Đạo Làm Người

Đạo Phật là đạo của con người nên lúc nào cũng đặt chữ hiếu lên hàng đầu, ai muốn sống có nhân cách đạo đức tốt trước phải biết cung kính, hiếu thảo với cha mẹ. Hiếu thảo là tình cảm kính yêu của con cái đối với công ơn cha mẹ. Chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người con đại hiếu, Ngài luôn nêu cao hạnh hiếu, tán dương công đức của mẹ cha. Ngài nói rằng: “Sở dĩ ta tu hành thành Phật là nhờ mẹ sinh, cha nuôi dưỡng. Nếu không có cha mẹ làm sao ta có thân này để tu hành”. Cho nên, Ngài nói:

Vui thay hiếu kính mẹ,
Vui thay hiếu kính cha,
Vui thay hiếu kính Sa môn,
Vui thay hiếu kính bậc hiền Thánh.

Lời nói của Phật làm cho chúng ta phải suy nghĩ, trước tiên ta phải hiếu kính cha mẹ trước rồi sau đó mới hiếu kính tôn trọng các bậc hiền Thánh. Lời dạy của Ngài cách nay đã hơn 2600 năm nhưng cho đến bây giờ vẫn còn vang vọng khắp cả nhân gian. Ai dù bất hiếu đến đâu khi nghe lời dạy này cũng sẽ thức tỉnh mà hồi đầu quay về hiếu kính với mẹ cha.

Vâng! Công ơn cha mẹ chúng ta không thể lấy gì để so sánh được. Đặc biệt, ân đức đó thâm sâu như trời cao biển rộng. Cho nên,

Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kính tình cha.

Trong các thứ tình cảm không có tình nào thiêng liêng và cao quý bằng tình cha mẹ. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” đã thấm nhuần trong lòng dân tộc Việt Nam. Từ ngàn xưa cho đến nay, đạo thờ ông bà tổ tiên, cung kính hiếu thảo với cha mẹ là truyền thống tốt đẹp của xứ sở con rồng cháu tiên. Gia đình là nhân tố nền tảng của xã hội, cha mẹ là thầy cô giáo đầu tiên giúp con cái hình thành nhân cách sống từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

Đã làm người ai cũng phải biết hiếu dưỡng cha mẹ, chúng ta không chỉ lo phần vật chất mà quan trọng hơn hết là lo phần tinh thần tâm linh của cha mẹ. Người nào có phước thì gặp cha mẹ biết đạo nên tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc và được chỉ dạy, hướng dẫn lại. Ai chưa đủ duyên thì gặp cha mẹ không biết tin sâu nhân quả nên phải tìm cách khuyên cha mẹ quy hướng Tam bảo, gìn giữ 5 điều đạo đức, không làm các điều xấu ác hại người, hại vật mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp để giúp người, cứu vật.

Chúng ta biết khuyên cha mẹ tu học theo Chánh pháp thì mới là chân thật báo đáp công ơn sâu dày. Cha mẹ biết tin nhân quả, biết tránh ác làm lành thì an vui trong cuộc sống, khi ra đi được sinh về cõi lành mà không bị đoạ vào ba đường ác địa ngục, quỷ đói, súc sinh.

Địa ngục thực tế hay còn gọi là địa ngục trần gian, ai giết người sẽ bị bắt vào đó để chờ ngày hành quyết, nhẹ lắm cũng từ 15 năm tù giam cho đến án chung thân. Kẻ bị tội và người quản lý ngục mới biết rõ địa ngục trần gian này ra sao, cụ thể là đất nước nào cũng có nhà tù cả. Tâm sát sinh hại vật, tâm oán giận thù hằn chính là “địa ngục tâm thức”. Ai có tâm này sẽ bị hành hạ khổ sở liên tục, chịu vô số kiếp chết đi sống lại để trả quả báo sát sinh hại vật.

