Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào

Bài kệ 2

Nhân duyên Thứ đệ duyên 因緣次第緣
Duyên duyên Tăng thượng duyên 緣緣增上緣
Tứ duyên sinh chư pháp 四緣生諸法
Cánh vô đệ ngũ duyên. 更無第五緣

Nhân duyên, Thứ đệ duyên
Duyên duyên, Tăng thượng duyên
Bốn duyên sinh các pháp
Không có duyên thứ năm.

Bài này không có gì khó hiểu vì chỉ nêu ra bốn duyên (tứ duyên) mà ta nghĩ rằng nó là nguồn gốc sinh khởi của vạn pháp. Tứ duyên là: Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Sở duyên duyên và Tăng thượng duyên. Bốn duyên đó sinh ra các pháp, ngoài ra không có duyên thứ năm.

Giáo lý về tứ duyên là do học phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) ở miền Bắc tinh luyện ra. Giáo lý đó được diễn bày trong Luận Câu Xá (Abhidharmakośa-śāstra) và sau này được sử dụng trong học phái Duy Biểu (Duy Thức).

Thầy Long Thọ hồi đó lên miền Bắc học. Văn học Bát Nhã bắt đầu hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ nhất trước Thiên Chúa giáng sinh (B.C.) và tiếp tục phát triển trong nhiều trăm năm. Ban đầu chúng ta có kinh Bát Thiên Tụng (kinh Tám ngàn bài tụng) rồi từ từ có những kinh lớn hơn như kinh Hai mươi lăm ngàn bài tụng, rồi tới kinh Một trăm ngàn bài tụng. Văn học Bát Nhã được hình thành, lớn lên và phát triển ở miền Nam trước.

Trước thầy Long Thọ thì giáo lý Không (Sūnyata) đã có nhưng chưa được hệ thống hóa. Chính thầy Long Thọ là người đầu tiên hệ thống hóa giáo lý Không. Tiếp theo có những thầy khác như thầy Āryadeva (Đề Bà) và những vị khác mà chúng ta sẽ kể tên sau, trong đó có thầy Nguyệt Xứng (Candrakīrti).

Khi lên miền Bắc thì thầy Long Thọ tiếp xúc được với giáo lý của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda). Thuyết gọi là tứ duyên (the four conditions) lúc đó đã thịnh hành nhiều nên trong tác phẩm này có dấu tích của bốn duyên; nhưng chưa có dấu tích của sáu nhân, có thể tại vì lý thuyết về sáu nhân phát triển sau. Lý thuyết về tứ duyên và lục nhân quý vị phải biết. Lúc này chúng ta chỉ nói sơ về tứ duyên vì nó có liên hệ tới phẩm này của Trung Luận.

Tứ duyên là bốn điều kiện cần có để một hiện tượng (một pháp) có thể phát sinh.

1. Nhân duyên

Nhân duyên, tiếng Phạn là hetupratyaya. Nhân duyên là điều kiện đầu, điều kiện chính, cũng như hạt bắp là nhân duyên của cây bắp. Ta có thể dịch là chief cause hay primary cause. Chữ nhân 因 được viết giống như có bốn bức tường giới hạn tầm phát triển, ở giữa có chữ đại 大 (là lớn). Cái lớn nhưng nó nằm trong khuôn khổ rất nhỏ nên chúng ta chưa thấy được, nhưng nếu có những điều kiện khác thì nó sẽ trở thành lớn. Ví dụ như một hạt hướng dương rất nhỏ, nhưng trong đó có chứa một cây hướng dương rất lớn. Cây hướng dương đó nằm trong giới hạn của hạt hướng dương. Sau này nhờ đất, nước, ánh sáng, mặt trời…, những bức tường xung quanh được lấy đi và hạt hướng dương trở thành lớn thiệt.

Nhân duyên tức là điều kiện hạt nhân (hạt giống), điều kiện chính mà chúng ta dịch là primary cause hay chief cause. Nhưng cả hai chữ đều không diễn tả được cái hay của chữ hetupratyaya.

2. Thứ đệ duyên

Thứ đệ là có thứ tự, có lớp trước lớp sau. Nếu không có cái trước thì làm sao có cái sau? Thứ đệ duyên có khi còn gọi là đẳng vô gián duyên. Đẳng là đều đều. Vô gián là không có sự gián đoạn. Đây là điều kiện thứ hai, điều kiện của sự liên tục như một vòng xích. Dây xích có nhiều khoen, có khoen này thì mới có khoen kia. Nếu khoen này đứt thì không thể nào nối liền khoen kia được. Vậy thì giây phút trước là điều kiện thứ đệ duyên cho giây phút sau. Không có giây phút trước thì sẽ không có giây phút sau, cũng như không có cha mẹ thì làm sao có chúng ta. Nhờ có cha mẹ nên chúng ta mới tiếp nối được ông bà, tổ tiên mình. Cha mẹ là đẳng vô gián duyên hay thứ đệ duyên, dịch là immediate subcondition. Tiếng Phạn là Samanantarah-pratyaya.

