Đạo Làm Người

Tăng là những người thừa kế sự nghiệp của đức Phật, sống đời đơn giản đạm bạc, vừa học vừa tu, vừa hướng dẫn lại cho tất cả mọi người. Ai có đầy đủ phước duyên mới gặp được Phật pháp qua sự hướng dẫn của chư Tăng ni. Kính trọng chư Tăng là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc cũng như công ơn của cha mẹ không gì có thể sánh bằng. Nhờ vậy, các em có cơ hội được học hỏi những điều hay lẽ phải mà biết cách áp dụng vào đời sống hằng ngày để sống đời bình yên, hạnh phúc.

Trên đời này luôn có hai hạng Bồ tát là Bồ tát xuất gia và Bồ tát tại gia. Hai hạng Bồ tát này luôn có mặt khắp mọi nơi trong cõi nhân gian để đem niềm vui đến với mọi người và sẵn sàng sẻ chia những nỗi khổ, niềm đau của tha nhân. Bồ tát lúc nào cũng thương yêu tất cả chúng sinh bình đẳng bằng trái tim hiểu biết nên không bao giờ phân biệt người thân hay kẻ thù. Chính vì vậy, trong số người đời ai có lòng từ bi, có trí tuệ và luôn đóng góp, giúp đỡ, sẻ chia, làm được những việc khó làm thì ta biết họ chính là những Bồ tát thị hiện.

Người xuất gia có thực phẩm hàng ngày và được yên ổn tu hành thì phải nhớ ơn những người đã tạo ra thực phẩm, nhớ ơn người giữ an ninh xã hội và nhớ ơn đàn na tín thí đã nhín ăn bớt mặc đóng góp, hộ trì giúp chư Tăng ni an ổn tu hành để chuyển hoá phiền não tham-sân-si, trên cầu quả Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh.

Các vị Bồ tát đi vào đời dưới nhiều hình thức xuất gia và tại gia vì đã phát nguyện thành tựu Phật đạo bằng con đường hành Bồ tát đạo, các vị nguyện sanh lại cuộc đời để dấn thân đóng góp và làm việc với nhau một cách nhịp nhàng. Có vị là bậc chân tu thạc đức, có vị làm vua, làm tướng, làm giám đốc, làm người nữ hay người nam với đủ mọi ngành nghề để phục vụ nhân loại. Hai chúng Bồ tát xuất gia và Bồ tát tại gia hợp tác với nhau mật thiết thì Phật sự dễ dàng thành tựu theo chiều hướng tốt đẹp.

Chúng xuất gia chuyên học hỏi tu tập, thuyết pháp giảng Kinh, xây dựng con người đạo đức tâm linh. Chúng tại gia thì hộ trì Tam bảo và cùng chúng xuất gia tu tập chuyển hoá, hỗ trợ cho nhau. Hai chúng tại gia và xuất gia phải biết cách hợp tác với nhau để làm lợi ích cho đời, nhưng đều phải có tu tập mới chuyển hoá được nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Vì vậy, các vị Bồ tát tuỳ theo tâm nguyện mà làm một nhà sư, một thủ tướng, một giám đốc, làm người nam hay nữ, làm kẻ trồng trọt hoa màu hoặc kinh doanh mua bán để hỗ trợ cho nhau thành tựu Phật pháp.

Từ đó, giới cư sĩ tại gia hộ trì Chánh pháp giúp Tam bảo trường tồn ở thế gian và duy trì giống nòi nhân loại. Chúng xuất gia giữ gìn Chánh pháp và tu tập làm gương cho nhân thế, vừa học vừa tu để giáo hóa độ sinh, làm gương sáng cho cuộc đời giúp mọi người thoát ra biển khổ sông mê để làm người có ích.

Tấm gương sáng của người xuất gia là không kẹt vào danh vọng lợi dưỡng, không dính mắc tham đắm tiền bạc và sự cung kính của mọi người. Họ là người tu theo hạnh giác ngộ, giải thoát nên cần phải “muốn ít biết đủ”, sống đời đơn giản đạm bạc. Cả hai hạng Bồ tát xuất gia lẫn tại gia luôn có tấm lòng từ bi rộng lớn nên lúc nào cũng sống bằng trái tim hiểu biết mà tuỳ duyên làm lợi ích cho nhân loại.

