Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh Báo Ân Phẩm

TÙY CƠ TIỆM THUYẾT Ngũ thừa cọng pháp giới.

đáp Diệu Đức vấn Ngũ thừa cọng pháp của nhân thiên thừa chấp, Diệu Đức niệm vấn

Bấy giờ có các nhà đại phú trưởng giả từ Vương Xá đại thành(11) đến: Dũng Minh trưởng giả, Thiện Pháp trưởng giả, Niệm Phật trưởng giả, Diệu Trí trưởng giả,

Bồ-đề trưởng giả, Diệu Biện trưởng giả, Pháp Nhãn trưởng giả, Quang Minh trưởng giả, Mãn Nguyện trưởng giả, như thế cả 500 ông trưởng giả do Diệu Đức trưởng giả làm đầu, đều đã thành tựu chánh kiến, cúng dường Như Lai và các thánh chúng; các trưởng giả đấy, nghe đức Thế Tôn tán thán tâm địa pháp môn của Đại thừa, mà tác ý khởi niệm thế này:

“Ta thấy đức Như Lai phóng ra hào quang sắc vàng; trong ánh vàng hiện ra những khổ hạnh khó làm của các vị Bồ-tát mà, ta chẳng yêu thích làm cái khổ hạnh ấy, vì ai mà có thể vĩnh kiếp ỡ mãi trong đường sanh tử để thay vì chúng sanh chịu mọi điều khổ não được ư?!”

Bọn ông Diệu Đức nghĩ thế rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, mích trống vai áo bên hữu, gối hữu quỳ đất, chắp tay cung kính, khác miệng rập lời, thưa hỏi Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Chúng con không thích cái hạnh tu của chư Bồ-tát Đại thừa, cũng chẳng ưa nghe đến âm thanh nói khổ hạnh. Sở dĩ là sao? Vì chỗ tu hạnh nguyện của các Bồ-tát, thảy đều chẳng phải biết ân báo ân, tại sao? Vì xa lìa cha mẹ, để đi xuất gia, đem vợ con mình, thí cho kẻ muốn, đầu mắt tủy não, thảy đều bố thí cho kẻ cầu xin, chịu mọi khổ não trải ba vô số kiếp, để tu đủ lục độ, tám muôn bốn ngàn hạnh ba-la-mật, chừng nào vượt khỏi dòng sanh tử, mới đến chỗ đại an lạc Bồ-đề; chẳng bằng tu về đạo quả Nhị thừa, chỉ trải qua ba đời trăm kiếp, nhóm họp tư lương, dứt cái nhân sanh tử, chứng quả Niết-bàn, mau đến chỗ an lạc, mới gọi là báo ân”.

Đây là trần thuật lại đương khi Phật thuyết pháp tại Linh Sơn. Cáo thị với Di-lặc, giữa pháp hội đại chúng có 500 vị trưởng giả, cùng đồng tại tọa nghe pháp, mà đều là bực đại phú hào đối với nhân dân xã hội, đều thường đem của bố thí, sở dĩ cũng đến pháp hội cúng dường Như Lai và các thánh chúng.

Đối với Tam bảo, các nhà trưởng giả ấy đều có con mắt chánh kiến và lòng chánh tín, huệ chánh giải, nhưng còn là cái căn cơ nhân, thiên, tiểu thừa nên chưa có thể chóng vào pháp môn tâm địa vô thượng Bồ-đề được.

