Đạo Làm Người

Khi cha mẹ qua đời phải lo tang lễ, ma chay đầy đủ, cung thỉnh chư Tăng tụng kinh khai thị, không nên bày tiệc ăn thịt uống rượu, hạn chế việc xa hoa lãng phí, nếu đầy đủ phúc duyên thì tổ chức ăn chay. Tiền phúng điếu để làm từ thiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hoặc cúng dường Tam bảo, nếu gia đình có khả năng.

Sống cho tròn đạo làm con,
Sống yêu thương, biết chia sẻ,
Sống chân thành, không gian dối,
Ai làm người nhớ khắc ghi.

Làm người trước tiên chúng ta phải biết giữ tròn đạo làm con, biết kính trên nhường dưới, sống yêu thương chân thành, biết chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi có việc cần thiết. Không gian dối, sống thành thật là tiêu chí đạo đức để giữ được mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống. Muốn được như vậy chúng ta phải tin sâu nhân quả, mỗi ngày rèn luyện nhân cách sống mà biết cảm thông và tha thứ, biết bao dung và độ lượng, biết giúp đỡ và sẻ chia, biết yêu thương và hiều biết.

Sống cho tròn đạo ân nghĩa,
Làm người tốt, biết sẻ chia,
Ơn sinh thành, công dưỡng dục,
Đạo làm con phải đáp đền.

Công ơn sinh thành dưỡng dục mẹ mang nặng đẻ đau, cha làm lụng vất vả nuôi ta khôn lớn, cưới vợ lấy chồng rồi còn chia gia tài cho ta. Ơn nghĩa này khó đáp đền trong muôn một, đối với cha mẹ mà ta không biết ơn biết nghĩa thì sao mình có thể thương yêu, giúp đỡ người khác.

Biết ơn và đền ơn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây đã thấm nhuần trong lòng dân tộc Việt Nam ta từ ngàn xưa cho đến ngày hôm nay.

Phật dạy: “Cho dù ta hai vai cõng cha, cõng mẹ suốt 100 năm, cho ăn uống đầy đủ, chăm sóc chu đáo vẫn không thể đền trả hết công ơn cha mẹ”. Muốn trả được ơn khó đền này ngoài việc dưỡng nuôi vật chất đầy đủ ta phải làm sao khuyên cha mẹ biết tin sâu nhân quả, quy hướng Tam bảo, sống hiền lương đạo đức. Nếu khuyên cha mẹ xuất gia sống vui với Chánh pháp để an lạc tuổi già, ít phiền muộn khổ đau thì đó là cách trả ơn cao cả nhất.

Một người con có hiếu là người con biết tự lo cho mình, cha mẹ không phải tốn sức lực lo lắng và theo dõi. Người con có thể tự đi trên đôi chân, làm bằng đôi bàn tay và khối óc, tự kiếm sống và tự quyết định cuộc đời mình mà không cần cha mẹ bên cạnh. Một người con biết tự chăm sóc và nuôi dưỡng mình là đã giúp được cho cha mẹ và biết lo cho cha mẹ.

Một người con mang trong mình các yếu tố của cha mẹ, các gen di truyền, các khát khao, sự hạnh phúc hay khổ đau của cha mẹ. Phận làm con khi còn nhỏ tuy sống với cha mẹ phải nhờ vào sự nuôi dưỡng, dạy dỗ của cha mẹ nhưng bản thân cũng phải tự nuôi dưỡng và tự vươn lên bằng tự lực bản thân. Khi lớn lên người con đi học và làm việc, có thể sống tự lập không còn nương nhờ vào cha mẹ, đến lúc nào đó sẽ giúp đỡ được cha mẹ và biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Buổi tối, cha mẹ thường kêu ta vào phòng khách và dạy dỗ đạo làm người; nào là phải biết kính trọng người lớn, nào là đi đường phải có ý tứ, nào là phải biết vâng lời thầy cô, nào là phải giữ gìn thân thể. Lời cha mẹ dạy sẽ mớm nhân duyên cho người con mai sau khôn lớn trưởng thành làm người có ích cho xã hội. Người con có nên người hay không là do bản thân biết tự vận dụng lời cha mẹ dạy, để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày.