Sống thương yêu người bình đẳng,
Bằng trái tim có hiểu biết.

Các em là những người tại gia sống trong gia đình và xã hội cũng cần phải có ý thức trách nhiệm, khi còn nhỏ thì nghe lời cha mẹ chỉ dạy, đến học đường thì vâng lời thầy cô giáo, siêng năng chăm chỉ học, đến khi lớn khôn chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính để nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp lợi ích xã hội bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Phàm làm người ai cũng tìm kiếm hạnh phúc cho thể xác lẫn tinh thần, nhưng muốn tìm về cội nguồn của an lạc thì phải tìm hiểu xem Phật là ai? Phật có phải là một đấng thần linh, thượng đế ban phước giáng hoạ như nhiều người thường lầm tưởng hay không? Hoặc Phật là một nhân vật huyền thoại không có thật?

Phật là danh từ chung, nói cho đủ là Phật đà, nói gọn lại là Phật. Phật là vị thầy chỉ đường hướng dẫn cho chúng ta biết được những điều hay lẽ phải, nên hư, tốt xấu trong cuộc đời; còn làm được hay không là do chúng ta quyết định. Phật là người giác ngộ, là người tỉnh thức, là người thấy biết đúng như thật, là người đã vượt qua vòng luân hồi sinh tử, là bậc mô phạm vĩ đại, là nhà đạo đức giáo dục tâm linh có một không hai trên thế gian này.

Trước khi thành Phật Ngài là một hoàng thái tử chuẩn bị kế thừa ngôi vua. Dù có vợ đẹp con xinh, có cung vàng điện ngọc, có thần dân thiên hạ, có tất cả mọi lạc thú trên đời nhưng vì ý thức được sự khổ đau của nhân loại khi ai cũng phải sinh-già-bệnh-chết nên Ngài quyết định đi tu và cuối cùng đã tìm ra phương pháp thoát khỏi khổ đau sinh tử. Điểm đặc biệt ở đây là đức Phật cũng là một con người bằng xương bằng thịt giống như tất cả mọi người. Ngài cũng được sinh ra từ bụng mẹ, khi lớn lên cũng có vợ có con nhưng Ngài đã xuất gia tu hành và chứng đạo vô thượng Chánh Đẳng Giác.

Các em khi chưa bước vào đời như người đứng trước ngã tư đường không biết chọn hướng đi nào cho đúng. Để xác định đúng phương hướng các em phải biết rõ mục đích sau khi có nghiệm xét chín chắn, rõ ràng.

Giáo lý đạo Phật có 3 mục đích:

– Mục đích thứ nhất: Sống làm người hay chư thiên các cõi trời có nhân cách đạo đức tốt; sống thương yêu, giúp đỡ mọi người nhờ giữ 5 Giới và tu 10 điều thiện lành, tốt đẹp.

– Mục đích thứ hai: Nghe lời Phật dạy hàng Thanh văn tự tu giải thoát; hoặc hàng Duyên giác thấy được lý vô thường của vạn vật nhờ quán 12 nhân duyên mà được giác ngộ, giải thoát.

– Mục đích thứ ba: Hành Bồ tát đạo cùng chia vui, sớt khổ với tất cả mọi người; tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn thành Phật.

Nhưng chúng ta chia vui với mọi người như thế nào? Ta sống làm sao để những gì mình biết được, học được và làm được có lợi ích cho nhiều người mà không làm tổn hại cho ai. Phật pháp là chiếc thuyền vững chắc đưa con người qua biển khổ sông mê bằng sự trải nghiệm thực tế của các Thánh nhân. Giáo lý đạo Phật giúp các em có được một nhân cách sống thiện lành, tốt đẹp chỉ với 3 câu châm ngôn đơn giản và thiết thực:

– Em luôn cung kính và tưởng nhớ Phật.

– Em luôn thương yêu, kính mến ông bà cha mẹ và cùng vui vẻ, thuận thảo với anh chị em.