3. Duyên duyên

Nói cho đủ là Sở duyên duyên. Sở duyên duyên là đối tượng của nhận thức (tiếng Phạn là Alambanapratyaya), gọi tắt là Duyên duyên. Có chủ thể thì phải có đối tượng. Tri giác phải có đối tượng của tri giác. Cái ghét và cái thương đều phải có đối tượng của ghét và thương thì nó mới sinh khởi ra được; cái vui, cái buồn đều phải có đối tượng thì mới sinh khởi ra được. Vì vậy, điều kiện thứ ba là đối tượng, chúng ta dịch là objective subcause.

4. Tăng thượng duyên

Tăng thượng duyên tiếng Phạn là Adhipatipratyaya. Tăng thượng duyên là điều kiện giúp cho những duyên khác có khả năng đưa ra đời một cái quả. Bản dịch tiếng Việt của chúng ta cũng dễ hiểu:

Nhân duyên, Thứ đệ duyên
Duyên duyên, Tăng thượng duyên
Bốn duyên sinh các pháp
Không có duyên thứ năm

Có nghĩa là không cần tới duyên thứ năm.

Hồi đó, thuyết bốn duyên được thịnh hành ở miền Bắc. Trong bài kệ này chúng ta thấy không có sự lý luận, thầy Long Thọ chỉ nêu ra để chúng ta nhìn kỹ vào các duyên đó mà thấy rằng, khái niệm về duyên của mình còn ngây thơ, còn sơ lược, còn có những sơ hở.

Bài kệ 3

Như chư pháp tự tánh 如諸法自性
Bất tại ư duyên trung 不在於緣中
Dĩ vô tự tánh cố 以無自性故
Tha tánh diệc phục vô. 他性亦復無

Tự tánh của các pháp
Không nằm trong các duyên
Tự tánh đã là không
Tha tánh làm gì có.

Tự tánh của các pháp không thể tìm thấy trong bốn duyên. Tự tánh là gì? Tự tánh là sự có mặt đích thực, sự có mặt như một thực tại biệt lập. Tự tánh là svabhāva. Bất cứ một cái gì mà ta công nhận là có thật thì nó phải có tự tánh của nó. Tự tánh (self-nature) là tánh của mình, nó làm cho ta khác với những cái khác (tha tánh).

Chúng ta có thể tìm tự tánh của các pháp trong duyên của nó hay không? Hình như là tìm không được. Có thể là cái đó chưa sinh hay đã sinh rồi. Và ta có thể tìm tự tánh đó trong những điều kiện đang sinh hay sắp sinh đó hay không? Ví dụ chúng ta có một hộp diêm và ta đi tìm tự tánh của ngọn lửa trong hộp diêm đó. Trong hộp diêm có diêm sinh, có gỗ; ngoài hộp diêm có dưỡng khí. Chúng ta đi tìm trong những điều kiện đó, xem có thể có tự tánh của những cái đang sinh hay sắp sinh (tức ngọn lửa); nhưng chúng ta không tìm thấy tự tánh đó. (What we call the self-nature of something, cannot be found in its conditions at all).

Nếu tự tánh đã không có thì làm gì có tha tánh? Tự tánh là đối với tha tánh. Giống như bên phải và bên trái, nếu bên phải không có thì làm gì có bên trái. Tự là đối với tha. Đây chỉ là phát súng thần công đầu tiên của thầy Long Thọ.

Dĩ vô tự tánh cố: vì tự tánh đó không có.
Tha tánh diệc phục vô: thì tha tánh làm gì có.

Trung Quán Luận như một trái hồ đào được bọc ngoài bởi một cái vỏ rất cứng. Nếu chúng ta không đập bể cái vỏ thì sẽ không thưởng thức được chất béo, chất ngọt trong trái hồ đào (walnut). Có thể có một vài bài kệ ta chưa hiểu, nhưng ta vẫn tiếp tục đi tới những bài kệ khác rồi ta sẽ trở lại những bài kệ đó, và từ từ ta sẽ hiểu sau.

Chúng ta đã học bài kệ thứ ba:

Như chư pháp tự tánh
Bất tại ư duyên trung
Dĩ vô tự tánh cố
Tha tánh diệc phục vô.

