Từng bước nở hoa sen

Những bài kệ trong tập này đã được thực tập tại Làng Hồng trong mùa Hè năm 1984. Thiếu nhi cũng như người lớn đã chép tay các bài kệ này để học thuộc lòng. Ta chỉ thực tập được các bài kệ sau khi đã thuộc lòng chúng, khi nâng chén trà lên chẳng hạn nếu ta có ý thức thì tự khắc bài kệ sau đây đến với ta một cách tự nhiên:

Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ ở đây

Mà sở dĩ bài kệ đến với bạn một cách dễ dàng và tự nhiên là vì bạn đã thuộc lòng nó. Bạn không cần học thuộc lòng một lần tất cả các bài kệ. Trước hết bạn học thuộc lòng một vài bài mà bạn ưa thích. Rồi từ từ học thêm một bài, rồi một bài khác. Trong tập này chỉ có bốn mươi bảy bài kệ. Mỗi bài là một bài thơ, cho nên các bài kệ cũng có thể được gọi là thi kệ. Những bài kệ này có nhiệm vụ nuôi dưỡng ý thức và nuôi dưỡng chánh niệm. Sử dụng chúng trong một thời gian, bạn sẽ thấy có sự biến đổi trong cuộc đời bạn. Dần dần, bạn sẽ có chánh niệm trong mỗi tư thế và động tác trong ngày. Bạn sẽ thấy bốn mươi bảy bài kệ trong đây chỉ là những bước đầu của nếp sống tỉnh thức.

Ngày xưa (nghĩa là mới hôm qua đây thôi) tại các thiền viện ở Việt Nam, cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu do thiền sư Độc Thể biên tập là cuốn sách đầu tiên mà thiền sinh được học. Sách này gồm khoảng năm mươi bài kệ, một số do tác giả sáng chế, một số trích từ kinh Hoa Nghiêm. Sách đã từng được dịch nhiều lần ra chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Thiền sinh cũng học thuộc lòng các bài kệ ấy để mà thực tập.

Tại sao ta không sử dụng những bài kệ ấy mà lại sáng tác ra những bài thi kệ khác?
Lý do có nhiều. Trước hết sách không còn được hiện đại, đời sống bây giờ khác với đời xưa nhiều, trong sách không có những bài kệ dùng trong các sinh hoạt mới như lái xe hơi hoặc khi nói điện thoại… Lý do thứ hai là phần lớn những bài kệ trong sách có tính cách ước lệ và trừu tượng. Lý do thứ ba là sách hơi mang nặng màu sắc Mật giáo.

Tuy nhiên các bài thi kệ mới đã thừa hưởng được tinh thần và đường hướng của các bài kệ cũ. Thêm vào đó, những thi kệ dưới tay bạn có tính cách thực dụng hơn, cụ thể hơn, hiện đại hơn và đem lại cho ta nhiều niềm vui khi ta thực tập. Những bài thi kệ mới vừa là chánh niệm vừa là thi ca, rất thích hợp với truyền thống Thiền.

Sách này có thể vừa được dùng trong thiền môn để thay thế cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu vừa được dùng trong cuộc sống hàng ngày ngoài xã hội.

Xin các bạn trong khi thực tập, nếu thấy có những câu những chữ nào có thể thay đổi cho hay hơn thì ghi lại và gửi cho tác giả hoặc nhà xuất bản, để kỳ in sau, các bài kệ được toàn mỹ. Nếu bạn có sáng tác những bài thi kệ thì cũng xin gửi về cùng với lời bình giải.

Mỗi bài thi kệ trong tập sách này đều đã được bình giải. Tác giả đã viết những lời bình giải này theo yêu cầu của một số hành giả đã từng thực tập tại Làng Hồng.

Rất mong tập thi kệ này trở nên một người bạn thân của quý vị.

1. Thức dậy

Thức Dậy Mỉm Miệng Cười
Hăm Bốn Giờ Tinh Khôi
Xin Nguyện Sống Trọn Vẹn
Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời

Mở đầu ngày bằng một nụ cười, phải chăng đó là thái độ khôn ngoan của người biết sống? Nụ cười đây là nụ cười ý thức và quyết tâm muốn sống hăm bốn giờ trong tỉnh thức, trong an lạc.

“Ta đã để bao nhiêu ngày của ta trôi qua trong quên lãng?” “Ta đã làm chi đời ta?” Bạn hãy chiêm nghiệm đi. Bạn hãy tìm cho ra bản chất của nụ cười. Bản chất ấy, phải chăng là sự giác ngộ?