– Em luôn thương người và vật.

Cách nay gần 3000 năm, tại đất nước Ấn Độ có một vị Hoàng thái tử tên là Sĩ Đạt Ta, cha là vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma Da. Ngài đã đi ngược lại các truyền thống xa xưa luôn cho rằng có đấng tối cao ban phước giáng họa, ai theo sẽ được lên thiên đàng, ai không theo sẽ bị đọa địa ngục.

Ngài đã mở ra trang sử mới, một trang sử huy hoàng nhất trong lịch sử nhân loại chưa từng có từ trước đến nay. Ngài đã đem lại quyền làm chủ của kiếp người, con người không còn lệ thuộc vào đấng thần linh, thượng đế, nếu có thì chỉ là thượng đế tối cao của chính mình, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau.

Ngài cũng là một con người giống như tất cả mọi người nhưng Ngài đã luôn sống và làm việc phục vụ vì lợi ích chúng sinh mà không tham đắm, dính mắc như tất cả mọi người trên thế gian này. Về ý nghĩa lịch sử Phật là một con người, về mặt tâm linh Phật là tính biết sáng suốt ngay nơi thân của tất cả chúng sinh. Ngài đã nói lên một câu tuyên ngôn bất hữu được lưu truyền mãi muôn đời mà tất cả chúng ta ai ai cũng có phần: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Các em ai cũng có khả năng thành Phật, ai cũng có tính biết sáng suốt thường hằng, chỉ vì các em chẳng chịu thừa nhận nên mãi sống trong đau khổ lầm mê. Vậy các em thích mê hay thích ngộ? Khi mê ta là chúng sinh, khi giác thì Phật hiện tiền. Cái biết này lúc nào cũng thường hằng, như người ngủ ban đêm không có đèn với tay ra sau tìm chiếc gối. Vậy cái gì biết tìm chiếc gối? Đó là cái biết nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, nương nơi tai thì nghe rõ các tiếng mà không chạy theo âm thanh nào, mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế.

Các em luôn biết cung kính và tưởng nhớ Phật là điều không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cung kính để học hạnh từ bi của Ngài với tinh thần vô ngã, vị tha giúp con người sống với nhau bằng tình thương yêu và hiểu biết, dấn thân và phục vụ, bao dung và tha thứ, cảm thông và chia sẻ với nỗi khổ, niềm đau của chúng sinh.

Các em tưởng nhớ Phật để biết mình cũng có tính giác sáng suốt, thanh tịnh nên không si mê, lầm lạc mà gây đau khổ cho người và vật. Nhờ cung kính và tưởng nhớ Phật các em sẽ thấy tinh thần bình đẳng của đạo Phật trong việc đối nhân xử thế để luôn tìm cách đem an vui, hạnh phúc đến cho nhiều người bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Ở Ấn Độ có hoàng thái tử giác ngộ đi tu thành Phật. Ở Việt Nam chúng ta có đức vua Trần Nhân Tông giác ngộ đi tu thành Tổ, gọi là Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Thiền sư Trúc Lâm đại đầu đà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hướng dẫn người xuất gia tu hạnh Bồ tát đạo cho đến khi nào thành Phật viên mãn mới thôi; với người cư sĩ tại gia ngài dạy nên gìn giữ 5 điều đạo đức và tu 10 điều thiện lành, phá bỏ các tập tục mê tín có tính cách làm hại cho dân chúng; nhờ vậy mà mọi người biết cách làm chủ bản thân, ý suy nghĩ điều tốt rồi phát xuất ra lời nói chân thật mà hành động lợi ích cho gia đình và xã hội, biết tin sâu nhân quả, làm lành lánh dữ và sống yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết.

Phật giáo đời Trần là một nét son vàng chiếu sáng giúp cho dân chúng cơm no áo ấm, bình yên, an vui và hạnh phúc; khơi lại tinh thần dân tộc làm chủ đất nước, đánh đuổi quân xâm lược ngoại bang, góp phần giữ gìn an ninh bờ cõi trọn vẹn cho đến ngày hôm nay.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

http://thuvienhoasen.org

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.