Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh Báo Ân Phẩm

TAM BẢO ÂN PHIÊU THÍCH TAM BẢO TỔNG PHIÊU

Thiện nam tử! Ân của Tam bảo là bất khả tư nghị, bởi lợi lạc cho chúng sanh không có thôi nghỉ.

Là vì thân của chư Phật vẫn chân thiện vô lậu. Do tu nhân trải qua vô số đại kiếp mà chứng được thân ấy, nghiệp quả tam giới đã hết không còn, công đức như bửu sơn vọi vọi không sánh, tất cả chúng hữu tình đều chẳng thể xét biết nổi.

Phước đức rất sâu như biển cả, trí huệ vô ngại đồng hư không, phép thần thông biến hóa đầy dẫy thế gian, hào quang chiếu khắp mười phương ba đời.

Tất cả chúng sanh bị phiền não nghiệp chướng đều không hay biết, trầm luân biển khổ, sanh tử vô cùng! Tam bảo ra đời làm đại thuyền sư, năng lấp dòng ái, siêu lên ngàn giác. Các người có trí thảy đều chiêm ngưỡng.

Công đức của Tam bảo trong các kinh luận đều có nói rõ một cách tường tế, nhưng mà bất đồng nhau, vì đều có chỗ ẩn chỗ hiển và thiển thâm. Trong bổn kinh giảng về ân công đức của Tam bảo là, đến ngay ngôi Tam Bảo, sở hữu ân đức đối với tất cả chúng hữu tình mà nói rõ ra, sở dĩ từ nay về sau các người nếu muốn rõ biết cái thâm ân của ngôi Tam bảo đối với chúng sanh kịp đến phát tâm cung kính cúng dường…, đều có thể y kinh mà giải thích.

Bất tư nghị tức là đối với ba ơn, phụ mẫu, chúng sanh và quốc vương trước kia mà nói. Nhân vì ba ơn trước, dù ơn cũng thâm trọng nhưng, chỉ là pháp hữu lậu thuộc về của thế gian là đều có thể tư nghị, phân biệt và xét đo được cả.

Mà ơn của Tam bảo đây, siêu lên trên chỗ kể lường của tất cả phàm phu, phi lời lẽ nói năng, phân biệt mà có thể hiểu rõ đặng, sở dĩ ân của Tam bảo là bất tư, bất khả nghị, và chẳng thể nói được, vì là phương pháp xuất thế gian. Mà lại phổ biến tại thế gian, làm lợi lạc cho chúng hữu tình không có thôi nghỉ, nên gọi ơn của Tam bảo là bất khả tư nghị!

Song điều nghĩ bàn được và chẳng thể nghĩ bàn được đây cũng tức là đối đãi và phi đối đãi, có phân biệt cùng không phân biệt, có cái tướng nói năng cùng không cái tướng ngôn thuyết.

Nhân vì đối đãi là pháp của thế gian, còn cái phi đối đãi đó tức là pháp xuất thế gian; đổi nói lại, còn đối đãi tức là tư nghị, phi đối đãi tức là bất tư nghị. Sở dĩ nghĩ bàn được và chẳng thể nghĩ bàn được đây, gồm thâu hết tất cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian.

Thân của chư Phật là chân thiện vô lậu ấy. Pháp thân của chư Phật là do tu nhân từ ba vô số kiếp mà hiển hiện, với những cái quả của tất cả hữu lậu, nghiệp hoặc, phiền não, cửu kiết, thập triền đều đã đoạn trừ hết một cách triệt để vĩnh viễn; sở dĩ Duy Thức tụng rằng:

“Thử tức vô lậu giới, bất tư nghị thiện thường”: Đây tức là các pháp giới vô lậu; nó vẫn thiện vẫn thường, nên chẳng thể nghĩ bàn. Để rõ ra rằng, nhân đã tròn quả đã đầy, đắc cái pháp lạc Bồ-đề.

Nhân địa sở tu hành của chư Phật, chính là tu mỗi pháp môn như là tất cả pháp lục độ, pháp tứ vô lượng, ở trong ba đại vô số kiếp đối với những việc khó làm mà năng làm, những việc khó nhẫn mà năng nhẫn, cho đến nào đầu mắt nào tay chân đâu chẳng bố thí nốt, tu hết tất cả môn ba-la-mật, đoạn hết tất cả nghiệp quả tam hữu (ba giới). Sở dĩ Như Lai chứng đến cái quả địa thì, công đức bửu sơn nguy nguy vô lượng, tức phi cái trí của cả thảy chúng hữu tình phàm phu, Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát đều có thể biết được đâu.

