Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc – Chương 9 & 10

DIỆU ĐẾ THỨ IV: ĐẠO ĐẾ

Phật giáo có đến tám muôn bốn ngàn pháp môn, nhưng chung qui chỉ có một cứu cánh là giải thoát.

Đạo diệu đế là phương pháp diệt trừ ái dục. Trong kinh Chuyển Pháp Luân, Phật dạy muốn diệt ái dục phải hành theo Bát Chánh Đạo.

Đây Phật ngôn dạy về Bát Chánh Đạo:

1. Sammāditthi: chánh kiến

Này các thầy Tỳ khưu, sự hành đến chỗ hết khổ là Bát Chánh Đạo, là chánh kiến v.v..

Trong bài kinh Maggavibhanga, Đức Phật dạy rằng: Này các thầy Tỳ khưu, chánh kiến là gì? Chánh kiến là:

– Hiểu rõ khổ.

– Biết rõ nhân khổ.

– Biết rõ sự diệt khổ.

– Biết rõ phương pháp hành để diệt khổ.

Theo đây, chúng ta thấy chánh kiến là sự thấy chân chánh, nghĩa là thấy rõ pháp Tứ đế.

2. Sammāsankappa: Chánh tư duy.

Này các thầy Tỳ khưu, chánh tư duy là gì? Chánh tư duy là:

– Suy nghĩ xuất thế gian khổ.

– Suy nghĩ không oán thù.

– Suy nghĩ không làm hại người.

Suy nghĩ xuất thế gian nghĩa là suy nghĩ về sự xuất gia. Đây có chỗ chú giải rằng người tại gia cư sĩ không thể xuất gia được, thì thọ bát quan trai giới và cố niệm Phật, diệt trừ tội ác, khi mình suy nghĩ, thấy việc mình đã làm trong ngày.

3. Sammāvācā: Chánh ngữ

Này các thầy Tỳ khưu, chánh ngữ là gì? Chánh ngữ là:

– Tác ý tránh xa sự nói dối.

– Tác ý tránh xa sự nói đâm thọc.

– Tác ý tránh xa sự nói hung dữ, độc ác, rủa, chưởi.

– Tác ý tránh xa nói lời vô ích.

4. Sammākammantā: Chánh nghiệp

Này các thầy Tỳ khưu, chánh nghiệp là gì? Chánh nghiệp là:

– Tác ý tránh xa sự sát sanh.

– Tác ý tránh xa sự trộm cắp.

– Tác ý tránh xa sự thông dâm.

Chánh nghiệp là việc làm chân chính, không phạm vào các điều ác. Đây có ý dạy ngay vào các hạng cư sĩ phải thọ trì ít nhất là ngũ giới. Hơn ấy nữa, là gắng tham thiền trong ngày bát quan trai giới.

5. Sammā ājiva: Chánh mạng.

Này các thầy Tỳ khưu, chánh mạng là gì? Cháng mạng là dứt bỏ sự nuôi mạng tà ở bậc thánh nhân trong Phật giáo.

Nuôi mạng chân chánh ấy là:

– Không buôn thú, trái lại phóng sanh.

– Không buôn người, trái lại, cứu người khi lâm nạn.

– Không buôn ruợu, không cho người ruợu; trái lại, lo phương pháp nào có thể răn đời, như bố thí pháp.

6. Sammāvāyama: Chánh tinh tấn.

Này các thầy Tỳ khưu, chánh tinh tấn là gì? Chánh tinh tấn là thầy Tỳ khưu trong Phật giáo cố vun trồng sự tinh tấn, không cho các pháp ác chưa phát sanh lên phát sanh lên được, giữ tâm vững chắc không rung động vì các hoàn cảnh bên ngoài, cố gắng diệt trừ các pháp ác đã có trong tâm cho cùng tận, cố gắng làm cho các thiện pháp chưa phát sanh lên được, được sanh lên, cố gắng vun trồng các thiện pháp đã có được tốt đẹp thêm.

7. Sammāsati: Chánh niệm

Này các thầy Tỳ khưu, Chánh niệm là gì? Chánh niệm là thầy Tỳ khưu trong Phật giáo luôn luôn quán tưởng thấy thân trong thân, cố ý tinh tấn thiêu đốt phiền não, có sự ghi nhớ và biết mình, diệt trừ sự vui, buồn, suy nghĩ thấy thọ trong thọ v.v… Nói tóm lại là suy nghĩ tứ niệm xứ. Hay nói cho dễ hiểu hơn, chánh niệm nghĩa là hành theo tứ niệm xứ (xin xem quyển này của Đại đức Hộ Tông)

8. Sammāsamādhi: Chánh định

Này các thầy Tỳ khưu, chánh định là gì? Chánh định là thầy Tỳ khưu trong Phật giáo vắng lặng trần cảnh, vắng lặng các pháp ác, nhập vào sơ thiền có tầm, sát, hỉ, lạc, an, định. Sau khi dứt bỏ lần tầm, sát, thì đắc nhị thiền, từ từ dứt từng pháp thô siểng. Thầy Tỳ khưu cố tinh tấn hành như thế gọi là chánh định.

