Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào

Bài kệ 12

Nhược vị duyên vô quả 若謂緣無果
Nhi tùng duyên trung xuất 而從緣中出
Thị quả hà bất tùng 是果何不從
Phi duyên trung nhi xuất? 非緣中而出

Nói trong duyên không quả
Mà quả từ duyên sinh
Thì quả ấy sao không
Từ phi duyên xuất hiện?

Nhược vị duyên vô quả
Có nghĩa là: Nếu nói rằng trong duyên không có quả trong đó.
Nhi tùng duyên trung xuất
Nhưng quả đó lại từ trong cái duyên đó mà đi ra
Thị quả hà bất tùng
Phi duyên trung nhi xuất

Vậy thì tại sao cái quả đó không từ phi duyên mà đi ra? Phi duyên là non-condition.

Ở đây chúng ta đang nói về nhân quả (cause and effect). Duyên, tức là những điều kiện sinh ra quả, khi nhìn vào đó chúng ta thấy có hay không thấy có quả. Quả có thể có trong đó hoặc không có trong đó. Quả là effect, duyên là condition. Ví dụ như khi nhìn vào trong con gà (duyên) thì chúng ta thấy có trứng gà, tức là con gà con (quả). Vậy là quả đã có trong duyên rồi, mà cái gì đã có rồi thì đâu cần phải sinh nữa. Sinh là từ không mà trở thành có, từ không mà trở thành có thì mới gọi là sinh. Còn nếu đã có sẵn rồi thì cần gì phải sinh nữa? Đó là lý luận để đi tới kết luận là vô sinh, là trường hợp quả có sẵn trong nhân.

Trường hợp thứ hai là quả không có sẵn trong nhân. Ví dụ như cái bàn, trong cái bàn không có trứng gà, không có con gà con, thì làm sao nói cái bàn sinh ra con gà con được? Đó là trường hợp thứ hai, trong duyên không có quả. Trong duyên, mình nhìn không có quả thì chắc chắn là quả đó không từ duyên mà sinh ra. Cái bàn làm sao sinh ra con gà được? Chúng ta đi tới kết luận là bất sinh. Nếu trong duyên không có quả thì không thể nào có sinh được.

Đây là nội dung của bài này. Trong hai trường hợp đều đi tới kết luận là vô sinh: Nó có rồi thì không cần sinh, nó không có thì không thể nào sinh ra được. Bài này có nghĩa là: Nếu nói trong duyên không có quả thì cái quả đó không thể nói từ duyên mà sinh ra được. Nếu nó có thể sinh ra từ một cái duyên mà trong đó nó không có sẵn thì tại sao quả đó không từ phi duyên mà sinh? Phi duyên tức là “không phải là điều kiện”, như cái bàn đối với con gà là phi duyên. Con gà con không thể nào sinh ra từ cái bàn, cái bàn là một phi duyên. Con gà con sinh ra từ gà mẹ thì gà mẹ là duyên, nhưng trong trường hợp này thì con gà con đã có sẵn trong gà mẹ. Nếu gà con không có sẵn trong gà mẹ thì duyên đó cũng tương đương với phi duyên. Và nếu có sẵn rồi thì gà con không cần phải sinh ra nữa. Vì vậy chúng ta đi tới kết luận là vô sinh. Sinh là một ý niệm mình đặt trong đầu chứ không thể có ở ngoài sự thật.

Trong duyên (condition) không có quả, trong phi duyên (non-condition) cũng không có quả, vậy thì duyên và phi duyên bình đẳng.

Bài kệ 13

Nhược quả tùng duyên sinh 若果從緣生
Thị duyên vô tự tánh 是緣無自性
Tùng vô tự tánh sinh 從無自性生
Hà đắc tùng duyên sinh? 何得從緣生

Nếu quả từ duyên sinh
Duyên ấy không tự tánh
Từ không tự tánh sinh
Sao gọi từ duyên sinh?