Nhưng làm sao để nhớ mà mỉm cười vào đúng lúc thức dậy? Bạn có thể treo một dấu hiệu trên đỉnh màn, hoặc ở trần nhà, hoặc bất cứ nơi nào mà hễ mở mắt ra khi thức dậy là bạn nhìn thấy. Dấu hiệu đó có thể là một cành cây, một chiếc lá, một bức vẽ hay một nét chữ.

Sau này quen rồi, bạn không cần đến những phương tiện ấy nữa. Nghe chim hót hoặc thấy một tia nắng xuyên qua cửa sổ, bạn cũng đã có thể mỉm cười.

Câu “Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời” được lấy từ kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn nói về Bồ Tát Quan Thế Âm. Nguyên văn là từ nhãn thị chúng sanh, lấy con mắt từ bi để nhìn mọi loài. Bạn nên nhớ rằng có hiểu mới thương. Vì vậy bạn phải thường xuyên đặt mình vào xương da và hoàn cảnh của người khác để có thể hiểu được họ. Thương là một quá trình học hỏi và thực tập. Bản chất của thương cũng là bản chất của giác ngộ, đồng thể với bản chất của nụ cười.

Chúc bạn một ngày an lạc và thanh tịnh.

2. M ca s 

Mở Cửa Nhìn Pháp Thân
Đời Mầu Nhiệm Không Cùng
Lòng Dặn Lòng Tỉnh Thức
Giòng Nước Tâm Trong Ngần

Buổi sáng thức dậy mở cửa sổ để nhìn cảnh vật bên ngoài. Hãy liệu chừng, cảnh vật ấy cũng chính là nội tâm của bạn! Không khí ban mai mát lạnh, sương mai có thể đang còn, và mặt trời có thể đang gửi tới cửa sổ bạn mấy tia nắng. Bạn là bạn, nhưng bạn cũng là cảnh vật ấy, bởi vì bạn có pháp thân.

Pháp thân là gì? Ban đầu pháp thân chỉ có nghĩa là giáo pháp của Bụt. Trước khi nhập diệt, Bụt nói với các môn đệ: “Chỉ có nhục thân của ta tan rã chứ pháp thân của ta vẫn ở lại với quý vị mãi mãi”. Trong truyền thống Đại Thừa, chữ pháp thân (dharmakãya) dần dần mang ý nghĩa tâm của Bụt, rồi bản thể của vạn hữu, rồi chân như. Tất cả mọi hiện tượng như: tiếng chim hót, tia nắng ấm, đám mây trắng, cành trúc xanh… đều là biểu hiện của pháp Thân. Hóa thân Bụt (narmanakãya) cũng là một biểu hiện của pháp Thân. Đó là cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni.

Bạn cũng là một biểu hiện của pháp thân. Vì vậy bạn cũng cùng một bản chất với mọi nhiệm mầu trong vũ trụ.

Mở cửa sổ mà nhìn được vào pháp thân thì bạn sẽ thấy đời mầu nhiệm vô cùng. Bạn muốn duy trì cái thấy ấy để ngày hôm nay của bạn được đẹp đẽ và an lạc, cho nên bạn tự dặn nên để lòng tỉnh thức. Sống được suốt ngày trong chánh niệm, trong tỉnh thức thì tâm bạn là một dòng nước trong không vương vấn phiền não.

3. Quơ dép

Đặt Chân Trên Mặt Đất
Là Thể Hiện Thần Thông
Từng Bước Chân Tỉnh Thức
Làm Hiển Lộ Pháp Thân

Bài kệ này cũng có thể được sử dụng trong giờ thiền hành. Thần thông là những phép lạ, không phải bay trong hư không hoặc đi trên mặt nước mới là thực hiện phép lạ. Phép lạ là sự tỉnh thức. Bước những bước chân tỉnh thức trên mặt  đất, ta có thể thấy được tất cả những mầu nhiệm của sự sống. Bước được những bước như thế, bạn làm cho pháp thân hiển lộ. Đó là thần thông. Trong khi quơ chân tìm đôi dép, bạn có đủ thì giờ để thầm đọc bài kệ này.

4. Vặn nước

Nước Từ Nguồn Suối Cao
Nước Từ Lòng Đất Sâu
Nước Mầu Nhiệm Tuôn Chảy
Ơn Nước Luôn Tràn Đầy

Nước từ đâu mà về tận nhà bếp, phòng tắm và phòng rửa mặt của ta, điều đó ta có biết nhưng ta cứ quên hoài.

Nhờ nước mà có rau, có trái, nhờ nước mà có sự sống. Thân ta cũng làm bằng nước hơn bảy mươi lăm phần trăm. Nước có phải là một vị Bồ Tát nuôi sống muôn loài. Và ơn đức của nước đối với ta có phải là luôn luôn tràn đầy? Đọc bài kệ xong rồi vốc nước rửa mặt, bạn sẽ thấy làn nước trong hơn, mát hơn và mầu nhiệm không cùng.

