Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh Báo Ân Phẩm

ẤN ĐÁP

Bấy giờ, năm trăm trưởng giả bạch Phật rằng: “Đức Thế Tôn! Như lời Phật nói trong một ngôi Phật bảo có vô lượng đức hóa Phật đầy dẫy trong thế giới làm lợi lạc cho chúng sanh; thế, do nhân duyên chi mà thế gian, chúng sanh nhiều kẻ chẳng thấy Phật? Lại vẫn chịu các điều khổ não?”

Phật bảo năm trăm trưởng giả:“Thí như Nhật quang thiên tử phóng ra trăm ngàn ánh sáng chiếu cả thế giới mà những người bị tối mắt chẳng thấy ánh sáng, thế các thiện nam tử nghĩ sao? Vị Nhật Quang thiên tử có lỗi chăng?”

Các trưởng giả thưa rằng:“Chẳng có lỗi, thưa Thế Tôn!”

Phật dạy:“Thiện nam tử! Chư Phật Như Lai thường diễn chánh pháp lợi lạc hữu tình, nhưng có những chúng sanh thường tạo ác nghiệp đều chẳng hay biết, tâm không biết hổ thẹn với Phật pháp tăng, chẳng ưa thân cận. Đấy, những chúng sanh tội căn thâm trọng như thế, trải qua vô lượng kiếp chẳng đặng thấy nghe được danh tự của Tam bảo; như kẻ tối mắt kia chẳng thấy ánh sáng của mặt nhật.

Nếu có chúng sanh cung kính Như Lai ưa thích pháp Đại thừa, tôn trọng ngôi Tam bảo, phải biết người ấy nghiệp chướng đã tiêu trừ, trí huệ lại tăng trưởng, trọn nên căn lành, mau được thấy Phật, vẫn lìa sanh tử, sẽ chứng Bồ-đề.

Đấy, tức là vấn đáp để đoạn trừ điều nghi hoặc.

Năm trăm nhà trưởng giả nghe Phật nói ân đức của Phật Bảo rất lớn như thế và tha thụ dụng thân, với biến hóa thân Phật lại rất nhiều như thế nữa; nhưng thế gian chúng sanh vẫn chẳng thấy chẳng nghe, nên dấy lòng nghi mà hỏi.

Phật bảo năm trăm nhà trưởng giả: Chúng sanh chẳng Phật nghe pháp, tỷ như người đui chẳng thấy ánh sáng của nhật nguyệt, thì phi lỗi của Phật.

Sở dĩ Thế Tôn lại nói: Như Lai thường trú nơi đời để thuyết chánh pháp, nhưng các chúng sanh bị kiết sử trói buộc, thường gây nghiệp ác đều không xấu hổ mà chẳng hay biết, với Phật pháp tăng cũng chẳng khâm kính. Sở dĩ các chúng sanh ấy chẳng được thấy Phật.

Nếu có chúng sanh nhẫn xuống, là nói rõ chúng sanh nếu tin kính Tam bảo, cúng dường cung kính ưa nghe pháp Đại thừa thì, hiện đời liền đặng tiêu trừ tội chướng, tăng trưởng huệ phước; qua đời vị lai sẽ chứng quả Bồ-đề.

PHÁP BẢO

Các thiện nam tử! Như trong một ngôi Phật bảo, có vô lượng đức Phật thì, Như Lai nói ngôi Pháp bảo cũng thế, trong một ngôi Pháp bảo có vô lượng nghĩa.

Thiện nam tử! Với trong Pháp bảo có cả bốn thứ: 1. Giáo pháp. 2. Lý pháp. 3. Hành pháp. 4. Qủa pháp. Tất cả pháp vô lậu hay phá được vô minh phiền não nghiệp chướng, thanh danh cú văn, gọi là giáo pháp. Các pháp hữu – vô gọi là lý pháp. Giới hành, định hành, huệ hành gọi là hành pháp. Quả mầu vô vi gọi là quả pháp. Như thế bốn món, gọi là Pháp bảo, dẫn dắt chúng sanh ra khỏi biển sanh tử, đến bờ giác ngạn.

Thiện nam tử! Thầy của chư Phật, tức là Pháp bảo, sở dĩ là sao? Tam thế chư Phật y theo pháp tu hành, dứt tất cả chướng, đắc thành Bồ-đề, tột đời vị lai, lợi ích chúng sanh.

Do nhân duyên đó, tam thế chư Phật thường hay cúng dường các ba-la-mật vi diệu Pháp bảo, phương chi ba giới tất cả chúng sanh chưa đặng giải thoát mà chẳng hay kính vi diệu Pháp bảo ư?

Thiện nam tử! Chính ta đời trước đã từng làm vị nhân vương đi tìm pháp, phải vào nơi hầm lửa lớn để cầu chánh pháp, vĩnh đoạn khổ sanh tử, đắc quả Bồ-đề.

Thế nên Pháp bảo hay phá được tất cả lao ngục sanh tử, dường như chất Kim Cang năng phá hoại được vạn vật; Pháp bảo năng chiếu phá được cái nghiệp si ám cho chúng sanh; tỷ như vị Nhật thiện tử năng chiếu phá được màu hắc ám của thế giới; Pháp bảo năng cứu tế chúng sanh bần phạp, như ngọc ma-ni hay hóa hiện rải xuống các thứ châu báu; Pháp bảo hay cho chúng sanh được hưởng điều vui mừng, dường như Thiên cổ giúp vui cho chư thiên; Pháp bảo hay làm cái thềm bực báu cho chư thiên, vì nghe hiểu chánh pháp được sanh lên thiên cung; Pháp bảo hay làm chiếc thuyền lớn bền chắc, vì đưa chúng sanh qua khỏi biển sanh tử tiến lên bờ giác bên kia; Pháp bảo dường như vị Chuyển luân thánh vương, vì năng trừ được giặc tam độc phiền não; Pháp bảo hay làm món y phục quý đẹp, vì che đậy các chúng sanh vô tàm quý; Pháp bảo là cái áo giáp Kim Cang, vì năng phá được bốn quân ma chứng quả Bồ-đề; Pháp bảo dường như gươm bén trí huệ, vì cắt đứt dây tình ái lìa nghiệp trói buộc; Pháp bảo chính là xe báu tam thừa, vì năng chuyên chở chúng sanh ra khỏi hỏa trạch; Pháp bảo dường như tất cả ngọn đèn sáng, vì năng chiếu đến chỗ tăm tối nơi Tam đồ; Pháp bảo dường như cung tên đòn giáo vì đẩy lui bọn oán địch, trấn an nơi cõi nước; Pháp bảo tỷ như ông đạo sư nơi đường hiểm, vì khéo khuyên dỗ dẫn đường chúng sanh đi đến bảo sở. Thiện nam tử! Các đức Như Lai trong ba đời sở thuyết ra pháp vi diệu, có như thế cả các sự khó nghĩ bàn.

Pháp bảo do nơi kim khẩu của Phật nói bày, từ nơi pháp giới thanh tịnh vô lậu đưa ra.

Trong một Phật bảo có vô lượng Phật, nên trong một pháp bảo cũng có vô lượng pháp, mà trong mỗi mỗi pháp cũng có vô lượng nghĩa. Sở dĩ kinh Kim Cang nói: “Kinh điển ở đâu, tức là có Phật ở đó”. Nếu người biết tôn trọng cúng dường, tức là đắc phước vô lượng.
Thanh, danh, cú , văn là bốn món giáo thể để thuyết pháp. Thanh tức là âm thanh, là cái thực thể làm chỗ cho danh, cú và văn y chỉ, danh cú văn là pháp giả phân vị của thanh; tức là Phật ngài dùng âm thanh của Ngài để tuyên thuyết ra tất cả giáo pháp mà, dùng danh cú văn làm cái môn năng hiển giáo lý.

