Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào – Phẩm Quán Đốt Và Bị Đốt

Theo Hiện tượng luận (phénoménologie), ý thức luôn luôn là ý thức cái gì. Conscience, c’est toujours conscience de quelque chose. Bất cứ tâm hành nào trong 51 tâm hành đều cũng có đối tượng. Một tâm hành phát sinh ra, kéo dài liên tục nửa phút, một phút hay ba phút rồi nhường chỗ cho tâm hành khác giống như những hạt nước trong dòng sông. Chỉ có những tâm hành nối tiếp nhau và nó cho ta có cảm tưởng là có một thần ngã liên tục. Đó là một ảo tưởng. Ngã là một ảo tưởng. Trong đêm đen, chúng ta đốt một cây đuốc và quơ thành một vòng tròn liên tục. Một người đứng cách ta khoảng chừng một trăm hay ba trăm thước sẽ thấy rõ ràng là có một vòng lửa. Kỳ thực không có vòng lửa nào cả, chỉ có những đốm lửa nối nhau liên tục cho ta có cảm tưởng là có một vòng lửa mà thôi.

Cái mà ta gọi là linh hồn, là ngã, chỉ là một ảo tưởng. Chỉ có sự tiếp nối của những tâm hành (51 tâm hành), tâm hành này phát sinh ra rồi nhường chỗ cho những tâm hành kia. Có một sự liên tục tiếp nối nhau cho ta ảo giác là có một cái ta (lửa) làm cho thân xác trở thành ra sự sống (nhiên liệu). Nhìn cho kỹ, ta không thấy có tác giả. Khi ta nói buồn thì buồn là một tâm hành được phát hiện ra, và nó có đối tượng. Buồn, luôn luôn là buồn cái gì. Không cần phải có một tác giả mới có buồn. Thường thường ta nói: ‘‘Tôi buồn!’’ Ai buồn? Thật sự không cần có cái ‘‘tôi’’, cái buồn tự nó có được, không cần có ta mới có buồn. Tư duy cũng vậy. Khi có một tư tưởng nổi lên, tư tưởng đó không cần phải có chủ thể ngồi đó để tư duy (je pense, donc je suis). Có một pensée (tư duy) mà không cần có je (tôi) tại vì trong pensée đã có đủ hết rồi. Hôm trước chúng ta có nói: Tôi nghe, tôi biết là gió đang thổi. Gió mà không thổi thì không phải là gió nữa. Trong gió đã có thổi rồi, nói gió đang thổi nghe rất buồn cười. Chúng ta chỉ cần nói: Gió!

Có những động từ bằng tiếng Anh được lấy ra từ những danh từ, như chữ house. House là nhà, là một danh từ, nhưng ta có thể dùng nó như một động từ: This building can house twenty people. Trong cái mà ta gọi là chủ thể, là tác giả (author), đã có động tác (action), đã có công dụng trong đó. Bổn phận của cái nhà là phải nhà (The house must house). Nếu nó không làm công việc “housing” thì nó không được gọi là cái nhà. Mây nổi; nếu không nổi thì không được gọi là mây.

Trong giáo lý Khổng Tử có nói: Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử. Ông vua thì phải làm vua, dân thì phải làm dân, cha phải làm cha và con phải làm con. The king kings, the subject subjects, the father fathers, the son sons. Danh từ cũng là động từ. Nếu là thầy tu thì nói: The monk monks. Anh không monks (động từ) thì anh không phải là monk (danh từ). Anh phải ngồi thiền, giữ giới, đó gọi là monking. Chủ từ và động từ không phải là hai cái. The cook cooks, nếu không cooking thì không gọi là cook được.

Bài kệ thứ mười ba mượn chuyện đốt và bị đốt để nói tới tất cả các cái khác như chuyện cái bình, cái áo, v.v… Cái bình làm công dụng của cái bình là chứa đựng; cái áo thì phải áo, tức là làm công việc che ấm. Dụng đi đôi với thể. Khi nói lên một cái gì, chúng ta phải nhìn sâu vào cái đó để từ từ học hỏi mà thấy rõ trong đó thật sự không có sự phân biệt giữa chủ thể và động tác. Actor (tác giả) và action (tác) không thể nào là hai hiện tượng tồn tại độc lập ngoài nhau. Khi nói “tôi sống” hay “tôi chết” thì trong lời tuyên bố đó có sự sai lầm căn bản. Thấy được sự sai lầm đó là ta bắt đầu thấy được sự thật và ta có thể vượt thoát được sự sợ hãi, buồn đau.