5. Rửa tay

Múc Nước Để Rửa Tay
Xin Nguyện Cho Mọi Người
Có Đôi Bàn Tay Khéo
Gìn Giữ Trái Đất Này

Đất giữ gìn nước. Nước làm cho đất sống. Nước đến với ta như một thông điệp của đất. Trái đất xinh đẹp của chúng ta đang lâm nguy.

Chúng ta đang làm khô cạn những kho tài nguyên của trái đất, làm ô nhiễm sông hồ, biển cả, tiêu diệt môi trường sinh hoạt của nhiều loài. Chúng ta lại đã làm ra trên năm mươi ngàn vũ khí nguyên tử có thể đủ sức để tiêu diệt mấy mươi lần trái đất. Nền văn minh của chúng ta có thể bị tiêu diệt nay mai vì sự ngu si, niềm sợ hãi và lòng căm thù của chúng ta đối với nhau. Bạn hãy nhìn lại hai bàn tay bạn dưới vòi nước chảy. Chúng ta có đủ sáng suốt và khôn khéo để giữ gìn và bảo vệ trái đất xinh đẹp của chúng ta không?

6. Súc miệng, đánh răng

Đánh Răng Và Súc Miệng
Cho Sạch Nghiệp Nói Năng
Miệng Thơm Lời Chính Ngữ
Hoa Nở Tựa Vườn Tâm

Ta có nhiều thứ kem để đánh răng cho miệng vừa sạch vừa thơm. Nhưng nếu ta không tu tập chính ngữ thì miệng của ta vẫn không thơm như thường. Ngạn ngữ có câu “anh nói thối lắm”, nghĩa là những lời nói của anh không có tính cách dịu hiền, ngọt ngào và xây dựng, trái lại còn có tính cách chua ngoa, độc ác, vu cáo và xuyên tạc. Lời nói có thể xây dựng một thế giới an lạc trong đó mọi người tin cậy và thương yêu nhau. Lời nói cũng có thể tạo chia rẽ, căm thù và làm sụp đổ tất cả mọi hy vọng. Chính ngữ là lời nói đẹp đẽ và phù hợp với sự thật. Giới luật của Dòng Tu Tiếp Hiện có điều thứ chín nói về chính ngữ như sau:

“Không được nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục. Không được nói những lời gây chia rẽ, căm thù, không được loan truyền những tin mình không biết là có thực. Không được phê bình và lên án những điều mà mình không biết chắc. Phải nói những lời chân thật và có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Phải có can đảm nói ra sự thật về những tình trạng bất công dù hành động này có thể mang lại những đe dọa cho sự an thân của mình”.

Ta hãy thực tập chánh niệm và chỉ nói những lời đẹp đẽ, chân thực, thương yêu và xây dựng. Đó là những bông hoa thơm nuôi nấng trong vườn tâm mà ta hái tặng mọi người.

7. Vào nhà cầu

Không Nhơ Cũng Không Sạch
Không Bớt Cũng Không Thêm
Trí Tuệ Ba La Mật
Không Có Pháp Nào Trên

Sống là chuyển hóa không ngừng. Tất cả mọi vật nương vào nhau để tồn tại. Thân tâm an trú trong chánh niệm thì khi đốt một lò trầm, tâm ta cũng thanh tịnh mà khi đi vào nhà cầu, tâm ta cũng thanh tịnh. Chấp nhận cuộc đời là chấp nhận cả sinh lẫn diệt, cả còn lẫn mất, cả vui lẫn buồn. Tâm kinh dạy ta rằng nhìn thấy được thực tướng của vạn hữu thì không còn thấy có sinh có diệt, có thêm có bớt, có nhơ có sạch, có sắc có không. Đó là chân lý đã khiến cho Bồ tát Quán Tự Tại thoát được ra khỏi mọi khổ đau và ách nạn. Mỗi ngày đọc tụng Tâm kinh bạn có quán chiếu những vĩ đại trong ấy không, hay chỉ đọc tụng ngâm nga kinh như một bản lễ nhạc tầm thường? Bát nhã (Prajnã) có nghĩa là trí tuệ giác ngộ. Ba la mật (Pãramitã) có nghĩa là có năng lực đưa ta qua bờ bên kia, nghĩa là bờ giải thoát. Giải thoát khỏi ngu muội, sợ hãi và những khổ đau do ngu muội và sợ hãi gây ra. Trí tuệ Bát Nhã thường được miêu tả như mẹ đẻ ra chư Bụt, cho nên kinh nói rằng không có pháp gì cao hơn nữa.

