng đến. Vậy thì việc viện chủ nêu lên thắc mắc đó, là tự treo tâm mình lên trên cầu sanh tử, trong khi tách nước trà đang ở trên tay mà vẫn bị chết khát. Thử hỏi ở đây, ai có thể vì viện chủ, mà trong một hớp uống hết nước sông sanh tử thay cho ông đưỡc không? Nếu được thì cho dù lão Triệu Châu, có làm chi nữa cũng chả can hệ chi đến chúng ta, và lúc này là lúc đạt được bước đi tự tại.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.