Chính chỗ gọi rằng đức Như Lai là phúc đức trí huệ đều thậm thâm vô ngại, dường như bể cả, đồng với hư không, mà thần thông biến hóa quang minh khắp soi, đầy dẫy thế gian, phổ biến mười phương giới, cùng tột cả ba đời, không có cùng tận.

Nhưng, đối với công đức của Tam bảo đây, tất cả chúng sanh đều chẳng hay biết gì, là vì chúng sanh từ vô thỉ lại nay cứ bị cái vô minh phiền não nó làm cho mê mờ đi, thành thử với công đức Tam bảo của tự tánh cũng không tự giác ngộ hay biết, sở dĩ bị trầm luân khổ ải vẫn không hẹn ra.

Đức Thế Tôn ngài đủ bốn trí sáng suốt khắp soi, vì tâm nguyện đại bi cảm thông khuynh động, thương tưởng chúng hữu tình, nhân đó, với trong Tam giới khổ ải đây, Phật ngài làm vị đại thuyền sư (ông lái đò), tùy theo căn cơ mà Phật ngài thị hiện ra ba loại hóa thân(22), để tắt cái máy hoạt động nơi sanh tử khổ ải của chúng sanh.
Nhân đó, tất cả chúng sanh vì cái sức bi trí đại nguyện của Phật, tức đều tùy căn cơ thích hợp mà thấy được hoặc đại hóa thân hay tiểu hóa thân của Như Lai.
Thế nên biết với công đức của ngôi Tam bảo chẳng khá tư duy nghị luận, không thể nói rao! Tất cả chúng sanh bị nghiệp chướng che tối, chẳng thấy nên chẳng biết báo đáp; còn ở về các đấng có trí giác, ai chẳng chiêm ngưỡng cung kính!

BIỆT THÍCH
PHẬT BẢO

Thiện nam tử! Ngôi duy nhứt Phật bảo, đủ ba thứ thân: 1- Tự tánh thân. 2- Thụ dụng thân. 3- Biến hóa thân.

Phật thân thứ nhứt, có đại đoạn đức, do pháp nhị không hiển hiện, tất cả chư Phật thảy đều bình đẳng như nhau.

Phật thân thứ nhì, có đại trí đức, chân thường vô lậu, tất cả chư Phật thảy đều đồng ý.

Phật thân thứ ba, có đại ân đức, do thiền định thần thông biến hiện, tất cả chư Phật thảy đều đồng sự.

Xuống dưới là chính giải thích về Tam Bảo, phân làm ba đoạn.

Ngôi Duy nhứt Phật bảo trọn đủ ba thân đó, với Phật mà khai và hiệp thì, trong các kinh luận đều có chỗ bất đồng. Vì hoặc nói Duy nhứt làm một, tức là pháp giới thân; hoặc phân làm hai, tức là tự tánh thân và tự thụ dụng thân làm chân thân, còn thì là ứng thân; nhẫn đến trong kinh Hoa Nghiêm thì nói làm mười thân(23).

Nay trong kinh đây lấy về nghĩa trung dung phân làm ba thân: tức là tự tánh thân, thụ dụng thân và biến hóa thân, thực ra thì rằng nhứt thân, hay là thập thân nhẫn đến vô lượng thân, cũng tức y nơi tam thân đây mà mở ra hay hiệp lại mà thôi.

Sở dĩ kinh đây nói làm tam thân, rất là chính xác mà thích đáng.

Từ Phật thân thứ nhứt nhẫn xuống, tức là dùng ba đức để hiển ba thân. Đệ nhứt tự tánh Phật thân: tức là do nơi đoạn đức mà hiển ra. Tự tánh ấy tức là tự tánh của các pháp. Cái thể thực tướng của các pháp đây, lìa hẳn ngôn ngữ, phân biệt kế đạt, tất cả tầm tứ(24) danh tướng là những chỗ chẳng thể hiểu đến nổi nên cái thân tự tánh đây ở bực Thánh bất tăng, ở bực phàm bất giảm vì nó không có cái tướng sanh diệt, nhiễm tịnh và khứ lai. Nhưng phi tu trải qua ba vô số kiếp đã nhân viên quả mãn thì, không thể chứng được cái thân ấy, sở dĩ với tự tánh ấy, thánh phàm tuy đồng mà ở nơi Phật mới gọi là thân tự tánh. Còn ở về phàm chẳng đặng gọi là tự tánh đó, vì phàm phu bị hai chướng ngăn che, mười kiết mười sử ràng buộc, nên với thực tướng của chư pháp chúng sanh chẳng thể thân chứng, chẳng thể như thực rõ biết, chẳng thể được tự tại, nên chẳng gọi là tự tánh thân.

