Khái niệm KHÔNG trong Phật giáo Nguyên thủy

Qua sự kiện đó cũng gợi ý cho chúng ta thấy rằng, mặc dù Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là hai vị đã chứng quả A la hán nhưng hai Ngài cũng bị luật vô thường, thân Ngũ uẩn cũng bị tan rã. Nếu có còn gì đi chăng nữa, chỉ còn pháp thân, tức trí tuệ và đức hạnh của các Ngài. Các Ngài là những người đã giác ngộ giải thoát còn phải chịu qui luật này huống gì là chúng ta, cho nên chúng ta phải từ bỏ thái độ cố chấp luyến tiếc khi nó đã vô thường. Đây chính là lý do tại sao đức Phật mượn bọt nước nói về nghĩa trống không, mượn nó để cảnh tỉnh và khuyên chúng ta xuất gia tu tập. Xuất gia tu tập không phải là người thoát khỏi qui luật vô thường, sinh lão bịnh tử mà xuất gia tu tập để thấu rõ qui luật vô thường trống không, để tránh khỏi nổi khổ về sinh lão bịnh tử, vì sự cố chấp của con người, có nghĩa là khi con người già bịnh… mà không chấp nhận sự già bịnh của mình cho nên sinh ra khổ.

Đây chính là lý do tại sao đức Phật mượn tướng trạng vô thường trống không của những bọt nước trôi dạt trên sông Hằng để nói lên bản chất của các pháp cũng như thế, tất cả đều bị vô thường rồi cũng sẽ trống không như bọt nước. Bản chất của các pháp là như vậy, nếu con người không thấy rõ không chấp nhận chúng, ngược lại sinh ra thái độ cố chấp , ắt hẳn phát sinh đau khổ. Đây là khái niệm ´không´ được trình bày trong kinh này.

Ở đây, chúng ta cần chú ý, nội dung và ý nghĩa đoạn kinh vừa dẫn, đức Phật lấy hình tượng bọt nước để mô tả về tính mong manh ngắn ngủi của vạn vật, nó là cơ sở để hình thành và phát triển thành tư tưởng không của Phật giáo đại thừa. Cụ thể là “Kinh Kim Cang” có bài kệ nói về các pháp như bọt nước:

Nhứt thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điển.
Ưng tác như thị quán.

Thật ra nội dung và ý nghĩa bài kệ này là kế thừa và phát triển từ bài kinh vừa dẫn ở trên. Từ điểm này cho thấy, tư tưởng Phật giáo Đại thừa có nguồn gốc từ các kinh điển A hàm và Nikˆya. Đây là điểm chúng ta cần chú ý và nghiên cứu.

3. ‘Đệ nhất nghĩa không’ là cơ sở để phát triển thành tư tưởng ‘Không’ của Phật giáo Đại thừa

Ngoài 2 ý nghĩa không vừa đề cập ở phần 1 và 2, trong kinh A hàm còn có khái niệm ´không´ được định nghĩa là ‘Đệ nhất nghĩa không’, cách lý giải của khái niệm này có liên hệ mật thiết đến cách lý luận của Phật giáo Đại thừa về sau. Do vậy, nơi đây chúng ta cũng phân tích và tìm hiểu. Khái niệm không này được “Kinh Tạp A hàm” Kinh số 335 ghi như sau:

“Thế nào là kinh Đệ nhất nghĩa không ? Này các Tỳ-kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không tác giả. Ấm này diệt rồi, ấm khác tương tục, trừ pháp tục số. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số.

Pháp tục số, tức là nói, cái này có thì cái kia có, cái này khởi thì cái kia khởi, như vô minh duyên hành, hành duyên thức, nói chi tiết đầy đủ cho đến thuần một khối khổ lớn tập khởi. Lại nữa, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt. Như vậy, nói rộng cho đến thuần một khối khổ lớn tụ diệt. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh Đệ nhất nghĩa không.”7