Nếu quả từ duyên sinh ra, mà duyên đó vốn không có tự tánh (tại vì nếu duyên đó có tự tánh thì nó bất biến, nó là nó thôi), thì nó không thể sinh ra một cái khác nó, mà nếu từ chỗ không tự tánh mà sinh ra thì tại sao chúng ta lại nói từ duyên mà sinh ra?

Chúng ta phải biết rằng, chương đầu của Trung Luận là để chĩa mũi dùi tới ý niệm tự tánh. Ý niệm tự tánh là một ý niệm đã có từ lâu trong Ấn Độ giáo, trong Thắng Luận, Số Luận và trong triết học Ấn Độ. Tự tánh, tiếng Anh là self-nature hay own-being. Trong Ấn Độ giáo (Bà la môn giáo) có ý niệm về thần ngã, có nghĩa là: Dưới những cái thay đổi có một cái không thay đổi, cái đó gọi là Ngã hay là Phạm Thiên.

Khi Đức Thế Tôn ra đời, Ngài làm một cuộc cách mạng, Ngài nói rằng cái gọi là ngã hay là tự tánh, nó không có! Ngài chỉ cho chúng ta thấy hiện tượng và nói: “Chỉ có hiện tượng, còn núp sau hiện tượng thì không có một cái gì bất diệt hay bất biến cả, dù cái bất biến đó gọi là Ngã hay Phạm Thiên”. Đức Thế Tôn chỉ công nhận danh-sắc tức là hợp thể năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức), và nhìn vào hợp thể đó thì thấy tất cả đều biến chuyển, không có gì bền bỉ và kéo dài được. Có khi gọi đó là hợp thể danh-sắc (nāma-rūpa). Sắc tức là hình hài của ta, danh tức là tâm lý của ta. Sắc là uẩn thứ nhất, danh là bốn uẩn sau (thọ, tưởng, hành, thức). Nhìn vào đó ta không thấy có gì bền chắc, bất biến, không có gì tương đương với attā trong triết học Ấn Độ, trong Bà la môn giáo. Khi nhìn như vậy, chúng ta chỉ thấy cái “không ngã” (anattā). Tất cả những gì mà chúng ta có thể kinh nghiệm tới được như năm uẩn, như những hiện tượng; tất cả những cái đó cũng vô thường, cũng biến chuyển. Và nhìn sâu vào nó, chúng ta không nắm được một cái gì gọi là vĩnh cửu, thường hằng hết. Khi Đức Thế Tôn xuất hiện thì Ngài làm một cuộc cách mạng tư tưởng rất lớn. Giáo lý của Ngài rất thực tế. Ngài không công nhận thần ngã. Anattā (anātman) tức là vô ngã.

Trong khi đó thì Bà la môn giáo nói, nằm dưới anātman tức năm uẩn biến chuyển thì có attā (ātman) hay thần ngã, đứng về phương diện cá nhân thì gọi là ngã. Nhìn kỹ vào thần ngã đó, ta thấy cái tuyệt đối (paramārtha) tức là Brahma. Đó là giáo lý của Ấn Độ giáo.

Đức Thế Tôn ra đời, Ngài dạy giáo lý về vô thường, vô ngã, và mũi dùi giáo lý đó chĩa vào ý niệm về ngã hay tiểu ngã (ātman) và ý niệm về Phạm thiên hay đại ngã (Brahma). Hai cái đó cùng một chất. Brahma là siêu ngã, còn ātman là cái ngã nhỏ của mình. Những tác phẩm nổi tiếng sau này của Ấn Độ giáo đã được tinh luyện để đối phó với giáo lý đạo Bụt. Giáo lý đạo Bụt nói vô ngã (anattā), không công nhận một cái tự ngã (self-nature, own-being) nào nằm dưới hết. Ấn Độ giáo phản ứng lại, đưa ra rất nhiều luận chứng nên đệ tử của Bụt cũng phải phát triển giáo lý của mình để đáp ứng lại.