Nhân đó, cái thân tự tánh tức là dứt hai chướng, diệt mười triền(25) vẫn hết tất cả pháp hữu lậu chủng mà thành đại đoạn đức.

Nhị không tức là cái năng hiển trí sanh không và pháp không(26); sở hiển tức là y nơi năng hiển trí mà hiển ra cái chân lý như như. Đổi nói lại: tức quán xét cái lý như như đây, ắt sanh khởi cái trí nhị không; y nơi cái trí nhị không ấy, tức khiến trừ được hai cái chấp, trừ rồi hai chướng mà hiển hiện ra được cái pháp tánh ly ngôn thuyết tướng. Sở dĩ, trí nhị không là năng hiểu; mà cái chân lý tự tánh của các pháp là hiển, nhưng ắt phải trí và như chẳng hai, năng với sở đều vắng, mới chứng được cái tự tánh thân căn bản vô phân biệt. Cái thân tự tánh ấy, thể nó phổ biến pháp giới, bình đẳng giữa chúng sanh và chư Phật, sở dĩ tất cả chư Phật cũng đều bình đẳng, chung chứng đấy làm thanh tịnh pháp giới thân.

Từ Phật thân thứ hai sắp xuống, tức là thụ dụng thân. Thụ dụng thân ấy là do trí và đức mà thành ra, chỗ gọi là tứ trí Bồ-đề.

Thường: tức là chẳng chịu sự huân tập để biến hiện ra, vì Phật quả sở thành là do pháp lành vô lậu tương tục vô gián, nên gọi là thường.

Nghĩa huân biến (huân tập biến hiện) ấy, tức là Bồ-tát khi tới hậu nhập Kim Cang định, vẫn còn có cái vi tế vô minh khá đoạn, cái thân dị thục sanh diệt khá không, cái trí đại viên vô cấu khá phát, nên có huân biến; chứ chí như sau Phật quả, tức tất cả đều viên mãn nên gọi chân thường vô lậu.

Song, chân thường vô lậu ấy, nó thường thường sanh khởi ra các ứng hóa diệu dụng, để độ thoát chúng sanh, nên cái thụ dụng thân thường vô lậu đây, cũng tức là hữu vi vô lậu. Còn cái tự tánh thân của pháp tánh chư pháp thì, là vô vi vô lậu.

Tất cả chư Phật thảy đều đồng ý ấy. Đây là nói rõ cái dụng của tự thụ dụng thân chư Phật. Vì mỗi mỗi hằng thẩm tư lương vô ngã tánh, mỗi mỗi khắp đầy pháp giới, mỗi mỗi đều chẳng chướng ngại vì là bình đẳng không hai.

Nghĩa ấy, tỷ như trong một tịnh thất, có ngàn ngọn đèn, mỗi ánh sáng khắp đầy, mỗi ánh sáng chiếu lẫn nhau, mà mỗi ánh sáng của ngàn ngọn đèn ấy đều chẳng chướng ngại với nhau, cũng chẳng tạp loạn, có chỗ gọi bất đồng bất dị, bất tức bất ly. Mà cũng vẫn đồng vẫn dị, vẫn tức vẫn ly ấy bèn là chỗ nhân địa của chư Phật, nào sở tu sở hành nào sở phát thệ nguyện, mỗi mỗi bất đồng nhau, nên đến quả vị tự thụ dụng thân, có sự bất khả tư nghị đó.

Thân Phật thứ ba sắp xuống, tức là ân đức của biến hóa thân, vì sở hữu những sự tùy cơ thiết hóa, làm lợi ích cho chúng hữu tình.

Định thông biến hiện ấy. Đây là cái dụng của hóa thân, hoàn toàn lợi ích cho chúng, thực chỗ bảo rằng dữ lạc bạt khổ.

Cái hóa thân đây khi nó phát khởi, là từ nơi hai cái trí: Diệu quán sát và Thành sở tác, tức là: 1. Đại hóa ngàn Thích-ca thân. 2. Tiểu hóa thì trượng lục kim thân, tám tướng thành Phật, nhẫn đến 3. Tùy loại hóa thân, tức là “tam loại hóa thân” đấy.