Nhân đó, họ vẫn chỉ phát khởi cái niệm báo ân thôi, nay vừa nghe đức Như Lai ngài tán thán pháp môn tâm địa của Đại thừa (đức Như Lai phóng quang hiện tướng, trong cái tướng ánh sáng vàng thuyết ra những khổ hạnh của Đại thừa là: nhân cứu tế chúng sanh, thay vì chúng sanh chịu mọi điều khổ não) mà họ đều chẳng nguyện nghe, cũng chẳng ưa làm. Họ chấp rằng: bỏ xa cha mẹ, không lo báo ân, trở lại đi thay chịu khổ cho chúng sanh, ấy là với trên nhân luân mà giảng cũng chẳng xuôi được. Cái ý kiến đây, với nhà Nho ở Trung Hoa xưa, cũng bảo là từ kẻ thân rồi mới đến kẻ sơ, trước phải thân ái với kẻ thân, rồi sau mới nhân ái với dân và vật, chẳng thế thì cho là chẳng hợp với luân lý. Các trưởng giả đây ý kiến họ cũng như thế, cho là với ân của cha mẹ, không lo đáp đền, trái lại đi hành cái khổ hạnh của Bồ-tát, thay thế chúng sanh, chịu các điều khổ não, ấy là việc làm chẳng phải biết ân báo ân đấy.

Gần đây người ta cũng thường thường lấy đó để phê bình Phật pháp chẳng nhân luân, in tuồng có phù hợp nhau với ý nghĩa trên đây.

Vả, tiến tới lấy pháp xuất thế tức từ nơi liễu thoát sanh tử để nói, ví dẫu xa lìa cha mẹ, bỏ biệt vợ con, nhẫn đến hy sanh đầu mắt tủy não, lại phải trải ba đại kiếp, tu tám muôn bốn ngàn pháp môn, mới có thể siêu việt biển khổ sanh tử, đắc quả đại Bồ-đề đi nữa, cũng chẳng bằng tiến tu đạo quả Nhị thừa là tốt hơn. Nhân vì tu về Duyên giác chỉ trải qua có trăm kiếp là chứng quả, tu về Thanh văn thì hoặc qua ba đời hoặc qua sáu mươi kiếp, tức chứng đạo quả, mà tu về Đại thừa Bồ-tát ắt phải trải qua ba vô số kiếp; thế đó há chẳng phải đắc Nhị thừa quả dễ dàng không? Dứt sanh tử cũng rất dung dị, chỉ cốt tu tập từ pháp Ngũ đình tâm(12) nhẫn đến Niết-bàn tức có thể đến chỗ an vui, lấy đó mà độ cha mẹ mới gọi là báo ân.

Cái tâm tu lo báo ân thế đó tức là pháp nhân thiên thừa của Dục giới, mà Thiên thừa Nhân thừa đây thông đồng với pháp của người tu xuất thế, nên gọi là “ngũ thừa cọng pháp”, nghĩa là cả năm thừa bước đầu đều tu pháp này nên nói cọng pháp.

Ý niệm của trưởng giả thế đó, toàn là bỏ Đại thừa, đến Tiểu thừa và lại là lấy Nhân thừa rất nhỏ làm căn cứ lập luận.

NHƯ LAI AN ỦI ĐÁP

Bấy giờ Phật bảo năm trăm trưởng giả: “Hay thay! Tốt thay! Các ông nghe lời ta tán thán tu pháp Đại thừa mà nảy lòng thối chuyển, thế là khêu gợi ra nghĩa mầu làm lợi ích, an vui cho tất cả chúng sanh nào chẳng biết ân đức trong đời vị lai.

Vậy các ông lóng nghe! Lóng nghe! Khéo nghĩ ghi nhớ! Ta nay vì các ông phân biệt diễn nói về chỗ có ân của thế, xuất thế gian.

Đối với các trưởng giả, đức Thế Tôn ngài luận nghĩa về việc báo ân, rất là tán thán, vả lại dùng lời “Hay thay! Hay thay!” để an ủi. Vì tuy nhân nghe Phật nói khổ hạnh của Đại thừa mà các ông ấy nảy lòng sợ lui, song cũng có thể phát khởi ra nghĩa mầu khiến cho người đời sau biết ân lo báo ân; nên Phật đôi ba phen khuyên các ông ấy khéo nghĩ ghi nhớ, chỉn vì các ông ấy mà Phật ngài phân biệt diễn nói rành chỗ có ân của thế gian và xuất thế gian.