Tự tánh của các pháp
Không nằm trong các duyên
Tự tánh đã là không
Tha tánh làm gì có.

Nếu không có tự tánh thì làm gì có tha tánh? Tự tánh là bản chất của chính mình, tha tánh là bản chất của cái khác. Nếu không có trên thì làm gì có dưới? Nếu không có trong thì làm gì có ngoài? Nếu không có trái thì làm gì có phải? Đổ một cái thì đổ luôn cái thứ hai.

Chữ tự tánh thường được dịch là self-nature, tức là cái làm cho mình là mình, làm cho mình không có lẫn lộn với những cái khác, là một entity. Ví dụ như lửa thì có tự tánh của lửa. Vì có tự tánh đó nên lửa không phải là nước đá. Lửa thì nóng, nước đá thì lạnh. Tự tánh của lửa là nóng, tự tánh của nước đá là lạnh. Người ta hiểu tự tánh là như vậy. Khi một vật không duy trì được tự tánh của nó thì vật đó không còn là vật đó nữa. Vì vậy người ta tin vào tự tánh của mỗi người và mỗi vật, mỗi người và mỗi vật đều có tự tánh.

Nhưng ở đây thầy Long Thọ mời chúng ta nhìn sâu hơn để thấy là hình như tự tánh đó không có. Trong đạo Bụt có hai học phái gần như là chống đối nhau, một bên là Pháp Tướng Tông và một bên là Pháp Tánh Tông.

Pháp Tướng Tông chuyên khảo sát về tướng trạng bên ngoài của các pháp, vì vậy cho nên phải phân biệt, phải thấy cái này khác với cái khác, và rất cần sự phân tích (analysis, distinction). Duy Thức học (Duy Biểu học) thuộc về học phái đó. Pháp tướng là Dharmalaksana, tức là một trường phái nghiên cứu về tướng trạng bên ngoài của các pháp, nghiên cứu về sự biểu hiện bên ngoài của các pháp (phenomelogy).

Học phái này có một định nghĩa về chữ pháp. Pháp là nhậm trì tự tánh, quỹ sinh vật giải. “Nhậm trì tự tánh, quỹ sinh vật giải” có nghĩa là nó duy trì được tự tánh riêng biệt của mình; tự tánh đó là mẫu mực, là kích thước để làm phát sinh ra cái nghĩ, cái nhận thức của ta về cái đó. Ví dụ như tự tánh của nước đá là vừa lạnh vừa cứng. Nước đá phải duy trì tự tánh đó thì nó mới có những quy củ, những mẫu mực giúp ta phát sinh ra một cái hiểu về nó. Nếu nước đá không có đặc tánh vừa lạnh vừa cứng thì làm sao ta biết nó là nước đá. Nhậm trì tự tánh có nghĩa là: nước đá phải duy trì được cái lạnh và cái cứng của nó. Quỹ sinh vật giải có nghĩa là: đó là cái mẫu mực giúp ta phát sinh ra cái hiểu, cái thấy về nước đá. (Dharma is something that can retain its characteristics, so that it can give us opportunity to perceive it as something different from another thing). Giải là hiểu, là thấy; vật giải là thấy nó là một vật. Đó là định nghĩa của Duy Thức học về pháp.

Trong đạo Bụt, chữ pháp có nhiều nghĩa. Chữ Pháp viết hoa (Dharma) có nghĩa là giáo pháp, là chân lý. Chữ pháp viết thường (dharma) có nghĩa là sự vật, là hiện tượng, ta có thể dịch là une chose, a thing. Như bông hoa là một pháp, đám mây là một pháp, hạt sỏi là một pháp (un phénomène). Bây giờ trong giới Phật học, người ta hay dịch chữ dharma là elements of existence, elements of being. Họ nghĩ elements of being thì gần với nghĩa của chữ dharma hơn.

Nhưng trước hết, chúng ta phải nhớ rằng pháp là một đối tượng của ý thức. (Dharma, first at all, is an object of our consciousness, of our mind consciousness). Quý vị đã biết là có sáu căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Đối với sáu căn thì có sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Vậy pháp là đối tượng của ý. Nước đá cũng là đối tượng của tâm ý, mà lửa cũng là đối tượng của tâm ý. Cho nên “pháp là đối tượng của tâm ý” là định nghĩa hay nhất và căn bản nhất trong đạo Bụt. Còn định nghĩa “elements of being, a thing, a phenomena” cũng chưa hay lắm, tại vì người ta có thể nghĩ rằng những thứ đó có mặt độc lập với nhận thức của mình. Chúng ta dịch như thế nào để có thể nhớ rằng cái đó chẳng qua là một đối tượng của tâm ý mà không phải là một thực tại có mặt ngoài tâm ý. Đó là chính thống nhất, không thể nào sai được. Định nghĩa này là định nghĩa của Pháp Tướng Tông, của Duy Biểu học.