Loài quỷ đói chịu khổ sở đói khát vật vờ, thấy thức ăn thức uống mà ăn không được; nghe tiếng chén bát khua, nghe mùi chiên kho xào nướng chúng càng khổ đau vô cùng cực. Nhà Phật vì lòng từ bi thương xót nên mỗi khi dùng cơm đều cúng thí thực để hồi hướng cho chúng được no đủ. Ai có tâm địa tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ, có của mà để cho hư mục không đem ra giúp người khi có việc cần sẽ bị đoạ làm loài quỷ đói.

Loài súc sinh do nhân si mê mà bị đọa lạc nên chúng có thiên hình vạn trạng: loài có cánh bay, loài bò bay mái cựa, loài sống dưới nước và loài sống trong lòng đất. Tuỳ theo mức độ ngu si mà chúng có thân hình hiện tại phù hợp với nghiệp báo đã gieo tạo. Hạng người làm biếng, ăn không ngồi rồi sẽ bị đoạ làm heo chỉ để ăn với ngủ và chờ ngày vô lò mổ là một ví dụ điển hình.

Ba đường dữ địa ngục, quỷ đói, súc sinh phải chịu khổ vô số kiếp không có ngày ra. Ai làm người cũng phải nên biết suy nghĩ cho chín chắn, khi gieo nhân thì không sợ, khi gặt quả xấu mới biết mình mang lông đội sừng nên đành phải chịu thôi.

Một kiếp người có được bao lâu, cùng lắm là 80 năm cuộc đời. Nếu chúng ta để mất thân người thì đâu còn cơ hội mà tu tâm dưỡng tánh. Khi đọa làm trâu, làm bò, làm heo, làm gà, làm vịt, làm cá, làm cua thì ta đâu có biết mình bị đọa lạc mà tu hành chuyển nghiệp.

Có một cậu bé là con trai chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ, mỗi ngày sau khi đi học về cậu thường ra chỗ mẹ chơi, do công việc bề bộn nên cậu tranh thủ chút ít thời gian phụ mẹ. Thoạt đầu cậu phụ lau chùi, quét dọn từ trong ra ngoài. Những khi rãnh rỗi cậu đem hóa đơn đến bưu điện để thanh toán gián tiếp cho các khách hàng ở xa. Cứ như thế mỗi ngày ngoài buổi học cậu thường giúp mẹ các việc lặt vặt, làm được như vậy lâu ngày nên cậu cảm thấy mình cũng là một nhà kinh doanh nho nhỏ.

Một hôm, cậu bé tự nghĩ sao mình không viết hóa đơn cho mẹ để mẹ thanh toán những việc mình phụ giúp mẹ hằng ngày. Vậy là một hôm mẹ cậu nhận được hóa đơn đề nghị thanh toán tiền công như sau: “Mỗi ngày con phụ mẹ các việc lặt vặt: 1 đồng. Tưới và chăm sóc vườn hoa: 2 đồng. Đem hóa đơn đến bưu điện: 1 đồng. Quản lý cửa hàng mỗi khi mẹ có việc: 2 đồng. Chăm chỉ học hành và biết vâng lời mẹ: 2 đồng. Tổng cộng mẹ phải thanh toán cho con là 8 đồng.”

Mẹ cậu xem xong hóa đơn cảm thấy vui vui trong lòng và hứa tối mai sẽ thanh toán cho cậu đầy đủ, lần đầu tiên cậu nghe mẹ hứa như vậy nên cảm thấy rất hạnh phúc.

Y như lời đã hứa, tối hôm sau cậu nhận được 8 đồng từ mẹ. Lòng cậu vô cùng mừng rỡ vì nghĩ đây là số tiền mình đã bỏ công làm ra. Cậu định đút tiền vào túi nhưng không ngờ kèm theo số tiền lại có một hóa đơn khác.