Song, cái thân biến hóa đây, từ chỗ thực mà nói thì, cũng tức là tự thụ dụng thân sở hiển hiện ra.

Nên chi cái thể tánh của tam thân là bất tức bất ly, vô khứ vô lai, không có cái tướng chi cả; chỗ bảo: Phật Phật đạo đồng, một tức tất cả, tất cả tức một, phổ biến viên mãn cả pháp giới.

Thiện nam tử! Cái tự tánh thân là vô thỉ vô chung, lìa tất cả tướng, dứt các hí luận, giáp tròn không bờ mé, vẫn ngưng nhiên thường trú.

Về thụ dụng thân, có hai: 1- Tự thụ dụng. 2- Tha thụ dụng.

1- Tự thụ dụng thân: Do trải qua ba vô số kiếp tu cả muôn hạnh, làm lợi ích an lạc cho chúng sanh rồi, đã mãn thập địa tâm, vận thân tiến ngay lên trời Sắc cứu cánh ra khỏi ba giới cõi nước tịnh diệu, ngồi trên hoa sen báu lượng lớn vô số, cả lượng lớn Bồ-tát số bất khả thuyết vi nhiễu trước sau, lấy lụa vô cấu buộc trên đảnh để cúng dường cung kính tán thán như thế gọi là hậu báo lợi ích.

Bấy giờ Bồ-tát nhập Kim Cang định, đoạn trừ tất cả sở tri chướng phiền não chướng là thứ cực kỳ vi tế mà chứng đắc a-nậu-đa-la, tam miệu tam bồ-đề. Cái diệu quả như thế, gọi là hiện lợi ích.

Là cái chân báo thân hữu thỉ vô chung, về cái kiếp số tự muốn sống lâu không có hạn lượng, tư sơ thành chánh giác, đến tột đời vị lai, các căn tướng hảo khắp giáp pháp giới.

Bốn trí tròn đủ, là chân báo thân thụ dụng pháp lạc.

* Đại viên cảnh trí: Chuyển đổi cái dị thục thức mà đắc cái trí huệ đây, như mặt gương tròn lớn hiện các sắc tượng cũng như thế, trong cái gương trí của Như Lai năng ứng hiện các nghiệp thiện ác của chúng sanh, do nhân duyên ấy, nên trí đây gọi là Đại viên cảnh trí.

Vì y nơi đại bi tâm nên hằng duyên qua chúng sanh, vì y nơi đại trí nên pháp tánh vẫn thường như, vừa quán chân đế đồng thời vừa quán tục đế không có gián đoạn, thường năng chấp trì căn thân vô lậu, để làm chỗ cho tất cả công đức y chỉ.

* Bình đẳng tánh trí, chuyển đổi cái ngã kiến thức mà đặng cái trí huệ đây, là lấy năng chứng tự tha bình đẳng không hai ngã tánh, như thế gọi là bình đẳng tánh trí.

* Diệu quan sát trí, chuyển đổi cái phân biệt thức mà đắc cái trí huệ đây năng quán sát cái tự tướng, cọng tướng của các pháp, với trước chúng hội nói các pháp vi diệu, hay khiến chúng sanh đặng bực bất thối chuyển, do thế gọi là diệu quan sát trí.

* Thành sở tác trí, chuyển đổi năm món thức trước, mà thành đắc cái trí huệ đây, năng hiện ra tất cả mỗi món hóa thân, khiến các chúng sanh thành thục thiện nghiệp, do nhân duyên ấy, gọi là thành sở tác trí.
Như thế, bốn trí này làm thượng thủ, mà trọn đủ tám vạn bốn ngàn trí môn; như thế tất cả các công đức pháp gọi là tự thụ dụng thân của Như Lai.

2- Là tha dụng thân của Như Lai, trọn đủ tám vạn bốn ngàn tướng hảo, ở nơi chân tịnh độ thuyết pháp nhứt thừa, khiến các Bồ-tát thụ dụng cái vui vi diệu pháp của Đại thừa.

Tất cả Như Lai vì giáo hóa các chúng Bồ-tát bực Thập địa, nên hiện ra mười thứ tha thụ dụng thân:

Đệ nhứt Phật thân, ngồi trên đài hoa sen trăm lá (một bông nở 100 cánh) vì Bồ-tát bực Sơ địa nói bách pháp minh môn; Bồ-tát ngộ rồi, hiện khởi ra đại thần thông biến hóa, đầy dẫy trong trăm thế giới Phật, làm lợi ích an lạc cho vô số chúng sanh.