Trong khi đó, Pháp Tánh Tông là tông phái chuyên nghiên cứu về tự tánh. Tông phái đó muốn đập bể cái vỏ để đi vào cái ruột, muốn đập bể hiện tượng bên ngoài để đi vào bản chất bên trong gọi là tự tánh. Chữ tự tánh, có người dịch là own-being. Nước đá có tự tánh của nước đá, lửa có tự tánh của lửa, hai cái không thể lẫn lộn với nhau được. Trong bài kệ chúng ta đang học có nói: Tự tánh đã là không, tha tánh làm gì có. Theo Pháp Tánh Tông, cái mà ta gọi là tự tánh đó chỉ là một ý niệm. Nhìn sâu vào thì tự tánh không có và chúng ta đi tới kết luận là vô tánh.

Nhưng Pháp Tướng Tông không chỉ nhằm về phương diện tướng (Laksana) mà Pháp Tướng Tông giúp ta đi từ từ vào tánh, tức là khi chúng ta nhìn sâu vào hiện tượng thì có thể chạm vào được bản thể. Thế giới hiện tượng (phenomenal world) là thế giới của tướng, đó là đối tượng nghiên cứu của Pháp Tướng Tông.

Đối tượng nghiên cứu của Pháp Tánh Tông là bản thể (noumenal world). Noumena là bản thể, phenomena là hiện tượng. Mục đích của Pháp Tướng Tông không phải chỉ nghiên cứu tướng trạng của vạn pháp mà còn có chủ đích thâm sâu là chọc thủng được vào trong tự tánh, gọi là tùng tướng nhập tánh, từ tướng mà đi vào tánh (from the phenomena we penetrate into the noumena).

Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi đã làm một bài thơ “Thuyền về bến cũ”, trong đó có câu:

Mái chèo kia theo hướng nước mây trôi
Từ hiện tượng thuyền quay về bản thể1

1 Bài Thuyền về Bến Cũ trong tập thơ Thơ Từng Ôm và Mặt Trời Từng Hạt.

Từ hiện tượng thuyền quay về bản thể là tùng tướng nhập tánh.

Tùng tướng nhập tánh là nguyên tắc của chúng ta. Có học gì nữa thì chúng ta cũng đi vào tánh. Pháp Tánh Tông thường gọi là Tánh Không học. Tánh đi với không tánh. Gary Snyder, thi sĩ Mỹ, có ra một tập thơ cách đây chừng bảy, tám năm. Tập thơ có đề tựa là “No Nature”, A collection of poems của Gary Snyder. “No nature” có nghĩa là Tánh Không. Nhưng ngoài đời ít ai hiểu được tựa đề đó. No nature được hiểu là “không có thiên nhiên”. Trong khi đó Gary Snyder là một thi sĩ thiền sinh, biết thực tập thiền quán và có học Phật.

Chúng ta thấy bài kệ thứ ba khá quan trọng: Tự tánh của các pháp không nằm trong các duyên. Ví dụ như khi nhìn vào trong hộp diêm, chúng ta thấy gỗ làm que diêm, chất diêm sinh, gỗ của vỏ hộp diêm và thấy cả dưỡng khí xung quanh. Đó là những nhân và duyên để làm phát sinh ra ngọn lửa. Chúng ta có học bốn thứ duyên là Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Sở duyên duyên và Tăng thượng duyên. Chúng ta ôn lại bốn duyên:

– Nhân duyên (primary cause) như một hạt lúa chẳng hạn, nhờ những Tăng thượng duyên tức đám mây, cơn mưa, mặt trời, đất v.v.. nên hạt lúa mọc mầm ra và trở thành cây lúa.

– Tăng thượng duyên: Nếu không có Tăng thượng duyên giúp rập, làm tăng trưởng thì làm gì hạt lúa có thể trở thành cây lúa. Hạt lúa cần những Tăng thượng duyên như đất, phân, mưa, mặt trời và người làm ruộng.

– Thứ đệ duyên là sự liên tục. Nếu không có sự liên tục thì không thành. Ví dụ như hạt lúa vừa nứt mầm, chúng ta kéo nó lên bỏ vào hộc tủ rồi ba ngày sau trồng trở lại thì không được. Điều kiện liên tục đó là Thứ đệ duyên hay Đẳng vô gián duyên. Gián là gián đoạn, vô gián là không gián đoạn (non-interruption). Chữ Vô gián duyên nghe dễ nhớ hơn chữ Thứ đệ duyên, thứ đệ có nghĩa là thứ lớp.