“Con yêu quý của mẹ, hãy thanh toán về công mẹ nuôi con vất vả, nhọc nhằn trong suốt thời gian qua như sau: Con sống hạnh phúc 12 năm nay trong ngôi nhà của mẹ là 0 đồng. Con được dưỡng nuôi và cho ăn uống đầy đủ 12 năm nay là 0 đồng. Con được học hành đàng hoàng và mỗi khi đau ốm mẹ đều lo cho con thuốc men đầy đủ là 0 đồng. Từ đó đến nay con có được người mẹ biết quan tâm, lo lắng, chăm sóc và thương yêu con không nề hà khó khăn, gian khổ là 0 đồng. Tổng cộng con phải trả cho mẹ tất cả là 0 đồng”.

Cậu bé cầm hóa đơn trên tay đọc đi, đọc lại nhiều lần mà hai hàng lệ rơi. Cảm động vô vàn trước tấm lòng của mẹ, cậu ta ăn năn, hối hận vô cùng vì mới phụ mẹ một chút mà đã đòi hỏi tiền công, trong khi tình mẹ dành cho cậu không có gì có thể so sánh được. Nghĩ thế cậu liền đi đến bên mẹ nói lời xin lỗi và bỏ tiền vào túi mẹ, trong lòng cảm thương mẹ biết dường nào. Thật ra, bà mẹ ấy có được đứa con như thế thì hãy nên mừng thầm trong bụng, vì ngoài việc học cậu ta còn biết tranh thủ thời gian để phụ giúp mẹ. Cậu bé đó chắc chắn sau này khi lớn khôn sẽ là người hữu dụng cho gia đình và xã hội.

Tuổi trẻ ngày nay dễ bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu do bạn bè lôi cuốn nên dễ dàng xao lãng việc học, hoặc do sự thiếu quan tâm của cha mẹ vì bận chạy theo công danh sự nghiệp mà không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái. Lại có một số cha mẹ làm hư con cái bằng cách lúc nào cũng muốn cho con được ăn ngon mặc đẹp, có nhiều tiền tiêu xài, chơi điện thoại đẳng cấp, sắm sửa xe xịn. Con cái hầu như muốn gì được nấy nên vô tình khiến con ỷ lại mà không chịu siêng năng chăm chỉ học hành hoặc tu chí làm ăn, để rồi làm khổ mẹ cha.

Trong khi đó, có rất nhiều em ở các vùng xâu, vùng xa gia đình nghèo khó nên không có đủ tiền để lo cho con ăn học. Một số các em không còn cha mẹ nên phải bán vé số hoặc lượm ve chai để có tiền sinh sống qua ngày. Các em đang đói tình thương, đang chờ các bàn tay rộng mở, nhất là các em trẻ mồ côi.

Trên đà văn minh tiến bộ của xã hội phát triển toàn diện về mọi mặt, tiện nghi vật chất đầy đủ làm con người ta tự do quá trớn. Văn hóa không lành mạnh thâm nhập với hàng loạt các phim ảnh đồi trị, game bạo lực kích thích hận thù, giết hại, hủy diệt lẫn nhau không thương tiếc. Trẻ nhỏ đam mê, sa đà vì thiếu nhận thức sáng suốt nên dễ dàng bị tiêm nhiễm nhanh chóng; nếu không thì cũng ỷ lại vào sự giàu có của cha mẹ mà ăn chơi, hưởng thụ, sa đoạ.

Cậu bé trong câu chuyện trên có những suy nghĩ và việc làm phụ giúp cho gia đình, nhờ người mẹ biết quan tâm chăm sóc hướng dẫn chỉ dạy đàng hoàng bằng ý thức trách nhiệm với trái tim yêu thương và hiểu biết. Chính điều đó đã giúp em có thêm nghị lực trong cuộc sống mà biết cách sống có ý thức, trách nhiệm, sống đúng và sống tốt bằng tình người trong cuộc sống.

