Hồi Tưởng Cho Người Vừa Nằm Xuống

Hồi tưởng cho người vừa nằm xuống – Chú Minh Liên-Nguyễn Văn Dọng
Giữa kiếp phù sinh lỡ bồi đang tiếp diễn trò chơi sanh tử, vạn pháp vô thường biến đổi là chân lý muôn đời, Chú đã ra đi như mây trắng thong dong. Con kính chúc Chú giữ vẹn thệ nguyền của người con Phật, cho dù Chú có đi, về hay đến bất cứ nơi nào trong thế giới bao la, thì Chú ơi! Pháp giới vẫn là nhà, chúng sanh vẫn là quyến thuộc cho tròn đầy phạm hạnh. Vì:

Không-thời gian làm nên cuộc chia ly
Tâm phiêu lãng khóc phân kỳ ảo mộng.

Hồi tưởng lại một lần tôi đã đàm thoại cùng Chú trên phone:

– Thưa Chú, cách đây vài tháng, Phượng, thành viên của đoàn Phật tử trên Canberra đến nhà con xin tất cả những quyển Kinh của Chú dịch chung với ông Đinh Sĩ Trang. Đoàn vừa thảo luận xong về quyển “Tìm Hiểu Kinh Pháp Hoa”, họ khen hay quá! Nên lần này họ thảo luận tiếp về “Pháp Bảo Đàn Kinh”. Chú cho con xin lỗi, vì chưa xin phép Chú mà con lập tức trả lời với họ có thể tùy nghi photocopy hoặc in ra theo nhu cầu.

Chú cười.

– Ừ, họ làm gì được thì làm.

Tiếng Chú bên đầu dây điện thoại con nghe không được rõ ràng, tuy Chú rất vui nhưng giọng nói dường như bị đớt đát. Có cái gì nghèn nghẹn dâng lên trong lòng, con ứng khẩu:

– Thưa Chú, cuộc đời con trong quá khứ đến bây giờ, nếu có chút phước báu hay công đức nào, con xin chia hết cho Chú, để Chú được tăng thêm tuổi thọ hầu nối tiếp con đường giải thoát.

Chú trả lời:

– Làm mà thấy mình có phước thì còn bản ngã, chưa được.

Tôi giật mình, Chú đang nói đến hành động duy tác, là hành động trong sáng không tạo nghiệp thiện ác, không ngã nhân của những Vị:

Người nhập cuộc với Hoàng Y phụng hiến
Vỡ thời gian trong hiện thực sát-na
Duy tác hành rạng rỡ mảnh cà sa
Rồi cứ thế đi qua dòng nhân ảnh.
Dáng bên trời vầng trăng xưa vành vạnh
Từng bước chân tịch chiếu tánh viên minh.
Đỗ bến đời từ một cõi vô sinh
Rồi cứ thế gót đăng trình đại nguyện.

Nhưng tôi vẫn trả lời nhanh nhẩu như chẳng có gì:

– Thưa Chú, con hiểu công đức trả về không. Nhưng con dùng ngôn ngữ để bày tỏ tấm lòng biết ơn của con với Chú. Con vào chùa Hoa Nghiêm được 10 năm tròn, Chú là một trong những người đã dùng nhiều phương tiện giúp con thấy ra đạo, nhận ra chân lý rốt ráo trong đời sống này.

Chú liền giải thích:

– Ừ, Chú đang bệnh. Nhưng phải có vô thường, khổ, thân thể bệnh để không còn ngã mạn, không còn chỗ cho mình chấp thủ.

Tôi hiểu giác ngộ giải thoát là nhận ra bản chất chân thật của đời sống: vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh, cho cái ta không còn nơi bám trụ mới gọi là tự do. Vì tự do là ung dung trong ràng buộc, tự tại giữa khổ đau với nụ cười an nhiên vô úy.