– Duyên thứ tư thuộc về nhận thức học. Sở duyên duyên là đối tượng. Tâm thức phải có đối tượng mới phát triển được. Các pháp là đối tượng của tâm thức, vạn vật trên thế gian đều là pháp. Nếu không có đối tượng tâm thức thì làm gì có tâm thức. Vì vậy Sở duyên duyên (gọi tắt là Duyên duyên) là đối tượng, là một điều kiện. Đối tượng nhận thức là một điều kiện để có nhận thức. Có nhận thức thì mới có trời, có đất, có này, có kia; tại vì trời, đất, này, kia đều là đối tượng nhận thức.

Nhìn vào trong bốn duyên đó, chúng ta có thể thấy được quả chưa? Quả đây là ngọn lửa. Chúng ta nhìn vào trong que diêm, vào hộp diêm, vào chất diêm sinh, rồi nhìn vào không khí. Chúng ta thấy, trong tất cả các duyên kể cả Tăng thượng duyên và Sở duyên duyên, có cái tự tánh (cái nóng) của ngọn lửa chưa? Chúng ta không thấy! Đó là câu: Tự tánh của các pháp không nằm trong các duyên.

Nước đá cũng vậy, nhìn vào những điều kiện để làm phát sinh ra nước đá thì chúng ta không thấy tự tánh của nước đá. Trong những điều kiện làm phát sinh ra ngọn lửa, chúng ta không thấy cái nóng của lửa. Cái gọi là tự tánh của lửa, chúng ta không tìm thấy trong nguyên nhân của nó. Vì vậy cho nên gọi là Không Tánh hay Vô Tánh. Cái mà chúng ta tưởng là tự tánh, kỳ thực là không tự tánh, là Tánh Không. Đó là then chốt của Tánh Không học. Sūnya là Không, Sūnyatā là Tánh Không, chữ tā ở sau có nghĩa là tánh.

Đây là lý luận của thầy Long Thọ. Lý luận của thầy Long Thọ có ngụ ý làm cho người ta bị kẹt cứng, không trả lời được. Sở dĩ thầy bắt bí là để người kia có cơ hội nhìn lại, quán chiếu trở lại mà đừng quá tin chắc vào lý thuyết và vào quan niệm của mình. Phương pháp của thầy Long Thọ dùng để giảng dạy gọi là biện chứng pháp (dialectics). Biện chứng pháp này là quy mậu luận chứng có nghĩa là một loại luận chứng để đưa tới sự kết luận rằng: Anh vô lý! Anh nói sai! Tiếng La tinh là reductio ad absurdum (nó làm cho trở thành ra vô lý). Trong suốt cả tác phẩm này, thầy Long Thọ áp dụng “quy mậu luận chứng” để làm cho đối phương bị kẹt. Nhưng thầy không làm cho người mắc kẹt đó bị nhục nhã. Chính vì bị kẹt vào những ngôn từ và ý niệm của mình cho nên người ta không chạm được thực tánh của vạn pháp. Một khi đã bị kẹt rồi thì người ta không đi được vào con đường trực tiếp của trí tuệ, mà chỉ sử dụng con đường của trí năng. Dùng trí năng chỉ là đi chơi với những danh từ và những ý niệm, mà không đạt được thực tại của sự vật. Con đường của khái niệm, của trí năng giống như đường rầy xe lửa. Còn đường rầy thì xe lửa còn chạy, lấy đường rầy đi thì xe lửa hết chạy, và xe lửa sẽ tìm cách để trở thành máy bay.

Phương pháp của nhà triết học là sử dụng trí năng, còn phương pháp của nhà đạo học là vượt trí năng để đi vào một thế giới không còn là thế giới của trí năng nữa. Trí năng giống như thế giới hai chiều trên cùng một mặt phẳng, đó là chiều ngang và chiều dọc. Trí năng đi trên thế giới hai chiều (espace de deux dimensions), nó chỉ đi trên một mặt phẳng và rốt cuộc thì không đi đến đâu hết. Trong khi đó, thực tại giống như không gian ba chiều, có thêm chiều cao. Khi làm cho trí năng hụt hẫng, mất đường rầy rồi thì nó có cơ hội đi lên theo chiều thứ ba, để đi vào trong không gian ba chiều.

