Hạnh Phúc Trong Tầm Tay – Chương I

Tình yêu với chánh pháp”

Hàn Mặc Tử là nhà thơ bất hạnh, bởi vì ông đem lòng yêu một người  Phật tử. Hiện nay cô ấy vẫn sống và khoảng tám mươi tám tuổi. Hàn Mặc Tử theo Thiên Chúa giáo, nhưng người mà ông lý tưởng muốn biến thành người bạn đời lại là Phật tử. Các gia đình Huế vốn sống khép kín và đương  nhiên không chấp nhận con gái mình trở thành cô dâu trong một gia đình  khác đạo. Phản ứng của hai gia đình trong trường hợp này làm cho cuộc  tình trở nên lận đận. Khi phải chia tay vĩnh viễn với người tình, ông đã viết hai câu thơ:

Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn kia bỗng dại khờ”.

Thông thường, phản ứng và quan niệm của người thất tình là cuộc sống  dường như vô nghĩa, sự thiếu vắng người yêu làm cả bầu trời sụp đổ. Tất  cả niềm hạnh phúc, sự hy vọng, những gì đẹp nhất trong cuộc đời mất hết. Cái mất đó diễn ra một cách khổ đau. Nếu linh hồn của chúng ta được  chia làm hai mảnh thì sự ra đi của người yêu làm cho nửa mảnh linh hồn  chúng ta bị mất một cách vô cớ, và nửa còn lại chỉ là sự dại khờ, nghĩa  là trạng thái ngẩn ngơ thơ thẩn đi tìm con đường tự vẫn, hay nói cách  khác là mất đi niềm mơ ước thật sự trong cuộc đời. Quan niệm này được  xem là quan niệm rất thế gian, nó chi phối rất nhiều thế hệ trẻ ở Việt  Nam cũng như ở hải ngoại, những người sống theo chủ nghĩa hiện sinh của  Pháp.

Nhìn từ góc độ của nhà Phật, phải hiểu rằng người từ tuổi vị thành  niên trở thành người trưởng thành, dĩ nhiên điều hạnh phúc lớn nhất khi đó là hạnh phúc giới tính. Họ tìm sức hấp dẫn từ một người khác giới  tính của mình trong điệu cười, giọng nói, dáng đi, dáng đứng,… tạo niềm đam mê hạnh phúc.

Tuy nhiên, đức Phật khuyên rằng khi yêu ai phải nhìn người đó với cái nhìn tổng thể bao gồm tình cảm, tâm lý, tư cách, ứng xử, kiến thức, sự hiểu biết, sự chia sẻ,… lúc đó chúng ta sẽ chọn được một con người tương đối lý tưởng hơn là nhìn người đó với cái nhìn phiến diện. Chẳng hạn,  người Việt Nam có quan niệm thẩm mỹ rất khác so với thế giới phương Tây. Đối với phần lớn người Việt Nam, răng khểnh của người nữ được xem là  nét duyên cuốn hút nhiều chàng trai đeo đuổi ở bất cứ nơi đâu. Hoặc đôi  mắt bồ câu, sống mũi dọc dừa, miệng trái tim, khuôn mặt dễ thương, nụ cười đẹp, dáng đi yêu kiều, giọng nói truyền cảm,… khiến nhiều chàng  trai thầm thương trộm nhớ hoặc bày tỏ tình thương một cách công khai. Do đó, nếu thiếu đi những nét đẹp vừa mắt kia, nhiều người cảm thấy mất cả một cuộc đời. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người mới bắt đầu bước vào  tình yêu.

Đức Phật nói, khổ đau lớn dần khi chúng ta biến yếu tố cá thể thành  tổng thể. Nhìn nét đẹp của chiếc răng khểnh hay nét đẹp của đôi mắt bồ câu mà yêu cả con người đó và mang về nhà. Sau năm tháng sống chung, sự khác biệt cá tính bắt đầu bộc lộ, trái chiều nhau. Cuối cùng tình yêu  chỉ còn là tình nghĩa, tình nghĩa trở thành tình đời và rồi tình đời trở thành tình hận chán chường.

Đức Phật lại dạy “tất cả người nam, người nữ cần phải có hai vợ, hai chồng”, thoạt nghe câu nói này nhiều người có thể hiểu nhầm. Lý giải câu này đó là vì trong cuộc sống, người bạn đời mà chúng ta cho rằng mang lại cho  mình niềm hạnh phúc nhiều nhất đôi lúc chính là người mang lại khổ đau.  Người bạn đời là một cá thể khác giới tính, cá tính, cách ứng xử, sự hiểu biết, trí thức… Nếu nỗ lực trong tình yêu để biến hai quả tim  thành một thì bản chất của sự biến đổi đó sai lầm ngay từ nguồn gốc.

Đức Phật cho rằng chúng ta phải có nhu cầu cưới người bạn đời thứ hai. Người bạn đời hiện tại có thể rất yêu thương và chung thủy, nhưng  vì cả hai là hai cá thể khác biệt nên cách yêu và cách tiếp nhận tình  yêu khác nhau, đó là nguyên nhân dẫn đến bất hòa. “Hãy kết hôn với chánh pháp, ‘người bạn đời’ lý tưởng”. Ngoài lòng chung thủy với vợ mình, mỗi người nam cần phải lấy thêm  chánh pháp làm vợ; tương tự, với người nữ phải lấy chánh pháp làm chồng  thứ hai của mình. Vì trong những khổ đau xuất phát từ mối quan hệ với  người bạn đời thứ nhất, nếu không có người bạn đời “chánh pháp” bên cạnh, chúng ta sẽ không có chỗ dựa tinh thần, một nơi quy y thật sự thích đáng, và chúng ta sẽ bị khủng hoảng.