Song, thanh danh cú văn đây, là năng nói ra pháp thể của Phật thuyết, phi thanh danh của hạng người thường sánh bằng. Nhân vì thanh danh cú văn toàn là vô lậu của Phật sở hiển ra giáo pháp, nó năng phá tan cả phiền não của chúng sanh, nó năng dẫn dắt chúng sanh vào nơi pháp giới vô lậu, nên được làm giáo pháp của Pháp bảo.

Các pháp hữu vô, rõ những nghĩa pháp bị nói trong thanh danh cú văn năng nói, y nơi giáo pháp đây sở hiển ra các lý hữu vô tức là lý pháp.

Hữu, tức pháp hữu vi, vô vi y tha khởi, viên thành pháp vô, tức là biến kế sở chấp tỷ như lông rùa sừng thỏ…

Giới định huệ, tức là ba vô lậu học, tức là cái quá trình y nơi giáo để nhớ lý, y nơi lý để khởi sự tu, y nơi tu để chứng quả, cũng tức là nhiếp tâm làm giới, do giới sanh ra định, do nơi định mà phát ra huệ, giới định huệ là ba tăng thượng hạnh.

Quả mầu vô vi, tức là do ba tăng thượng hạnh trước mà đi đến cái mục đích tối hậu tức là quả pháp.

Do bốn pháp giáo lý hành quả đây, hay độ vô lượng chúng sanh thoát ra khỏi biển sanh tử, bạt tế vô lượng hữu tình tiến đến bỉ ngạn, đấy bao quát hết cả tâm địa pháp môn của chư Phật, nên với ơn của Pháp bảo đây cũng bất khả tư nghị.

Thiện nam tử sắp xuống, nói rõ cái lý do ngôi Pháp bảo sở dĩ là quý báu và khuyên người phải tôn trọng cung kính các giáo pháp của tam thế Phật thuyết.

Cả chư Phật trong ba đời, đều y theo pháp tu hành mà đắc thành quả Bồ-đề, tức lấy pháp làm thầy, vì thường hay cung kính nơi Pháp bảo.

Thiện nam tử ta xưa từng làm sắp xuống, tức là Phật ngài đề cử lên cái nhân hành đã kinh nghiệm từ đời trước lấy thân làm quy tắc đấy.

Như Kim Cang sắp xuống là mượn tỷ dụ để rõ cái uy lực của ngôi Pháp bảo. Như chất kim cang hay làm hoại vạn vật, Pháp bảo năng phá tan ngu si.

Bửu giai là cái nấc thang của chư thiên tiến bước lên thiên cung, Pháp bảo có thể dắt đưa chúng sanh lên khỏi biển sanh tử.

Chuyển luân thánh vương có uy đức lớn, năng khiến chúng sanh được an vui; pháp bảo có cái pháp lực lớn, năng diệt những khổ của chúng sanh.

TĂNG BẢO

“Thiện nam tử! Cả thế gian và xuất thế gian, có ba hạng Tăng già: 1- Bồ-tát tăng. 2- Thanh văn tăng. 3- Phàm phu tăng.

Như Văn-thù-sư-lợi và Di-lặc… là hạng Bồ-tát tăng.

Như Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên… là hạng Thanh văn Tăng.

Như có kẻ phàm phu mà chân thiện, thành tín giới biệt giải thoát, nhẫn đến trọn đủ tất cả kiến thức chân chánh, hay rộng ra vì chúng mà diễn thuyết nói bày đạo pháp của các thánh ra, để lợi ích an lạc cho chúng sanh, thì gọi phàm phu tăng, mặc dầu chưa có thể được giới, định vô lậu và huệ giải thoát, mà người cúng dường cho hạng phàm phu tăng cũng đặng phước vô lượng.

Như thế ba hạng kể trên đều gọi là chân phước điền Tăng.

Ngoài ra, còn có một hạng nữa cũng gọi là phước điền tăng: Đối với xá-lợi của Phật và hình tượng của Phật, cùng là các pháp, các Tăng giới của Phật chế ra, chúng ta rất sanh lòng kính tin, chính mình không tà kiến, khiến kẻ khác cũng thế; lại hay tuyên dương chánh pháp, tán thán Đại thừa, tin sâu lý nhân quả, thường phát thiện nguyện, tùy chỗ phạm lỗi sám trừ nghiệp chướng; phải biết người ấy, do cái sức tin ngôi Tam bảo, mà phước hơn các phái ngoại đạo gấp trăm ngàn muôn bội, cũng hơn phước của bốn hạng Chuyển luân thánh vương, huống chi những phước mọn của tất cả chúng sanh trong các loại khác?

Tỷ như hoa Uất kim mặc dầu đã héo, nhưng còn hơn tất cả các thứ hoa tạp loại khác; thầy Tỳ-kheo chánh kiến cũng lại như thế, phước thắng hơn phước của tất cả chúng sanh gấp trăm ngàn muôn bội, dù có hủy phạm cấm giới chứ chẳng phá hoại chánh kiến, do nhân duyên đó, nên cũng gọi là phước điền Tăng.

Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, có cúng dường phước điền tăng như thế thì, sở đắc phước đức không có cùng tận, vì đặng công đức cũng đồng bực như cúng dường ba hạng chúng thực Tăng bảo trước kia.

Bốn hạng thánh phàm Tăng bảo như trên, thường không tạm rời làm lợi lạc cho chúng hữu tình, thế gọi là ơn bất khả tư nghị của ngôi Tăng bảo.

Thế gian tăng tức phàm phu tăng, xuất thế gian tăng tức Thánh tăng vậy.

Chữ Thế là nghĩa đổi dời biến hoại; Gian tức là trung gian; nghĩa là với trong cái thời gian chưa đắc Thánh đạo thì, tất cả chúng sanh đều đọa trong cái vòng sanh diệt biến hoại đây, nên gọi là thế gian. Chúng hữu tình đã như thế mà, cái chỗ sở y là căn thân, khí giới cũng thế.

Xuất thế gian, tức tương phản với thế gian, nhân một loại chúng sanh được nghe giáo pháp của Phật-đà, rõ biết thế gian là ảo hóa vô thường mà lo tu, hoặc tu tập pháp Tứ đế, hoặc sáu pháp ba-la-mật, mỗi mỗi pháp môn, được ra khỏi cái phạm vi sanh diệt biến hoại. Hoặc có nhân nơi bổn nhân đã thành thục cơ duyên, không nương nơi giáo pháp của Phật mà, chính tự thân cũng có thể biết mà tu pháp thập nhị nhân duyên khởi, để siêu xuất ra ngoài thế gian mà chẳng bị hạn cuộc trong vòng sanh tử huyễn hóa của Tam giới. Về sự thụ thân căn và quốc thổ cũng tùy theo, chẳng đọa vào cái khổ sanh diệt biến hoại mà đắc gọi là xuất thế gian.

Ba hạng Tăng: 1- Bồ-tát tăng. 2- Thanh văn tăng. 3- Phàm phu tăng.

Tăng nghĩa là chúng, tức là chúng hòa hợp. Hòa hợp có sáu nghĩa: tức với giới cấm hòa hợp đồng tu, với sở kiến hòa đồng giải thích cho hiểu, với lợi lộc hòa hợp đồng chia chung sống nhau, với thân thể đồng hòa hợp chung ở, với khẩu nghiệp đồng hòa hợp không tranh tụng, với ý chí đồng hòa hợp chung vui. Nói đổi lại, gọi là tăng, nghĩa đồng nhau với đoàn thể của thế tục; cốt phải từ bốn Tỳ-kheo nhẫn lên nhiều người mới gọi là tăng, chẳng thế thì chỉ gọi là Bật-sô hoặc Sa-di mà thôi.

Trong đây, Bồ-tát tăng và Thanh văn tăng, đều là chỉ về các đấng đã chứng Thánh đạo, như là tam hiền, thập thánh và tứ quả Thanh văn với Duyên giác là bực tăng-già đã xuất thế gian. Còn những đấng chưa chứng đặng Thánh đạo thì là phàm phu tăng đương ở tại thế gian, do vì chưa ra khỏi tam giới sanh tử.