ĐÁP GIẢI

NÊU GIẢI THÍCH BỐN ÂN NÊU CHUNG.

Thiện nam tử! Lời của các ông nói đó chưa được chánh kiến, là sao? Giữa cõi đời có bốn thứ ân: 1- Ơn của cha mẹ. 2- Ơn của chúng sanh. 3- Ơn của quốc vương. 4- Ơn của Tam bảo. Với bốn ơn như thế, tất cả chúng sanh đều bình đẳng mang đội.

Cái đạo lý của mấy ông nói biết ân báo ân đó, nó chỉ nhằm có một mặt thôi, chớ chẳng phải là phổ biến hoàn toàn. Đến với sự báo ân của cha mẹ đó mà luận thì, cũng chưa được rõ rành trọn vẹn.

Đây, đối với giữa cõi đời, chúng ta phải biết có bốn thứ ân, là phụ mẫu ân, chúng sanh ân, quốc vương ân và Tam bảo ân. Vì bốn ân đây đều là bằng bực như nhau về công sức gùi cõng tất cả chúng sanh, nên mỗi mỗi chúng sanh đều phải đền đáp bốn ân đấy.

GIẢI RIÊNG

1- PHỤ MẪU ÂN:

Thiện nam tử! Ân của cha mẹ như thế, nên cha có cái từ ân, mẹ có cái bi ân.

Với bi ân của thân mẫu, nếu ta ở hoài nơi đời luôn một kiếp nói mãi cũng không hết được. Nay vì các ông, ta tuyên thuyết được phần nào thôi.

Ví dẫu có người vì làm phước đức, mà cung kính cúng dường một trăm vị tịnh hạnh bà-la-môn, một trăm vị đại thần tiên đã chứng năm phép thần thông, một trăm vị thiện hữu, đều tôn trí ở trong nhà bằng bảy báu tốt nhứt, dâng trăm ngàn thức ăn ngon nhứt, y phục bằng các món quý báu kết thả các tua chuỗi ngọc anh lạc, phòng liêu bằng các thứ gỗ chiên đàn hương, sàng nằm đồ lót bằng trăm vật báu trang nghiêm, trăm món thuốc hay trị lành các chứng bệnh, tự thỉ chí chung nhứt tâm cúng dường suốt trăm ngàn kiếp; cũng chẳng bằng chỉ trong một niệm để tâm hiếu thuận, đem vật sắc chút ít phụng dưỡng bi mẫu, tùy tiện cúng hầu, so với việc cúng dường trên kia thì công đức hiếu dưỡng này nhiều gấp trăm ngàn muôn phần, chẳng thể so lường.

Đức bi mẫu quan niệm với con, trong đời không có gì sánh kịp: Ơn từ mới bắt đầu thụ thai chưa thành hình, trải mười tháng, đi đứng ngồi nằm chịu đủ khổ não, phi miệng lời kể hết được.

Dầu có gặp cuộc vui sướng, món ăn uống ngon, y phục đẹp, cũng chẳng yêu thích mấy cho bằng cái lòng yêu cưng lo nhớ hằng không thôi nghĩ đối với con.

Chúng ta lại tự nhớ nghĩ: Lúc bà mẹ sắp sanh nở, dần dần chịu lắm khổ sở, cả ngày lẫn đêm, vẫn thường lo sợ! Nếu bị khó đẻ, đau như trăm ngàn mũi dao đua đến cắt xẻ, mà phải chết đi; nếu không khổ não, thì thân bằng quyến thuộc, mừng vui vô cùng! Tỷ như cô gái nhà nghèo được ngọc như ý, mẹ mừng hài nhi cũng như ngọc vậy.

