Ảnh Hưởng Phật Giáo Trong Đời Sống Người Việt – Phần B

Phần B

ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI VIỆT

I. Ảnh hưởng Phật giáo về mặt tư tưởng triết học và đạo lý:

Như đã trình bày ở phần A, ta thấy rằng Đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam từ những kỷ nguyên Tây lịch, rồi tồn tại, phát triển và chan hòa với dân tộc này cho đến tận hôm nay. Nếu thời gian là thước đo của chân lý thì với bề dày lịch sử đó, Đạo Phật đã khẳng định chân giá trị của nó trên mãnh đất này. Trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa chính trị đặt biệt là xét trên khía cạnh hệ thống tư tưởng, thì Đạo Phật đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần hình thành một quan niệm sống và sinh hoạt cho con người Việt Nam. Trong phần này sẽ tìm hiểu về tư tưởng, đạo lý của Phật Giáo đã tác động đến con người Việt Nam như thế nào và người Việt Nam đã tiếp thu những tư tưởng, đạo lý của Phật Giáo ra sao.

1.Về tư tưởng:

Tư tưởng hay đạo lý căn bản của Phật Giáo là đạo lý Duyên Khởi, Tứ Diệu Đế và Bát chánh Đạo. Ba đạo lý này là nền tảng cho tất cả các tông phái phật giáo, nguyên thủy cũng như Đại Thừa đã ăn sâu vào lòng của người dân Việt.

Đạo lý Duyên Khởi là một cái nhìn khoa học và khách quan về thế giới hiện tại. Duyên khởi nghĩa là sự nương tựa lẫn nhau mà sinh tồn và tồn tại. Không những các sự kiện thuộc thế giới con người như thành, bại, thịnh, suy mà tất cả những hiện tượng về thế giới tự nhiên như cỏ, cây, hoa, lá cũng điều vâng theo luật duyên khởi mà sinh thành, tồn tại và tiêu hoại. Có 4 loại duyên cần được phân biệt: thứ nhất là Nhân Duyên. Có thể gọi là điều kiện gần gũi nhất, như hạt lúa là nhân duyên của cây lúa. Thứ hai là Tăng Thượng Duyên tức là những điều kiện có tư liệu cho nhân duyên ví như phân bón và nước là tăng thượng duyên cho hạt lúa. Thứ ba là Sở Duyên Duyên tức là những điều kiện làm đối tượng nhận thức, thứ tư là Đẳng Vô Gián Duyên tức là sự liên tục không gián đoạn, cần thiết cho sự phát sinh trưởng thành và tồn tại.

Luật nhân quả cần được quán sát và áp dụng theo nguyên tắc duyên sinh mới có thể gọi là luật nhân quả của Đạo Phật, theo đạo lý duyên sinh, một nhân đơn độc không bao giờ có khả năng sinh ra quả, và một nhân bao giờ cũng đóng vai trò quả, cho một nhân khác. Về giáo lý nghiệp báo hay nghiệp nhân quả báo của Đạo Phật đã được truyền vào nước ta rất sớm. Giáo lý này đương nhiên đã trở thành nếp sống tín ngưỡng hết sức sáng tỏ đối với người Việt Nam có hiểu biết, có suy nghĩ. Người ta biết lựa chọn ăn ở hiền lành, dù tối thiểu thì đó cũng là kết quả tự nhiên âm thầm của lý nghiệp báo, nó chẳng những thích hợp với giới bình dân mà còn ảnh huởng đến giới trí thức. Có thể nói mọi người dân Việt điều ảnh hưởng ít nhiều qua giáo lý này. Vì thế, lý nghiệp báo luân hồi đã in dấu đậm nét trong văn chương bình dân, trong văn học chữ nôm, chữ hán, từ xưa cho đến nay để dẫn dắt từng thế hệ con người biết soi sáng tâm trí mình vào lý nhân quả nghiệp báo mà hành động sao cho tốt đẹp đem lại hòa bình an vui cho con người. Thậm chí trẻ con mười tuổi cũng tự nhiên biết câu: “ác giả ác báo”. Chúng phát biểu câu rất đúng hoàn cảnh sự việc xảy ra cho đối phương, hay “chạy trời không khỏi nắng”. Mặt khác họ hiểu rằng nghiệp nhân không phải là định nghiệp mà có thể làm thay đổi, do đó họ tự biết sửa chữa, tu tập cải ác tùng thiện. Sống ở đời, đột nhiên những tai họa, biến cố xảy ra cho họ, thì họ nghĩ rằng kiếp trước mình vụng đường tu nên mới gặp khổ nạn này. Không than trời trách đất, cam chịu và tự cố gắng tu tỉnh để chuyển hóa dần ác nghiệp kia. Nguyễn Du đã thể hiện ý này trong truyện Kiều rằng:

Cho hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Hoặc:

Có trời mà cũng có ta
Tu là cội phúc, tình là dây oan

Nếu ta nắm vững nguyên tắc nhân quả nghiệp báo như trên, thì chúng ta có thể chuyển nghiệp ngay trong hiện kiếp. Cái đích của việc chuyển nghiệp, tái tạo cá nhân là đến được trí tuệ tối hậu. Khởi đầu của việc chuyển nghiệp là bắt đầu thay đổi hành nghiệp thiện và ác từ ba nghiệp Thân, Khẩu và Y của chính mỗi cá nhân. Chứ không ngồi một chỗ tưởng tượng đến những kết quả tốt đẹp sẽ đến với mìn. Từ những hành nghiệp thiện, giảm bớt điều ác, dần dần ta sẽ chuyển hóa và tạo cho ta có một cuộc sống yên vui cho hiện tại và mai sau.

2.Về đạo lý:

Đạo lý ảnh hưởng nhất là giáo lý từ bi, tinh thần hiếu hòa, hiếu sinh của phật giáo đã ảnh hưởng và thấm nhuần sâu sắc trong tâm hồn của người Việt. Đều này ta thấy rõ qua con người và tư tưởng của Nguyễn Trải (1380-1442), một nhà văn, nhà chính trị, nhà tư tưởng việt Nam kiệt xuất, ông đã khéo vận dụng đạo lý Từ Bi và biến nó thành đường lối chính trị nhân bản đem lại thành công và rất nổi tiếng trong lịch sử nước Việt. Ông nói điều đó trong Bình Ngô Đại Cáo rằng:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Bằng cách:

Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Đem chí nhân để thay cường bạo

Cho nên khi đại thắng quân xâm lược, đối với tù binh nhà Minh, chúng ta không những không giết hại mà còn cấp cho thuyền bè, lương thực để họ về nước.

Thần vũ chẳng giết hại
Thuận lòng trời ta mở đất hiều sinh

Tinh thần thương người như thể thương thân này đã biến thành ca dao tục ngữ rất phổ biến trong quần chúng Việt Nam như “lá lành đùm lá rách”, hay

Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng

Đó là những câu ca dao, tục ngữ mà bất cứ người Việt Nam nào cũng điều thấm nhuần và thuộc nằm lòng, nói lên lòng nhân ái vị tha của dân tộc Việt Nam.

Ngoài đạo lý Từ Bi, người Việt còn chịu ảnh hưởng sâu sắc một đạo lý khác của đạo phật là đạo lý Tứ Ân, gồm ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia và ân chúng sanh. Đạo lý này được xây dựng theo một trình tự phù hợp với bước phát triển của tâm lý về tình cảm của dân tộc Việt. Tình thương ở mọi người bắt đầu từ thân đến xa, từ tình thương cha mẹ, họ hàng lan dần đến tình thương trong các mối quan hệ xã hội với thầy bạn, đồng bào quê hương đất nước và mở rộng đến quê hương cao cả đối với cuộc sống của nhân loại trên vũ trụ này. Đặc biệt trong đạo lý tứ ân, ta thấy ân cha mẹ là nổi bật và ảnh hưởng rất sâu đậm trong tình cảm và đạo lý của người Việt. Vì đạo phật rất chú trọng đến hiếu hạnh, và được Đức Phật đã thuyết giảng đề tài này trong nhiều kinh khác nhau như Kinh Báo Phụ Mẫu Ân, kinh Thai Cốt, kinh Hiếu Tử, kinh Đại Tập, kinh Nhẫn Nhục, kinh Vu Lan.. nhắc đến công lao dưỡng dục của cha mẹ, Phật dạy: “muôn việc ở thế gian, không gì hơn công ơn nuôi dưỡng lớn lao của cha mẹ” (Kinh Thai Cốt), hay kinh Nhẫn Nhục dạy: “cùng tốt điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tốt điều ác không gì hơn bất hiếu”. Bởi Phật Giáo đặc biệt chú trọng chữ hiếu như thế nên thích hợp với nếp sống đạo lý truyền thống của dân tộc Việt.

Nhìn chung, đạo lý hiếu ân trong ý nghĩa mở rộng có cùng một đối tượng thực hiện là nhắm vào người thân, cha mẹ, đất nước, nhân dân , chúng sanh, vũ trụ, đó là môi trường sống của chúng sanh gồm cả mặt tâm linh nữa. Đạo lý Tứ Ân còn có chung cái động cơ thúc đẩy là Từ Bi, Hỷ Xã khiến cho ta sống hài hòa với xã hội, với thiên nhiên để tiến đến hạnh phúc chân thực và miên trường. Từ cơ sở tư tưởng triết học và đạo lý trên đã giúp cho Phật Giáo Việt Nam hình thành được một bản sắc đặc thù rất riêng biệt của nó tại Việt Nam, góp phần làm phong phú và đa dạng hóa nền văn hóa tinh thần của dân tộc Việt.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.