Trong xã hội mọi người đều có bổn phận và việc làm khác nhau để đóng góp lợi ích thiết thực mà cùng nhau bảo tồn mạng sống. Cây có cội, nước có nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây là đạo lý chân thật không thể thiếu trong đời sống con người. Cung kính, hiếu dưỡng đối với cha mẹ là trách nhiệm và bổn phận của tất cả mọi người.

Trong các thứ tình trên thế gian không có gì cao quý và thâm sâu bằng tình mẹ, mẹ mang nặng đẻ đau, sớm hôm nuôi dưỡng. Khi con mở mắt chào đời mẹ mớm cho con dòng sữa ngọt, chăm sóc, lo lắng từng giờ, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, những khi trái gió trở trời con đau là mẹ đứng ngồi không yên. Mẹ thức khuya dậy sớm, lao khổ cực nhọc đủ điều, tần tảo nuôi con mong cho con mau khôn lớn.

Ai đã từng mang nặng đẻ đau, ai đã từng làm mẹ mới cảm nhận được ân đức của mẹ, và ai sắp sửa làm mẹ cũng phải bùi ngùi xúc động mà nhớ đến công lao khó nhọc của mẹ cha. Nhất là các đấng mày râu không có thiên chức làm mẹ thì càng phải yêu thương, quý kính mẹ nhiều hơn. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần cấp dưỡng cho cha mẹ mỗi tháng là đủ, nhưng thật ra người lớn tuổi nếu không phải là người Phật tử chân chính thì dễ buồn chán, cô đơn, mặc cảm, hay nhớ nghĩ về quá khứ thời son trẻ nên dễ cáu gắt, giận hờn, trách móc.

Bổn phận làm con ta phải thường xuyên quan tâm thưa hỏi, chăm sóc mỗi khi có dịp gần gũi. Nhờ vậy, cha mẹ già dù có nghèo nhưng vẫn vui lòng vì thấy mình còn được con cái quan tâm chăm sóc, lo lắng.

Nếu chúng ta vì hoàn cảnh không thể sớm thăm tối viếng thì cũng phải điện thoại, thư từ liên lạc, vấn an sức khỏe để cha mẹ được an vui, hạnh phúc tuổi già. Nếu cha mẹ chưa biết quy hướng Tam bảo thì ta phải tìm cách khuyên nhủ cha mẹ đi chùa và quy y Tam bảo; khuyên cha mẹ biết làm phước, đi chùa tụng Kinh, niệm Phật-Bồ tát, làm các việc thiện ích; như vậy là cách báo hiếu tốt nhất.

Nhờ tu học Phật pháp cha mẹ cảm nhận được niềm vui từ sự biết buông xả các thói quen chấp trước có hại cho mình và người mà cùng sống vui vẻ bình an, hạnh phúc với cháu con.

Ngày xưa, có 3 anh em người nào cũng có hiếu nên cùng chia nhau nuôi mẹ. Người anh cả giàu có nên mỗi khi đến kỳ nuôi mẹ đều lo chu đáo, đầy đủ. Do đó, người mẹ hồng hào, khỏe mạnh. Người con thứ hai cũng vậy, nhờ khá giả nên anh nuôi mẹ cũng được vuông tròn tốt đẹp. Tới phiên người con út vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nuôi mẹ không được đầy đủ làm bà sụt ký. Khi bước lên cân bà phải bỏ chì trong túi để đứa con út không bị hai người anh quở trách.

Câu chuyện bù chì là một đạo lý thiêng liêng nói về tình mẹ bao la như trời biển, bà không muốn con mình buồn phiền vì tâm so đo, ích kỷ. Hai người anh có tiền nếu biết mở lòng rộng lớn hơn mà cung cấp tiền bạc, phương tiện để em mình lo cho mẹ đầy đủ thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Do đó, câu chuyện trên nói lên ý nghĩa:

Giàu cha, giàu mẹ thì hơn,
Giàu anh, giàu chị khó lòng giúp nhau.

Ở đây nói về phương diện tình mẹ đã cho chúng ta cách nhìn sáng suốt hơn. Người mẹ ấy thật từ bi đáo để, bà không muốn con mình oán trách lẫn nhau nên phải đeo chì để hai người con lớn không phiền lòng. Điều này chứng tỏ tình mẹ bao la như trời cao biển rộng không gì có thể so sánh được. Câu chuyện người mẹ bù chì khi nghe qua ai cũng cảm động nên càng phải cung kính, hiếu dưỡng cha mẹ nhiều hơn.