Nghe tiếng con học nói, như nghe âm nhạc, lấy hung ức mẹ làm chỗ con nghỉ, đôi bên đầu gối làm chỗ con dạo chơi. Trong hai núm vú chảy suối cam lộ, cái ân trưởng dưỡng, trùm khắp vòm trời, cái đức thương yêu rộng không chi sánh ví.

Cõi đời, vật cao không chi hơn núi, mà ân bi mẫu vượt hơn Tu-di. Cõi đời vật nặng, đại địa là trước, mà ơn bi mẫu cũng hơn địa cầu.

Nếu có nam nữ trái ân chẳng thuận, làm cho cha mẹ sanh tâm hờn trách, hễ mẹ nổi dóa, thốt lời ác ngôn, con liền phải đọa, hoặc ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Trong đời gì chóng, chẳng hơn gió dữ, chút lời giận trách, lại mau hơn gió, tất cả Như Lai, trời, thần Kim Cang và tiên Ngũ thông, đều chẳng thể cứu!

Nếu Thiện nam tử, thiện nữ nhơn, vâng y lời dạy của bi mẫu, kính thuận không trái, được chư thiên hộ niệm đặng phước vô biên. Nam nữ như thế, được gọi là kẻ tôn quý, chủng loại của trời người, hoặc là Bồ-tát vì độ chúng sanh, nên thị hiện làm con cái để giúp ích cho đấng làm cha mẹ.

Nếu thiện nam nữ, vì trả ơn mẹ: trải qua một mỗi ngày ba thời, cắt thịt trong mình để nuôi cha mẹ đi nữa cũng chưa có thể trả ơn một ngày của mẹ. Sở dĩ là sao?

Tất cả con cái ở trong mẫu thai, miệng nuốt căng vú sữa, uống lấy máu trắng của mẹ; và ra bào thai rồi, cả khi trẻ con uống sữa của mẹ uớc có một trăm tám mươi đấu, mẹ có được vị gì ngon đều nhịn cho con, cho đến y phục quý đẹp cũng lại như thế, dù con có đứa ngu si hèn hạ, cũng tình thương như nhau, không bỉ thử đứa hơn đứa kém.

Xưa có một phụ nữ, du lịch qua nước xa, đồng thời ôm con, lội qua sông Hằng, dòng nước chảy mạnh, sức yếu không thể lướt qua nổi, lại bận yêu con không nỡ buông con, để lo tự riêng sống, nên rồi mẹ con đều bị nước cuốn chìm. Do vì cái sức lành của lòng thương con đó mà thần thức liền đặng siêu lên cõi trời Sắc cứu cánh, làm Đại phạm vương.

Do nhân duyên ấy, mẹ có mười đức: 1- Rằng đại địa vì với trong mẫu thai làm chỗ y chỉ. 2- Rằng năng sanh vì trải chịu lắm khổ mà năng sanh. 3- Rằng năng chánh vì mẹ thường lấy tay nắn sửa năm căn của con. 4- Rằng dưỡng dục, vì tùy theo bốn mùa thích hợp nuôi lớn. 5- Rằng trí giả, vì hay dùng phương tiện để nảy khôn biết. 6- Rằng trang nghiêm, vì dùng đồ trang sức để tốt đẹp thân con. 7- Rằng an ẩn, vì lấy sự hoài bão của mẹ làm chỗ chỉ tức. 8- Rằng giáo thụ, vì dùng cách hay khéo để dẫn dắt con. 9- Rằng dạy răn, vì dùng lời hiền lành, lìa răn tiếng thô ác. 10- Rằng dữ nghiệp, vì năng lấy gia nghiệp phó thác cho con.

Thiện nam tử! Với cả thế gian, thứ gì rất giàu, thứ chi rất nghèo? Đức bi mẫu còn sống trên nhà thì gọi là giàu; đức bi mẫu chẳng còn thì gọi là nghèo. Khi mà bi mẫu còn sống gọi là mặt trời giữa ngày, khi bi mẫu thác rồi, gọi là mặt nhật lặn; thuở mà bi mẫu còn gọi là nguyệt sáng, thuở bi mẫu vong rồi gọi là đêm tối.

