Vườn Thiền Nhật Bản

Chào các bạn! Các bạn có bao giờ để ý đến khu vườn nhà mình không? Kiểu như khu vườn nhà mình có mấy cây hoa, mấy cây rau, khi nào thì nở hoa nhiều nhất…Hoặc là thỉnh thoảng các bạn có sắp xếp lại mấy chậu cây cảnh để thay đổi không khí, hoặc khiến cho khu vườn của mình trở nên ý nghĩa hơn, cho dù ý nghĩa ấy chỉ có bạn mới nghĩ ra và cảm nhận được.


Thông thường thì các khu vườn phương Tây hay kể cả vườn Việt Nam nhà mình, hay trồng thật nhiều hoa với những sắc màu dịu dàng hay rực rỡ để tô điểm thêm cho căn nhà và khoảng sân, phải không? Nhưng với người Nhật, khu vườn không chỉ dùng để tô điểm cho căn nhà đâu. Làm vườn được họ coi là một nghệ thuật cao quý cần được lưu giữ vào bảo tồn. Và khu vườn chính là tuyệt tác của những nghệ nhân làm vườn. Mọi thứ từ cây cối cho đến những đồ vật đặt trong khu vườn đều có xu hướng thiên về tâm linh, một thứ tâm tưởng thuộc về nơi linh thiêng, cao quý. Nhìn vào khu vườn truyền thống của Nhật, chúng ta sẽ thấy một không gian yên ắng, thanh bình đến trống trải. Nhưng điều đó không khiến người ta cảm thấy nhàm chán, ngược lại càng khiến chúng ta tò mò hơn, và sẽ ngắm nhìn khu vườn lâu hơn, kỹ hơn, để rồi tìm ra được sự cầu kỳ và tinh tế trong thiết kế của khu vườn, đồng thời khám phá ra chính bản thân và tâm hồn mình. Nếu bỏ thời gian ra để khám phá khu vườn Nhật Bản và ý nghĩa của nó, chắc chắn bạn sẽ còn thấy nhiều điều hấp dẫn và thú vị hơn nữa.

Một khu vườn Nhật cơ bản thường bao gồm các yếu tố: hồ nước, đá, cây và những thực vật nhỏ hơn. Theo những nghệ nhân làm vườn, khu vườn là sự mô tả thiên nhiên một cách chính xác nhất và cũng thể hiện được lòng kính trọng của con người đối với tự nhiên. Thậm chí nhìn vào khu vườn Nhật, bạn còn có thể thấy được cả 4 mùa trong đó. Phong cách thiết kế khu vườn Nhật Bản có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu nhất vẫn là 3 phong cách truyền thống: Karesansui, Chaniwa và Tsukiyama.

Mở đầu cho loạt bài về các phong cách thiết kế vườn Nhật này, Ichi sẽ giới thiệu tới các bạn khu vườn theo phong cách Karesansui.

Karesansui (枯山水), có nghĩa là vườn khô, còn được gọi là vườn đá hay khu vườn có dòng suối khô. Đây là khu vườn có sự kết hợp chặt chẽ với Phật giáo Thiền phái, là phong cách duy nhất chỉ có ở Nhật, nên cũng có nơi gọi là vườn Thiền. Trong kiểu thiết kế này, vẻ đẹp của thiên nhiên được miêu tả theo quan niệm trừu tượng bằng cách sử dụng đá, cát, sỏi và những miếng rêu. Rất ít cây cỏ, thậm chí có nơi không hề có. Khu vườn được thiết kế trông như những hòn đảo hay ngọn núi nổi lên trên giữa mặt nước mênh mông trong khi không hề sử dụng một chút nước nào.

Nước ở đây chính là cát trắng được cào thành những vòng tròn gợn sóng xung quanh những hòn đá – tượng trưng cho những hòn đảo và núi non của Nhật Bản. Những viên sỏi hay phiến đá phẳng sẽ tượng trưng cho những cây cầu. Và một điều đặc biệt là, khu vườn luôn được thay đổi theo một thời gian nhất định. Những hòn đá, những làn sóng cát được sắp xếp lại theo chủ ý của chủ nhân khu vườn, nhưng những hòn sỏi hay phiến đá thì rất ít khi được sắp xếp lại, chúng chỉ được xếp lại theo một trật tự mới mỗi khi có sự can thiệp của thời tiết hoặc do sự vô tình của con người.

Một trong những nghệ nhân làm vườn Thiền được biết đến sớm nhất là Musou Kokushi (1275 – 1351), là người đã dựng lên 66 ngôi miếu đạo Thiền khắp đất nước Nhật Bản, và thiết kế hàng tá khu vườn Thiền ở Kamakura và cả Kyoto. Nhưng khu vườn Thiền khô được biết đến đầu tiên lại là vào năm 1251, nó thuộc về chùa Kenchou ở Kamakura – 1 trong 5 ngôi chùa Thiền lớn nhất thời Kamakura. Kenchou đã trở thành trung tâm Phật giáo Thiền phái lớn nhất dưới sự bảo trợ của nhà nước.

This entry was posted in Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.