Nếu không biết cách phóng thích nỗi đau ra bên ngoài, giống như phản ứng vật lý của thân, khi tiêm một giọt thuốc tiêm chủng nào đó làm cho  kháng thể biết cách đánh các loại vi trùng bệnh, đẩy chúng ra khỏi cơ thể, thì nhu cầu tâm lý của con người cũng có phản ứng đẩy những cái gì  thuộc về khổ đau, không hài lòng, bất mãn, trầm cảm, mang đến cảm giác đau khổ tột cùng.

Chánh pháp, một trong những đòn bẩy, giúp đẩy nỗi đau ra ngoài một  cách nhẹ nhàng và hiệu quả. Đó trước nhất là danh ngôn, kế đến là những  câu khuôn vàng thước ngọc giúp đạt trạng thái an vui khi ứng dụng và nếu buông nó đi, chúng

ta có thể bị vấp phải những phiền não trong cuộc đời. Nhà Phật dạy  rằng khi yêu ai đó, đừng nên nhìn vào những tướng riêng, những biểu hiện rất riêng tư thuộc về cá tính, vì khi tiếp xúc lâu dài với sự lặp đi  lặp lại thường dẫn đến cảm giác nhàm chán, có khuynh hướng tìm những cảm giác mới. Nếu quan sát tướng riêng của người khác quá nhiều, lúc bấy  giờ chúng ta sẽ thấy cái xấu thành đẹp, đẹp trở nên bình thường như nhà  tư tưởng phương Tây đã từng nói: “Đẹp là cái nhìn thuộc về đôi mắt”. Con mắt có logic của nó, nó có con đường riêng để nhận định đánh giá và quyết đoán, mặc dù con mắt không phải là mấu chốt quan trọng. Nó được điều khiển bởi bộ não trung ương, nói theo nhà Phật, nó là ý thức hay  còn gọi là nhận định, đánh giá, chấp trước, giải quyết vấn đề theo cách  thức mà nó muốn. Cho nên tướng riêng là cái gì đó làm cho con người có  thể đánh mất chính mình.

Đức Phật dạy “để đời sống gia đình được hạnh phúc thì phải bỏ quên những tướng riêng mà nhìn vào tướng chung của nhau”. Tướng chung là những biểu hiện, những đặc điểm của một dân tộc, cộng đồng, quốc gia hay một truyền thống nào đó. Chẳng hạn, khi nói đến người Việt Nam, người ta nghĩ đến da vàng, mũi tẹt, lùn lùn, bé bé,…

Văn hóa Việt Nam mang sắc thái rất đặc biệt mà các nền văn hóa khác  không có. Có thể hiểu nền văn hóa Việt Nam giống như một ngôi nhà trống  có nhiều cửa sổ. Gió đi vào cửa này có thể thoát ra khỏi cửa kia, rốt  cuộc ngôi nhà không còn gì hết. Nói như vậy nhiều người có thể phản đối, vì cho rằng chúng ta như vậy là mất gốc. Hầu như chúng ta không biết  tôn trọng nền văn hóa của mình. Ngoài những cái rất nhỏ bé, rất khó khăn khi tìm một cái gì đó thuộc chất liệu văn hóa của Việt Nam. Cái gì cũng nhỏ, nhà Việt Nam nhỏ, con đường cũng nhỏ, con người cũng lùn, cũng  thấp. Rồi đến ngôi chùa vốn được xem là biểu tượng của nền văn hóa Việt  Nam cũng là chùa Một Cột chỉ vỏn vẹn mấy mét vuông. Tuy nhiên, nó đáng để chúng ta tự hào, hãnh diện.

Cho nên quan niệm thẩm mỹ, quan niệm về cái đẹp, cái thiện, ác là  những quan niệm rất cá nhân, nếu nói theo nhà Phật, nó là nhãn quan. Cái chúng ta thích thì chúng ta cho là đẹp, cái gì không thích thì cho là  xấu. Đứng từ góc độ này, có thể nói rằng tất cả những tính từ đẹp, xấu,  mập, ốm, thiện, ác,… liên hệ đến con người, sự vật, quốc gia, sự kiện đều là tương đối. Tất cả chỉ là một cái gì đó rất cá nhân. Cho nên tìm  kiếm hạnh phúc thật sự là việc không bao giờ thành tựu trên đời này.  Hạnh phúc đối với người này cũng có thể là khổ đau của người kia.

Ví dụ, người nông thôn nghèo ở Việt Nam, hạnh phúc khi ngày hôm đó  anh ta kiếm được khoảng 15.000 VND, tương đương 1USD, nuôi gia đình gồm  vợ và những đứa con. Tuy nhiên, mức thu nhập đặt trong bối cảnh nền kinh tế cao như ở Mỹ, thì 1USD là quá khổ đau và thà rằng khai mình thất  nghiệp để nhận chế độ an sinh xã hội còn hơn. Cho nên, trong hoàn cảnh  khác, tiêu chí hạnh phúc đạt được của một người trong hoàn cảnh này trở thành khổ đau không thể chấp nhận ở một người khác. Sự thay đổi về hoàn  cảnh, điều kiện, môi trường làm con người thay đổi quan niệm hạnh phúc.  Do đó, tìm kiếm hạnh phúc thật sự phải nói rất khó khăn.

Chấp nhận người khác

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn đức Phật dạy “một trong những cách để đạt được hạnh phúc là chấp nhận người khác như là một cá thể bổ sung cho mình”. Tuy nhiên, rất khó làm được điều này, khi chúng ta là người thích hướng ngoại, thích huyên náo mà bạn ta lại là người sống nội tâm thì dĩ nhiên những gì chúng ta muốn chia sẻ sