Biền biệt tà chánh

Làm những việc thiện đương nhiên hưởng được hạnh phúc, làm các điều ác tất yếu chuốc lấy khổ đau. Thân cận bậc hiền trí thì tiền đồ sẽ sáng lạn, gần gũi kẻ vô trí thì viễn ảnh sẽ mịt mù. Đi theo chánh đạo thì đời sống trở nên thăng hoa, dấn thân vào tà giáo thì cuộc đời xem như vứt bỏ.

Cách nay 25 thế kỷ một người con ưu tú của dân tộc, đồng thời cũng là một vị cứu tinh của nhân loại đã xuất hiện tại một quốc gia có nhiều truyền thống văn hóa và tôn giáo nhất thế giới, đó là Ấn Độ. Sự ra đời của Ngài như một vầng Thái dương xuất hiện xua tan mọi bóng tối vô minh, dẫn lối đưa đường cho muôn vạn sinh linh thoát khỏi sông mê bể khổ. Nguồn ánh sáng bất tận ấy ngày nay đã lan tỏa khắp 5 châu, tạo điều kiện thuận lợi cho muôn triệu con tim khát khao chân lý tìm về nương tựa. Hôm nay kỷ niệm Đản sinh lần thứ 2544 của đức Từ Phụ, tất cả chúng ta lắng đọng tâm tư thành kính hướng về Thánh địa Ba-la-nại, hồi tưởng hình ảnh cao cả của bậc Đạo sư, ôn lại những lời giáo huấn vàng ngọc của Ngài, như một cử chỉ bày tỏ lòng tri ân đối với vị thầy muôn vàn tôn kính.

Sau khi trải qua bao năm gian khổ tìm được đạo mầu, đức Đạo sư muốn cho ánh sáng chân lý ấy được tỏa rạng muôn nơi, Ngài đã quyết định xua tan những đám mây mù bao phủ; mà những đám mây mù dày đặc nhất lúc bấy giờ không gì khác hơn là các tà thuyết. Do đó, đức Thế tôn đã dũng cảm vạch trần chân tướng của các tà thuyết, xiển dương chánh đạo, như một đoạn kinh sau đây đã trình bày:

“Này các gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết, những quan điểm như sau: Không có kết quả của sự bố thí cúng dường, không có kết quả của sự tế tự, không có kết quả của các nghiệp thiện ác, không có quá khứ, không có vị lai v.v…

Lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn khác chủ trương ngược lại quan điểm của những người trên, cho rằng: Có kết quả của sự bố thí cúng dường, có kết quả của các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau v.v…

Này gia chủ, trong hai hạng người trên, những người tà kiến bác bỏ nhân quả thiện ác, bác bỏ quá khứ, vị lai, thì họ sẵn sàng từ bỏ ba thiện nghiệp là ý nghĩ điều lành, miệng nói lời lành và thân làm việc lành; đồng thời, họ buông lung theo ba ác nghiệp: ý nghĩ điều ác, miệng nói lời ác và thân làm việc ác. Vì lẽ, họ không thấy được sự nguy hiểm, sự tai hại của các hành vi bất thiện và quả báo của những hành vi ấy. Nhưng sự thật là có đời trước, có đời này và có đời sau. Nếu ai cho rằng không có đời sau thì đó là một tà kiến. Nếu ai nghĩ rằng không có đời sau, thì đó là một tà tư duy. Nếu ai tuyên bố rằng không có đời sau, thì đó là một tà ngữ. Nếu ai phủ nhận đời sau thì mâu thuẫn với các vị A-la-hán, những bậc minh triết đã biết chắc chắn có đời sau. Nếu ai thuyết phục người khác rằng không có đời sau, thì sự thuyết phục ấy chống lại chân lý.

Này các gia chủ, những kẻ phủ nhận đời sau này, nếu quả thực không có đời sau, thì sau khi mệnh chung, họ cảm thấy an toàn. Nếu thật sự có đời sau, thì sau khi từ trần, chắc chắn họ sẽ sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Vì lẽ những kẻ này chỉ nhìn thấy một cách phiến diện.