Năm 1966, sau khi viếng British Museum (Viện Bảo tàng Anh) về, tôi có làm một bài thơ (được in trong cuốn Tiếng đập cánh của loài chim lớn) bắt đầu bằng mấy câu:

Mây bay, mây trắng bay
Một đóa tường vi nở
Bay đó chính là mây
Nở đó là hoa vậy
Tường vi một đóa nở
Mây trắng từng cụm bay
Không mây thì không bay
Không hoa thì không nở
Mây là bay, hoa là nở

Khi đọc lại ta thấy nó không khác gì chương đốt và bị đốt của Trung Quán Luận. Trong toán học, chúng ta có định nghĩa về đườngvà điểm. Điểm là gì? Điểm là sự gặp gỡ giữa hai đường. Ý niệm điểm có được là do ý niệm đường, không có ý niệm đường thì không có ý niệm điểm. Đường là gì? Đường là một điểm đang di chuyển. Muốn định nghĩa điểm thì nương vào đường mà muốn định nghĩa đường thì nương vào điểm. Đó là giả ngôn, là lập luận, là những giả thiết bày ra để mở một trận đồ, một mê hồn trận. Và chúng ta đã đi vào mê hồn trận của ngôn ngữ, của ý niệm. Niết bàn là sự vắng mặt của tất cả mọi ý niệm. Chúng ta không còn bị ý niệm ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả khống chế.

Khi dùng chữ danh-sắc (nāma-rūpa) thì danh nói về thọ, tưởng, hành, thức, và sắc nói về hình hài. Ta có sự phân biệt: hình hài không phải là tâm thức. Cũng như quan niệm về thân tâm, thân khác và tâm khác. Ngay chính chỗ đó chúng ta đã kẹt rồi. Trong khi học Duy Biểu, chúng ta tìm ra sự thật là cả danh và sắc đều là những biểu hiện của A-lại-da, có khi nó biểu hiện thành danh, có khi nó biểu hiện thành sắc, nhưng hai cái đó không loại trừ nhau.

Trong Vật lý học mới, người ta nghiên cứu những chất điểm (elementary particle) và ngạc nhiên thấy rằng, những chất điểm cũng như những điện tử, có khi nó biểu hiện như một đợt sóng (onde, wave), có khi nó biểu hiện như một hạt (particle). Hạt thì rất khác với sóng, đã là hạt thì không thể nào là sóng, đã là sóng thì không thể nào là hạt. Nhưng các nhà vật lý nguyên tử trong khi nghiên cứu đã thấy rõ là cũng một cái đó mà có khi nó biểu hiện như sóng (wave), có khi nó biểu hiện như hạt (particle). Trong thế giới thông thường, chúng ta thấy sóng không thể nào là hạt và hạt không thể nào là sóng. Nhưng muốn đi vào trong thế giới của vi điểm, của nguyên tử, chúng ta phải bỏ quan niệm thông thường đó sau lưng mới có thể đi vào được, ta mới thấy sóng là hạt và hạt cũng là sóng. Tây phương đặt ra một chữ mới để gọi cho trường hợp này là wavicle, ondicule. Nó vượt thoát quan niệm lưỡng nguyên của chúng ta về hạt và sóng, về thân và tâm. Ta không thể nào đạt tới sự giải thoát, sự giác ngộ khi còn nghĩ rằng,  ta bỏ thân xác ở đây rồi tâm ta đi luân hồi chỗ khác; thân hoàn toàn khác với tâm và tâm hoàn toàn khác với thân; cái đốt hoàn toàn khác với cái bị đốt và cái bị đốt hoàn toàn khác với cái đốt. Nói như vậy không có nghĩa là sau khi thân tàn hoại thì tâm cũng tàn hoại. Chúng ta thấy thân tàn hoại nhưng thật sự thì nó không tàn hoại. Như khi đốt lên một cây nến, đốt ba giờ hay bốn giờ đồng hồ thì cây nến không còn nữa, nhưng không có nghĩa là cây nến không còn nữa. Cây nến vẫn còn đó dưới những hình thái mới. Xác thân này tiêu diệt không có nghĩa là mình không còn nữa. Quan niệm ‘‘khi xác thân tan hoại thì linh hồn đi du hành và đợi nhập vào một thân xác mới’’ là quan niệm của Phật giáo bình dân, không phải là đạo Phật thâm sâu (Bouddhisme profond). Chúng ta là người có duyên học được đạo Phật thâm sâu thì phải buông bỏ những quan niệm ngây thơ, đơn giản của đạo Bụt bình dân.