8. Mặc áo

Cơm Ngày Hai Bữa Ơn Cày Cấy
Áo Mặc Bốn Mùa Nghĩa Dệt May

Bài kệ này lấy từ ca dao Việt Nam ra. Nguyên văn: cơm ngày ba bữa cha cày cấy, áo mặc bốn mùa mẹ vá may. Thời nay cha ta ít cày cấy mà chỉ đi mua gạo ngoài chợ về, còn mẹ ta thì cũng ít vá may mà chỉ mua áo may sẵn hoặc đặt thợ chuyên môn làm. Vì vậy hai chữ ân và nghĩa đã được đưa vào thay thế cho nghĩa thêm rộng. Người tu quán niệm trước khi ăn hay thường tìm về nguồn gốc các thực phẩm và khi khoác áo lên người cũng thường hay tìm về nguồn gốc của y phục mình đang mặc.

9. Tắm

Không Sinh Cũng Không Diệt
Không Trước Cũng Không Sau

Trao Truyền Và Tiếp Thọ
Pháp Giới Tính Nhiệm Mầu

Mỗi khi tắm ta lại có dịp nhìn lại hình hài của ta, hình hài do cha mẹ trao truyền. Ta dùng hai tay để kỳ cọ từng ngón chân và từng cổ tay. Ta hãy để thì giờ trong khi tắm mà quán niệm về hình hài và tâm thức của chúng ta.

Nói về trao truyền và tiếp thọ thì ta phải nghĩ ai là người trao truyền, ai là kẻ tiếp thọ và trao truyền vật gì cũng như tiếp thọ vật gì. Nghĩ cho chín thì người trao truyền với vật trao truyền là một, người tiếp thọ với vật tiếp thọ cũng là một, và ta đi đến nhận thức: người trao truyền và người tiếp thọ là một. Nói một cách khác, không hề có sự trao truyền và tiếp thọ. Nếu các bạn chưa thấy điều này, bạn hãy chiêm nghiệm đi.

Nhìn vào bàn tay, nhìn kỹ vào bàn tay, bạn thấy có cha, có mẹ, có ông bà, có tổ tiên, có giòng họ. Tất cả đều có mặt, có mặt trong hiện tại. Bạn là họ.

Họ chưa bao giờ chết, lý do đơn giản là sự có mặt của hình hài bạn. Như vậy cũng có nghĩa là bạn chưa bao giờ sinh ra cả, bởi vì sinh có nghĩa là từ không mà trở thành có. Mà bạn đã vô sinh thì làm sao bạn có thể diệt mất được. Vì vậy bạn là bất sinh và bất diệt. Tâm Kinh Bát Nhã chỉ cho bạn thấy điều ấy. Bạn quán niệm cho tới khi nào có được một cái thấy thực tiễn về sự thực này thì bạn thoát được sinh tử.

Cái thấy thực tiễn không phải là cái thấy bằng lý luận của trí năng. Thấy đây là thấy với tất cả con người của ta, như khi ta nhìn một trái anh đào trong lòng bàn tay ta, ta thấy ngay đó là trái anh đào, không cần phải suy luận và ức đạt gì hết.

Đại trượng phu phải thân hành đi bằng cửa chánh để ra khỏi sinh tử. Quán vô ngã là đi bằng cửa chánh, rộng rãi thênh thang.

Pháp có nghĩa là vật. Pháp giới nghĩa là muôn vật, là lĩnh vực của tất cả các pháp. Pháp giới tính là bản thể của vạn hữu. Nó không sinh, không diệt, không trước, không sau. Bạn không phải là “sinh sau đẻ muộn”. Bạn là thực tại vượt ra ngoài không gian và thời gian. Thấy được điều đó là bạn thành công.

10. Soi gương

Chánh Niệm Là Đài Gương
Gương Soi Hình Tứ Đại
Đẹp Nhất Là Tình Thương
Và Cái Nhìn Rộng Rãi

Có thể sáng nào bạn cũng soi gương và vì vậy hay sử dụng tấm kính kia làm đài gương chánh niệm. Đẹp hay xấu là do cách nhìn của kẻ kia; có khi mũi cao thì cho là đẹp, có khi da sạm thì cho là dòn. Tuy nhiên, an trú trong chánh niệm thì ai cũng trở thành đẹp ra và cái đẹp ấy gây an lạc, hạnh phúc không những cho ta mà còn cho cả mọi người.