Phàm phu tăng đây có nội phàm và ngoại phàm phân biệt nhau, chẳng đồng với hạng phàm phu bình thường, nhân với ngôi Tin tâm, ngôi Tư lương và ngôi Gia hạnh(29) cũng có công tu tập tương đương, sở dĩ chẳng đồng nhau với hạng phàm phu bình thường.

Bồ-tát có hai hạng: tại gia và xuất gia. Trong kinh đây chỉ về Bồ-tát tăng là, đức Văn-thù-sư-lợi, đức Di-lặc Bồ-tát làm thượng thủ; hai đức Bồ-tát đây là y nơi luật nghi xuất gia Bồ-tát tăng, chẳng đồng với tại gia Bồ-tát hình tướng không nhứt định, không thể biểu hiện tăng tướng, nên đức Phật đà mỗi khi thuyết pháp thường dùng hai vị ấy làm bực Bồ-tát thượng thủ. Kinh đây cũng như thế.

Hai vị Đại sĩ đây là giữa hàng xuất gia Bồ-tát tăng đã làm đầu, lại là thường theo sát bên Phật; và là Bồ-tát ở nơi cõi này. Còn như các đức Quan Âm, đức Thế Chí… là Bồ-tát ở nơi cõi Phật phương khác, có đến dự pháp hội nơi cõi này cùng chăng, không thể quyết định.

Đức Văn-thù-sư-lợi cùng đức Di-lặc Bồ-tát đây là vị đản sanh tại nước Ấn Độ, với chỗ các Ngài ứng sanh đều có sử ký tung tích khá xét.

Đây, kinh Văn-Thù-Sư-Lợi Bát Niết-Bàn chép rằng: “Phật bảo Bạt-đà-ba-la Bồ-tát: Ngài Văn-thù-sư-lợi có tâm đại từ, đản sanh trong nhà Phạm Đức dòng Bà-la-môn làng Đa-la nước Xá-vệ, đến nơi ta cầu xuất gia học đạo, tâm trú vào Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, dùng pháp lực của tam muội ấy mà xuất thần hiện ra khắp cả mười phương, sau Phật diệt độ trải qua 450 năm, tại chỗ bổn sanh ông sẽ nhập diệt”.

Lại, kinh Di Lặc Thướng Sanh chép: “Phật bảo Ưu-ba-ly rằng: Trước kia Di-lặc đản sanh trong nhà ông Ba-ba-lợi, dòng đại Bà-la-môn làng Kiếp-ba-lợi nước Ba-la-nại, lại về sau này mười hai năm nữa, ngày rằm tháng hai ông trở về nơi chỗ bổn sanh (là tại chỗ nhà làng), ngồi kiết già như nhập diệt tận định, sắc thân màu vàng tía đỏ, ánh sáng đỏ hực, như hai trăm ngàn mặt nhựt, chói rọi suốt lên cung trời Đâu-suất-đà.”

Nên ở trong Bồ Tát Luật Nghi do đức Thích-ca Như Lai chế ra, đều để ngài Văn-thù-sư-lợi làm Yết-ma A-xà-lê, để ngài Di-lặc Bồ-tát làm Giáo thụ A-xà-lê.

Vì có mỗi mỗi quan hệ ấy, nên kinh đây chỉ cử lên hai vị đại sĩ là Văn-thù, Di-lặc để đại biểu cho tất cả Bồ-tát tăng.

Văn-thù-sư-lợi, dịch là Diệu Cát Tường (Bồ-tát).

Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên là bực thượng thủ trong hàng Thanh văn đệ tử của Như Lai.

Thanh văn: là lóng nghe âm thanh của Phật đà thuyết pháp mà đắc ngộ đạo, nên gọi là Thanh văn.

Xá-lợi đây rằng “chim thu”; phất là lược bớt một chữ của “phất-đa”, đây rằng: tử là con, ấy là theo tên mẹ mà đặt tên, vì Xá-lợi là tên mẹ, tức con của bà Xá-lợi. Các kinh khác nói Xá-lợi-tử đó, tức là Xá-lợi-phất, ông là một người trí huệ thù thắng trong hàng Thanh văn đệ tử của Phật.

Mục-kiền-liên, dịch là Thái thục thị, đời thượng cổ có tiên nhân ở yên lặng nơi thâm sơn, thường đi hái bẻ đậu xanh (thái thục) mà ăn, nhân lấy đó làm họ. Mẹ của Mục-kiền-liên tức là chắt chít của tiên nhân kia, cũng là theo mẹ mà đặt tên, ông là một người thần thông tối thù thắng trong hàng Thanh văn đệ tử của Phật.

Hai người này đều nguyên là bực thủ lãnh bên phái ngoại đạo, đối với kinh sách của các phái ngoại đạo, hai người đều tinh thông thuộc làu cả; sau nhân ông Mã Thắng Tỳ-kheo, mới đặng theo Phật xuất gia, liền chứng vô sanh thánh quả.

Đối trong pháp hội của Phật-đà, hai người mỗi làm vị thượng thủ trong hàng Thanh văn tăng, nên kinh đây cũng đem hai Ngài ấy đại biểu cho tất cả Thanh văn tăng.
Hai Ngài này nhân vì chẳng nỡ thấy Phật khi vào Niết-bàn, nên đều nguyện nhập diệt trước Phật, thành thử cho nên đức Ca-diếp và A-nan phải lãnh truyền pháp tạng của Phật.

Phàm phu tăng cốt phải giữ giới giải thoát cho được thành tựu là trước nhứt.

iới, nghĩa là thôi dứt điều ác, tu hành việc thiện, tức là luật nghi. Luật nghi có ba thứ mà đây là một trong ba ấy.

Rằng giới biệt giải thoát ấy là, nhân giải điều, chủng loại có cả bảy chúng chẳng đồng nhau, đối với riêng riêng mỗi điều có phạm, nên phải chế định ra riêng riêng mỗi giới điều, khiến phải riêng riêng tuân giữ mỗi điều, để được riêng riêng mỗi đều giải thoát.

Phàm phu tăng đây, mặc dầu chưa chứng thánh đạo, nếu có thể với riêng riêng (biệt biệt) giải thoát luật nghi phải đúng như pháp mà thụ trì, đều có thể trọn đủ chính tri chính kiến, hiểu sâu vào nơi giáo pháp thánh ngôn lượng của Phật đà, để rộng vì chúng sanh mà mở bày cái pháp của thánh đạo, khiến cho chúng sanh được lợi ích an vui, là chỗ bảo “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”. Như thế mới đáng gọi là phàm phu tăng chân thiện.

Trong đây nói rằng thánh đạo pháp đó, nếu lấy về pháp của Tam thừa cọng tu mà nói thì, tức là tám thánh đạo pháp học, 37 Bồ-đề phần pháp. Nếu lại xét rộng phạm vi ra thì, hễ pháp của Phật thuyết, đều có thể gọi là thánh đạo pháp.

Do đó quan sát ra thì, phàm phu tăng cũng phải trọn đủ những điều kiện thành tựu việc tự lợi và việc lợi tha, dẫu chỉ giữ đủ giới biệt giải thoát mà chẳng thể thông đạt Phật pháp, để hóa đạo chúng sanh lưu truyền xã hội thì chỉ thu được phần tự lợi là “chỉ ác” mà không thể làm được sự nghiệp lợi tha là “sanh thiện”, hãy chưa có thể được hoàn thành cái tư cách phàm phu tăng chân thiện.

Với đấy, có thể biết được rằng trọn đủ thành tựu cái tư cách phàm phu tăng cũng là việc chẳng dễ!

Tuy chưa có thể được vô lậu cho đến đắc phước vô lượng đó, tức là nói, đối với phàm phu tăng đây mặc dầu chưa có thể được năm phần vô lậu pháp thân là giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, nhưng nếu thiện tín có thể rộng dấy sự cúng dường thì, cũng đắc phước vô lượng, đồng với cúng dường Bồ-tát xuất thế gian và Thanh văn, không có sai khác, vì cái tâm cúng dường không phân biệt nên đắc phước cũng bình đẳng.