Do bị đốt không đốt
Không do cũng không đốt
Do đốt không bị đốt
Không do không bị đốt.

Khi đọc một bài kệ như vậy, chúng ta phải hỏi là nó có dính líu gì tới những đau khổ, những sợ hãi và thèm khát của mình hay không? Nếu không thấy có dính líu gì tới ta thì ta chưa hiểu được bài này. Nếu bài này có thể soi sáng để ta đừng vướng mắc, sợ hãi, lo lắng, thì ta biết là ta đã hiểu được. Từ nay về sau các thầy, các sư cô nên nhớ như vậy! Khi đọc một kinh lớn như kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Duy Ma Cật, ta đặt câu hỏi: Những tư tưởng uyên áo này có dính líu gì tới những đau khổ của ta hay không? Nếu ta trả lời ‘‘có’’ tức là ta đã hiểu. Nếu ta chỉ nói khơi khơi trên mặt trí năng tức là ta chưa hiểu. Điều này quý vị phải nhớ!

Do bị đốt không đốt có nghĩa là cái đốt không phải từ cái bị đốt mà có. Không do cũng không đốt có nghĩa là cái đốt cũng không phải không do cái bị đốt mà có. Để cho dễ hiểu, chúng ta lấy ví dụ cây bút này khi để nằm ngang, ta thấy nó có bên phải và bên trái. Nói nó do bên phải mà ra thì không đúng mà nói nó không phải do bên phải ra cũng không đúng. Cái đốt và cái bị đốt cũng vậy. Cái đốt không phải do cái bị đốt sinh ra mà nó cũng không phải không do cái bị đốt sinh ra. Muốn hiểu rõ quý vị nên đọc lại bài đầu của chương Nhân Duyên, chương đầu của Trung Quán Luận.

Các pháp không tự sinh,
Cũng không phải tha sinh.

Mọi sự vật không phải tự mình sinh ra. Như là cái trứng gà không phải tự nó sinh ra mà cũng không do cái khác sinh ra. Đó là ý niệm về sinh (création, birth), ý niệm về tự sinh  tha sinh. Các pháp không tự mình sinh ra cũng không do các pháp khác mà sinh ra. Ở đây cũng vậy, lửa không phải từ nhiên liệu sinh ra (tha sinh) mà cũng không phải tự nó sinh ra (tự sinh).

Không cộng không vô nhân,

Nên đều là vô sinh.

Không cộng có nghĩa là không ‘‘vừa tự sinh vừa tha sinh’’. Không vô nhân có nghĩa là không phải ‘‘không có nhân mà sinh’’.

Tất cả lý thuyết về sinh (creation) đều nằm trong bốn ý niệm, không có cái thứ năm. Lý thuyết thứ nhất là ‘‘thế giới này tự nó sinh ra’’. Lý thuyết thứ hai là ‘‘thế giới này do Thượng đế sinh ra’’. Lý thuyết thứ ba là ‘‘thế giới này vừa tự sinh vừa tha sinh’’, gọi là cộng sinh. Lý thuyết thứ tư là ‘‘vô nhân, không có nguyên nhân tự nhiên mà sinh ra thế giới này’’. Ý niệm về sinh chỉ nằm trong bốn phạm trù (catégorie) đó thôi.

Trong khi đó thì đạo Bụt dạy vô sinh. Vô sinh là quả vị cao nhất của đạo Phật, là quả vị mà người tu ưa nhất, thích nhất, ham muốn nhất. Vô sinh là gì? Vô sinh là Niết bàn. Niết bàn là vô sinh, vô tử. Sinh tử chỉ là ý niệm nằm trong đầu ta  mà không phải là thực tại.

Vô sinh là nền tảng của hiện hữu, của thế giới. Nền tảng của ta là vô sinh nhưng tại vì ta kẹt vào ý niệm sinh nên ta sợ hãi, lo lắng. Nhà khoa học người Pháp, tên là Lavoisier, đã nói một câu tương tự: Không có gì sinh hết! (Rien ne se crée, rien ne se perd!) Ông ấy không phải là Phật tử, ông chưa bao giờ học Trung Quán Luận. Ông chỉ quán sát thực tại và ông thấy rõ là không có cái sinh, không có cái chết. Sinh và chết nằm trong đầu của chúng ta thôi, thực tại là vô sinh bất diệt.