Đây thuộc về lãnh vực lịch sử tư tưởng, vì hồi Bụt còn tại thế thì giáo lý của Ngài rất hùng mạnh. Ngài thẳng thừng phủ nhận ý niệm về ngã và về Phạm thiên. Ngài nhìn từ phía hiện tượng và thấy rằng tất cả đều vô thường và vô ngã. Phía bên kia phản ứng lại rất mạnh và vẫn tiếp tục phản ứng sau khi Ngài nhập Niết Bàn. Vì vậy các bộ phái Phật giáo phải tôi luyện ra những lý thuyết để chống đỡ lại sự tấn công của bên thần giáo.

Hồi đó sinh hoạt về tư tưởng, về triết học rất phồn thịnh. Sarvāstivāda (phái Hữu Bộ) nằm ở Kashmir miền Bắc Ấn Độ, tinh luyện ra một nền văn học Abhidharma rất giàu có mà đại biểu là Tỳ Bà Sa Luận (Vibhāsā). Trong Tỳ Bà Sa Luận, Hữu Bộ phát triển ý niệm về tự tánh. Chúng ta biết rằng, Hữu Bộ chủ trương thời gian (quá khứ, hiện tại và vị lai) là thật có tuy ngã không có.

Theo lý thuyết đó, người ta chia chẻ vật chất ra thành những vi trần, chia chẻ thời gian thành những sát na. Anu là những vi trần rất nhỏ như những nguyên tử, những điện tử bây giờ. Người ta đi tới đơn vị nhỏ nhất của không gian và thời gian và nói rằng tất cả đều chuyển biến, nhưng nằm dưới thời gian là một cái gì có thật, những yếu tố làm ra cái ngã có thật. Ngã không có nhưng yếu tố làm ra ngã thì có.

Hữu Bộ muốn trung kiên với Phật giáo, với Đức Thế Tôn nên nói rằng không có ngã. Nhưng Hữu Bộ cũng nói, những yếu tố làm cho ta cảm tưởng là có ngã, những yếu tố đó có thật. Giáo lý của Hữu Bộ là: Ngã không pháp hữu. (There is no self but there are elements, there are things). Những pháp đó rốt cuộc là những vi trần, những nguyên tử, những sát na của thời gian, và những pháp đó có; chỉ có ngã là không có thôi. Trong lý thuyết “ngã không pháp hữu” người ta đi tới một cái gọi là tự tánh. Đây cũng là một nét không chính thống của Hữu Bộ, tức là không trung thành với giáo lý của Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói không có tự tánh, không có ngã. Bên ngoài Hữu Bộ nói không có ngã, nhưng bên trong lại nói có tự tánh. Điều này rất nguy hiểm, vì tự tánh là một cái gì rất gần với ngã, nó giông giống như cái ngã. Hữu Bộ (Sarvāstivāda) thuộc về giáo hội của những người bảo thủ, tức Thượng Tọa Bộ, nhưng vì phải tranh đấu với những lý thuyết của Ấn Độ giáo nên tinh luyện ra những lý thuyết để chống trả. Trong khi tranh đấu như vậy đã đi tới một ý niệm rất nguy hiểm, ý niệm đó có thể phản lại giáo lý nguyên thỉ của Đức Thế Tôn, tức là giáo lý vô ngã.

Đồng thời có một bộ phái lớn nữa là Kinh Lượng Bộ (Sautrāntika). Kinh Lượng Bộ là một giáo phái không say mê chuyện sáng tác ra những bộ luận mới như Tỳ Bà Sa. Họ chỉ bám riết vào kinh, chỉ theo lời kinh thôi nên gọi là Kinh Lượng Bộ, tức là cái thấy, cái hiểu của họ chỉ dựa vào kinh văn. Kinh Lượng Bộ chủ trương: “Quá khứ không có, tương lai không có, chỉ có hiện tại thôi”. Có lẽ họ cũng đã đọc kinh Người biết sống một mình: Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới, kẻ thức giả an trú trong giờ phút hiện tại. Họ đọc kinh, nhưng không thấy được tánh tương tức giữa ba thời.