Đệ nhị Phật thân, ngồi trên đài hoa sen ngàn cánh, vì các Bồ-tát bực nhị địa nói ngàn pháp minh môn; Bồ-tát ngộ rồi, khởi ra đại thần thông biến hóa, đầy trong ngàn thế giới Phật, làm lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sanh.

Đệ tam Phật thân, ngồi trên đài hoa sen muôn cánh, vì bực tam địa Bồ-tát nói vạn pháp minh môn; Bồ-tát ngộ rồi, khởi lên đại thần thông biến hóa, đầy trong vạn Phật quốc độ, làm lợi ích an lạc cho vô số chúng sanh; cũng như thế, Như Lai với mỗi địa dần dần tăng trưởng, nhẫn đến với bực Thập địa tha thụ dụng thân, ngồi trên cái đài tọa hoa sen diệu bửu số bất khả thuyết cánh lá, vì Bồ-tát thập địa nói số bất khả thuyết các pháp minh môn, Bồ-tát ngộ rồi dấy lên đại thần thông biến hóa, đầy cả số bất khả thuyết Phật vi diệu quốc độ làm lợi ích an lạc cho số bất khả tuyên thuyết vô lượng vô biên mỗi thứ chúng sanh.

Mười thân như thế đều ngồi nơi cội cây chúa Bồ-đề bằng thất bửu, chứng đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Các thiện nam tử! Trên mỗi mỗi cánh hoa sen thảy đều là mỗi một quả tam thiên thế giới, mỗi đều có trăm ức núi chúa Tu-di và bốn châu lớn nhật nguyệt tinh thần, tam giới chư thiên đâu chẳng trọn đủ.

Trên mỗi một cánh hoa sen các châu thiệm bộ, đều có cái tọa Kim Cang nơi cội cây chúa Bồ-đề, cả trăm ngàn vạn đến số bất khả thuyết nào đại hóa thân Phật, nào tiểu hóa thân Phật, mỗi đều nơi cội cây Bồ-đề phá tan ma quân rồi, đồng một thời đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Như thế các đức đại hóa thân Phật, tiểu hóa thân Phật, mỗi đều trọn đủ 32 tướng hảo, 80 vẻ đẹp, vì các chúng Bồ-tát của ngôi tư lương, của bốn thiện căn, nhị thừa, phàm phu, theo cơ nghi mà thuyết ra tam thừa diệu pháp; vì các Bồ-tát nên nói ra sáu pháp ba-la-mật, khiến cho đắc quả a-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề, đến cứu cánh Phật huệ; vì kẻ cầu quả Bích Chi Phật thì vì nói pháp Thập nhị nhân duyên; vì kẻ cầu quả Thanh văn thì, nên thuyết pháp Tứ đế, để độ cái khổ sanh, lão, bệnh, tử mà đắc cái vui cứu cánh Niết-bàn; vì các chúng sanh thì nói về nhân thiên giáo pháp, khiến cho đắc cái diệu quả an lạc của nhân thiên.

Các đức Đại hóa thân Phật, Tiểu hóa thân Phật như thế, thảy đều gọi là Phật biến hóa thân.

Thiện nam tử! Hai thứ ứng hóa thân Phật mặc dầu hiện cái tướng diệt độ, mà thân Phật ấy cũng vẫn tương tục thường trú.

Thiện nam tử! Đấy, một ngôi Phật bảo có ân đức rộng lớn như thế thảy vô lượng vô biên bất khả tư nghị làm lợi ích cho chúng sanh, do nhân duyên ấy gọi là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh viên mãn, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Thiện nam tử! Trong một ngôi Phật bảo trọn đủ sáu món công đức vi diệu: 1- Ruộng vô thượng đại công đức. 2- Có đại ân đức vô thượng. 3- Đấng tôn quý trong các chúng sanh (loài không chân, loài hai chân, cho đến loài nhiều chân). 4- Rất khó gặp được như hoa Ưu đàm. 5- Đấng độc nhứt xuất hiện trong tam thiên đại thiên thế giới. 6- Công đức đầy tất cả nghĩa giữa thế xuất thế gian.

Nương đủ như thế cả sáu món công đức, thường hay làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh, là cái ơn bất khả tư nghị của ngôi Phật bảo.
Nhẫn xuống lặp lại nói rõ ba thân, tức là giải thích tam thân.