Thế nên các ông cần thêm tu tập hiếu dưỡng phụ mẫu phước cũng như người cúng Phật không khác, nên phải như thế báo ân cha mẹ.

Rằng ơn của cha mẹ, là cha có từ ân, mẹ có bi ân, vì từ là ban vui, bi hay vớt khổ. Cho vui, là đem con giáo dưỡng cho nên người, cấp cho mỗi món gia nghiệp, tài vật học vấn, đạo đức, khiến con tự biết giác ngộ, tự biết thành lập và tự trị lấy, ấy đều là chỗ ơn của đức nghiêm thân.

Mà ở phương diện bạt khổ thì ơn của đức từ mẫu rất là trọng đại, như ở thời kỳ bé nhỏ, lúc có bệnh hoạn và những cơn đói khát, lạnh, nực mọi sự khổ não mà, mẹ thì có thể dẹp bỏ mỗi điều khổ não đó.

Thực ra thì cha mẹ đều có lẫn ân từ bi cả, bất quá ở về phương diện đặc thắng thì có phụ từ, mẫu bi chẳng đồng đó thôi.

Về phương diện mẫu thân, ý nghĩa của từ bi còn có cách ngoại thân thiết nữa, thường thường ở về loài súc sanh nó chỉ biết có mẹ thôi, mà ở về trên lý tánh thì nhân loại mới biết rằng còn có ân của cha.

Giữa xã hội thường thường có những đứa con ngỗ nghịch bất hiếu, vì chẳng những chẳng hề lo trả cái đức từ bi của cha mẹ nó, mà lại chẳng biết cái ân từ bi của cha mẹ nó ở chỗ nào, thậm chí còn có kẻ tự giết hại cái sanh mạng của cha mẹ nó nữa, đấy nói sơ sơ ra thì còn chẳng bằng so với chim muông thay, là quạ và rái(13)! Ví bằng năng biết ân mẹ, thì kẻ ấy tức là hột giống Bồ-đề.

Nhân vì muốn trả ân mẹ, tức phải có cái tâm thân ái hiếu thuận đối với mẹ, năng đem cái tâm làm lợi ích cho mình chuyển dời qua đến trên cái tâm biết trả ân mẹ thì, chẳng còn cái lối hành động cực đoan tự tư tự lợi.

Nhân vì biết trả ân mẹ, tức có thể dần dần bỏ được cái tâm tự tư mà đi đến cái tâm hiếu dưỡng phụ mẫu, tức là cái căn bản đạo đức của nhân gian.

Do đó suy rộng ra, thì cái tâm của Bồ-tát cũng tức là như thế, chẳng tiếc hy sanh cái hạnh phúc của cá nhân mình mà đến thay thế sự lao khổ cho chúng sanh, để khiến chúng sanh đặng hạnh phúc, chung sống chung vui giải thoát!

Sở dĩ tu hạnh Đại thừa Bồ-tát là nhận lấy chúng sanh làm cha mẹ, do tâm đại bi mà phát khởi nên làm sự nghiệp để cứu khổ não cho chúng sanh.
Chỗ sở truyền của Phật giáo bên Tây Tạng: từ tu tâm đại bi mà sanh khởi ra tu tâm Bồ-đề, ấy có hai biện pháp: 1- Đem cái tinh thần ích kỷ, đổi qua làm việc vị pháp vị nhân để lợi ích cho kẻ khác thì, tự nhiên sanh khởi ra cái tâm đại bi; đối với sự lợi ích công cộng nó trọng yếu hơn so với lợi ích của cá nhân. 2- Biết ân mẹ mà báo ân, phàm người có tri giác, nhẫn đến cao đẳng động vật(14) đều có thể cảm giác đến ân mẹ, do một ân mẹ đây mà suy rộng ra cả đường luân hồi, để quan sát tất cả chúng sanh đều đã làm mẹ của ta trong nhiều đời, như nói “Quá khứ thất thế phụ mẫu” nhẫn đến “pháp giới phụ mẫu”’, thì chúng ta đều cốt phải làm thế nào khiến tất cả chúng sanh đều an vui thì, phi phát cái tâm đại Bồ-đề là không thể được.