Sống thiếu chánh niệm ta dễ trở thành khô khan và máy móc. Nụ cười trầm tĩnh và thương yêu bao giờ cũng đẹp đẽ và thường tạo nên những phép lạ. Nhờ có cái nhìn rộng rãi, ta trở nên bao dung và có nhiều thương yêu hơn. Sở dĩ cái khuôn mặt của Bụt mà đẹp, đó là vì con mắt và nụ cười trên khuôn mặt ấy. Con mắt nhìn bao dung và nụ cười đầy tính từ bi. Tứ đại là những yếu tố phối hợp thành cái mà ta gọi là “vật chất”: đất, nước, hơi nóng và không khí. Đại là mãhãbhũta. Trụ Vũ viết:

Cánh hoa là tứ đại
Mà tỏa hương tinh thần
Mắt em là tứ đại
Mà rạng ngời yêu thương

Tại sao? Tại vì tứ đại không phải là “vật chất”. Tứ đại không phải là vật cũng không phải tâm. Tứ đại là biểu hiện của pháp giới tánh. Gương chánh niệm nhắc bạn rằng bạn là một biểu hiện của chân như. Hãy mỉm cười đi. Và hãy cười bằng đôi mắt của bạn nữa.

11. Rửa chân

Sự An Lạc
Của Ngón Chân
Niềm An Lạc
Của Thân Tâm

Bạn hay quên ngón chân của bạn lắm. Bạn cứ hay đi lo lắng về những chuyện trên trời, dưới biển mà ít khi để ý tới ngón chân bạn. Nếu ngón chân ấy mà đạp nhằm gai nhọn, cả con người của bạn sẽ đau nhức, chứ có phải 1 mình “nó” đau nhức đâu.

Nắm ngón chân út của bạn. Nó an lạc, nó không có ung thư, bạn may mắn lắm, bạn có phước lắm. Bạn hãy cám ơn nó đi. Và cám ơn tất cả mọi bộ phận khác của cơ thể bạn. Cơ thể bạn có bao nhiêu tế bào là có bấy nhiêu cơ hội để bạn lo lắng. Chưa có tế bào nào đi ngược đường phát triển, và bạn còn có thể an lạc. Niềm an lạc của bạn mong manh lắm.

Sự sống không phải chỉ trong cơ thể bạn. Cái bất an có thể khởi sự từ ngoài cơ thể. Một con vi khuẩn có mặt trong nước uống hay trong thức ăn. Một giọt rượu trong huyết quản của người lái xe hơi. Một trái bom hạt nhân đang được chuyên chở trong không gian, ngay trên đầu bạn. Mặt trời kia mà tắt ngấm thì không có gì trên mặt đất duy trì được sự sống. Cơ thể của bạn không nhỏ bé như bạn tưởng: mặt trời là trái tim bên ngoài cơ thể của bạn. Mặt trời mà tắt thì…

Sự sống nơi bạn và sự sống nơi vạn hữu là một. Cũng như sự an lạc của ngón chân bạn là sự an lạc của toàn thân tâm bạn. Bạn đồng nhất bạn với ngón chân bạn. Điều đó bạn làm rồi. Nhưng bạn chưa đồng nhất bạn được với sự sống của vạn hữu. Sự sống khắp cơ thể chứ không phải sự sống riêng biệt của một tế bào, hay một ngón chân. Sự sống khắp vũ trụ chứ không phải sự sống riêng biệt của một cơ thể. Một tế bào đứng riêng không có được sự sống. Một cơ thể đứng riêng, biệt lập, cắt đứt với vạn hữu cũng không có được sự sống. Đồng nhất bạn với sự sống, bạn vượt thoát được sinh tử. Sinh tử của tế bào, sinh tử của ngón chân, sinh tử của hình hài.

12. Nghe chuông

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm

Tiếng chuông là một thông điệp đến với ta để nhắc ta quay về với chánh niệm. Người thỉnh chuông gửi tiếng chuông đi với tâm niệm an lành và thanh tịnh. Người nghe chuông cũng phải tiếp nhận tiếng chuông với tâm niệm an lành và thanh tịnh.

Nghe tiếng chuông, bạn liền đem tâm bạn đồng nhất với tiếng chuông, ngân nga theo tiếng chuông lắng lại theo tiếng chuông. Như vậy là để nhiếp tâm về với chánh niệm. Trong ngày, mỗi khi nghe tiếng chuông, ta nên ngừng tay và quán niệm. Khi tiếng chuông đầu báo hiệu giờ thiền tọa vọng lên, ta nên lập tức nhiếp tâm vào thiền quán, dù lúc đó ta đang ở đâu và đang làm gì. Ta thong thả đứng dậy, đi rửa mặt và rửa tay, mặc áo thiền tọa và khởi sự bước từng bước chân chậm rãi hướng về thiên đường, trong khi chuông vẫn tiếp tục vọng lên ba hồi ba tiếng. Trong suốt thời gian đó ta giữ chánh niệm, và ta có thể nương vào tiếng chuông và vào hơi thở để giữ chánh niệm. Ta không đợi đến khi ngồi xuống trong thiền đường mới bắt đầu nhiếp niệm. Ta nhiếp niệm ngay từ lúc nghe tiếng chuông đầu.