Tự tánh pháp thân, thể nó khắp đầy vốn không sanh diệt, nên chẳng có hình tướng thỉ chung, tánh thể lìa ngữ ngôn, duy có chứng được rồi mới tương ưng, nên tuyệt hẳn tất cả cái tánh hí luận. Giáp tròn không bờ mé mà vẫn ngưng nhiên thường trú. Đấy, chính là rõ cái pháp tánh thân phổ biến tất cả pháp mà tánh vẫn thường như.

Kế, giải thích rõ về hai cái thụ dụng thân.

Đệ nhứt tự thụ dụng thân: tức là nhân địa của chư Phật trong cái nghiệp vô lậu mà cảm được cái tổng quả của thân biệt báo. Với cái thân biệt báo tổng quả đây, chỗ chứng của chư Phật đều riêng biệt, bởi vì chỗ nhân địa tu hành có sai khác. Trong khi các Ngài thành Phật quả tròn, tức chứng cái thân của tự thụ dụng đây.

Như người đời thường nói tức thân thành Phật, hiện thần thông thị hiện tướng hảo đó, đều là thành Phật tương tợ thôi; duy có thành cái tự thụ dụng thân đây mới là chân thành Phật. Nhưng với cái chân thụ dụng thân của Phật đây tất cả thánh nhân hãy còn không hiểu rõ và, tối hậu thân Bồ-tát không thể sánh ngang được thay, huống chi là các hạng trời, người làm gì hiểu được ư!?

Cái tâm tu lên bậc Thập địa đã mãn đó tức là bậc Đẳng giác Bồ-tát. Chỉ trong các kinh luận hoặc khai ra hoặc hiệp lại chẳng đồng thôi; về chỗ khai ra, tức ngoài Thập địa riêng lập bậc Đẳng giác, còn chỗ hiệp lại thì, tức là ngôi Thập địa mãn tâm là Đẳng giác.

Vận chuyển cái thân tiến ngay lên cung trời Sắc cứu cánh là khi các Ngài sắp thành Phật chánh giác, đều lên cõi trời Sắc cứu cánh, ngồi trên đài hoa sen lớn, để chứng quả viên mãn đại giác.

Ra quá ba giới cõi nước tịnh diệu đó, tức là với trên cõi trời Sắc cứu cánh, hiện khởi ra một tịnh độ siêu quá tam giới, bèn thành thắng quả Phật.

Ngồi hoa sen báu lớn vô lượng số nhẫn xuống, tức vị tối thân Bồ-tát tu nhân đã trải qua ba vô số kiếp nay mới đắc cái lợi ích tối hậu.

Lấy lụa vô cấu buộc trên đảnh đó, tức rõ rằng trên đảnh tối cao trong hàng Bồ-tát, đoạn một phần vi tế vô minh, chuyển đổi thành đại viên cảnh trí, mà đắc Am-ma-la vô cấu thức.

Bấy giờ Bồ-tát nhẫn xuống, là giải rõ cái hiệu quả của Bồ-tát thành Phật.

Định Kim Cang là tỷ dụ nghĩa kiên lợi, tức là lấy cái định tối kiên lợi đây, để phá cái vi tế vô minh, phá vô minh rồi tức đắc đại giác diệu quả, nên gọi là hiện lợi ích.

Là chân báo thân hữu thỉ vô chung đó tức là thành Phật rồi, thì với tất cả đức mầu không sót, không thiếu, không thêm, không bớt, lần lựa tiếp tục nhau, nhẫn đến tột qua đời vị lai cũng lại như thế, nên gọi là vô chung.

Song, quả lành chân diệu đây, riêng một mình Phật có nên gọi là chân báo thân thụ dụng pháp lạc.

Tứ trí sắp xuống, là giải rõ thân đây tức chuyển đổi thức mà thành ra bốn trí.

Đại viên cảnh trí là, theo tỷ dụ làm danh, nhân vì mặt gương nó hay phổ chiếu vạn vật hiện bày các sắc tướng mà, cái tịnh thân thức thứ tám nó tương ưng với trí đây, trí đây nó hay duy trì tất cả căn thân vô lậu, làm chỗ cho tất cả các công đức y chỉ, nên gọi là cảnh. Lại như mặt gương sáng hay hiển hiện tất cả hình tướng sai biệt của vật sắc, trong gương trí thứ tám của Như Lai năng hiển hiện các nghiệp thiện ác của chúng sanh và diệu quả của tự tha các vị Bồ-tát ở mười tín, mười trú, mười hạnh và mười hồi hướng, nên gọi đệ bát là Đại viên cảnh trí.