Đệ nhất nghĩa không được kinh này giải thích: “Mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không tác giả. Ấm này diệt rồi, ấm khác tương tục…”. Khái niệm ‘mắt’ (P.cakkkhu) được đem ra phân tích ở đây chính là Nhãn xứ trong 12 xứ (S. dvŒda§a-Œyatana), bao gồm 6 nội xứ: 1. Nhãn (cak•u), 2. Nhĩ (§rotra), 3. Tỷ (ghrŒöa), 4. Thiệt (jihvŒ), 5. Thân (kŒya), 6. Ý (manas) và 6 ngoại xứ : 1. Sắc (rèpa), 2. Thinh (§abda), 3. Hương (gandha), 4. Vị (rasa), 5. Xúc (spar§a), 6. Pháp (dhamma). Trong hệ thống triết lý nhà Phật 12 xứ mang ý nghĩa nói lên sự quan hệ giữa con người và thế giới, hay nói một cách dễ hiểu hơn, là cách nhận thức của con người đối với thế giới khách quan, ngang qua 6 cơ quan khác nhau để nhận thức 6 cảnh giới khác nhau về thế giới, như mắt chỉ có thể nhận thức được hình tướng màu sắc, nhưng mắt không thể nghe được âm thinh, các cơ quan khác cũng thế. 12 xứ này còn mang ý nghĩa bao hàm tất cả pháp trên thế gian, không một pháp nào ngoài nó, do vậy chúng là tất cả pháp. Như vậy thảo luận 12 xứ này cũng có nghĩa là thảo luận tất cả pháp. Do vậy, trong trong kinh này lấy Nhãn là xứ đầu tiên trong 12 xứ để thảo luận, cũng hàm ý thảo luận đến 12 xứ.

Ở đây, đức Phật giải thích ‘Đệ nhất nghĩa không’ là ‘Mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi’. Trong câu này có 4 khái niệm, chúng ta cần chú ý : sinh (生) diệt (滅) đến (來) và đi (去) là 4 trong 8 khái niệm (bát bất) mà Long Thọ phủ định trong bài đệ tổng luận của mình. Như trong “Trung Luận” ghi rằng :

Không sanh cũng chẳng diệt,
Chẳng thường cũng chẳng đoạn,
Chẳng một cũng phải khác,
Chẳng đến cũng chẳng đi.

Bài kệ này là tóm tắt lập trường và quan điểm của Long Thọ, đề ra chủ trương ‘Bát bất’ (八不), bao gồm : 1. bất sinh, 2. bất diệt, 3. bất thường, 4. bất đoạn, 5. bất nhứt, 6. bất dị, 7. bất lai, 8. bất khứ. Trong bát bất này, 4 bất (sinh diệt đến đi) được thấy chúng trong đoạn kinh vừa dẫn. Từ điểm này, chúng ta có thể nói tư tưởng của Phật giáo Đại thừa cũng đều xuất phát từ kinh điển A hàm hay Nikˆya. Tất nhiên mỗi thời kỳ Phật giáo cách lý giải khác nhau, hoặc cũng cố thêm phần lý luận. Đây là điểm mà chúng ta cần chú ý và tiến hành nghiên cứu.

Trở lại vấn đề. Câu ‘Mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi’ mang ý nghĩa đức Phật muốn phân tích vấn đề : bản chất hiện tượng của các pháp. Nếu chúng ta đứng từ mặt hiện tượng của các pháp mà nhìn, sự xuất hiện của một pháp nào đó ta gọi cho rằng pháp ấy sinh, pháp ấy tan rã, hình tướng ấy không còn, ta gọi nó là diệt. Khái niệm sinh và diệt này, là sự cắt xén thời gian để nói rằng pháp này sinh pháp kia diệt, có nghĩa là khái niệm sinh diệt này dựa vào thời gian và không gian mà nói, nếu như chúng ta tách khái niệm thời gian và không gian khỏi sự vật, hay nới rộng thời gian vô cùng vô tận thì khái niệm sinh và diệt này không còn nữa. Ví dụ câu chuyện trứng sinh ra gà hay gà sinh ra trứng, nếu chúng ta tách khái niệm thời gian và không gian ra khỏi gà hay trứng, thì gà sinh ra trứng hay trứng sinh ra gà không có câu trả lời. Cũng vậy, khái niệm đêm và ngày cái nào có trước và sau cũng không thể trả lời được, nếu chúng ta không lấy móc thời gian để hiểu vấn đề.

Nếu đứng từ góc độ thời gian vô cùng vô tận đó để hiểu về các pháp, thì sự xuất hiện của các pháp cũng không phải là sinh, sự biến mất hiện tượng của pháp nào cũng không thể là diệt, vì các pháp xưa và nay vẫn tồn tại như thế. Các pháp đã không sinh không diệt thì khái niệm đến và đi cũng không có, nếu như khái niệm không gian mở rộng đến vô cùng vô tận, như con kiến bò lanh quanh trên bàn, với con mắt chúng ta không có khái niệm đến và đi.