Khi đốt một cây đèn cầy, ta tưởng rằng, lúc bắt đầu đốt là đèn cầy sinh và khi nó cháy hết là đèn cầy diệt. Sinh là từ không có mà trở thành có và diệt là từ có mà trở thành không có. Trong khi đó nhà khoa học quán sát thấy không thể có cái gì từ không mà trở thành có và không thể có cái gì từ có mà trở thành không.

Đám mây không thể nào trở thành không. Nó chỉ trở thành mưa, tuyết hay nước đá thôi. Đó là tánh bất diệt của nó. Bất diệt đi với vô sinh. Đám mây không có sinh, nó không đi từ hư vô tới. Trước khi là đám mây nó là hơi nước, là sức nóng. Giờ phút chúng ta cho là giờ phút sinh của đám mây là giờ phút biểu hiện của nó (manifestation). Vì vậy trong đạo Bụt mình nói: Em không phải tạo sinh, em chỉ là biểu hiện. (Tu n’es pas une création, tu es une manifestation.) Khi sư cô Trang Nghiêm sinh ra thì không phải sư cô Trang Nghiêm từ không mà trở thành có. Sư cô Trang Nghiêm trước đó đã có rồi trong hình thái khác. Giờ phút sư cô Trang Nghiêm sinh ra là giờ phút biểu hiện thôi.

Đám mây có thể ẩn hình thái biểu hiện là đám mây để biểu hiện ra hình thái sau là mưa. Cái đó không phải sinh, không phải diệt. Mưa không phải sinh, mây không phải diệt. Biểu hiện này đi theo biểu hiện khác thôi. Vô sinh là Niết bàn. Niết bàn không phải là cái gì mình cần tìm kiếm đâu xa, Niết bàn nằm ngay trong bàn tay của ta. Khi chứng nhập được vô sinh thì chúng ta hết sợ hãi.

Các pháp không tự sinh ra mình, các pháp cũng không do những cái khác sinh ra. Do bị đốt không đốt có nghĩa là không tha sinh.Không do cũng không đốt có nghĩa là không tự sinh. Sự vật không được sinh ra từ sự vật khác, sự vật cũng không tự mình sinh ra. “Do” không đúng mà “không do” cũng không đúng. Ta nói tay mặt có là do tay trái là không đúng mà nói không do tay trái cũng không đúng. Tại vì sao? Tại vì nếu tay mặt nương trên tay trái mà có thì tay trái phải có trước rồi thì tay mặt mới nương vào được. Mà nếu tay trái đã có trước rồi thì nó là một hiện tượng độc lập khỏi tay mặt. Như vậy thì tay trái không nương vào tay mặt vì nó đã có sẵn rồi, không cần nương nữa. Tự sinh và tha sinh đều sai.

Bây giờ chúng ta đi vào thực tế. Quan niệm lưỡng nguyên của ta về thân xác và linh hồn là một quan niệm cần phải xét lại. Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng, thân xác là một cái gì khác với linh hồn. Linh hồn (metaphysical body) được biểu tượng cho lửa và thân xác (physical body) tượng trưng cho củi, cho nhiên liệu. Ta nghĩ rằng nhờ có thần thức (lửa) đi vào hình hài (củi) nên hình hài trở thành cái có sự sống (la matière vivante), nếu không có linh hồn thì thân xác là một thực thể khô cứng (la matière inerte). Hồn lìa khỏi xác hay hồn đi vào trong xác là một ý niệm sai lầm của con người. Đó là quan niệm lưỡng nguyên (dualistic view) rất kiên cố, rất khó mà vượt qua được. Đây là những nhát búa rất sắc, rất mạnh giúp chúng ta đập vỡ quan niệm lưỡng nguyên về hồn và xác. Nếu không hiểu được điều đó thì dù ta có học chương Lửa và Nhiên liệu một ngàn đời đi nữa ta cũng không hiểu được.