Này các gia chủ, những kẻ phủ nhận đời sau này, ngay trong hiện tại bị các bậc minh triết chỉ trích rằng: “Đây là những kẻ ác kiến, theo ác giới, chủ trương vô nhân luận.” Do vậy những kẻ chủ trương tà kiến này phải chuốc lấy hai điều bất hạnh: ngay trong hiện tại bị người trí chê trách, sau khi chết sẽ sanh vào ác đạo.

Trái lại, này các gia chủ, những Sa-môn, Bà-la- môn chủ trương có nhân quả thiện ác, có đời trước, đời này và đời sau, có đạo lộ hướng đến giải thoát, thì trong hiện tại, họ từ bỏ suy nghĩ ác, từ bỏ nói lời ác, từ bỏ làm việc ác, và cố gắng suy nghĩ thiện, nói lời thiện và hành động thiện. Vì sao vậy? Vì họ thấy sự nguy hiểm, sự tai hại của những hành vi ác và sự lợi ích của những hành động thiện. Do đó, những vị này ngay trong hiện tại được các bậc hiền trí tán thán là những vị có chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ; là những người theo thiện giới, chủ trương phù hợp với chân lý.

Này các gia chủ, nếu sự thật có đời sau, thì những vị này do làm các việc lành nên khi mệnh chung chắc chắn sẽ sinh lên cõi trời, sinh vào những cảnh giới an lành, hay tái sinh làm người. Giả sử, không có đời sau đi nữa, thì trong hiện tại những người này được mọi người khen ngợi là những người thiện, làm những việc lợi ích tốt đẹp. Do đó, cả hai phương diện – có đời sau hay không có đời sau – những vị này đều gặt hái những điều may mắn, diễm phúc.

Hai hạng người trên đây, một hạng chủ trương chủ nghĩa hư vô, bác bỏ nhân quả, một hạng tin vào luật nhân quả chủ trương có quá khứ, vị lai, có quả báo của các nghiệp thiện ác, đó là hai hạng người mà chúng ta thường thấy trên thế gian này.

Ngoài ra, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những kiến chấp như sau: “Phàm có những cảm giác vui hay buồn mà con người hiện tại đang cảm thọ, tất cả những cảm thọ ấy đều do nghiệp quá khứ quyết định.” Lại có một số người khác chủ trương rằng: “Những nỗi khổ, vui mà con người hiện tại đang cảm thọ, tất cả đều do một đấng tạo hóa tạo ra”. Lại có người khác chủ trương rằng: “Mọi người sống trên đời này giàu sang hay khốn cùng đều do sự ngẫu nhiên đưa đến.”

Đối với những ai tin một cách quả quyết vào các thuyết Định mệnh, thuyết do đấng tạo hóa tạo ra, thuyết ngẫu nhiên, thì sẽ không có những ước muốn, những nỗ lực “đây là những việc mà chúng ta cần phải thực hiện”, “đây là những việc mà chúng ta cần phải từ bỏ.” Do đó, trong hiện tại, những người này sống một cách vô vọng, ỷ lại, không có mục đích, không cố gắng hướng thượng.[1]

Thế nhưng, trong thực tế không thể nào có chuyện một người suy nghĩ ác, nói ác, làm ác mà lại hưởng được hạnh phúc, an lạc; mà điều hiển nhiên là những kẻ làm ác sẽ chuốc lấy những hậu quả khổ đau ngay trong hiện tại cũng như trong tương lai. Còn những người làm thiện sẽ hưởng những quả lành sung sướng, hạnh phúc trong đời sống hiện tại cũng như trong kiếp sống mai sau.

Ví như khi chúng ta đem hạt giống khổ qua, giống bồ hòn gieo vào trong đất ướt, thì vị gì nó hút lên từ đất, vị gì nó hút lên từ nước, tất cả những vị ấy đều mang tính chất đắng. Bởi vì bản chất hạt giống của nó vốn mang sẵn tính chất đắng trong mình. Trái lại, ví như khi chúng ta đem cây mía, cây chuối, trồng xuống trong đám đất ướt, thì những gì nó hút lên từ đất, từ nước, tất cả những vị ấy đều mang tính chất ngọt. Vì sao vậy? Vì bản chất mầm mống của nó vốn đã mang sẵn tính chất ngọt trong mình.[2]

Như vậy, nhân quả khác nhau của một kẻ theo tà kiến và một người theo chánh kiến, một kẻ làm ác và một người làm lành đã được đức Phật phân tích khá rõ ràng như ta đã thấy. Tiến thêm bước nữa, đức Phật phân tích về hai hạng người có trí và thiếu trí như sau:

Này các Tỷ kheo, có hai hạng người hiện hữu trên đời này, đó là người thiếu trí và người có trí. Phàm có sự sợ hãi nào khởi lên, tất cả những sự sợ hãi ấy đều khởi lên từ người thiếu trí, không phải khởi lên từ người có trí. Phàm có những sự nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những sự nguy hiểm ấy đều khởi lên từ người thiếu trí, không phải khởi lên từ người có trí. Phàm có những tai họa gì khởi lên, tất cả những tai họa ấy đều khởi lên từ người thiếu trí, không phải khởi lên từ người có trí.

Như vậy, này các Tỷ kheo, người thiếu trí có sợ hãi, người hiền trí không sợ hãi; người thiếu trí có nguy hiểm, người hiền trí không có nguy hiểm; người thiếu trí có tai họa, người hiền trí không có tai họa.[3]

Này các Tỷ kheo, vì người thiếu trí suy nghĩ ác, nói lời ác, làm việc ác, do đó, các bậc minh triết biết đó là người thiếu trí, không phải bậc chân nhân. Trái lại, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói lời thiện, hành động thiện, do đó, các bậc minh triết biết đó là người hiền trí, là bậc chân nhân.

Này các Tỷ kheo, người thiếu trí có ba đặc tính sau đây:“Khi phạm tội mà không biết mình phạm tội. Sau khi phạm tội, nếu biết là có tội vẫn không chịu ăn năn hối cải. Lúc được người khác chỉ bảo cho thấy những tội lỗi thì không thành thật thừa nhận”. Vì vậy mà các bậc minh triết biết đó là người thiếu trí.

Trái lại, người hiền trí thường có ba đặc tính sau đây: “Khi phạm tội, biết là phạm tội. Sau khi thấy rõ tội lỗi liền thành khẩn ăn năn sám hối. Lúc được người khác chỉ bảo cho thấy tội lỗi liền thành thật nhận lỗi”. Vì vậy mà các bậc minh triết biết đó là bậc hiền trí.[4]

Đó là đứng về phương diện có trí và vô trí mà đức Phật phân tích về hai hạng người đang hiện hữu trong cuộc đời. Còn đứng về phương diện hữu hiệu và vô hiệu đối với cuộc sống, đức Phật đã dùng những ảnh dụ rất thi vị để chỉ cho chúng ta thấy rõ bốn hạng người như sau:

Hạng người thứ nhất, có sấm mà không có mưa: đó là những người hay nói mà không làm. Hạng người thứ hai, có mưa mà không có sấm: đó là những người âm thầm làm mà không tuyên bố. Hạng người thứ ba, không có sấm cũng không có mưa: đó là những người không nói, cũng không làm.

Hạng người thứ tư, vừa có sấm vừa có mưa: đó là những người vừa nói lại vừa làm. Đó là bốn loại người thường có mặt trên cuộc đời này.[5]

Ngoài ra, còn có bốn hạng người khác khi xét về phương diện phước báo và vô phước: Hạng thứ nhất, sống trong bóng tối hướng đến bóng tối: đó là những người sinh ra trong gia đình bần cùng khốn khổ, thân thể xấu xí, bệnh tật. Tuy vậy, họ sống với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Hạng người này, do sống với ác hạnh, nên sau khi từ trần sẽ sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Đó là hạng người sống trong bóng tối, hướng đến bóng tối.

Hạng người thứ hai, sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng: đó là hạng người sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, thiếu thốn, nhưng họ sống với thân làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành. Do đó, sau khi mệnh chung, họ sẽ sinh vào các cảnh giới an lành, hoặc sinh lại cõi đời này. Đó là hạng người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng.

Hạng người thứ ba, sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối: đó là những người sinh ra trong một gia đình cao sang, quyền quí, giàu có và sung túc, có ngoại hình đẹp đẽ, dễ thương. Nhưng họ sống với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thế, sau khi từ trần, họ sẽ sinh vào các cõi dữ, tương xứng với những nghiệp ác mà họ đã tạo ra. Đó là hạng người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối.