Cha mẹ giàu có thì lo cho con đầy đủ, ăn học đến nơi đến chốn, biết sống tự lập, không ỷ lại. Ngược lại, cha mẹ nghèo thì tùy thuận hoàn cảnh mà con cái tìm cách nuôi nấng, giúp đỡ để cha mẹ được an vui lúc tuổi già. Tuổi già thường đau yếu, bệnh hoạn, nếu cha mẹ không biết tu tâm dưỡng tánh sẽ làm khổ mình và ảnh hưởng đến con cháu.

Thiền sư Tông Diễn ở miền Bắc nước ta đã lo cho mẹ những ngày cuối đời biết quy hướng Tam bảo, tự làm các việc công ích trong chùa và một lòng nhất tâm niệm Bồ tát Quán Thế Âm. Nhờ vậy, khi ra đi bà an nhiên được sinh về cõi lành.

Thoạt đầu, ta thấy khi còn trẻ ngài có vẻ như một người con bất hiếu, mới bị mẹ đánh có một chút mà bỏ nhà đi luôn. Thật ra, ngài đã có chủng duyên sâu dày với Phật Pháp, nơi vùng quê xa xôi hẻo lánh tuổi còn nhỏ thì làm sao ngài ý thức được việc sát sinh.

Chính vì vậy, khi nghe mẹ bảo mần cua lòng ngài cảm thấy thương xót chúng vô cùng nên nhất định thả, ngài thà chịu lỗi với mẹ một chút chứ không nỡ giết hại lũ cua. Nhờ có duyên nhiều đời với Phật pháp nên nhân cơ hội bỏ chạy khi bị mẹ đánh mà ngài vào chùa xuất gia cầu đạo, ngài thà để mẹ chịu khổ nhớ con chứ không để mẹ con cùng nhau mang tội sát sinh hại vật.

Đến khi tu hành chứng được đạo quả, ngài thấy đủ nhân duyên độ mẹ sống quãng đời còn lại để tích công bồi đức nên đã quay về khuyến khích bà đi tu. Dù thương mẹ nhưng ngài vẫn không cho bà biết rõ thân phận để bà cố gắng siêng năng tu hành và không ỷ lại. Nếu để mẹ biết thân phận của mình thì bà sẽ sinh tâm ỷ lại khi nghĩ con mình là thầy trụ trì mà dễ có tâm cống cao ngã mạn khó tu hành.

Nhờ vậy, mẹ ngài đã thành tâm công quả và không chút xao lãng trong việc tụng kinh, niệm Bồ tát Quán Thế Âm; do đó phát tín tâm kiên cố nhờ lời khuyên nhủ, động viên khéo léo của ngài.

Đó là phương tiện thiện xảo để giúp mẹ ngài ý thức việc tu hành được tốt đẹp, đến lúc lâm chung bà mĩm cười ra đi dưới sự hộ niệm của Tăng chúng trong chùa. Ngài là một tấm gương sáng tu hành đạt đạo và độ mẹ biết quy hướng Tam bảo mà sống đời an vui giải thoát trong quãng đời còn lại.

Trong cuộc sống tùy theo hoàn cảnh mà mỗi vị Bồ tát có nhiều tâm nguyện khác nhau để độ cho cha mẹ bằng nhiều cách. Tấm gương hiếu của Thiền sư Tông Diễn đã chứng minh cho đời hương thơm bất diệt nhờ sự biết ơn và đền ơn. Người con Phật chính vì thế trước tiên phải biết hiếu kính với cha mẹ, sau mới quy hướng Tam bảo rồi bố thí giúp đỡ tùy theo khả năng, kế đến phải lánh xa người xấu ác và phóng sinh giúp người cứu vật, ăn chay làm lành.

Một cậu bé đã hỏi cha mình một cây chuối sinh được bao nhiều buồng trong suốt thời gian sống. Người cha trả lời cây chuối chỉ sinh một buồng duy nhất và cậu ấy rất ngạc nhiên. Cậu cứ đinh ninh nghĩ cây chuối ít nhất cũng sinh vài buồng chuối trong suốt cuộc đời của nó. Người cha nói thêm: “Con ạ, khi buồng chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ từ từ chết đi.”