Một gia đình có được những đứa con như vậy thật là hạnh phúc và sung sướng làm sao. Tuy cậu bé có một chút toan tính, kể công với mẹ; nhưng khi nhận được những lời nói chân thành của mẹ với 12 năm vất vả, nhọc nhằn nuôi con khôn lớn mà không bao giờ kể lể, tính công, cậu đã biết hổ thẹn mà thầm cám ơn mẹ nhiều hơn.

Phận làm con ta phải biết thương yêu, quý trọng, cung kính, hiếu dưỡng với cha mẹ; ngay khi còn nhỏ phải ý thức được công ơn sâu dày mà cố gắng chăm chỉ học hành, biết vâng lời cha mẹ và còn phụ giúp những việc cần thiết để cha mẹ bớt vất vả, nhọc nhằn.

Cha mẹ gọi, trả lời ngay,
Cha mẹ dạy, phải vâng lời.

Khi cha mẹ gọi chúng ta phải trả lời ngay, đừng để cha mẹ phải gọi nhiều tiếng mà làm cha mẹ buồn phiền, lo lắng. Đó là điều không nên. Cha mẹ dạy những điều hay lẽ phải chúng ta phải biết lắng nghe để học hỏi đạo lý làm người mà cố gắng rèn luyện nhân cách sống, sau này lớn lên sống có ý thức và hiểu biết mà làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội.

Cha mẹ sai, không biếng trễ,
Cha mẹ bảo, con làm theo.

Khi cha mẹ sai biểu, muốn nhờ ta làm điều gì thì mình phải nhanh chóng làm ngay chứ không nên hẹn lần, hẹn lượt. Khi có việc cần thiết cha mẹ mới nhờ đến chúng ta, nếu không như vậy cha mẹ đã tự mình làm vì không cha mẹ nào muốn làm phiền con mình cả.

Cha mẹ thích, phải làm ngay,
Cha mẹ phiền, không nên làm.

Việc gì cha mẹ thích chúng ta cần nên làm liền. Dù gian khổ, khó khăn, mệt nhọc tới đâu chúng ta cũng phải ráng làm cho bằng được. Việc gì cha mẹ ngăn cản, cấm đoán thì chúng ta không nên làm vì chắc chắn những việc đó sẽ làm tổn hại cho người và vật. Phận làm con chúng ta phải biết những gì cha mẹ thích hoặc không ưa để luôn làm cha mẹ vui lòng.

Cha mẹ khuyên, con kính cẩn,
Cha mẹ trách, vui nhận lỗi.

Cha mẹ khuyên nhủ, chỉ dạy điều gì chúng ta phải kính cẩn lắng nghe. Khi cha mẹ trách hờn cũng phải vui vẻ nhận lỗi, phải biết mình làm sai mà cố gắng sửa sai, hứa với cha mẹ từ nay về sau chừa bỏ không còn tái phạm nữa. Khuyên nhủ, chỉ dạy, trách mắng là điều cần thiết để giúp mỗi người chúng ta từng bước vượt qua những lỗi lầm đáng tiếc mà biết cách khắc phục, sửa sai để ngày càng sống tốt hơn.

Cha mẹ chê, không hờn dỗi
Cha mẹ khen, không tự đắc.

Cha mẹ chê có nghĩa là lời nói, việc làm đó sai trái và có thể làm tổn hại cho mình và người. Ta phải ăn năn, hối lỗi và hứa chừa bỏ, không nên giận hờn, trách móc. Khi được cha mẹ khen ngợi điều gì ta cũng không nên vênh váo tự mãn mà khinh khi, coi thường người khác. Cái gì xấu chúng ta nên cố gắng chừa bỏ, cái gì tốt đẹp, có lợi ích thì phải duy trì, gìn giữ.

Cha mẹ buồn, con an ủi,
Cha mẹ vui, con san sẻ.