Ba hạng tăng như thế gọi là chân phước điền tăng, điền dùng nghĩa là sanh trưởng, như ruộng đất ở thế gian, đem hột giống gieo trồng trong đó, đến mùa thành thục có thể thu hoạch được số nhiều huê quả; còn phước điền đây cũng thế, nếu có người năng cúng dường ba hạng tăng như thế thì, đến tương lai sẽ thu hoạch phước quả, vì gây nhân nào là đắc quả nấy, tức là đắc phước vô lượng.

Song, giữa đời cũng có một số người, không hiểu rằng những giáo pháp và giáo sư nào chân hay ngụy, thường thường sùng bái tà giáo, phụng sự tà sư, chẳng những chẳng có thể cảm phước mà lại bị điều tội lỗi lây vì đồng lõa cũng như giúp lương cho giặc và dưỡng hổ vi họa.

Nay ba hạng tăng đây thì chẳng phải như thế, là ruộng tốt có thể sanh phước, nên gọi là phước điền tăng.

Lại có một thứ gọi phước điền tăng đó, trong đây bảo là xá-lợi, thì chẳng phải là tên người mà, tức là sau khi Như Lai nhập diệt, các đại đệ tử phàm thiêu thi hài, cháy tàn rồi, còn lại có những cốt tử rất kiên cố, viên chính, sáng sạch, hình như hột châu, vẻ nó chẳng nhứt định: hoặc trắng, xanh hoặc xăm điểm ngũ sắc mà đều có ánh ngời, cùng phân tán ra mà dựng tháp cúng thờ; tại Trung Hoa, huyện Ngâu, chùa Dục Vương có thờ ngọc xá-lợi đó, cũng chính là xá-lợi của Phật đấy.

Hình tượng Phật, là sau khi Phật diệt độ, người đời đúc, có khi tượng Phật bằng vàng, bạc, đồng hay gỗ đá hoặc bằng đất, keo, giấy vẽ… đều gọi là hình tượng Phật.

Chuyển luân thánh vương, về thời mà mỗi người sống vô lượng tuổi, giảm xuống còn tám vạn tuổi, hoặc sáu vạn tuổi, bốn vạn tuổi, hai vạn tuổi là những thời có Luân vương ra đời, đủ 32 tướng tốt, do có đại phước lực, đều có được cỗ xe bằng chất vàng báu, vì tức vị đều thắng được bốn phương quy phục, nên gọi là Chuyển luân thánh vương.

Có bốn hạng Chuyển luân thánh vương: 1-Kim luân vương thống quản cả bốn châu là Đông thắng thần châu, Nam thiệm bộ châu, Tây ngưu hóa châu, Bắc cu lô châu. 2-Ngân luân vương, thống quản ba châu. 3-Đồng luân vương thống quản hai châu. 4-Thiết luân vương thống quản một châu.

Hoa uất kim, là hoa trân quý, màu bông sắc vàng nên tên là uất kim.

Trong văn đây nói: Lại có một hạng phàm phu tăng cũng được gọi là phước điền tăng đó, là hạng này dù chưa có thể bền giữ luật nghi, song đối Như Lai hoặc xá-lợi, và sau khi Phật diệt độ thờ cúng các thứ hình tượng và kinh điển, cùng những giới điều mà Phật đương thời chế ra, hoặc đối với các tăng-già đời quá khứ, hiện tại đều rất sanh tâm cung kính tín ngưỡng. Chính mình đã chẳng sanh tà kiến phỉ báng, lại cũng khiến người chẳng sanh tà kiến phỉ báng mà sanh cung kính tín ngưỡng, và lại có thể diễn nói chánh pháp của Phật-đà, tán thán Đại thừa lý thậm thâm vi diệu, tin sâu lẽ thiện ác nhân quả, sở dĩ thường thường phát nguyện, nguyện ở hiện tại qua vị lai, sám hối diệt trừ những điều lỗi phạm và nghiệp chướng. Phàm phu tăng như thế, tuy đối với giới luật chưa có thể hết lòng ngừa giữ, nhưng có thể rộng làm sự nghiệp lợi tha và hết lòng tin sức Tam bảo; thiện tín cúng dường hạng phàm phu tăng ấy, phước cũng hơn gấp trăm ngàn vạn bội cúng các ngoại đạo; nhân vì ngoại đạo tuy cũng hay cần khổ tu hành, mà chưa hay nhận thức chân thì sở tu của họ cũng lao khổ mà vô công, vì tu mù luyện quáng.

Đối với ngoại đạo, chẳng những thắng hơn gấp trăm ngàn muôn lần, lại cũng thắng hơn bốn vị Chuyển luân thánh vương nữa. Vì các tăng già thâm tín Tam bảo đây, dù trong đời hiện tại vẫn chưa hoàn thành tăng cách, song, hay sám trừ nghiệp chướng, gây các tịnh nhân, khiến cho vô lậu chủng tử ngày càng tăng trưởng, phiền não dần dần tiêu diệt, lại cũng hay rộng truyền Phật pháp, dẫn người siêu xuất thế gian.

Với giữa nhân loại, các luân vương kia uy đức lớn, phước lực nhiều, song chưa ra khỏi Tam giới, nếu chẳng cầu pháp xuất thế, cũng vẫn luân hồi trong ác thú không có hẹn ra như bao chúng hữu tình kia một thứ!

Với phàm phu tăng, các Chuyển luân thánh vương còn chẳng kịp thay, huống chi là tất cả chúng sanh? Số là cả nhân loại không ai phước bằng và cao hơn luân vương; lại suy ra từ loài người sắp xuống tất cả chúng sanh kia, khỏi nói cũng khá biết nốt.

Đây lại dùng một tỷ dụ để nói rõ tỷ như mùi hoa uất kim là mùi thơm nhứt trong các loại hương, dù đến lúc nó héo tàn mà hãy còn thơm hơn tất cả hương vị bất chánh thức khác, hoặc các thứ hoa mà hương vị rất ít. Cũng thế, vị Tỳ-kheo chánh kiến, tuy khó trừ sạch được cái tập quán đã chứa từ vô thỉ lại nay, đối với luật nghi có chỗ hủy phạm, song, sẵn có cái căn bản kính tín Tam bảo và chẳng phá hoại cái công đức chánh kiến vẫn có thể làm cái nhân xuất thế cho mình và người. Nhân đấy nên có thể hơn tất cả chúng sanh thì cũng được gọi là phước điền tăng.

Đối với phàm phu tăng đây, nếu thiện nam tín nữ đều có thể cúng dường thì, sở đắc công đức, vẫn đồng với công đức cúng dường ba hạng Tăng Bảo trước kia không có sai.

Cả bốn hạng thánh phàm Tăng Bảo như thế đến đây đồng gọi là ơn của Tăng Bảo bất khả tư nghị. Đấy là lời tổng kết; đối với chúng sanh, bốn hạng Tăng Bảo thường bố thí những thiện pháp thanh tịnh, mà hằng không buông rời làm lợi lạc chúng hữu tình, nên đối với chúng sanh, ơn của Tăng Bảo cũng bất khả tư nghị.

Bốn hạng Tăng Bảo trên đây, hai hạng trước là Thánh tăng, hai hạng sau là phàm phu tăng; hai bực trước là Tăng Bảo xuất thế gian, hai bực sau là Tăng Bảo chưa xuất thế gian.

VẤN ĐÁP BẢO NGHĨA

Bấy giờ năm trăm nhà trưởng giả bạch Phật rằng: “Thưa đức Thế Tôn! Hôm nay, chúng con được nghe pháp âm của Phật, mới hiểu rõ ngôi Tam bảo lợi ích, an lạc cho cả thế gian. Song hôm nay chẳng biết lấy nghĩa như thế nào để nói Phật, pháp, tăng được gọi là Bảo? Xin Phật giải thích, rõ bày cho chúng hội và đời vị lai kính tin Tam bảo, tất cả chúng hữu tình dứt hẳn lưới hồ nghi, đặng đức tin bất hoại, khiến vào biển bất tư nghị của ngôi Tam bảo”.