Sở dĩ hễ tu đại bi tâm thì, Bồ-đề tâm bèn tự nhiên sanh khởi, chẳng thế thì bị cái ngã ái nó làm chướng hại, dù có hiểu biết cũng chẳng ứng dụng đến phương diện thiện mỹ được, vả lại, tăng trưởng các điều phiền não là ngã si, ngã mạn…

Nếu có thể tu được đại bi tâm, thì tự nhiên có thể ra làm được những sự nghiệp lợi ích cho người, “vô ngã” cũng chẳng phải là cái danh từ muốn nghe.

Nếu có thể chí thành cầu tu đại bi tâm, thì cái tâm ngã chấp cũng tự nhiên phải tiêu diệt ngay, cũng không có cái bệnh “ác thủ không”(15), ấy mới là cái xuất phát điểm phát khởi Bồ-đề tâm.

Đây vả lại đặt ra mỗi món so sánh, để cho biết ân của mẹ rất thâm trọng. Ví bằng có người đem mỗi mỗi vật phẩm cúng dường cung kính tất cả các bậc siêu nhân hữu học vấn, hữu đạo đức, chẳng bằng một niệm để tâm hiếu thuận đem chút đỉnh vật phẩm cúng dường mẫu thân, đem so cái công đức cúng dường các siêu nhân trên kia thì, công đức cúng dường mẫu thân còn nhiều gấp trăm ngàn vạn phần. Ấy là rõ bày chỗ lớn nhỏ của công đức cúng dường, để cho biết vậy thôi.
Chớ như giảng đến sự chân chánh trả ơn cha mẹ, ví dẫu người con mỗi ngày lóc thịt trên thân để hiếu dưỡng phụ mẫu, cũng còn là chẳng thể trả được cái ơn của cha mẹ trong một ngày, nhân vì lúc ban sơ ở nơi mẫu thai, trải qua mười tháng mẹ chịu các sự khốn khổ, sau khi ra khỏi mẫu thai sú sữa nuôi nấng nên người; nên cái ân đức ấy dẫu trả cũng khó hết được. Trung Quốc, xưa có kẻ cắt thịt nơi bắp vế để lành bệnh của thân sanh, cũng là loại này.

Trong đời, kẻ làm nhân tử, thường thường đến sanh nhật của họ thiết tiệc chơi vui linh đình hơn ngày bình thường. Thực chẳng nên lấy sanh nhựt làm cuộc vui, phải biết cái ngày ta được sanh, tức là ngày mẹ đẻ phải chịu điều khốn khổ! Người mà năng tưởng nhớ như thế thì, ắt không nỡ làm cuộc ngỗ nghịch vui chơi.
Nếu con có làm điều trái nghịch ý mẹ, làm cho mẹ sanh niệm bất an, thì đứa con ấy rất dễ đọa lạc; tuy có thần Kim Cang, trời hay người gì cũng chẳng thể cứu hộ được.

Nhân sanh rất có sự hạnh phúc tức là cha mẹ còn sống trên nhà, sở dĩ nhân sanh mà có hạnh phúc hay vô hạnh phúc là do cha mẹ còn tại đường làm phiên chuẩn.

Ơn của cha mẹ nhiều lắm, dù có trả mãi cũng không hết, với sự đi cúng dường các người thượng thiện bên ngoài, cũng chẳng bằng cúng dường cha mẹ trong nhà. Người xưa nói: “Trong nhà có hai đức Phật(16)” tức là cha mẹ đấy. Do cúng Phật, cúng cha mẹ trên chỗ đắc phước đồng đẳng như nhau, chứ không sai khác, chủ yếu cầu phương pháp xuất thế thì, phi cúng Phật chẳng thể đặng.