Thế gian ơi, đời vẫn là cuộc lữ
Bước đi – về như huyễn cũng như chân
Thấy Niết-bàn trong sinh tử phù vân
Ai ngờ được bờ mê là Bến Giác! ( Sư Viên Minh)

Hoa Nghiêm hiện tại là mảnh đất hoang vu ngày ấy, nó được Thầy về vỡ đất sơ khai một mái chùa tinh khôi giữa cây cỏ reo vui. Và mái chùa đã thành lập như một tiếng Chày Kình thiêng liêng, để mở lối cho Trang Kinh nhập vào đời cư dân hải ngoại, biết sống hài hòa thức tỉnh trong xã hội nhân quần. Một lần nào đó trong đạo tràng, Huệ Thường hỏi Thầy rằng: Phước có giúp cho chúng ta hết bệnh để chúng ta dễ tu hơn không? Thầy giải thích cho chúng tôi hiểu: Bệnh là nghiệp quả bất thiện đang giúp mình nhận ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã của đời sống.

Còn phước hay quả của nghiệp thiện trong quá khứ lại đang giúp chúng ta có đủ nhẫn nại, từ bi và trí tuệ để giác ngộ bản chất ấy.

Dù đang cảm động, nhưng bản tánh hay dấu che cảm xúc, nên tôi nhanh nhẩu:

– Oh! Chú bệnh như vậy mà còn nói Pháp với con. Ý Chú muốn nói thái độ trầm tĩnh nhẫn nại của mình đối với bản chất thật của cuộc đời, mới là điều quan trọng. Phải không Chú? Dùng cái tâm vô sinh để nhìn vạn sự sinh diệt. Phải không Chú?

Bàn về sanh tử, tôi chợt nhớ lại một lần ngồi trong văn phòng trực ở chùa, Chú đã kể cho tôi nghe thế này:

Thành phố Pleiku, Kontum nổi danh với vẻ đẹp hoang sơ là nhà lẩn trong mây và phố ẩn trong sương. Thế mà năm 1972-1973 lâm vào tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Nước mắt đoanh tròng, người dân phải bỏ lại quê cha đất tổ để di chuyển vào Sài Gòn. Đoàn người di tản tiếp nối nhau ngồi đợi ở phi trường như con trăn khổng lồ phơi mình giữa trần gian địa ngục. Không đoàn cử Chú là nhân viên điều hành cho dân cao nguyên lên máy bay theo thứ tự. Đối diện cùng tháng ngày vô định với cuộc nội chiến của quê hương và thấu hiểu không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, nên Chú đã từ chối sự đút lót bạc tiền của dân giàu có mong giành quyền được ưu tiên.

Giọng Chú bên kia đầu dây yếu ớt:

– Ừ, ai cũng phải chết! Ai cũng muốn mau hết bệnh, dù biết muốn là còn tham, nhưng quá khó chịu trong mình, thân thể không như ý nên nổi sân, chẳng có cách nào né tránh phiền não khổ đau, chỉ biết niệm Phật liên tục thì tâm lắng lại.

Tôi hiểu vấn đề không phải là tránh né phiền não khổ đau hay mong cầu bình an hạnh phúc. Nhờ có khổ mới thấy có bản ngã ảo tưởng, nhờ thấy bản ngã là ảo nên mới thấy pháp vô ngã. Đó chính là trí tuệ thấy được bản chất của pháp. Chỉ có người trong cuộc mới biết “thân đau mà tâm không khổ” là hành của bậc Thánh. Nên tôi nhẹ nhàng:

– Dạ, con hiểu rồi! Tại sao mình chết, bệnh hoặc tai nạn thình lình hay chết vì lý do gì không thành vấn đề, quan trọng là thái độ TÂM lúc chết ra sao thôi. Phải không Chú?

Chú trả lời:

– Hiểu như vậy là tốt rồi! Niệm Phật đi! Niệm mà không mong cầu gì cả. Không dính mắc bất cứ điều gì của quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là vô sở trụ. Niệm Phật là quay về tánh giác. Khi thanh tịnh thì tánh giác sáng soi.