Bấy giờ Phật bảo trưởng giả rằng: “Thiện tai! Thiện tai! Người thiện nam hay hỏi Như Lai về nghĩa thậm thâm vi diệu pháp ấy, hầu để lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh đời vị lai!

Thí như món trân bửu đệ nhất nơi thế gian, nó trọn đủ mười nghĩa, để làm cho cõi nước được tốt đẹp và nhiêu ích cả chúng sanh; mà Phật, pháp, tăng bảo cũng lại như thế!

1- Bền chắc, như ngọc báu ma-ni, không ai có thể phá hoại nó được; Phật pháp tăng bửu cũng thế, vì ngoại đạo, thiên ma vương đều chẳng phá đặng.

2- Không bụi bặm, trong đời những vật thắng bửu thể nó thanh tịnh sáng sạch, bụi nhơ không xâm bám, Phật pháp tăng bửu cũng thế, vì thảy đều xa lìa cái phiền não trần cấu.

3- Cho vui, như cái đức bình của Thiên đế, nó hay cho những sự an lạc; Phật pháp tăng bửu cũng thế, vì năng cho chúng sanh những điều vui của thế xuất thế.

4- Khó gặp, như món cát tường bửu, đã là hiếm có mà lại là khó đặng; Phật pháp tăng bửu cũng thế, vì những chúng sanh nào bị nghiệp chướng, dẫu qua ức kiếp cũng khó gặp đặng.

5- Năng phá, tỷ như cái bình như ý, nó hay phá được cái khổ bần cùng; Phật pháp tăng bửu cũng thế, vì năng phá được các điều bần khổ của thế gian.

6- Uy đức, như Chuyển luân vương sở hữu cỗ xe luân bửu, năng chế phục được các chúng oán địch, Phật pháp tăng bửu cũng thế, vì đủ sáu thần thông năng chế phục được bốn ma quân.

7- Mãn nguyện, như viên châu ma-ni tùy tâm nguyện vọng của chúng nhân cần cầu chi thì nó năng tuôn ra các món báu; Phật pháp tăng bửu cũng thế, vì năng thỏa mãn cho sở tu và thiện nguyện của chúng sanh.

8- Trang nghiêm, như các món trân bửu của thế gian, nó hay làm nên vẻ trang nghiêm cho cung điện của đế vương; Phật pháp tăng bửu cũng thế, vì hay làm cho bửu cung bồ-đề của pháp vương được trang nghiêm.

9- Tối diệu, như món diệu bửu của thiên đế rất là vi diệu, Phật pháp tăng bửu cũng thế, vì cao siêu hơn các tối thắng diệu bửu của thế gian.

10- Bất biến, ví như chất vàng ròng để vào lửa đốt mà vẫn chẳng biến đổi, Phật pháp tăng bửu cũng lại như thế, vì tám gió của thế gian chẳng làm cho khuynh động được.

Phật pháp tăng bảo trọn đủ vô lượng thần thông biến hóa, không chút thôi nghỉ lợi lạc cho chúng hữu tình, do vì nghĩa đó nên nói chư Phật pháp tăng là bửu.

Thiện nam tử! Ta vì các ông nói sơ lược chỗ có ơn của bốn hạng tăng tại thế gian và xuất thế gian, các ông phải biết, nên tự tu Bồ-tát hạnh phải báo đáp bốn hạng ơn như thế!”

Tại khi Phật nói ơn của Tam bảo rồi, bọn ông Diệu Đức năm trăm trưởng giả, nhân hiểu được nghĩa quý báu nên lặp lại hỏi đức Như Lai: Chúng con hiện nay dù được nghe tiếng giáo huấn, đặng hiểu rõ cái ân huệ của Phật pháp tăng có lợi ích cho thế gian, chỉ còn chẳng biết lấy ý nghĩa gì mà nói Phật pháp tăng là báu? Cúi xin Như Lai vì chúng con mà giải thích nghĩa ấy, khiến cho đại chúng ở tại nơi này được biết và, với nay đến sau khi mà pháp bảo này lưu hành cũng có thể khiến đời vị lai tất cả chúng sanh chẳng hoại lòng chánh tín kính tin ngôi Tam bảo, để dứt hẳn phiền não chướng và sở tri chướng, đặng tiến vào biển bất tư nghị của ngôi Tam bảo.

Với biển bất tư nghị đây, chỉ có đức tin mới có thể vào được, còn không tin thì chẳng thể vào đặng, số là đức tin làm căn bản cho quả vô thượng Bồ-đề. Nên kẻ tu về Tịnh độ pháp môn, lấy đức tin làm một trong tư lương; nhẫn đến những người tu tất cả pháp môn khác, đâu chẳng lấy đức tin làm cơ sở.

Với bốn ơn trước, do bọn ông trưởng giả Diệu Đức hỏi mà sanh khởi, còn ở đây các ông trưởng giả đã rõ nghĩa tứ ân, lại tiến tới hỏi về ý nghĩa Tam bảo, sao được tên là Bửu. Một mặt là để trừ sự nghi của mình, mặt khác là khiến cho chúng sanh đời hiện tại và vị lai đều được lợi ích, nên Phật khen ngợi là “hay hỏi Như Lai về nghĩa thậm thâm diệu pháp, lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh ở đời vị lai”.

Món trân bửu đệ nhất của thế gian trọn đủ mười nghĩa, Phật pháp tăng bửu cũng trọn đủ mười nghĩa như thế. Trang nghiêm nhiêu ích, tức là nghiệp dụng của bửu vật. Cõi nước tức là quốc độ (thổ), hữu tình tức là nhân dân.

Với Phật pháp tăng mà sở dĩ tỷ dụ là bửu đó, vì Bửu là báu là vật rất trân quý của thế gian, chúng hữu tình mà được nó thì liền có thể được lợi ích an lạc; Phật pháp tăng lợi ích cho thế gian, an lạc cho hữu tình cũng thế, vì hay khiến cho ly khổ đắc lạc, nên Phật pháp tăng được gọi là bửu.

Song, bửu của thế gian, là cái bửu hư ngụy, rốt phi cứu cánh, vả lại có người nhân nó mà bị khốn lụy; duy có Phật Pháp Tăng mới xiết gọi bửu chân thực, vì năng khiến chúng sanh rốt ráo an lạc.

Nói riêng nghĩa báu có mười món:

1- Kiên lao: Ma-ni, đây rằng “ngọc như ý”, thể tánh của thứ báu đây, rất là cứng chắc không ai có thể phá hoại nổi, Phật pháp tăng bửu cũng thế, dẫu có chúng ngoại đạo tà kiến, tà phân biệt và tà thế lực đủ có đại uy đức, cho đến Thiên ma vương thường phá hoại chánh kiến chánh hạnh đi nữa, cũng chẳng làm gì phá hoại ngôi Tam bảo chân thực đấy. Bọn ngoại đạo, trời thiên ma vương hãy còn chẳng thể phá được thì, chúng phàm phu lại chẳng thể phá vậy.

2- Vô cấu: Nghĩa trên rõ bày bền chắc, nghĩa thứ hai đây nêu rõ không nhơ. Hễ là vật báu thù thắng hiếm có, thể tánh nó đều thanh tịnh quang khiết mà chẳng bị bụi bặm ô uế làm xâm nhiễm; chừ Phật Pháp Tăng bảo cũng thế, chẳng những Phật bảo, Pháp bảo thanh tịnh quang khiết xa lìa trần cấu, tức hạng phàm phu tăng chưa chứng thánh quả, chưa ra khỏi Tam giới, hay giữ giới biệt giải được tinh nghiêm thì cũng có thể xa lìa được những trần cấu phiền não ô nhiễm (nhân trì giới bèn hay sanh định, do định mà hay phát huệ thì bèn hay chứng được thanh tịnh thiện pháp xuất thế gian).