13. Vào thiền đường

Vào Thiền Đường
Thấy Chân Tâm
Một Ngồi Xuống
Dứt Trầm Luân

Thiền đường là một chốn thanh tịnh, u nhã; một nơi mà ta có thể nhiếp niệm dễ dàng. Vừa bước vào cửa thiền đường, ta nên dừng lại đưa mắt nhìn bên trong và đọc thầm bài kệ trên, trước khi ta chắp tay búp sen để xá Bụt. Tâm quên lãng là vọng tâm, tâm tỉnh thức là chân tâm; khi ta ngồi xuống tư thế hoa sen và nhiếp tâm tỉnh thức thì mọi vọng tưởng điên đảo đều tan biến, không còn bủa vây và dẫn dắt ta đi vào cõi lãng quên nữa. Phiền não và vọng tưởng làm cho ta chìm đắm trong sinh tử, trong lãng quên. Một phen ngồi xuống là ta dứt được mọi trầm luân. Trầm luân có nghĩa là chìm đắm và trôi lăn trong biển quên lãng, ưu tư và phiền não.

14. Ngồi xuống

Ngồi Đây Ngồi Cội Bồ Đề
Vững Thân Chính Niệm Không Hề Lãng Xao

Loại cây Ficus Religiosa ấy sở dĩ được gọi là cây bồ đề bởi vì đức Bụt đã thực hiện được sự tỉnh thức toàn vẹn khi ngồi dưới gốc một cây ấy. Bồ đề (bodhi) có nghĩa là tỉnh thức hay giác ngộ. Nơi Phật thành đạo bây giờ được gọi là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhigayã). Hiện có một tháp lớn được xây lên tại đó để kỷ niệm ngày thành đạo. Cây bồ đề vẫn còn đó, sum suê và đẹp đẽ, tuy chỉ là con cháu của cây bồ đề năm xưa. Trong những năm gần đây, nhiều nước Phật giáo đã đến dựng chùa xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng, mỗi nước một ngôi.

Đứng trước tọa cụ của mình, bạn chắp tay xá rồi thầm niệm bài kệ này trước khi ngồi xuống. Ta ngồi xuống đây chính là để tiếp tục sự nghiệp tỉnh thức của Bụt, và như vậy ngồi xuống đây cũng như là ngồi dưới cây bồ đề với mục đích thực hiện sự tỉnh thức. Là học trò của đấng Điều Ngự Trượng Phu, ta hãy quyết tâm thực hiện định huệ để phăng ra một lối thoát, chứ không chịu ngồi im lặng một cách bị động tiêu cực.

15. Điều thân

Trong Tư Thế Kiết Già
Đóa Hoa Nhân Phẩm Nở
Ưu Đàm Hoa Muôn Thuở
Vẫn Tỏa Ngát Hương Thơm

Điều thân nghĩa là điều chỉnh thế ngồi cho thoải mái và đúng phép. Tư thế kết già (padrmãsana) cũng được gọi là tư thế hoa sen; đó là tư thế đẹp đẽ và vững chãi nhất. Nếu bạn không ngồi toàn già thì bạn ngồi bán già. Lựa một tọa cụ với chiều cao thích hợp. Tìm một thế ngồi cho thật vững.

Ngồi cho đúng và cho vững thì tự khắc đẹp. Trong tư thế kết già, bạn ngồi vững như một tảng đá và nhờ đó tâm tư bạn dễ trở thành vững chãi hơn.

Cây Ưu Đàm Bát La (Udumbara) chỉ nở hoa một lần mỗi ba ngàn năm. Tên khoa học của cây này là Ficus Glomerata. Một người giác ngộ hoàn toàn như Bụt lâu lắm ta mới có dịp thấy xuất hiện trên cõi đời, vì vậy sự có mặt của Bụt được ví với sự có mặt của hoa Ưu Đàm (có khi ta gọi là hoa Ưu Bát). Tại chùa Từ Hiếu ở Huế có một vế câu đối như sau: Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương (hoa Đàm đã rụng vẫn còn thơm). Bụt dạy mỗi người làm đức Bụt, và mỗi người là một đóa  Ưu Đàm. Đóa hoa nhân phẩm nở đến độ mãn khai thì đó là hoa Ưu Bát. Hoa Đàm mãi mãi còn đó, và hương thơm của hoa bất diệt. Vấn đề là ta có được khả năng thưởng thức hay không mà thôi.

