Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào – Phẩm Quán Đốt Và Bị Đốt

Bài kệ 4

Nhược nhữ vị nhiên thời 若汝謂燃時
Danh vi khả nhiên giả 名為可燃者
Nhĩ thời đản hữu tân 爾時但有薪
Hà vật nhiên khả nhiên? 何物燃可燃

Nói rằng lúc đang cháy,
Nó được gọi là cháy.
Nếu chỉ có bị đốt,
Thì cái gì đốt nó?

Nhược nhữ vị nhiên thời

Vị là nói, nhiên là cháy, nhiên thời là lúc đang cháy. Nếu anh nói trong lúc đang cháy thì:

Danh vi khả nhiên giả

chúng ta có thể gọi nó là cái bị đốt.

Khi cây đèn cầy chưa bị đốt, ta không thể gọi nó là cái bị đốt, nó cũng như cái bàn thôi. Cái bàn có thể bị đốt, cũng như cái sàn nhà, dưỡng khí v.v… Nếu gọi cây đèn cầy là cái bị đốt thì những cái khác không phải là cái bị đốt sao? Tất cả trong đó có thân mạng của mình, nó cũng có thể là vật bị đốt. Chúng ta đang đi tìm cái đốt và cái bị đốt, mà tìm cái bị đốt ở đâu? Câu trả lời là: Khi đang bị đốt, cái đó gọi là bị đốt.

Nhĩ thời đản hữu tân

Nhĩ thời là lúc đó, tân là củi (nhiên liệu). Lúc đó ta chỉ thấy nhiên liệu thôi.

Hà vật nhiên khả nhiên

Vậy thì, cái gì đốt vật đang bị đốt đó?

Trong bài thứ ba, chúng ta đi tìm cái đốt, đi tìm lửa (fire). Ta tìm không thấy tự tánh của lửa, lửa không có tự tánh riêng biệt của nó. Trong bài này, ta đi tìm tự tánh của cái bị đốt, ta cũng không tìm thấy tự tánh của cái bị đốt. Trong đầu chúng ta nghĩ: “Lửa là cái đốt và đèn cầy là cái bị đốt, lửa đi tới đèn cầy hoặc là đèn cầy đi tới lửa, hai cái đó có thể tồn tại độc lập với nhau”. Nhưng sự thật không phải như vậy, không có cái nào tới được với cái nào cả. Bài thứ ba chứng minh cái đốt không thể tồn tại độc lập được. Bài thứ tư chứng minh cái bị đốt cũng không thể tồn tại độc lập được.

Tới tức là đã có sẵn trước rồi, có sẵn rồi mới tới được. Thí dụ như nói: “Sư cô Tuệ Nghiêm tới với sư cô Định Nghiêm”, thì phải có sư cô Tuệ Nghiêm riêng và sư cô Định Nghiêm riêng rồi mới tới được. Nhưng cái đốt và cái bị đốt, trước khi tới với nhau, nó đã có sẵn chưa? Nếu nó đã có riêng biệt rồi thì đốt đâu cần gì phải tới với bị đốt? Đốt thì đốt hoài, bị đốt thì bị đốt hoài. Nói cái đốt (lửa) là một cái độc lập có ngoài cái bị đốt là sai và nói cái bị đốt là một thực thể có ngoài cái đốt cũng không đúng. Vì vậy cho nên ta tưởng tượng rằng cái này tới với cái kia là không đúng! Thấy được điều đó là ta thấy được vô khứ.

Khi ngọn lửa đang cháy thì tạo ra sức nóng, làm sáp chảy ra. Có nhiều khi ta đốt nhưng cây đèn không chịu cháy, phải đợi một thời gian nó mới cháy được. Tại sao? Tại vì phải có đủ sức nóng thì sáp mới biến thành hơi sáp. Trước khi sáp biến thành hơi sáp, nó không thể nào cháy được. Sức nóng là một điều kiện, dưỡng khí trong không gian là một điều kiện khác. Sáp chỉ là một trong những điều kiện thôi, ta nói từ sáp sinh ra ngọn lửa là sai lầm.

Khi tắt ngọn lửa đi, ta thấy hơi sáp bốc lên. Hơi sáp khác với khói. Khi không đủ dưỡng khí, đèn cầy cháy rất dở, nó làm ra nhiều khói. Khói đó không phải là sáp, khói được làm bằng những hạt than rất nhỏ. Hơi sáp là cái mà khi thổi tắt đèn cầy thì nó bay lên, chính cái đó mới cháy được chứ không phải là sáp nước. Ta không động tới tim đèn, ta chỉ động tới hơi sáp thôi. Ta biết không phải tim đèn cháy mà chính là hơi sáp cháy.