Đứng từ nguyên tắc nào mà cho rằng các pháp không sinh không diệt không đến không đi ? chính là đạo lý Duyên khởi (S. prat´tya-samutpŒda, P. paÊcca-samuppˆda), tức cái này có cho nên cái kia có, cái này diệt cho nên cái kia diệt. Tướng trạng sinh diệt diệt sinh đó là thường pháp là qui luật của thế gian, tất cả các pháp trong thế gian phải y vào đạo lý này mà tồn tại sinh diệt. Trước hiện tượng sinh diệt diệt sinh, mất còn còn mất đó, với kẻ phàm phu cảm thấy âu lo buồn phiền, nhưng với người giác ngộ đã thấy rõ qui luật duyên khởi này, cho nên không vì hiện tượng sinh diệt đó mà lo buồn.

Nếu như đời người sống một trăm năm. Lúc con người sinh ra thì chúng ta gọi là sinh, trải qua trăm năm chấm dứt cuộc sống gọi là tử. Cảm nhận thông thường của con người, sinh thì vui mất thì buồn. Hiện tượng sinh và tử đó trên mặt hình thức kéo dài 100 năm, nhưng phân tích cho cùng trong khoảng thời gian 100 năm đó, có biết bao lần sinh diệt (tử) diệt sinh, có thể nói sự sinh diệt của chúng từng sát na. Sự sinh diệt đó chính là quá trình sinh trưởng của con người, nếu không có sinh diệt thì làm sao con người trưởng thành. Ngay cả mặt nhận thức cũng thế, nếu không có sự sinh diệt diệt sinh của khái niệm thì mặt nhận thức của con người không có sự thay đổi, và sẽ trơ lì như đất đá, chính vì sự sinh diệt diệt sinh này mà con người trưởng thành và khôn lớn, cũng chính nhờ sự sinh diệt biến đổi này mà mới khuyên con người tu tập bỏ việc ác làm việc lành. Trong chuổi dài sinh diệt diệt sinh của các pháp đó, thử hỏi chúng ta căn cứ từ điểm nào để nói pháp này sinh pháp kia diệt ? Chính tướng trạng sinh diệt diệt sinh không ngừng này, đức Phật gọi nó là ‘không’ hay ‘không tướng’. Thấu triệt được đạo lý Duyên sinh này được gọi là ‘Đệ nhất nghĩa không’. Tôi cho rằng, khái niệm ‘Đệ nhất nghĩa không’ này là cơ sở lý luận cho hệ thống triết học tánh không của Phật giáo Đại thừa, cũng là tư tưởng tiền thân của Phật giáo Đại thừa.

4. Kết luận

Không (S. §ènyata, P. Su––atˆ) là một khái niệm quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Phật giáo. Tuy nhiên khái niệm ‘không’ này trải qua mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, cho nên nó cũng mang ý nghĩa khác nhau. Sự khác nhau đó được biểu thị qua cách giải thích khác nhau, nhưng nguyên tắc chung khái niệm này được xây dựng vào đạo lý của pháp duyên khởi (S. prat´tya-samutpŒda, P. paÊcca-samuppˆda). Sự khác nhau của nó có thể là nhấn mạnh góc độ tâm không hay pháp không, hoặc cách lý giải vấn đề, tựu trung đều gọi là không.

Ngang qua các bản kinh A hàm và Nikˆya để tìm hiểu khái niệm ´không´ của thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy. Khái niệm ´không´ được mô tả dưới 3 ý nghĩa. Thứ nhất, khái niệm ´không´ được mô tả như là sự chấm dứt phiền não của tâm, như người tại gia khi từ bỏ đời sống gia đình, sống đời sống xuất gia, không còn các phiền lụy về gia đình. Thứ hai, khái niệm ´không´ được mô tả như những bọt nước, sự tồn tại của chúng thật mong manh, còn và mất chỉ trong sát na. Sự mong manh này được gọi là không. Có thể nói, đây chính là khái niệm ´không´ của thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy.

Ngoài hai khái niệm không này, còn có khái niệm ‘không’ mang nặng tính phân tích triết lý, cách phân tích lý luận ‘không’ này có liên hệ phong cách lý luận của Phật giáo Đại thừa. Khái niệm không này được xây dựng trên đạo lý Duyên khởi : Cái này có cho nên cái kia có, cái này diệt cho nên cái kia diệt. Sự sinh diệt đó không chỉ là thời kỳ sinh diệt mà sát na sinh diệt. Trước sự kiện sát na sinh diệt diệt sinh, thì các pháp không có tướng nhất định, như vậy đồng nghĩa là không. Đây là ý nghĩa thứ 3 trong thời kỳ Phật giáo nguyên thủy. Tôi cho rằng, cách lý giải về khái niệm ´không´ này là cơ sở để hình thành tư tưởng ‘không’ trong hệ thống triết học của Long Thọ.

Thích Hạnh Bình

http://www.lieuquanhue.vn

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.