Hạng người thứ tư, sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng: đó là những người sinh ra trong các gia đình hào phú, sống sung túc, thân thể tráng kiện, dễ thương. Đồng thời họ sống với thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành. Những người này sau khi qua đời sẽ sinh vào các cõi lành, cõi trời, hoặc sinh lại cõi đời này. Đó là hạng người sống trong ánh sánh hướng đến ánh sáng.[6]

Như vậy đã rõ, con người vốn kế thừa nghiệp quả của mình trong một dòng tâm thức liên tục từ quá khứ sang hiện tại rồi đến vị lai. Do đó muốn biết nguyên nhân đời trước hãy xem những hưởng thụ trong đời này; muốn biết kết quả trong vị lai hãy nhìn vào những việc làm trong hiện tại. Thế thì, ai muốn hướng về bóng tối hay hướng đến ánh sáng đều có quyền tự quyết định số phận của mình.

Về một phương diện khác, khi đề cập đến thân bệnh và tâm bệnh, đức Phật một lần nữa làm cho chúng ta cảm thấy bàng hoàng và thấm thía: “Này các đệ tử, Ta thấy có những chúng sinh tự nhận mình là khỏe mạnh, không có thân bệnh được một năm, hai năm, mười năm, ba mươi năm, thậm chí có người không có thân bệnh suốt cả trăm năm. Thế nhưng, trong các chúng sinh ấy, khó tìm thấy một người nào hoàn toàn không có tâm bệnh dù chỉ trong một khoảnh khắc, ngoại trừ những vị đã đoạn tận mọi ô nhiễm của nội tâm.[7]

Thế nên, về phương diện tâm bệnh không phải chỉ có người đời mới mắc phải mà ngay cả những người xuất gia cũng vướng phải các chứng bệnh như sau: Có những người mang nhiều tham dục không tự bằng lòng với những y phục, ẩm thực, sàng tọa, thuốc men mình đang thụ hưởng mà luôn cảm thấy thiếu thốn. Đó là căn bệnh thứ nhất của người xuất gia. Những người ấy vì nhiều tham dục nên tỏ ra bực bội với những nhu cầu khiêm tốn hằng ngày và luôn khát khao mong được hưởng thụ nhiều hơn nữa. Đó là căn bệnh thứ hai của người xuất gia. Lại có những người nỗ lực tinh tấn tu học với niềm ước ao được nhiều lợi dưỡng, cung kính và danh vọng. Đó là căn bệnh thứ ba của người xuất gia. Những vị ấy, sau khi tính toán, đi đến các hội chúng, cố gắng thuyết pháp cho thật lưu loát để được quần chúng tán thưởng, và nhận được thật nhiều lợi dưỡng. Đó là căn bệnh thứ tư của người xuất gia.[8]

Tuy nhiên, việc đánh giá người khác không phải bất cứ ai cũng có thể làm được mà chỉ có những bậc chân nhân thật sự mới đủ khả năng đánh giá một cách công bằng, như đức Phật đã dạy:

Một người thiếu trí tuệ không thể biết được một người nào đó là bậc chân nhân hay không phải chân nhân, mà chỉ có một bậc thánh giả minh triết mới biết được một người nào đó là bậc chân nhân hay không phải chân nhân mà thôi.[9]

Trên đây, chúng ta đã thấy được phần nào bản chất của mỗi hạng người và những căn bệnh của bản thân mà họ đang gánh chịu. Giờ đây, chúng ta hãy tìm hiểu về lộ trình tu tập và thành quả của họ diễn biến như thế nào.

Muốn biết người cư sĩ tại gia tu học có thể đạt được giải thoát đến mức độ nào, chúng ta có thể nghe cuộc đối thoại giữa du sĩ ngoại đạo Vacchagotta với đức Đạo sư sau đây:

– Thưa tôn giả Gotama, có vị cư sĩ tại gia nào không dứt bỏ các sự trói buộc của gia đình mà khi mệnh chung đoạn tận khổ đau chăng?

– Này Vaccha, không có người tại gia nào không dứt bỏ các trói buộc của gia đình mà khi mệnh chung có thể đoạn tận khổ đau.

– Thưa tôn giả, có người cư sĩ tại gia nào không dứt bỏ các trói buộc của gia đình mà khi mệnh chung được sinh lên cõi trời chăng?