Tóm lại, chánh định là phương pháp làm cho tâm người trở nên yên lặng khỏi ác pháp. Sự định tâm được do một trong 40 đề mục của Phật dạy gọi là chánh định.

Bát Chánh Đạo ví như chìa khóa mở cửa Niết Bàn:

Trong phẩm kinh Saccasamyutta Tacicayagga bài kinh Gavampati, Đức Thế Tôn có dạy: Người nào biết Khổ đế là người thấy rõ Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Người nào mà thấy rõ Tập đế thì thấy rõ Khổ diệt và Đạo Đế. Người nào thấy rõ Diệt đế là thấy rõ Khổ, Tập và Đạo đế. Người nào thấy rõ Đạo đế là thấy rõ Khổ, Tập và Diệt đế.

Tóm lại, người mà giác ngộ được thánh quả không phải chỉ học hay nghe pháp, hay giải thông được pháp Tứ Diệu Đế, là được thánh quả, mà phải hiểu rõ rằng trí tuệ, hay thấy rõ bằng tuệ nhãn.

Để chứng minh rõ sự thật là thế nào tôi xin đem lời Phật ví dụ để quí vị thấy rõ hơn:

1. Thí dụ thứ nhất:

Khổ đế ví như chứng bệnh của chúng sanh; Tập đế ví như căn bệnh của chúng sanh; Die6ṭ đế ví như căn bện đã được chữa lành; Đạo đế ví như phương thuốc trị bệnh của chúng sanh

2. Thí dụ thứ hai:

Khổ đế ví như món đồ nặng đang vác; Tập đế ví như nguyên nhân bắt buộc phải vác những vật ấy; Diệt đế ví như sự liệng bỏ vật nặng ấy; Đạo đế ví như phương pháp liệng bỏ vật nặng ấy.

3. Thí dụ thứ ba:

Khổ đế ví như người có oán thù; Tập đế ví như nguyên nhân của sự oán thù; Diệt đế ví như sự cởi mở của mối oán thù; Đạo đế ví như phương pháp cởi mở oán thù.

4. Thí dụ thứ tư:

Khổ đế ví như cây có thuốc độc; Tập đế ví như rễ cây có chất độc; Diệt đế ví như sự đào bứng tận rễ của cây có chất độc; Đạo đế ví như phương pháp đào bứng hết rễ cây có chất độc.

Muốn đắc được Tứ Diệu Đế thì chỉ có một phương pháp là hành minh sát tuệ. Khi hành minh sát thì có 16 tuệ phát sanh là:

1. Nāmarūpaparicchedañāna: trí tuệ thấy rõ danh và sắc và phân biệt được danh và sắc.

2. Paccayaparikagahañāna: hiểu nhân, hiểu quả của danh và sắc (ý nói biết nguyên nhân của danh, sắc).

3. Sammāsanañāna: thấy danh và sắc là vô thường, khổ não và vô ngã.

4. Udayañāna: thấy rõ nhân của và danh và sắc.

5. Kangañāna: thấy rõ sự diệt của danh và sắc.

6. Bhayañāna: thấy danh và sắc là vật đáng kinh sợ.

7. Adinavañāna: thấy danh và sắc đầy tội lỗi, khổ đau.

8. Nibbidāñāna: chán nản danh sắc.

9. Muncitukamyatañāna: muốn giải thoát khỏi danh và sắc.

10. Patisankhañāna: cố ý gắng hành để được vào Niết Bàn.

11. Sankhārupekkhāñāna: để tâm vô tư trong danh và sắc.

12. Saccānulomikañāna: thấy rõ Tứ Diệu Đế.

13. Gotabhūñāna: lấy Niết Bàn làm đề mục.

14. Maggañāna: diệt phiền não bằng đạo tuệ.

15. Phalañāna: có Niết Bàn là đề mục.

16. Paccavekkhanañāna: Quan sát lại những phiền não mà chính mình chưa diệt được.

Phật dạy: Người còn luân hồi là vì chưa thấy Tứ Diệu Đế bằng tuệ nhãn.

Sự thấy Tứ Diệu Đế được hạnh phúc là:

1. Làm cho thấy rõ danh và sắc.

2. Không còn si mê trong phiền não và khổ nữa.

3. Làm cho giải thoát khỏi bể luân hồi.

4. Làm cho đắc được đạo quả.

5. Đưa ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

6. Không còn sinh tử trong tam giới.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.