Tại nơi bổn ý của Phật ngài thuyết pháp thì, vẫn một thứ diễn nói, chúng sanh dù bởi căn khí bất đồng, cái trình độ lãnh thụ giáo pháp cũng thiên sai vạn biệt. Song, cứu cánh đều đem về pháp giới thanh tịnh vô lậu.

Về việc trí đời, các đấng thánh đế hiền vương tuy có hay tốt đến thế nào (Như nước Trung Hoa, kinh Thi, kinh Thư ghi chép có những điều thạnh trị…), cũng khó mà khỏi được những cái thói dâm chưng, thí sát…; duy có Phật pháp tăng bảo hay tuyệt hẳn mà chẳng ô nhiễm, sở dĩ gọi đó là bửu.

3- Dữ lạc: Bình thiên đức, là do phước đức của trời mà cảm được cái bình, nó hay biến hiện ra đầy đủ cho theo lòng nhu cầu của chúng sanh thế gian, nhân vì cái bình đây như ngọc ma-ni, với kẻ muốn cầu tài thì nó liền hay hóa sanh ra tài bửu, nhẫn đến y phục, ẩm thực, ốc xá, cả thế gian chúng sanh cần dùng món chi đâu chẳng tùy tâm mãn nguyện, Phật pháp tăng bửu cũng thế, kẻ muốn cầu quả vị Thanh văn thì Tam bảo hay cho quả vị Thanh văn, nhẫn đến Duyên giác, Bồ-tát cũng đều tùy sở thích mà đắc quả nấy.

4- Nan ngộ, kiết tường bửu, là một vật quý báu ít lại khó được, Phật Pháp Tăng bửu cũng thế, vì những chúng sanh bạc phước vô căn khó gặp được Tam bảo, kêu là “Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”. Như chúng sanh bị nghiệp chướng quá nặng, không những không thể thân gặp Phật Pháp Tăng bửu, mà đến cái tên của Phật Pháp Tăng bửu cũng khó mà được nghe, chính chúng sanh ở địa ngục làm gì được thấy được nghe. Đối với giáo pháp của Phật, có lắm người đời thường thường chẳng tín ngưỡng, chẳng những chẳng kính tín, hoặc sanh ác kiến phản nghịch hủy báng, hạng người ấy dù được thấy Phật nghe pháp, song bởi nghiệp chướng thâm trọng làm trở ngại thì cũng đồng với kẻ chưa thấy Phật nghe pháp một thứ.

5- Năng phá: Ngọc báu như ý tức là ma-ni châu, trước kia tánh chất nó cũng tương tợ với Thiên đức bình, hay phá trừ cái khổ bần cùng của chúng sanh, kẻ cầu y thực được y thực, cả đến các sự thế gian đều có thể đầy đủ cả nguyện vọng của chúng sanh. Phật pháp tăng bửu cũng vậy, hễ chúng sanh có những vọng cầu chánh đáng, đều có thể tùy tâm mãn nguyện, như muốn cầu trí, cầu đạo nhẫn đến cầu phước, cầu khang kiện, Phật pháp tăng bảo đều có thể nhất nhất ban cho cả.

6- Uy đức: Luân bửu, tức là chiếc xe báu của Chuyển luân thánh vương do phước lực cảm được đã nói trước kia, và hình nó như xa luân, nên gọi là luân bửu. Khi mà Chuyển luân vương đi chinh phục bốn phương, luân bửu nó tự động tiến trước dẫn đường uy phục tứ phương; cả bốn kim ngân đồng thiếc Chuyển luân vương đều có luân bửu như thế cả; Phật Pháp Tăng bửu cũng thế, do sở hữu thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông nhẫn đến lậu tận thông, cả sáu phép thần thông, bèn hay chế phục phiền não ma quân, ngũ uẩn ma quân, nhẫn đến thiên ma vương quân cả bốn ma quân.

7- Mãn nguyện: Đây nghĩa nó sơ lược đồng với thứ năm trước kia, tức là nói ngọc ma-ni châu nó hay đầy đủ những nguyện vọng của chúng sanh mà Phật pháp tăng bửu cũng có thể đầy đủ thiện nguyện cho chúng sanh, là bảo “đều khiến cho kết quả toại nguyện, quyết định không ngờ, hay khiến đắc quả Tam thừa, sớm lên bực Phật”.

8- Trang nghiêm: Các món trân bửu của thế gian nó hay khiến cho quốc độ được trang nghiêm, để nơi vương cung thì, hay khiến cho cung điện nhà vua được tôn quý; Phật pháp tăng bửu cũng thế, hay khiến cho Bồ-đề đạo tràng, đại hùng bửu điện của đức pháp vương, khiến cho tất cả chúng sanh đều thành chánh giác ngồi trên pháp vương tọa nơi Bồ-đề bửu điện.

9- Tối diệu: Món diệu bửu của trời mặc dầu rất quý mầu, nhưng bất quá là vật báu của thế gian mà thôi, Phật pháp tăng bửu là món diệu bửu siêu xuất thế gian, là món tối thắng công đức siêu việt thế gian, chẳng phải các món thế bửu khá dụ được.

10- Bất hoại: Vàng thực của thế gian khi đem vào lửa nấu đúc mà màu chất nó vẫn chẳng biến hoại; Phật Pháp Tăng bửu cũng thế, chẳng bị tám gió của thế gian làm khuynh động. Tám gió là tám điều lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ và lạc. Với tám điều mà sở dĩ gọi là gió là vì tất cả chúng sanh trên đời thường bị những sự: khổ, lạc, tắng, ái… nó làm cho lay động tâm hồn, tỷ như gió làm reo động các vật, nên gọi là bát phong.

Lợi: là được những sự vừa ý; suy: là gặp những việc chẳng bằng lòng; hủy: là bị người bài xích sau lưng; dự: là được người đời khen tặng; xưng: là được người đối trước mặt hoan nghinh tán mỹ; cơ: là bị người phỉ báng trước mặt; khổ: là những điều ép ngặt tổn não trong tâm; lạc: là thân tâm được thuận thích vui sướng.

Tám điều trên là sự thường có của người đời, vả lại người đời đâu chẳng do đó mà chuyển dời tâm trí; duy có Phật pháp tăng thì chẳng bị tám điều ấy làm diêu động.
Từ Phật Pháp Tăng bửu… đến nói gọi là bửu, là tổng kết rằng Phật pháp tăng do nơi trọn đủ vô lượng thần thông món món biến hóa, thường với thế gian làm nhiêu ích chúng hữu tình, sở dĩ được danh là bửu.

Từ thiện nam tử nhẫn xuống, là tổng kết bốn ơn từ trước lại, rõ phải báo đáp.

Người hạng bình thường ở giữa đời, nếu đều có thể biết báo ân thì, cả người thế gian đều có thể thực hành cái sự nghiệp lợi ích cho kẻ khác dù là hao tổn phần mình thì đạo đức cũng do đó mà hiển hiện.

Nhưng với cái tánh chất báo ân có rộng hẹp bất đồng nhau, vì hễ biết cái ân nhỏ thì, cái ân chỗ trả cũng nhỏ; nay chỉ vì đề cử ra sự báo ân có lớn nhỏ để mở rộng cái tâm lượng của chúng sanh, khiến cho biết cái ân đức phổ biến cả thế gian và xuất thế gian.

Trong đời có một hạng chúng sanh, chỉ biết có một ơn của cha mẹ, nên duy nhứt chỉ ở trước mặt cha mẹ mà thừa sự cúng dường, hoặc mưu cầu công danh cho được vinh hiển đại môn đình, để cha mẹ được thường hoan lạc; đấy, tuy là báo đáp ơn đức mà phạm vi hẹp lắm.