Sự chứng ngộ cũng vậy. Sự chứng ngộ là kinh nghiệm trực tiếp về thực tại đạt được bằng Nhất thiết chủng trí, bằng Vô phân biệt trí. Vô phân biệt trí là trí không còn khái niệm phân biệt (non discriminative wisdom, the wisdom of non-discrimination). Vô phân biệt trí cũng giống như khi mình trở thành chiếc máy bay bay lên không gian. Phân biệt trí hay trí thức khái niệm thì bám lấy mặt phẳng hai chiều, không đi tới đâu hết. Có rất nhiều nhà triết học và nhà đạo học bị kẹt vào trí năng (intellect), chỉ làm thể thao, múa máy, biểu diễn trên lãnh vực khái niệm và lý luận mà không bay lên được trong khung trời của trực giác. Trực giác (intuition, direct experience) là vô phân biệt trí (the wisdom of non-discrimination).

Mục đích của thầy Long Thọ là bắt bí họ, cho họ thấy là trí năng của họ không đi đến đâu hết, để họ có cơ hội từ một chiếc đầu xe lửa biến thành một chiếc máy bay. Phương pháp Ngài sử dụng là quy mậu luận chứng, là làm cho những lý luận và những khái niệm của người kia trở thành vô lý (réduire à l’absurde).

Tự tánh đã không có
Tha tánh làm gì có?

Tự là sva. Tự tánh là svabhāva, đối với tha tánh là parabhāva. Nếu tự tánh không có, thì làm gì có tha tánh. Tự tánh là tánh của chính mình, tha tánh là tánh của cái đó.

Trong truyền thống của Phật giáo Tiểu thừa mà đại diện là Hữu Bộ, tức là Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda), chủ trương là Ngã vô pháp hữu. Sarva là tất cả, asti là hữu, vāda là thuyết. Sarvāstivāda là chủ thuyết cho rằng tất cả các pháp đều có thật trong quá khứ, trong hiện tại và trong vị lai. Trường phái này đã di cư lên miền Bắc, thành lập một trung tâm rất phồn thịnh ở Kashmir và đã tồn tại một ngàn năm. Từ căn cứ đó mà đạo Bụt truyền sang Trung Quốc. Trong khi đó thì Therevāda hay đúng hơn nữa là Đồng Diệp Bộ (Tamrasatiyahvāda) thì đi về miền Nam lập căn cứ. Một trong những căn cứ của Đồng Diệp Bộ là Tích Lan, và Tích Lan duy trì trường phái đó cho đến ngày hôm nay. Đại khái, trong Phật giáo Tiểu thừa hay Phật giáo Bộ phái thì chủ trương: “ngã không pháp hữu”.

Nhưng khi những kinh Bát Nhã ra đời thì người ta bắt đầu thấy rằng: Trong nguyên ý của Bụt thì không những ngã (atma) không có tự tánh mà pháp (dharma) cũng không có tự tánh. Thầy Long Thọ là một trong những người đầu tiên hệ thống hóa tư tưởng Tánh Không (Sūnaytavāda). Vāda là thuyết. Tiếng Phạn có chữ vāda tương đương với chữ ism của tiếng Anh như Buddhism chẳng hạn.

Bốn câu này là mẫu mực của biện chứng pháp gọi là “quy mậu luận chứng” (reductio ad absurdum).

Tự tánh đã là không
Tha tánh làm gì có?

Ví dụ có một màn ảnh và có một con mắt đang nhìn vào màn ảnh, con mắt thấy trên màn ảnh không có gì hết. Bên này có một cuốn phim và một bóng điện, bóng điện chiếu qua cuốn phim và chiếu lên màn ảnh hình ảnh một người. Đồng thời có một magnétoscope phát ra âm thanh, có nhạc. Màn ảnh là một duyên, một điều kiện, cuốn phim vidéo là một điều kiện, điện lực là một điều kiện và máy phát thanh là một điều kiện. Những điều kiện đó tạo ra hình ảnh một người trên màn ảnh, một ca sĩ đang hát. Khi đó, con mắt nhìn thấy có ca sĩ đang hát. Ca sĩ đang hát là một cái quả, một biểu hiện giống như sự biểu hiện của một cục nước đá, một ngọn lửa, một sư cô, hay một sư chú. Chúng ta không thể nói hình ảnh cô ca sĩ đang hát đó là không có thiệt. Cũng như không thể nói ngọn lửa, hay cục nước đá đang biểu hiện đó là không có thiệt, vì nếu đưa tay vô ngọn lửa thì ta sẽ bị phỏng, hoặc bỏ cục nước đá vô miệng thì ta thấy tê cả lưỡi. Không thể nói ngọn lửa hay cục nước đá là không có. Chúng là cái có thể tác động lên những cái xung quanh chúng. Hình ảnh của cô ca sĩ đang hát cũng vậy, hình ảnh đó có thể làm cho ta buồn hay vui, nó có thể làm ta thổn thức, u sầu, và cũng có thể làm ta khóc nức nở. Quý vị đã từng đi xem phim thì biết, có nhiều người đã khóc trong rạp chiếu phim.