Cơ thể của chúng ta cũng vậy! Nó phải có sự đốt cháy, phải có lửa, có nhiệt độ, thường thường là 37°C. Nếu là một xác thân không có nhiệt độ thì nó sẽ không có cái gọi là cảm thọ, mà không có cảm thọ thì không có tri giác. Thân thể mà không có hơi nóng thì giống như cây đèn cầy không chảy thành sáp và sáp không biến thành hơi sáp. Những tế bào trong cơ thể ta cũng đang đốt cháy, đốt cháy bằng dưỡng khí. Ta phải thở, phải đưa dưỡng khí vào và máu đưa dưỡng khí tới cho các tế bào để các tế bào đốt. Khi các tế bào đốt thì nó tạo ra carbonique (thán khí) và nhờ phổi đưa thán khí ra ngoài.

Cây đèn cầy cũng giống hệt như vậy! Khi cháy thì đèn cầy cho ra thán khí, trong thán khí (CO2) có oxygène (O2) và carbone (C). Các tế bào của mình cũng cần dưỡng khí. Khi cháy thì nhiệt độ tăng lên, nhiệt độ tăng lên tới mức nào đó thì bắt đầu có cảm thọ, có cảm thọ thì mới có tri giác. Cũng như đèn cầy nóng lên rồi thì mới có hơi sáp, có hơi sáp thì có lửa, có ánh sáng và có hơi nóng. Ngồi một mình trong phòng, đốt đèn cầy lên và quan sát thì mình thấy cây đèn cầy rất giống mình. Cây đèn cầy đang hiến tặng ánh sáng, hơi nóng và mùi thơm. Ta cũng đang hiến tặng tư tưởng, ngôn từ và hành động của ta. Cây đèn cầy có thể đốt rất dở, khói lên mù mịt làm hôi cả phòng. Ta cũng vậy, nếu ta đốt dở thì ta phát ra những tư tưởng rất bất thiện, những lời nói rất bất thiện và những hành động rất bất thiện làm cho ô nhiễm môi trường và ô nhiễm cả tự thân của ta.

Quan niệm thân là cội nguồn sinh ra tâm, hay tư duy, cảm thọ là từ hình hài sinh ra, là một quan niệm lưỡng nguyên, trước đây gọi là quan niệm duy vật. Điều đó không đúng! Cũng như nói chất sáp sinh ra lửa là không đúng, sáp chỉ là một trong những điều kiện mà thôi. Nếu không có những điều kiện khác như dưỡng khí, người đốt v.v… thì không thể nào ngọn lửa phát hiện được. Chính sáp cũng vậy, sáp phải căn cứ trên nhiều điều kiện để biểu hiện và nó biểu hiện ra đồng thời với nhau. Không thể nào có cái biểu hiện ra trước, rồi có cái biểu hiện ra sau. Cặp thân-tâm là như vậy, tiếng Phạn là nāma-rūpa hay danh-sắc. Danh-sắc là một cặp mà không phải từ cái này sinh ra cái kia hay từ cái kia sinh ra cái này hoặc là có riêng biệt rồi tới với nhau và trở thành sự sống.

Tâm bao gồm thọ, tưởng, hành và thức. Chúng ta nói tâm là một thực tại riêng biệt, nó tới với thân, làm cho thân thành ra một vật sống. Hồn lìa khỏi xác thì xác không sống được. Muốn cho xác trở thành cái gì linh động thì phải cho hồn đi vô. Chúng ta nói đèn cầy là cái bị đốt, sở dĩ nó được gọi là bị đốt là nhờ có cái đốt đi tới. Lửa phải tới thì mới gọi là bị đốt được. Nói “đốt và bị đốt là hai thực thể riêng biệt và nó phải tới với nhau”, là chúng ta chưa hiểu gì hết. Tại vì khi chưa có cái đốt thì nó chưa được gọi là bị đốt.

Giả định là có một xác thân vô tri vô giác sẵn rồi và từ xác thân vô tri vô giác đó phát sinh ra linh hồn là một quan niệm rất ngây thơ. Chúng ta nói: Toute connaissance a une origine corporelle, une origine biologique. Nói như vậy, thật ra không khoa học chút nào. Chưa có sự phát hiện của cảm thọ và tri giác thì chưa có thể gọi là một cơ thể. Một cơ thể sống thì phải có cảm thọ và tri giác. Nếu ta nói hình hài là nền tảng của thức (sắc là nền tảng của danh) là sai. Sai ở chỗ nào? Sai trên phương diện lý luận. Nói có sắctrước rồi mới có danh sau cũng như nói có cái đốt rồi mới có cái bị đốt hay là có cái bị đốt rồi mới có cái đốt, lý luận đó không đúng.

Ví dụ như khi đưa cây bút này lên thì ta thấy có trên và có dưới, còn nếu đưa ngang thì ta thấy có trái và có phải. Thử hỏi: “Cái trái có trước rồi nó làm nền tảng cho cái phải hay là cái phải có trước rồi làm nền tảng cho cái trái? Cái trên có trước rồi làm nền tảng cho cái dưới hay cái dưới có trước rồi làm nền tảng cho cái trên?”. Cái bị đốt không phải là nhân của cái đốt và cái đốt không phải là nhân của cái bị đốt. Nó chưa có thì làm sao là nhân cho cái khác được? Cái phải không có tự tánh riêng biệt (the right has no self-nature), nó không thể nào tự mình có được. Nó có rồi thì nó mới đi tới cái kia, còn nó chưa là nó thì cái gì đi tới?