Nếu phát được Bồ-đề tâm, y theo Phật pháp mà lo báo ân đức thì, có thể biết được mình cùng người tất cả chúng hữu tình, từ vô thỉ lại nay lưu chuyển sanh tử giữa năm thú, đều đã từng lẫn nhau làm phụ mẫu, thê tử, quyến thuộc, thân bằng đồng có ân huệ với ta cả, chỉ bởi phiền não quá ư thâm hậu, chưa có thể chứng được túc mạng thông, nên đều chẳng nhớ biết gì được việc những đời kiếp từ trước; dẫu chứng được bậc thánh giả có túc mạng thông thì với những việc của mấy đời đã qua xưa liền nhớ thấy rõ rõ rành rành.

Nếu lại tiến tới mà xét đến xã hội quốc gia, từ xưa đến nay, đều là có ân huệ với ta cả, ba món ân đức trước, hãy còn là ân của thế gian, lại còn có Tam Bảo ân mới là đại ân bất tư nghị, phi hạng bình thường tiểu tri tiểu kiến mà có thể thấy biết được.

Nên cả trong Phật pháp, vô luận mà nói đến việc chi, đều có thể bàn suốt đến chỗ rộng lớn vô cùng cực, chính như chỗ bàn về việc báo ân đây vậy.

Với lời tổng kết, đức Như Lai ngài đến giữa bốn món ân của thế gian và xuất thế gian, khai thị cho Diệu Đức và các ông trưởng giả phải hiểu rằng: Bó rọ nơi chỉ biết báo đáp cái ơn của cha mẹ hiện đời nay đối với ta mà thôi, mà vả lại cũng phải báo đáp cả đến các ân huệ sau đó nữa

Đã cần phải báo đáp ba món ân huệ ấy, thì phi hạng phàm phu và bực Tiểu thừa có thể đền trả đặng, chỉ có kẻ phát Bồ-đề tâm, tu học cả sáu độ vạn hạnh nhẫn đến chứng quả chánh giác mới có thể báo đáp tất cả ân huệ bằng một cách cứu cánh. Nên Phật ngài dặn dò phải tu Bồ-tát hạnh đặng để mà báo đáp tứ ân.

THỊ BÁO ÂN HẠNH

Lúc bấy giờ năm trăm trưởng giả đồng thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn! bốn ân như thế rất là khó trả, phải tu hạnh nào mới đáp được ân ấy?”

Phật bảo trưởng giả: “Thiện nam tử! Vì cầu chứng quả Bồ-đề, có ba món thập ba-la-mật: 1- Mười món bố thí ba-la-mật đa. 2- Mười món thân cận ba-la-mật đa. 3- Mười món chân thực ba-la-mật đa.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát tâm tu chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác mà hay đem bảy món báu đầy dẫy tam thiên đại thiên thế giới để bố thí chúng sanh bần khổ cùng khốn. Bố thí như thế, chỉ gọi là bố thí ba-la-mật đa mà thôi, chớ chẳng gọi là chân thực ba-la-mật đa.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân phát đại bi, vì cầu quả vô thượng chánh đẳng Bồ-đề, mà lòng không tiếc đem vợ con của mình bố thí cho người khác đến xin, đem thịt đầu mắt tay chân tủy óc của mình, nhẫn đến cả thân mạng thí cho kẻ đến xin. Bố thí như vậy, chỉ gọi là thân cận ba-la-mật đa chứ chưa gọi là chân thực ba-la-mật đa.

Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân phát khởi cái tâm vô thượng đại Bồ-đề, tâm trụ nơi vô sở đắc, khuyên các chúng sanh cùng đồng phát cái tâm ấy, lấy pháp chân thực ít nhất là một bài kệ bốn câu bố thí cho tất cả chúng sanh, khiến hướng về quả vô thượng chánh đẳng Bồ-đề. Thế mới gọi là chân thực ba-la-mật đa.

Hai hạnh bố thí trướcchưa gọi báo ân được, nếu thiện nam tử thiện nữ nhân năng tu được hạnh thứ ba là chân thực ba-la-mật đa đó mới gọi chân thực năng báo tứ ân

Sở dĩ là sao? Vì hai hạnh bố thí trước cái tâm còn có sở đắc; kẻ tu hạnh bố thí thứ ba cái tâm vô sở đắc, lấy pháp chân thực bố thí cho tất cả chúng hữu tình, khiến phát tâm vô thượng đại Bồ-đề, người đến khi sẽ đặng chứng quả Bồ-đề, rộng độ chúng sanh không có cùng tận, nối dõi giống Tam Bảo, khiến chẳng ngớt dứt. Do nhân duyên ấy nên gọi là Báo ân.”

Tại trong tổng khoa trên thì, pháp môn Báo ân phẩm đây thâu nhiếp vào “Ngũ thừa cọng pháp”, nếu chúng sanh có thể biết báo đáp thâm ân của phụ mẫu, tuy chưa trả ngay được ba ân sau, nhưng cũng có thể trồng được giống phước nghiệp về nhân thiên thừa.

Nhưng, bổn ý của Phật là ở về pháp đại thừa xuất thế, khiến chúng sanh đồng được phước vui Niết-bàn xuất thế; còn pháp nhân thiên thừa mặc dầu chưa thuộc vào cái hạnh thanh tịnh xuất thế, song cũng là cái cơ sở xuất thế.

Hễ Phật thuyết pháp là từ nơi Đại thừa mà phát sanh, rốt cũng có thể đạt đến bực cứu cánh của Đại thừa.

Bọn ông Diệu Đức cả năm trăm ông trưởng giả thỉnh vấn đức Như Lai: Bốn món ơn ấy đã phi hạng tiểu tri tiểu hạnh của thế gian mà có thể báo đáp được thì, lẽ phải tu hạnh chi mới có thể báo đáp được bốn ơn rất là khó trả ấy ư?

Đức Như Lai trả lời cho Diệu Đức các trưởng giả: Muốn báo đáp bốn món ân đức như thế mà phi phát Bồ-đề tâm, tu Bồ-tát hạnh thì không thể đền trả đặng

Như chúng sanh kia từ vô thỉ đã có ơn với ta, nay ta phi đến cái thời thành Phật, lấy vô biên đại từ bi, đại trí huệ các lực lượng đó để cứu bạt tế độ thì chẳng đủ dùng rộng trả ơn của chúng sanh ấy.

Song, muốn thành Phật, cần phải tu ba món mười ba-la-mật. Ba món thập ba-la-mật ấy: thứ nhất, tức là chỉ danh tự bố thí cả mười món ba-la-mật; thứ nhì, tức là bố thí thảy mười món thân cận ba-la-mật; thứ ba, tức là bố thí cả mười món chân thực ba-la-mật.

Ba-la-mật, đây rằng “Đáo bỉ ngạn” đến bờ bên kia, tức là từ cái bờ sanh tử bên đây mà qua tới bờ Niết-bàn bên kia.

Phương pháp đến bờ bên kia có cả mười món, tức là mười món đáo bỉ ngạn. Do trình độ của chúng hữu tình bất đồng nhau, thành thử mới có ba món thập đáo bỉ ngạn.

1- Thập chủng ba-la-mật đa ấy, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, tịnh lự, huệ, phương tiện, nguyện lực, lực và trí gọi là mười món; sau hai món thập chủng ba-la-mật cũng thế, bất quá ý nghĩa thực hành hoặc sâu rộng hoặc cạn hẹp mà thôi. Ở về trình độ rất thấp, tức là chỉ gọi bố thí… Cả mười món kể trên đấy, vì bố thí mà trụ nơi cái tướng bố thí, cho đến chín cái kia cũng trụ tướng như thế, nên gọi là Danh tự ba-la-mật.

2- Mười món thân cận ba-la-mật đa ấy, tức là bố thí thân cận ba-la-mật đa, cho đến trí thân cận ba-la-mật đa.

3- Mười món chân thực ba-la-mật đa ấy, cùng đồng với nghĩa thứ hai, tức là chân thực bố thí đáo bỉ ngạn, cho đến chân thực trí đáo bỉ ngạn.

Do sự bất đồng nhau giữa trình độ thâm thiển, chẳng những chỉ nên tu bố thí thảy mười món ba-la-mật đa mà, vả lại cần phải đến bố thí thảy mười món chân thực ba-la-mật đa.