– Này Vaccha, những người tại gia không dứt bỏ các trói buộc của gia đình mà khi mệnh chung được sinh lên cõi trời không phải chỉ có 100, 200, 500 người mà còn nhiều hơn thế nữa.

– Thưa tôn giả, có hạng tà kiến ngoại đạo nào khi mệnh chung đoạn tận khổ đau không?

– Này Vaccha, không có một kẻ tà kiến ngoại đạo nào khi mệnh chung có thể đoạn tận khổ đau.

– Thưa tôn giả, có hạng tà kiến ngoại đạo nào sau khi mệnh chung có thể sinh lên cõi trời chăng?

– Này Vaccha, dù ta nhớ lại đến 91 kiếp quá khứ, Ta cũng khó thấy có một kẻ tà kiến ngoại đạo nào đã được sinh lên cõi trời, ngoại trừ một vị, và vị này có tuyên bố về nghiệp và tác dụng của nghiệp.[10]

Thế rồi, Vacchagotta hỏi tiếp đức Thế Tôn có vị Tỷ kheo, Tỷ kheo ni nào ngay trong hiện tại đoạn tận các cấu uế của nội tâm chứng đắc giải thoát rốt ráo hay không, thì đức Phật cho biết rằng các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni đã chứng quả giác ngộ giải thoát là nhiều vô số kể. Đoạn ông hỏi tiếp:

– Thưa tôn giả Gotama, có vị nam cư sĩ, nữ cư sĩ nào là đệ tử sống tại gia mặc áo trắng, theo nếp sống phạm hạnh (tuyệt dục), sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử (những trói buộc cỡ thấp) được hóa sinh, nhập Niết-bàn ngay tại chỗ, không trở lại đời này nữa không?

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, năm trăm, mà nhiều hơn thế nữa là những nam nữ cư sĩ tại gia, theo nếp sống phạm hạnh, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn ngay tại chỗ, không trở lại cõi đời này nữa.

– Thưa tôn giả, vậy có vị nam nữ cư sĩ nào sống tại gia hưởng thụ ngũ dục nhưng tin tưởng giáo huấn của đạo sư, nỗ lực hộ trì thánh giáo, đoạn trừ hoài nghi, chứng đắc vô úy, không cần dựa vào người khác hay không?

– Này Vaccha, không phải chỉ có một trăm, hai trăm, năm trăm mà nhiều hơn thế nữa là những nam nữ cư sĩ tại gia hưởng thụ ngũ dục…, mà vẫn chứng đắc vô úy, không cần dựa vào người khác.[11]

Thế nhưng, đối với một vị Tỷ kheo tinh tấn tu tập cho đến khi chứng đắc cứu cánh giải thoát thì khoảng thời gian tối đa là bao lâu và tối thiểu là bao lâu? Đó là điều mà Vương tử Bodhi đã hỏi đức Thế Tôn, và đức Phật đã đáp:

– Này Vương tử, nếu vị Tỷ kheo có niềm tin vững chắc đối với bậc Đạo sư; ít đau ốm, ít phiền não, cuộc sống quân bình; sống chân thật đối với thầy và bạn; siêng năng tu học đúng mức; có trí tuệ hiểu thấu đáo lộ trình mà mình đang tu tập, thì tối đa là bảy năm sẽ chứng đắc mục đích cứu cánh mà người xuất gia hướng đến.

Nhưng, này Vương tử, nếu một Tỷ kheo đầy đủ năm yếu tố kể trên thì không cần gì đến 7 năm mà có thể trong 6 năm, 5 năm, 4 năm, 3 năm, 2 năm, 1 năm sẽ đạt được mục đích. Hơn nữa, cũng không cần đến 1 năm, mà có thể trong 7 tháng, 6 tháng, … nửa tháng, thậm chí chỉ cần trong một ngày đêm sẽ đạt đến mục đích cuối cùng.

Lại nữa, này Vương tử, nếu vị Tỷ kheo thành tựu năm yếu tố kể trên, noi theo sự hướng dẫn của đức Như Lai, thì khi được nghe giảng pháp buổi mai sẽ chứng được sự thù thắng vào buổi chiều, khi được nghe giảng pháp vào buổi chiều sẽ chứng được sự thù thắng vào buổi sáng hôm sau.[12]

Quả thù thắng kể trên cũng chính là minh giải thoát. Thế rồi đức Phật luận giải về những trợ duyên của minh giải thoát mà Ngài gọi là thức ăn. Thế thì những gì là thức ăn của minh giải thoát?