Khổ đau giúp chúng ta thăng hoa rất nhiều trên đường đạo. Muốn biết vàng ròng phải cần thử lửa. Những người nhẫn nhục chính là những người dũng cảm nhất trên đời. Vì họ có đủ khả năng biến khổ đau thành an lạc, điều mà kẻ kiêu ngạo không thể nào làm được. Chỉ có trọn vẹn trở về với sát-na thực tại, không còn đối đãi ngã nhân, ở đó không có bề dày không gian và thời gian nào cả.

Tôi muốn gác phone vì hiểu Chú cần được nghĩ ngơi:

– Wow! Chú nói đạo cao quá nha! Nhưng con biết mà Chú! Ngay đây là hiện tại, chỉ một thoáng thì hiện tại đã trở thành quá khứ mất rồi. Con hiểu mình chỉ sống với Cái Đang Là chứ không phải chấp vào hiện tại. Thưa, con để Chú nghĩ ngơi nha Chú.

Đâu ngờ đó là lần trò chuyện sau cùng! Con đốt ngữ ngôn thay trầm hương lam khói, để tiển Chú đi về cõi an lành. Ôi! một phút vô thường, xác thân tạm xả! Thế gian gọi là nghìn thu vĩnh biệt! Thật ra Chú chỉ tùy duyên ứng hiện ở một cõi khác tịnh lạc an nhiên. Vì không có cuộc chia ly, mà toàn thể chúng ta đang thực hành hạnh xả buông, để chỉ có một nơi tuần tự đi về: là cõi uyên nguyên thuần tịnh.

Chú đã chuyển thái độ não phiền bằng nét hỷ hoan hằn lên gương mặt đầy trí lực trong giây phút ra đi, là sợi chỉ vàng huyền nhiệm thêu lên cuối cuộc đời này của Chú.

Thầy mình cùng Phật tử Hoa Nghiêm, cũng đã thành lập một bản trường ca trở về nguồn cội, mà Chú là một trong những nốt nhạc đầu tiên với cung trầm ấn tượng, Chú là một trong những nốt giờ đã vỡ toang, nhưng bạn bè vẫn nhớ về Chú, là nét mặt thật nghiêm trang khó tính, nhưng nụ cười lại buông xả hiền hòa. Tuy hơi nóng nảy nhưng với lòng từ thiện thệ, Chú đã trường chay kể từ ngày đầu tiên bước chân vào xứ sở tự do.

Mỗi cuộc đời chúng ta là một bài Pháp sinh động, cho tự bản thân mình học hỏi. Với người cầu sự giác ngộ giải thoát, thì phải biết sống trong chánh niệm, và làm lợi lạc quần sanh. Không phước nào lớn bằng giúp chúng sanh mở mang trí tuệ. Lời kinh xưa Chú đã dịch cùng với Đinh Sĩ Trang, đã là tiếng vang tịch lặng cho đến bây giờ và mãi về sau, như tâm Chú vẫn an nhiên khi rời thân xác vô thường, như một kẻ đang trên đường bình an trở về quê hương xứ sở.

Hòa Thượng Viên Minh đã nói: “Cuộc đời dường như là cuộc hẹn ra đi và trở về. Sinh ra trong cuộc đời giống như rời bỏ quê hương đi tìm một cái gì đó trong trời đất, và hẹn ngày trở lại… Thế rồi đi vào viễn mộng, trải qua bao nỗi thăng trầm, sóng gió… một ngày nào đó chợt nhớ đến lời hẹn ước trở về cố quận. Ra đi là hẹn hay trở về là hẹn, hay ra đi chính là trở về? Đó là một bí mật mà mỗi người phải tự mình khám phá ra câu trả lời đích thực cho chính mình. Và phải chăng giải đáp đó cũng chính là ý nghĩa cuộc đời?”

Ta có hẹn nhưng quên rồi ngày tháng
Cuộc tao phùng xin trả lại thời gian
Ta có đến một phương trời lãng đãng
Tựa hồ như có hẹn cõi ba ngàn. (Sư Viên Minh)

Viên Hướng

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.