Lại, các vị Bồ-tát từ Sơ địa đến Thất địa quán xét tánh của các pháp, chẳng thể hiểu cùng cực, ngay như bậc Bát địa Bồ-tát cho đến Đẳng giác cũng còn có một vi tế vô minh che mờ, chỉ có chư Phật độc tự viên minh, nên lại gọi Đại viên cảnh trí.

Dị thục thức có ba nghĩa(27) nay không “dị loại nhi thục” vì tánh vô phú vô ký.

Bình đẳng tánh trí tức là chuyển đổi thức thứ bảy mà thành cái trí này. Nhân vì thức thứ bảy hữu lậu, phân biệt chấp trước thức thứ tám làm ngã, thường cùng tương ưng nhau với bốn hoặc(28), nên lại tên thức thứ bảy là ngã kiến thức. Chuyển đổi cái ngã kiến ấy, dứt cái phiền não chướng, đắc cái lý ngã không, tức chứng các pháp tự tha bình đẳng không hai ngã tánh, mà thành bình đẳng tánh trí.

Diệu quan sát trí tức là chuyển đổi cái tâm thức phân biệt thứ sáu mà thành ra cái trí đây. Phân biệt thức là cái công năng phân biệt của thức đây rất là cường thắng, vì như các thức kia chỉ đủ một phân biệt tự tánh thôi, mà thức thứ sáu đây thì, thảy đều trọn đủ (phân biệt tự tánh, phân biệt tùy niệm và phân biệt kế đạt) nên gọi phân biệt thức. Trong khi thức này chuyển thành tịnh trí, liền có thể quán sát được tất cả tự tướng, cọng tướng của các pháp và với trước chúng hội thuyết các diệu pháp làm phổ lợi cho quần cơ.

Tự tướng tức là những tự thể mỗi đều riêng biệt của năm uẩn pháp. Cọng tướng tức là năm uẩn pháp chung làm một cái khổ không vô thường vô ngã.
Thành sở tác trí tức là chuyển năm thức trước mà thành ra cái trí này. Trong khi năm thức trước chuyển thành tịnh trí, năm thức hiện ra tất cả chủng chủng đại hóa thân, tiểu hóa thân và tùy theo mỗi loại mà hóa hiện ra vô lượng hóa thân, để làm thành thuộc lợi ích cho tất cả chúng hữu tình.

Như thế, bốn trí đây đều làm thượng thủ và căn bản cho tất cả chủng chủng trí, thực ra thì có vô lượng trí.

Đệ nhị, tha thụ dụng thân nghĩa là đức Như Lai chứng tự thụ dụng thân rồi, từ nơi cái bình đẳng tánh trí đó mà, biến khởi ra cái đại hóa thân bất khả tư nghì, để vì thuyết nhứt pháp môn cho các Bồ-tát ở hàng Thập địa nghe khiến cho các Bồ-tát được thụ dụng pháp lạc, nên gọi là Tha thụ dụng thân.

Tám vạn bốn ngàn tướng hảo, là các Bồ-tát trong hàng Thập địa thấy được cái tha thụ dụng thân của Như Lai đủ cả tướng hảo phúc đức.

Từ tất cả Như Lai sắp xuống, là giải rõ đức Như Lai ngài thuyết pháp là tùy theo căn cơ mà hiển hiện thân, nhân vì Thập địa Bồ-tát đều đủ trí huệ đức tướng và đoạn phiền não hoặc sâu hay cạn chẳng đồng nhau, nên đối với các Bồ-tát ấy tức hiển hiện ra mười món thân.

Như bậc Sơ địa Bồ-tát thấy được Phật thân thứ nhứt ngồi trên đài bông sen trăm lá, được nghe trăm pháp minh môn.

Bậc Nhị địa Bồ-tát thấy được thân Phật ngồi trên đài bông sen ngàn lá, thuyết ngàn pháp minh môn.

Như thế lần lựa thêm hơn cho đến bậc Thập địa Bồ-tát thấy được thân Phật ngồi trên đài liên hoa bất khả tư nghị, thuyết bất khả tư nghị pháp môn. Đấy tức là sự sai khác của thập thân Như Lai.

Lại, Thập địa Bồ-tát đây, nhân vì nghe pháp hiểu lý hoặc thiển hoặc thâm chẳng đồng, nên sự phóng quang việc độ sanh của Phật cũng khác.

Như bậc Sơ địa Bồ-tát chứng ngộ được Bách pháp minh môn, Phật tức nơi đài liên hoa trăm cánh hiện ra trăm cánh thế giới, một trăm gồm bốn châu thiên hạ, một trăm một đức hóa Phật mà, một trăm một đức hóa Phật đều khắp đầy trăm cánh thế giới, để làm lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sanh.