– Đó chính là bảy Giác chi.

– Vậy thì những gì là thức ăn của bảy Giác chi?

– Đó chính là bốn Niệm xứ.

– Thế thì những gì là thức ăn của bốn Niệm xứ?

– Đó là ba Thiện hạnh.

– Thế thì những gì là thức ăn của ba Thiện hạnh?

– Đó là sự chế ngự các căn.

– Thế thì những gì là thức ăn của sự chế ngự các căn?

– Đó là Chánh niệm tỉnh giác.

– Vậy thì những gì là thức ăn của chánh niệm tỉnh giác?

– Đó là sự tư duy đúng đắn.

– Vậy thì những gì là thức ăn của tư duy đúng đắn?

– Đó là niềm tin chân chính.

– Vậy thì những gì là thức ăn của niềm tin chân chính?

– Đó là được nghe diệu pháp.

– Vậy thì những gì là thức ăn của sự nghe diệu pháp?

– Đó là giao thiệp với các bậc chân nhân.

Tóm lại, nhờ gần gũi các bậc chân nhân mà được nghe diệu pháp. Do nghe diệu pháp mà sinh khởi niềm tin. Do có niềm tin mà tư duy đúng đắn. Do tư duy đúng đắn mà có chánh niệm tỉnh giác. Do có chánh niệm tỉnh giác mà các căn được chế ngự. Do các căn được chế ngự mà ba thiện hạnh phát sinh. Do ba thiện hạnh phát sinh mà đạt được bốn niệm xứ. Do đạt được bốn niệm xứ mà thành tựu bảy Giác chi. Do thành tựu bảy Giác chi mà đạt được Minh giải thoát.[13]

Những gì vừa trình bày trên đây tuy gồm những phiến đoạn được rút ra từ nhiều nguồn tư liệu, nhưng chúng đã hình thành nên một sơ đồ khá rõ nét: làm những việc thiện đương nhiên hưởng được hạnh phúc, làm các điều ác tất yếu chuốc lấy khổ đau. Thân cận bậc hiền trí thì tiền đồ sẽ sáng lạn, gần gũi kẻ vô trí thì viễn ảnh sẽ mịt mù. Đi theo chánh đạo thì đời sống trở nên thăng hoa, dấn thân vào tà giáo thì cuộc đời xem như vứt bỏ.

Trong dịp lễ kỷ niệm Đản sinh lần thứ 2544 của đức Từ phụ, mỗi người Phật tử chúng ta hòa với niềm vui chung của cả dân tộc trong những ngày lễ lớn của Tổ quốc. Đó là kỷ niệm 25 năm thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Kỷ niệm ngày giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3, toàn dân già trẻ gái trai trên mọi miền quê hương đều hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về đền Hùng tỉnh Phú Thọ, nơi di tích của đức Quốc tổ anh linh. Ngoài ra đồng bào cả nước cũng vừa được chứng kiến lễ Festival năm 2000 tại cố đô Huế, nơi lưu giữ những kiến trúc đặc thù của dân tộc, một trung tâm văn hóa đã được Liên Hiệp Quốc công nhận. Đây cũng là niềm hãnh diện của cả dân tộc, khiến mọi người hồi tưởng lại những công lao của các bậc tiền bối, để lòng mình càng thêm tự hào và trân trọng giữ gìn những di sản quí báu ấy cho muôn đời con cháu mai sau.

Thích Phước Sơn

http://www.daophatngaynay.com


[1]. Tăng chi I, tr. 195      

[2]. Tăng chi I, tr. 42        

[3]. Tăng chi I, tr. 112      

[4]. Tăng chi I, tr. 114      

[5]. Tăng chi IIA, tr.135   

[6]. Tăng chi IIA, tr. 113  

[7]. Tăng chi IIA, tr. 185  

[8]. Tăng chi IIA, tr. 186.    

[9]. Tăng chi IIA, tr. 234. 

[10]. Trung bộ II, tr. 482b 

[11]. Trung bộ II, tr. 490   

[12]. Trung bộ II, 95 (kinh Bồ-đề Vương tử).    

[13]. Tăng chi, IIIB, tr. 115.       

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.