16. Điều tức

Thở Vào Tâm Tĩnh Lặng
Thở Ra Miệng Mỉm Cười
An Trú Trong Hiện Tại
Giờ Phút Đẹp Tuyệt Vời

Tức là hơi thở. Điều tức là điều chỉnh hơi thở cho êm dịu, cho tinh tế. Hơi thở có tinh tế thì tâm niệm mới tinh tế. Thiền quán nên được bắt đầu bằng công việc điều hòa hơi thở. Thở vào, biết rằng đang thở vào. Thở ra, biết rằng đang thở ra. Thở vào nhẹ nhàng, biết rằng đang thở vào nhẹ nhàng. Thở ra nhẹ nhàng, biết rằng đang thở ra nhẹ nhàng. Thở vào nhẹ nhàng và cảm thấy thân tâm an tịnh. Thở ra nhẹ nhàng và cảm thấy thân tâm an tịnh…Bạn đọc lại kinh An Ban Thủ Ý hay cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức.

Điều hòa hơi thở, và theo dõi hơi thở cho đến khi tâm mình tĩnh lặng chuyên chú mới nên khởi sự thiền quán.

Trong xã hội bận rộn của chúng ta, được ngồi thiền mỗi ngày là một sự may mắn. Ngồi thiền trước hết là để được an lạc và thoải mái. Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng ngồi thiền là một phương tiện để đạt tới một mục đích, dù rằng mục đích đó là sự đạt được đạo. Ngồi thiền là để ngồi thiền. Ngồi thiền là một dấu hiệu của nếp sống văn minh.

Trở về với bạn, trở về với hơi thở, với nụ cười, với chính mình, trong một tư thế  vững chãi và an nhiên. Đó là một hạnh phúc lớn. Bạn phải có khả năng thưởng thức những giờ phút ấy. Bạn nên tự hỏi: “Giờ phút này mà không an lạc thì giờ phút nào ta mới được an lạc?”. Tôi xin tặng bạn một quán ngữ: giờ phút hiện tại là giờ phút đẹp nhất. The best moment is now. Le meilleur moment c’est maintenant. Đó là câu quán ngữ tôi thường trao cho các thiền sinh ngoại quốc. Chỉ có hiện tại là có thực, và chỉ có hiện tại là miên viễn.

17. Tê chân đổi cách ngồi

Khổ Thọ Và Lạc Thọ
Như Mây Trời Theo Gió
Hơi Thở Là Giây Neo
Thuyền Về Nơi Bến Cũ

Trong khi thiền tọa, nếu chân bạn tê hay đau đến mức bạn không còn nhất tâm được nữa thì bạn cứ tự nhiên tháo chân và ngồi lại bằng cách thay đổi vị trí của chân, chân trên thay xuống dưới, chân dưới thay lên trên; hoặc chân để vào trước bây giờ để vào sau, chân để vào sau bây giờ để vào trước. Bạn làm như thế một cách cẩn trọng, chậm rãi, luôn luôn theo dõi hơi thở và cử động của mình. Nếu cần bạn có thể đứng dậy đi kinh hành một vòng rồi ngồi xuống trở lại. Tại nhiều thiền viện, thiền sinh không được phép làm như thế mà phải ráng ngồi lại và chịu đựng sự đau đớn. Tôi nghĩ điều đó trái với tự nhiên. Khi thân thể ta đau tê, thân thể ta muốn nói với ta rằng nó đau tê, và ta phải nghe được tiếng nói của nó. Ngồi thiền là để được an lạc chứ không phải để chịu đựng một cực hình. Thay vị trí của bắp chân hoặc đi kinh hành một vòng, điều đó không làm nhiễu loạn những thiền sinh khác. Bài kệ này là để cho bạn thầm đọc khi thay đổi vị trí của bắp chân.

Có ba loại cảm giác: cảm giác dễ chịu gọi là lạc thọ, cảm giác khó chịu gọi là khổ thọ và cảm giác trung hòa, không dễ chịu cũng không khó chịu, gọi là xả thọ. Tôi thấy lối phân biệt ấy trong luận tạng không được chính xác lắm. Theo kinh nghiệm của tôi, xả thọ nếu được ý thức, có thể trở nên một thứ lạc thọ lành mạnh và lâu bền hơn bất cứ lạc thọ nào.