Sự khác nhau giữa Hữu Bộ và Kinh Lượng Bộ là: Hữu Bộ cho rằng cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai đều có thật; còn Kinh Lượng Bộ nói quá khứ không có thật, tương lai không có thật, chỉ có hiện tại có thật thôi. Kinh Lượng Bộ cũng chấp nhận ý niệm vi trần và ý niệm sát na của Hữu Bộ. Kinh Lượng Bộ cũng nghĩ rằng, trong sự sinh diệt của các pháp thì phải có một cái gì nối kết để cái này mới trở thành cái kia được. Vì vậy Kinh Lượng Bộ đi tới một ý niệm về ngã rất ngộ nghĩnh, quan niệm đó là “Phi tức phi ly uẩn ngã”.

Ý niệm này về sau được nhiều tông phái đi theo. Đi tìm cái ngã ở đâu? Tìm trong năm uẩn hay tìm ngoài năm uẩn? Tức có nghĩa là: là năm uẩn. Ly có nghĩa là: xa năm uẩn.

Chúng ta thấy người đời thường có hai quan niệm:
Một quan niệm là tìm ngã trong năm uẩn (tức uẩn) và một quan niệm là tìm ngã ngoài năm uẩn (ly uẩn).

Quan niệm của Kinh Lượng Bộ là quan niệm thứ ba: Có cái ngã không phải là uẩn mà cũng không phải ngoài uẩn, không nằm trong uẩn mà cũng không nằm ngoài uẩn. Đó là ý niệm đưa ra để giải thích tại sao lại có sự nối tiếp, có nhân quả. Họ chấp nhận có một cái ngã mà cái ngã đó không hẳn là ngũ uẩn (vì ngũ uẩn luôn luôn biến chuyển) và cũng không phải ngoài uẩn. Đó là một quan niệm rất rắc rối. Phi tức phi ly nghĩa là không phải là nó mà cũng không phải là không nó, không phải là uẩn mà cũng không phải là không phải uẩn (phi tức phi ly uẩn). Tức uẩn là “là uẩn”, ly uẩn là “không phải là uẩn”. Có một cái ngã mà ta không thể tìm thấy trong ngũ uẩn, cũng không tìm thấy ngoài ngũ uẩn, đó là ý niệm “phi tức phi ly uẩn ngã”. Cái ngã đó gọi là pudgala (bố đặc già la). Sau này sinh ra một học phái gọi là Pudgalavāda. Pudgala là một cái ngã, người ta không dùng chữ atman mà dùng chữ pudgala.

Kinh Lượng Bộ hay trích trong kinh những câu như: Có một người xuất hiện trong cõi đời này và sự xuất hiện của người đó đem lại lợi lạc cho không biết bao nhiêu người khác. Câu đó muốn nói về Bụt. Trong đời xuất hiện một Đức Thế Tôn và nhờ Đức Thế Tôn mà biết bao nhiêu người được độ. Kinh nói là có một người, tại sao chúng ta lại cho là không có người (vô ngã là không có người)? Người đó là pudgala, Như Lai là pudgala. Chúng ta không có ātman nhưng có pudgala, nghĩa là người ta đi tìm một cái ngã để có thể cắt nghĩa, điều đó hoàn toàn không mang tính cách chính thống của đạo Bụt.

Khi thầy Huyền Trang đi qua Ấn Độ thỉnh kinh vào thế kỷ thứ bảy thì học phái Pudgalavāda đã có 70.000 thầy, rất đông và rất hưng thịnh.