2- CHÚNG SANH ÂN

Thiện nam tử! Ơn của chúng sanh là, tức từ vô thỉ lại nay, tất cả chúng sanh, luân chuyển mãi trong năm ngả, trải qua trăm ngàn kiếp, với trong nhiều đời lẫn làm cha mẹ. Do vì lẫn nhau làm cha mẹ đó, mà tất cả nam tử tức là từ phụ, hết thảy nữ nhân tức là bi mẫu. Trong mỗi đời trước, vì có lòng đại bi, cũng như ơn cha mẹ đời hiện tại, đồng bực không khác.

Như thế ơn xưa đã chưa đền trả, hoặc bởi cái nghiệp mê vọng mà sanh các điều thuận nghịch, do vì chấp trước trở lại làm thù oán.

Do sao? Cái vô minh hoặc nó che ngăn ánh trí của đời trước đi, nên đời nay chẳng thấy rõ được đời trước đã từng làm cha mẹ, chỗ khá báo ân, làm lợi ích lẫn nhau gọi là có hiếu, không làm lợi ích gọi là bất hiếu.

Vì nhân duyên ấy, với các loại chúng sanh, trong tất cả giờ cũng có ơn lớn, thực là khó trả; với việc như thế gọi là chúng sanh ân.

Người ta từ đời vô thỉ lại nay, trôi lăn trong tam giới, chìm nổi giữa biển sanh tử ngũ thú, luân hồi mãi chẳng thôi; bởi thế, nên mỗi một chúng sanh đều có ân huệ với ta, đều đã làm cha mẹ từ đời quá khứ của ta; vì chúng sanh đều tức phụ mẫu, nên với ơn của chúng sanh tức đồng ơn của phụ mẫu.

Nhân vì đã từng làm cha mẹ, sở dĩ tất cả nam tử đều là ngã phụ, hết thảy nữ nhân đều là ngã mẫu, cùng đồng một cách với cha mẹ hiện tại. Với cái ơn từ trước xưa chưa trả, thì đời này đây cần phải lo trả.

Giữa cõi đời thường thường có cùng đồng một chủng loại mà tương tàn tương sát với nhau, với dị loại cũng tương hại với nhau, in tuồng lấy ta làm dao thớt, lấy kia làm cá thịt, hễ muốn ăn thì bắt giết mà ăn, không có một mảy may thương xót.

Nếu đều biết có cái ơn khó trả, tức phi dấy cái tâm đại bi thì chẳng thể được.

Ơn chúng sanh đây, tức là ơn của xã hội. Trong đây dù chỉ do nơi ơn của cha mẹ mà suy rộng ra để nói, song với ơn của xã hội, phải bao quát cả ơn của thân thích, lân lý, sư trưởng, bằng hữu, đồng sự, đồng nghiệp, đồng học, đồng một quốc dân, đồng một dân tộc, đồng một nhân chủng, đồng một nhân loại và đồng làm chúng hữu tình… đều có điều rất mật thiết quan hệ với nhau.

Với phương diện hữu tình mà nói: Con trâu hay về cày, con ngựa hay về bước, con chó hay về ban đêm, con gà chủ về việc gáy sớm. Tóm lại, hễ là có cái nhân duyên hay giúp lẫn tăng ích với nhau thì, đều phải thuận theo chỗ cần dùng mà vì giúp đỡ ấy mới là báo ân.

Do đó, giữa nhân loại đều phải làm nhiêu ích lẫn nhau; đối với xã hội, dân tộc đều phải đến thí cho lợi ích. Với cái tâm lý báo chúng sanh ân đây, là mỗi người đều phải cụ túc mới được.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.