Như thế, Nhị địa, Tam địa cho đến Thập địa, lần lựa dần dần thêm bội lên thì, thành ra đài hoa sen bất khả tư nghị, các đức hóa Phật bất khả tư nghị mà, mỗi đều khắp đầy các thế giới bất khả tư nghị, để làm lợi ích cho vô lượng vô số chúng sanh.

Lại, bậc Sơ địa Phật thân bằng bách Phật thế giới đó, như kinh Đại A-Di-Đà nói rõ y báo chánh báo nước Cực lạc.

Đệ nhị địa Phật thân bằng thiên Phật thế giới đó, như thân Phật Lô-xá-na trong kinh Phạm Võng.

Nhẫn đến thân Phật bất tư nghị ở bậc Thập địa, tức như cảnh giới bất tư nghị nơi lâu các Di-lặc trong kinh Hoa Nghiêm.

Như thế thập thân nhẫn xuống, tức tổng quát nói thân Phật cả Thập địa, đều ngồi nơi cây chúa Bồ-đề bằng thất bửu mà đều thành ngôi chánh giác.

Đệ tam biến hóa Phật thân: Biến hóa Phật thân cũng ba loại:

Như mỗi mỗi cánh hoa sen đều là một “tam thiên thế giới”…, tức đại thân trong tướng biến hóa, vì các Bồ-tát trước Thập địa mà Phật ngài hiện thân thuyết pháp.

Lại, như thị hiện tám tướng thành đạo, trượng sáu thước thân vàng… tức vì các thánh bậc Nhị thừa nhân loại và thiên loại mà Phật ngài hiện ra tiểu hóa thân để thuyết pháp.

Còn nữa, như ở trong Bát bộ cùng Tam ác đạo thì, lại cũng tùy theo mỗi loại mỗi hình thế nào mà Phật ngài biến hiện ra những hóa thân như thế nấy để nói pháp cứu độ.

Các đức hóa Phật đó, cũng đều ngồi nơi cội cây Bồ-đề, đắc thành chánh giác, đều độ chúng sanh.

Như thế, các đức đại hóa thân Phật, tiểu hóa thân Phật sắp xuống, tức là kể bày những phương tiện sai khác nhân theo căn cơ mà thuyết pháp. Như gặp căn cơ Thanh văn thì thuyết pháp Tứ đế; gặp trình độ Duyên giác thì thuyết pháp Duyên khởi; gặp bậc Bồ-tát thì thuyết pháp Lục độ; vì các vị Bồ-tát ở ngôi tư lương và tứ thiện căn thì thuyết pháp Đại thừa. Cái điều mà chư Phật biến hóa thân và thuyết pháp là cái phương tiện tùy loại độ sanh thôi.

Song, ở trong pháp Đại thừa đều thông suốt làm một, như thuyết pháp Nhứt thừa ở Thập địa, các vị Bồ-tát ở trước Thập địa (như tín, trú, hạnh, hướng) qua vị lai tức đồng với Bồ-tát Thập địa.

Sở dĩ, tại Trung Hoa các đức Tổ xưa phân tán ra các giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên hoặc Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên, phân biệt các giáo, các vị Bồ-tát đoạn vọng chứng chân và ngôi thứ. Giả như y nơi một Đại thừa mà thuyết thì, rất là bất khả vì có trái với ý Phật thuyết.

Số là, đến với căn cơ Tam thừa mà thuyết, nên có chỗ bất đồng nhau giữa Đại thừa Tiểu thừa; mà ở nơi Bồ-tát thì chỉ vì bất đồng về thiển và thâm mà thôi.

Như là hai món sắp xuống, là tổng quát nói rõ hai thân, đều từ nơi tự thụ dụng thân mà hiển hiện ra; tự thụ dụng thân khắp thường tương tục.

Kế giải rõ Như Lai có ân đức bất khả tư nghị, nên trọn đủ mười hiệu dĩ chí vô lượng đức.

Mười hiệu là: tức Như Lai, Ứng cúng (A-la-hán, dịch ứng), Chánh biến tri… Trong mười hiệu ấy, nếu đem Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu phân ra làm hai hiệu, tức lấy Thế Tôn làm cái danh tổng quát cho mười hiệu; như đem Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng hiệp lại làm một hiệu thì Thế Tôn cũng là một giữa mười hiệu.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.