Ở một số nơi, khi một người chết rồi thì họ còn hy vọng người đó có thể sống lại. Một trong những hành động để làm cho người đó sống lại là hạ người đó xuống dưới đất may ra nhờ hưởng thụ chất đất làm cho sống lại hoặc lấy một cái áo của người đó leo lên mái nhà quơ qua quơ lại để kêu linh hồn trở về thân xác. Đó là do niềm tin rằng linh hồn và thân xác là hai thực thể riêng biệt. Trong nhiều tôn giáo và trong chính Phật giáo cũng có niềm tin như vậy. Niềm tin đó không đúng là Phật pháp, nó là tín ngưỡng bình dân mà thôi. Đạo Bụt thâm sâu không phải như vậy. Quan niệm lưỡng nguyên về linh hồn và thân xác không đúng.

Cái này do cái khác sinh ra, tay mặt do tay trái sinh ra, nhưng nếu tay trái không có mặt thì làm sao tay mặt nương vào đó mà sinh ra được? Muốn nương vào cái nào thì cái đó phải có trước. Trong hai cái, lửa và nhiên liệu (fire and fuel), thì không có cái nào có mặt trước để cái kia có thể nương vào đó mà sinh ra được. Nó không nương vào cái kia, là không tha sinh. Vậy thì cái đốt không do cái bị đốt mà ra, cái đốt cũng không do chính nó mà ra tức là sự vật không tha sinh cũng không tự sinh.

Hai câu sau của bài kệ nói về cái bị đốt nhưng cũng cùng một ý niệm đó.

Trong bài kệ thứ mười hai, hai câu đầu nói về cái đốt, đốt không từ bị đốt và cũng không từ chính đốt mà sinh ra. Hai câu sau cũng lặp lại như vậy nhưng thay vì nói về đốt thì nói về bị đốt, bị đốt không do đốt cũng không do chính bị đốt mà sinh ra.

Không có cái gì có tự tánh riêng biệt của nó. Lửa cũng như dầu, lửa không có tự tánh của lửa, dầu không có tự tánh của dầu. Nếu một cái dựa vào cái khác để sinh ra thì cái khác đó phải có mặt trước. Nếu nó đã có rồi thì nó không cần phải sinh nữa. Như vậy cái gọi là tha sinh không thành. Luận cứ tha sinh không thể thành lập được. Bây giờ nói tự mình sinh ra, không cần cái khác. Nếu có tự mình rồi thì không cần phải sinh ra nữa. Trong cả hai trường hợp cái nào cũng đều vô sinh.

Cả trong hai cái, hồn và xác, lửa và nhiên liệu, không có cái nào có tự tánh riêng biệt. Nếu có tự tánh riêng biệt thì không cần phải sinh. Vì vậy nó là vô sinh! Lý luận của thầy Long Thọ rất sắc bén! Ta nói mà ta không biết ta đang nói gì. Ta nghĩ mà ta không biết ta đang nghĩ gì.

Ta bị lề thói suy tư và ngôn ngữ của ta đánh lừa. Phần trước tôi có nói: Gió thổi! Gió có thể không thổi được không? Nếu không thổi thì nó có thể là gió không? Nhưng ta vẫn nói ‘‘gió thổi’’, rất là buồn cười. Ta nói: Ông thầy tu tu! Nếu ông thầy tu mà không tu thì đâu có gọi là ông thầy tu. Ông thầy tu đâu cần phải tu nữa tại vì trong ông thầy tu đã có tu rồi.

Chúng ta đi tới kết luận, bản thân của thực tại là vô sinh. Quan niệm tạo sinh (creation) là sai lầm, chỉ có biểu hiện (manifestation) mà không có tạo sinh. Như cây bút để nằm ngang thì tự nhiên có trái và có phải. Trái với phải sanh ra hay biểu hiện? Nếu nó sinh thì nó phải sinh ra từ cái gì? Nó nương trên cái khác hay tự nó sinh ra? Sinh diệt là một ý niệm, sinh diệt là sự biểu hiện. Đi tới logic cuối cùng và thâm sâu của thầy Long Thọ thì ý niệm về sinh không có chỗ dựa, ý niệm về diệt không có chỗ dựa, ý niệm về tới không có chỗ dựa và ý niệm về đi cũng không có chỗ dựa. Logic của Thầy Long Thọ là làm cho vô lý đi tất cả những khái niệm mà ta có về thực tại. (The logic of Nagarjuna is to make it absurd all kinds of notions). Niết bàn (Nirvana) là thực tại vượt thoát hết mọi ý niệm.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.