Ăn một miếng  ngon hoặc nghe một câu khen ngợi bùi tai, ta thường có lạc thọ. Nhức một cái răng hoặc nổi giận đùng đùng, ta có khổ thọ. Những cảm giác này thường đưa đẩy và lôi kéo ta đi theo chúng như mây theo gió, như bèo theo sóng. Niềm an lạc của ta sẽ vững chãi và lâu bền hơn nếu ta tìm tới nguồn xả thọ. Một cơ thể không đau nhức, một tâm hồn không bị dằn vặt bởi lo âu và phiền não: đó là căn bản của hạnh phúc. Ngồi trong tư thế kiết già, thấy được thân tâm thanh tịnh, không bị lôi kéo theo phiền não, ta có thể đạt tới một trạng thái an lạc khá bền vững. Sự an lạc ấy có thể được diễn tả bằng từ ngữ le sentiment du bien-être của người Pháp. Ta thấy điều này: điều kiện thiết yếu để cho sự an lạc là ý thức rằng mình có an lạc.

Ta có đôi mắt có thể nhìn thấy được màu sắc của mọi loài hoa cỏ. Cảm giác của ta khi thấy những màu sắc ấy có phải là một lạc thọ hay không, đó là tùy ở chỗ ta có ý thức về sự quý hóa của cặp mắt ta và của những màu sắc mà ta trông thấy hay không. Nếu không thì cảm giác ấy là một xả thọ. Nếu có, nó là một lạc thọ mà ta có thể duy trì bao lâu cũng được, tùy theo ước muốn của ta.

Thiền tọa, như bạn đã biết, trước hết là để thanh tịnh và an lạc. Thanh tịnh và an lạc thường đi đôi với nhau. Giây neo là phương tiện cho thuyền không trôi giạt; hơi thở là phương tiện duy trì chánh niệm, duy trì sự thanh tịnh và an lạc. Hơi thở là giây neo để ta trở về với chính ta, để ta duy trì được sự tỉnh thức.

18. Chp tay chào

Sen Búp Xin Tặng Người
Một Vị Phật Tương Lai

Thay vì ép hai bàn tay lại, ta có thể chắp hai bàn tay thành một búp sen trước ngực. Kiểu chào này rất đẹp. Có hàng trăm triệu người ở Á Đông chào nhau bằng cách ấy. Chắp tay búp sen để chào cũng như tặng người đối diện một đóa sen búp.

Điều kiêng kỵ nhất là đừng chắp tay lại một cách máy móc. Phải có ý thức mình đang chắp tay thành một búp sen để tặng người đối diện. Phải cung kính một cách thành thật và phải ý thức rằng người đối diện mình, dù là một em bé, một người ít học, một người mà kẻ khác coi là hèn mọn, người ấy vẫn có Bụt tính, nghĩa là người ấy là một vị Bụt tương lai.

Phải thấy được Bụt tính nơi người đối diện. Tập chào như thế trong mười hôm, tự khắc ta biến đổi hẳn. Ta thấy được ta rõ ràng hơn. Ta sẽ trở nên khiêm nhường hơn và ta cũng sẽ thấy được khả năng không bờ bến của ta hơn. Ta biết kính trọng người thì ta cũng sẽ biết kính trọng ta hơn.

Có khi ta tự cho mình là có học thức và thông minh hơn người. Thấy kẻ ít học, ta có thể tự cảm thấy “cao” hơn và khinh thường người ta hơn. Điều này thật đáng hổ thẹn. Cái kiến thức của ta có đáng là bao, so với cái biết của muôn loài. Một gốc phong lan biết làm nên những chùm hoa phong lan thật thanh tao và diễn lệ, một con ốc sên biết làm nên được một cái vỏ ốc cân xứng và tuyệt mỹ. So với cái biết đó, kiến thức của ta có là bao, dù ta có bằng cấp kỹ sư, thạc sỹ hay tiến sỹ? Ta hãy cúi đầu trước con ốc và cành lan. Ta hãy chắp tay chiêm ngưỡng con bướm vàng và cây bông sứ. Ta hãy có thái độ cung kính và biết ơn đối với tất cả mọi loài và mọi vật. Như vậy là ta bắt đầu hé thấy được Bụt tính nơi ta rồi vậy.

19. Khen Phật

Xinh Tốt Như Hoa Sen
Rạng Ngời Như Bắc Đẩu
Xin Quay Về Nương Náu
Bậc Thầy Của Nhân Thiên

Chắp tay trước đức Bụt, ta ca ngợi vẻ đẹp của Người, vẻ đẹp mà chất liệu được tạo dựng bằng tình thương và trí tuệ. Hoa sen vừa tươi mát và thanh tịnh, có thể ví với tình thương; sao Bắc Đẩu là ngôi sao giúp người định hướng đi, có thể ví với trí tuệ. Quy y Phật là trở về nương náu nơi trí tuệ và từ bi của Phật. Người là bậc thầy không những cho cõi người mà còn cho cõi trời nữa.

 

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.