Bài này nói: Tôi muốn chứng minh cho ông biết là không có cái gọi là bị đốt. Khi nó chưa bị đốt thì không gọi nó là bị đốt được. Nhưng khi nó đang bị đốt thì ta gọi nó là bị đốt sao? Câu hỏi của thầy Long Thọ là: Nếu lúc đó chỉ có bị đốt, thì cái gì đốt nó? Muốn bị đốt thì phải có đốt. Đó là biện chứng pháp của thầy Long Thọ.

Bài kệ 5

Nhược dị tắc bất chí 若異則不至
Bất chí tắc bất thiêu 不至則不燒
Bất thiêu tắc bất diệt 不燒則不滅
Bất diệt tắc thường trụ. 不滅則常住

Nếu khác thì không tới
Không tới thì không đốt
Không đốt thì không diệt
Không diệt thì thường trụ.

Nhược dị tắc bất chí

Nếu lửa và nhiên liệu khác nhau tức là cái bị đốt tự nó có sẵn rồi, tự một mình nó là cái bị đốt rồi thì không cần tới với nhau làm gì nữa.

Bất chí tắc bất thiêu
Bất thiêu tắc bất diệt
Bất diệt tắc thường trụ

Nếu không tới thì không đốt (bất thiêu). Không đốt thì không bao giờ cháy hết được (bất diệt). Như vậy, chúng ta rơi vào cái gọi làthường trụ (eternalism). Trong khi đó, đốt là một hiện tượng vô thường, đốt một hồi thì nó cháy hết. Chúng ta phải lấy đi ý niệm đốt và bị đốt là thường trụ. Điều này rất quan trọng, vì ở đây ta không chỉ nói về chuyện đốt và bị đốt mà còn nói về chuyện thân và tâm của mình, chuyện linh hồn bất tử.

Khi đưa cây bút ra, ta thấy phía trái và phía phải của cây bút cùng biểu hiện ra. Trước hết, nó phải có một nền tảng, rồi từ nền tảng đó mà biểu hiện ra. Khi tới Làng Mai vào khoảng tháng Sáu, tháng Bảy dương lịch, ta thấy những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực. Đó là một sự biểu hiện. Hoa vàng lá xanh phải từ gốc rễ nào, từ nền tảng nào biểu hiện? Bắt đầu từ tháng Tư người nông dân đã gieo hạt, cày bừa, bón phân, đó là nền tảng. Nhìn vào sự biểu hiện, ta thấy được nền tảng. Khi thân tâm biểu hiện thì thân tâm đó phát hiện từ một nền tảng. Đừng nói rằng: “Hoa hướng dương là từ lá hướng dương mà ra hay lá hướng dương là từ hoa hướng dương mà ra; thân là từ tâm mà ra hay tâm là từ thân mà ra; phía phải từ phía trái mà ra và phía trái từ phía phải mà ra”. Nhìn vào hiện tượng ta phải thấy được bản thể, nhìn vào tướng ta phải thấy được tánh.

Chữ biểu (manifestation) hay hơn chữ sinh. Sinh là từ cái này hay từ cái kia sinh ra, cái này sinh ra cái kia hay cái kia sinh ra cái này. Nhưng biểu có nghĩa là không cần sinh, không cần diệt. Đám mây kia không phải sinh ra, nó chỉ biểu hiện thôi. Sinh là từ không mà trở thành có. Đám mây không phải từ không mà trở thành có, nó có từ hơi nước của mặt biển, từ sức nóng của mặt trời và từ những cái khác nữa. Đám mây chẳng qua là một trong những biểu hiện, một sự tiếp tục biểu hiện. Trước đó, nó biểu hiện là nước, là hơi nóng. Bây giờ nó biểu hiện là đám mây, và sau này nó sẽ biểu hiện là mưa. Đó là sự biểu hiện, đó không phải là sinh, đó là không sinh không diệt. Nói thân sanh ra tâm hay nói tâm sinh ra thân đều không đúng. Thân và tâm đều là những biểu hiện mà trong đạo Bụt gọi là danh-sắc.

Ở xóm Hạ có treo một câu thư pháp: You are not a creation, you are only a manifestation. Nó có nghĩa là: Nếu có sự tạo dựng (có sinh) thì có diệt. Nhìn vào thực tại cho sâu sắc, ta thấy không có sinh, không có diệt mà chỉ có sự biểu hiện và ẩn tàng để rồi biểu hiện ra một cách khác thôi. Chỉ có cái thấy đó mới vượt thoát được sự sợ hãi về sinh tử.

Những bài kệ này giúp cho ta thấy là không có hiện tượng nào có tự tánh độc lập của nó. Tất cả các hiện tượng đều phải nương vào nhau mà biểu hiện.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.