Quả thực, nếu các em có dịp quan sát một cây chuối đang mang nhiều nải chín thì sẽ thấy những hiện tượng sau. Trước tiên, lá của cây chuối mẹ sẽ bắt đầu tàn héo dần, thân của nó oằn xuống như sắp gãy đi vì sức nặng của buồng chuối, có khi ta phải lấy cây chống đỡ nếu không cây chuối sẽ ngã rạp xuống.

Chỉ một thời gian ngắn khi buồng chuối già chín thì cây chuối mẹ sẽ gục hẳn vì không còn đủ sức để sống. Chúng ta thấy, trong suốt quá trình nuôi dưỡng buồng chuối, cây chuối mẹ phải hy sinh hết những tinh ba của mình từ chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá để dồn vào những nải chuối con, mang đến cho con người những trái chuối chín thơm, ngon ngọt.

Các em có thể hiểu đạo lý được nhắn gửi trong câu chuyện về cây chuối này không? Bấy lâu nay, chúng ta vô tình không thấy hết giá trị của một cây chuối nên nhiều em tuy đã từng thưởng thức những quả chuối thơm ngon nhưng lại không biết chúng được sinh ra như thế nào. Các em biết không, cây chuối là tượng trưng cho một hình ảnh cao đẹp không gì có thể sánh bằng dù là trời đất, núi cao, biển rộng, sông dài.

Cây chuối mẹ nếu mập mạp, tốt tươi thì sẽ sinh ra những nải chuối con tròn trịa, cung cấp cho đời một hương thơm bất diệt. Cây chuối đã dâng hiến cho đời những hương thơm tinh khiết và đã hy sinh để một mầm sống mới được phát triển tốt hơn.

Tính chất của trái chuối không chỉ là thơm ngon, tinh khiết mà còn là chất bổ dưỡng, là những bài học quý báu của tình yêu thương chân thật bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã, vị tha.

Giờ thì các em đã biết cây chuối là hình ảnh tượng trưng cho ai chưa? Đó là cha và mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi ta gian nan cực khổ. Cha làm lụng vất vả, nhọc nhằn, không quản ngại khó khăn. Công ơn cha mẹ như trời cao biển rộng không gì có thể sánh bằng. Do đó, đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” luôn là đạo lý chân thật trong truyền thống tốt đẹp của con người dân tộc Việt Nam.

Nếu đạo thờ ông bà tổ tiên được kết hợp hài hòa với lời Phật dạy thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc. Bởi vì sao? Vì đạo Phật là đạo hiếu thảo, là đạo của tình thương, là đạo của con người, vì con người mà sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết cùng với sự an ủi, sẻ chia, nâng đỡ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Nói về tình mẹ thì trong cuộc đời này không có thứ tình nào đậm đà, sâu lắng và thiêng liêng, cao cả như tình mẹ. Mẹ là dòng máu khơi nguồn từ trái tim yêu thương vĩ đại. Tình thương của mẹ bao la không bờ bến, chỉ cho đi mà không cần sự đáp đền. Thật hạnh phúc thay cho những ai đang còn mẹ để được bảo bọc, chở che bằng sự yêu thương chân thành, tha thiết.

Trong Kinh Bổn Sự Phật dạy: “Này các thiện nam tín nữ, có hai hạng người ta không thể trả ơn hết được. Đó là mẹ và cha. Cha mẹ đối với con cái luôn thương yêu, nuôi nấng, dạy dỗ không biết mệt mỏi, nhàm chán, luôn muốn cho con lớn khôn mà chẳng muốn rời xa cũng như bóng với hình.

Nếu cha mẹ chưa biết tin sâu nhân quả và quy hướng Tam bảo thì phận làm con phải tìm cách khuyên lơn cha mẹ tu học theo Chánh pháp, không làm các việc ác mà hay làm các việc thiện lành tốt đẹp. Đó mới là chân thật báo ân.”

Chúng ta nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ về vật chất thì chỉ tạm thời giúp cha mẹ an vui trong hiện đời; nếu giúp cha mẹ hiểu biết đạo lý làm người tin sâu nhân quả, thì cuộc sống sẽ được thăng hoa tâm linh đạo đức mà sống đời bình yên, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.