Trong cuộc sống với bộn bề công việc phải lo toan, chuyện làm ăn sa sút, thiếu trước hụt sau làm cho cha mẹ phải buồn rầu, lo lắng. Phận làm con phải biết an ủi, sẻ chia, cố gắng phấn khích tinh thần cha mẹ bằng cách siêng học, chăm làm mỗi khi có việc cần thiết. Cha mẹ vui vì đời sống gia đình được ổn định, bớt đi gánh nặng cơm áo gạo tiền nên ta càng phải cố gắng hơn trong việc học, việc làm và sống không ỷ lại.

Cha mẹ thương, không ỷ lại,
Cha mẹ ghét, cũng không buồn.

Tình thương của cha mẹ đối với con cái lúc nào cũng bao la, rộng lớn. Khi được cha mẹ thương ta không nên ỷ lại mà không chịu cố gắng học tập, làm việc đàng hoàng, tối ngày biếng nhác chỉ ăn không ngồi rồi hoặc la cà đàn điếm. Trong những gia đình có nhiều con cha mẹ thường thương đứa này nhiều hoặc thương đứa kia ít. Ta cũng không nên vì thế mà buồn rầu, trách móc vì đó là duyên nghiệp của mỗi người mỗi khác.

Cha mẹ lỗi, nhỏ nhẹ khuyên,
Cha mẹ đúng, nên bắt chước.

Nếu cha mẹ có làm điều gì sai trái, bê tha hoặc say sưa, không biết lo lắng, chăm sóc cho gia đình thì ta phải tìm cách an ủi, khuyên nhủ, không được tỏ vẻ khó chịu, bực dọc. Ai có cha mẹ sống tốt, có nhân cách đạo đức, biết lo lắng, dạy dỗ, chăm sóc con cái đàng hoàng thì phận làm con ta phải bắt chước học hỏi và làm theo.

Lập gia đình, sáng tối thăm,
Sống xa nhà, thường thăm hỏi.

Có nhiều người tưởng rằng mỗi tháng chỉ cần cấp dưỡng cho cha mẹ là đủ. Tuy nhiên, chúng ta nên biết người lớn tuổi thường mặc cảm, tự ti nên dễ thấy cô đơn, trống vắng. Cha mẹ dù có nghèo thiếu nhưng vẫn vui khi thấy mình còn con cái quan tâm, chăm sóc, do đó bớt ưu phiền. Dân gian Việt Nam có câu:

Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới vừa lòng con.

Nếu chúng ta vì hoàn cảnh mà không thể sớm thăm tối viếng thì cũng phải thường xuyên thư từ liên lạc hay gọi điện thoại, hoặc ít ra cũng sắp xếp công việc về thăm cha mẹ đôi ba lần.

Đi phải thưa, về phải trình,
Cha mẹ già, phải nuôi dưỡng,
Cha mẹ bệnh, phải chăm sóc,
Cha mẹ mất, lo đúng lễ.

Khi đi đâu làm việc gì chúng ta phải thưa hỏi để cha mẹ biết mình đi đâu, khi xong việc trở về cũng phải trình báo để cha mẹ rõ, nếu đi về trễ phải điện thoại hoặc nhắn gửi người khác báo lại để cha mẹ an tâm, không phải bận lòng lo lắng.

Khi cha mẹ bệnh ta phải ân cần chăm sóc, lo lắng thuốc men đầy đủ. Cha mẹ già mình phải cung cấp dưỡng nuôi đàng hoàng. Nếu không ở cùng cha mẹ thì phải thường xuyên thăm hỏi, cấp dưỡng đầy đủ và sắp xếp thời gian về thăm và chăm sóc cha mẹ. Cha mẹ già khi bệnh tật đi đứng khó khăn, mắt mờ tai điếc, trong người mệt mỏi nên dễ cáu gắt, buồn phiền. Phận làm con ta phải chăm lo thuốc thang, an ủi, vỗ về, nuôi dưỡng đàng hoàng.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.