Bây giờ, chúng ta đi tìm tự tánh của hình ảnh cô ca sĩ đang hát trên màn ảnh này. Nếu ta nghĩ nó là một cái gì tự nó có thì không đúng. Tại vì có những điều kiện như vậy nên nó mới biểu hiện ra được. Nếu ta nghĩ, hình ảnh đó có tự tánh riêng của nó, là sai. “Tánh Không học” gọi đó là Tánh Không.

Ví dụ này cho chúng ta hiểu được rằng tuy trông thấy như không có gì hết, nhưng nó tác động trên con người. Có người có thể đi tự tử sau khi xem một cuốn phim; có người, sau khi xem phim rồi thì đi uống rượu, uống đến say khướt mới ngưng; có người, sau khi xem phim thì tìm đến chốn lầu xanh để thỏa mãn nhục dục… Không thể nói cuốn phim đó là một cái gì không có. Nó có. Nó có tác động rất mạnh lên xung quanh giống như ngọn lửa hay cục nước đá.

Chúng ta là một cô thiếu nữ, là một chàng thanh niên hay là một cụ già thì chúng ta cũng như vậy, cũng do những duyên phối hợp tạo tác, và ta không có một tự thể độc lập riêng biệt. Chúng ta cũng là một pháp như cô ca sĩ trên màn ảnh, cũng là một pháp như cục nước đá, cũng là một pháp như ngọn lửa. Chúng ta có tác động rõ ràng trên thế giới, có trách nhiệm với thế giới, nhưng trong khi đó thì chúng ta không có một tự thể riêng biệt, nên gọi là Không Tánh.

Chúng ta tưởng ta là ta, kỳ thực ta không phải là ta. Tại vì những điều kiện làm ra ta, ta phải nhìn thấy chúng rồi thì mới đánh tan được ý niệm về ta. Trong miệng của ta (mình không thoát được danh từ ta) có biết bao sinh vật đang sống trong đó. Nó sống nhờ vào ta và nhiều khi ta cũng sống nhờ vào nó. Dưới lưỡi ta có những sinh vật sống trong đó, những sinh vật đó có liên hệ tới sức khỏe của ta. Nếu giết hết tất cả sinh vật trong miệng ta thì ta sẽ bệnh. Có những vi khuẩn trong miệng làm ta bệnh, nhưng có những vi khuẩn, nhất là vi khuẩn dưới lưỡi mà nếu giết hết đi thì không tốt cho tình trạng sức khỏe của ta. Cho nên chuyện cạo lưỡi mà cạo cho thiệt sạch chưa chắc đã tốt, đó là một nha sĩ đã khai thị cho tôi.

Trong ruột của ta có hằng hà sa số những vi khuẩn và nấm, có những loại rất cần thiết cho sức khỏe của ta. Nếu ta diệt hết nấm và vi khuẩn đó thì ta sẽ bệnh. Dân số (population) của vi khuẩn trong miệng nhiều hơn dân số của nước Đức và nước Pháp hợp lại. Nó nhiều như vậy nhưng bằng mắt thường ta không thấy được. Khoa học có thể cho ta thấy một chút về tánh duyên khởi và về vô tánh của đạo Bụt.

Trong tế bào của cơ thể ta có một loại sinh vật rất nhỏ gọi là lạp chất thể, tiếng Anh là mitochondria, ta tưởng nó là của ta nhưng kỳ thực nó không phải là của ta. Những lạp chất thể đó sinh sản riêng trong từng tế bào của ta và tiết ra một loại năng lượng gọi là oxidative energy. Nếu ta không có oxidative energy đó thì ta không nhấc nổi bàn chân hay đưa ngón tay gõ trên mặt bàn. Sở dĩ ta bước đi được và gõ tay trên mặt bàn được là nhờ năng lượng oxidative do những con sinh vật bé tí ở trong những tế bào cơ thể mình. Chúng không phải là ta mà cũng không phải là không ta. Chúng có genome riêng, có DNA riêng, và sinh sản (replicate) do tự nó mà thôi. Chúng là một loại symbiosis, đồng sinh cộng tử với ta. Nó chết thì ta chết, nó sống thì ta sống, đó là danh từ của tiểu thuyết Kim Dung.