Tư tưởng pudgala (bố đặc già la) rất quan trọng và từ Kinh Lượng Bộ (Sautrāntika) mà ra. Những bộ phái như Sarvāstivāda hay Sautrāntika đâu có muốn phản lại Bụt, họ vẫn muốn trung thành với lý thuyết vô thường và vô ngã. Nhưng tại bên kia tấn công quá, bên kia nói phải có ātman, có Brahma. Vì vậy bên này tìm cách tạo ra một cái gì làm thỏa hợp một phần nào để có thể giải thích được tại sao có sự tiếp nối. Nếu không có tự tánh phía dưới thì làm sao có sự tiếp nối? Vì thế họ đã sáng tạo ra khái niệm pudgala, và sau này trở thành một học phái rất lớn gọi là Pudgalavāda.

Do vậy đạo Phật đã đi rất gần với những học phái triết học Ấn Độ là Số Luận (Sāmkhya) và Thắng Luận (Vaiśesika). Sự khác biệt giữa đạo Bụt và Ấn Độ giáo từ từ mờ dần đi. Ban đầu, giáo lý của Bụt hoàn toàn ngược lại với giáo lý của Ấn Độ giáo, rồi ranh giới giữa đạo Bụt và Ấn Độ giáo từ từ bị xóa đi và bây giờ người ta lẫn lộn Vedānta với đạo Bụt. Số Luận và Thắng Luận là hai học phái thời đó cùng với Kinh Lượng Bộ công nhận là có tự tánh.

Vì vậy, chương đầu của Trung Luận là chĩa mũi dùi vào quan niệm tự tánh, chĩa ngay trong đạo Bụt mà không chĩa về bên kia vì thầy Long Thọ thấy rằng Hữu Bộ và Kinh Lượng Bộ đã đi quá đà. Thầy Long Thọ muốn trung kiên với Đức Thế Tôn và muốn sửa lại những điều sai lầm mà các bộ phái thời đó đang vấp phải.

Chương đầu của Trung Luận đả kích quan niệm về tự tánh (self-nature). Phải hiểu như vậy thì chúng ta mới hiểu được câu này: Nếu quả là từ duyên mà sinh ra, mà nhìn vào trong duyên thì thấy nó biến chuyển, không có gì chắc thật; vì vậy duyên đó không có tự tánh. Khi quả từ một cái không có tự tánh sinh ra thì tại sao ta gọi cái đó là duyên? Ngài làm cho người ta thấy sự vô lý của lý luận kia.

Bố đặc già la là tiếng phiên âm của pudgala. Pudgalavāda quan niệm: Có cái ngã không phải là uẩn (tại vì năm uẩn biến chuyển luôn) cũng không nằm ngoài năm uẩn (phi tức phi ly). Đó là sản phẩm của Kinh Lượng Bộ, Độc Tử Bộ (Vātsīputrīya) và Chánh Lượng Bộ (Sammitīya). Ba tông phái này công nhận một cái ngã gọi là “phi tức phi ly uẩn ngã”. Pudgala có nghĩa là người, nên Pudgalavāda dịch ra tiếng Anh là Personalist (Personalism).

Bây giờ chúng ta học đến bài cuối cùng của chương đầu.

Bài kệ 14

Quả bất tùng duyên sinh 果不從緣生
Bất tùng phi duyên sinh 不從非緣生
Dĩ quả vô hữu cố 以果無有故
Duyên phi duyên diệc vô. 緣非緣亦無

Quả không từ duyên sinh
Không từ phi duyên sinh
Quả vốn đã không có
Duyên phi duyên cũng không.

Bài này là bài kết luận: Quả không từ duyên mà sinh, cũng không từ phi duyên mà sinh. Tại vì bản chất của quả là Không nên bản chất của duyên và phi duyên cũng không có. Điều đó đưa tới ý niệm về Không. Đặc tính của quả là Không, cho nên duyên cũng Không mà phi duyên cũng Không.

Chúng ta phải hiểu bài này trong văn mạch của bài kệ thứ mười ba: Quả không từ duyên cũng không phải từ phi duyên mà sinh, vì quả trong tự thể của nó là không có thật; cho nên cái gọi là duyên hay phi duyên cũng không có thật.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (Thiền sư Nhất Hạnh giảng Trung Quán Luận)
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 9-2012

http://thuvienhoasen.org/

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.