Như người sơ phát tâm tu Bồ-tát, với khi sơ phát tâm tự phải tu mười món ba-la-mật đa thứ nhất ấy, tức là bực thập tín Bồ-tát ở về địa vị ngoại phàm, ấy thì gọi là danh tự ba-la-mật, vì tùy phận quyết định mà chưa có thể thực hành.

Nếu đã đạt đến bực địa vị tư lương, địa vị gia hạnh thì là mười món thân cận ba-la-mật đa, vì bực này có cái nghịch thắng giải mà có thể tu hành một cách chân thực.

Lại do giải (hiểu biết) và hành (thực hành) mà tiến lên bực Sơ địa, hiểu suốt thể tánh của các pháp đều không, tức là thông đạt cái thực tánh của chân như. Mà về phương pháp sở hành, tức là mười món chân thực ba-la-mật đa

Tu mười pháp thứ nhất, chỉ gọi là bố thí… ba-la-mật đa, tức rõ rằng một hạng chúng sanh đã phát Bồ-đề tâm, lại có thể lấy bảy báu khắp đại thiên thế giới bố thí cho các chúng sanh bần cùng, tức là bố thí về ngoại tài, nghĩa ở ngoài thân thì chỉ khá gọi là thập ba-la-mật, chớ chẳng đặng gọi thân cận ba-la-mật đa và chân thực ba-la-mật đa.

Tu mười pháp Thân cận ba-la-mật đa, tức rõ rằng bố thí vật ở thân thể ấy, là một hạng hũu tình này nhân phát tâm vô thượng đại Bồ-đề, có thể đem cả vợ con của mình và thân thể tay chân nhẫn đến cả sanh mạng của mình đều có thể bố thí cho những kẻ đến khất cầu mà không có cái tâm niệm hối tiếc. Hạng này cố nhiên cường thắng hơn so với hạng Bồ-tát tu hạnh bố thí ở thứ nhứt nói trên. Song, cũng chỉ có thể gọi là Thân cận ba-la-mật đa thôi, chớ hãy còn chẳng đặng chân thực ba-la-mật đa

Tu mười pháp chân thực ba-la-mật đa thứ ba đây là, rõ rằng lấy pháp bố thí, đồng thời khuyên chúng sanh đồng phát tâm ấy để kỳ cho được đồng chung chứng quả Bồ-đề thì hạng này phi hai hạng trước kia có thể đồng ngày nói chuyện được đâu!

Vì hai hạng Bồ-tát trước là lấy của cải và thân mạng bố thí với sự lợi lạc cho chúng sanh bất quá là tạm thời thôi, mà hạng Bồ-tát thứ ba đây là trụ nơi vô sở đắc, lấy pháp thí cho chúng sanh, khiến đồng phát đại tâm, đồng thành đẳng chánh giác, đều là pháp chân thực cứu cánh, nên gọi là chân thực ba-la-mật đa.

Nghĩa bố thí ở đây, sơ lược có đồng nhau với ý nghĩa lời nói “Bố thí ba-la-mật trong kinh Kim Cang”. Nghĩa cốt yếu ở Kinh kia, ở về “chạm đụng không chỗ được”, cũng lấy nghĩa rằng thụ trì một bài kệ bốn câu hoặc vì người diễn thuyết thì công đức hơn hai món bố thí trên.

Như kinh kia, trước có hai lần lấy của ngoài thân thể bố thí để rồi so bằng nếu người đem bảy báu đầy tam thiên đại thiên thế giới dùng để bố thí thì, phước đức tuy nhiều, chẳng bằng có người với trong kinh đây thụ trì ít nhất một bài kệ bốn câu, … và vì diễn thuyết cho người nghe thì phước đức hơn người bố thí bảy báu kia; sau lại lấy hai lần dùng vật ở nội thân bố thí để so, là nếu người thiện nam tín nữ đem thân mạng nhiều bằng số cát sông Hằng để bố thí; nếu lại có người với trong kinh đây thụ trì từ một câu, hai câu, ba câu nhẫn đến một bài kệ bốn câu… và vì người diễn nói thì được phước rất nhiều.

Hạng người bình thường đọc đoạn văn trên, thường thường thấy hành văn trùng điệp. Nếu nghĩ chín chắn đọc đó thì mới có thể hiểu rõ rằng ban đầu lấy của ngoại tài thí so, kế lấy của nội thân so, có nghĩa dần dần thắng tấn

Nay kinh đây rõ từ bực thập tín phát tâm, dần dần tiến vào bực ngôi tư lương, gia hạnh, kịp vào bực Sơ địa thông suốt được thực tánh của chân như chạm không chỗ đặng

Duy Thức Tụng bảo: “Hiện tiền lập chút vật, gọi là tánh duy thức, do vì có chỗ đặng, phi thực tánh duy thức”. Đấy tức là rõ rằng hạng người chưa chứng vào cái tâm chân kiến đạo, vì còn có sở đắc, thì chẳng gọi là trụ duy thức tánh, bởi hữu sở đắc. Vị Bồ-tát chứng đến bực Sơ địa, đối với tự tha đều vô sở đắc, mới được gọi là chân trụ duy thức.

Ở nơi lòng người bình thường còn có cái tướng năng (tâm) sở (cảnh) biến chuyển duyên vấn thì, chẳng gọi vô sở đắc được, vì tâm còn dính vướng nơi hoàn cảnh, tức trụ trước lục trần. Cốt phải ở nơi hạng người đã tiến vào địa vị chân kiến đạo chứng nhập trí vô phân biệt, vì đã vô sở đắc, tức tâm không trụ chấp cảnh, cảnh chẳng chi phối tâm, cũng có thể gọi là vô sở trụ. Hạng người bình thường tâm còn có đối với tướng thì bèn là tâm hữu sở trụ thì đó gọi là trụ A cảnh tâm hay trụ B cảnh tâm…; nếu người đã đạt đến vừa quên năng vừa quên sở, mới gọi là tâm vô sở đắc, mới xưng là chân thực pháp.

Các vị Bồ-tát ở Thập địa thuyết pháp lợi sanh, đều nói pháp chân thực đây, cũng khiến chúng sanh đều vào nơi pháp tánh chân thực, cũng tức khiến chúng sanh đồng tu ba món ba-la-mật đa đây.

Song, ba-la-mật tuy có ba món, nếu muốn báo ân một cách cứu cánh, cần phải tu món chân thực ba-la-mật đa thứ ba. Vì với hai món ba-la-mật đa trước, tâm còn hữu sở đắc thì có hạn lượng, chẳng thể chân thực báo ân được; tâm đã vô sở đắc mà tu ba-la-mật đa, thế thì gọi là chân thực báo ân.

Phật ngài nói rõ nghĩa báo ân, cũng là khiến cho chúng sanh đồng đến cảnh giới an lạc.

Nếu chỉ có thể khiến cho cha mẹ của tự thân mình riêng được an lạc, còn tất cả chúng sanh không được đồng hưởng lợi ích ấy, nên phải tu luôn pháp ba-la-mật đa thứ ba mới là phương pháp chân thực báo ân.

Có thể dùng phương pháp chân thực đem bố thí cho chúng sanh, đồng thời khiến cho chúng sanh phát tâm vô thượng để thành Phật quả, như thế lần lựa tiếp tục phổ biến tế độ chúng sanh mãi không có cùng tận mà, nối thạnh dòng giống Tam bảo cũng chẳng thiếu người.

Pháp chân thực ba-la-mật đa đây, tuy cốt ở bực Sơ địa Bồ-tát mới có thể thực hiện được mà những người mới phát tâm tu Bồ-tát hạnh cũng cần phải rõ lý hiểu nghĩa nó, để làm cái mục đích lý tưởng. Chẳng thế thì, luôn với cả danh tự ba-la-mật và thân cận ba-la-mật cũng sẽ chẳng tu tập gì được, có đâu nói chuyện đạt đến bực chân thực được ư!?

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.