Cũng như cây đậu chúng ta trồng. Cây đậu không thể nào làm hoa, làm trái và cho ta đậu nành, đậu xanh nếu không có một loại bacteria bám vào rễ cây đậu (Rhizom bacteria). Những con vi khuẩn (bacteria) đó là những symbiosis, những con vật cộng sinh của cây đậu. Nếu không có những con vật đó sống chung, làm việc chung và trợ lực thì cây đậu không thể ra hoa ra trái được. Và nếu không có cây đậu thì những con vi khuẩn đó cũng không phát triển và sống được.

Chúng ta nương vào nhau mà biểu hiện. Khi ta hát thì những con lạp chất đang hát bài hát của ta; khi ta suy tư, ta đừng tưởng là ta suy tư, chính tụi nó suy tư. (They think our thought, they sing our song, they walk our walk). Chúng ta biết rằng tất cả gia tài tâm linh và huyết thống, những khổ đau, những hạnh phúc, những sai lầm, và tuệ giác của tổ tiên ta vẫn còn ở trong mỗi tế bào cơ thể ta. Ta có Bụt, có thầy, có cha, có mẹ trong từng tế bào. Khi ta đi, ta nên biết rằng thầy ta đang đi cái đi đó, Bụt đang đi cái đi đó, cha ta đang đi cái đi đó, mẹ ta đang đi cái đi đó. Đừng tưởng là ta đang đi. Ta là cái gì đâu? Ta là một cái gì rất là trống rỗng (empty). Ta phải thấy được cái đó. Khi thấy được thì gọi là có tuệ giác.

Ví dụ một sư chú đang cực nhọc vì cái máy vi tính. Sư chú chỉ mới học vi tính sáu tháng nên gặp một vài khó khăn. Sư chú đang thở ngắn thở dài thì có một sư anh tới gần: “Em để đó cho sư anh!”. Sư chú mừng quá, tại vì sư anh này rất giỏi về vi tính. Sư chú rất hoan hỉ ngồi xích ra một bên để sư anh ngồi vào giúp. Mấy ngón tay của sư anh sao mà hay quá, mới chạm vào một cái đã hiện ra được hết những gì mà mình tìm hoài không ra. Ngày hôm qua, tôi có nói với thầy Pháp Hội: “Con nên thực tập như vậy. Mỗi khi con có phiền não, có khó khăn, con nhường chỗ cho Bụt. Con mời Bụt vô ngồi ở chỗ đó để Bụt làm.” Pháp môn này, tôi thực tập rất là hay, rất là thành công. (Let him walk your walk, let him breathe your breath, let him sing your song, and everything will be OK!). Để cho Bụt bước đi: “Bụt ơi! Bụt bước đi, con không bước nữa, con để Ngài bước. Bụt ơi! Thở đi! Con không thở nữa, con để Ngài thở. Bụt ơi! Mỉm cười đi!”, thì tự nhiên mình thoát ra khỏi tình trạng bế tắc rất mau chóng. Tại sao mình cứ níu vào đó, cứ kẹt vào đó, mình cứ cố thủ, mình quyết tử với nó? Tại sao mình không để cho Bụt giúp? Mà Bụt là ai? Bụt cũng là mình, nhưng mình cứ giành chỗ của Bụt, mình cứ giành chỗ của thầy. Thầy tới nói: “Con xích ra, để thầy làm cho!” “Sư em xích ra để sư anh làm cho!” Mình sướng quá trời! Sao thực tập dễ như vậy mà mình không chịu thực tập? Khi nhìn vào đạo lý nhân duyên một cách sâu sắc, thấy được Tánh Không thì ta thoát ra được sự cố chấp đó. Tuệ giác của Tánh Không rất thực tế.

Những bài này tuy có vẻ khó như vậy, nhưng thực ra nó chưa khó lắm đâu, đi sâu vào mới khó. Đây là một loại toán học cao cấp (high mathematics) mà nếu chúng ta giải được thì rất mầu nhiệm.

Ta đau cái đau của ta, ta khổ cái khổ của ta, ta lo cái lo của ta. Ta hấp tấp, vụt chạc, ta bước trên than hồng, ta ngồi trong lò lửa. Tại sao ta không nhường chỗ cho Bụt? Bụt cũng ở trong ta. Hãy cho Bụt một cơ hội! (Give the Buddha a chance!) Hãy cho Thầy một cơ hội! Thầy và Bụt ở đâu? Ở trong mỗi tế bào của cơ thể ta. Ta có chân của Bụt mà không để cho Bụt đi. Ta có mắt của Bụt mà không để cho Bụt nhìn. Ta cứ cố thủ, ta nói: “Bụt xê ra để con tự làm lấy được.” Mà con là gì? Con thì đang còn vướng víu biết bao nhiêu là cái!

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.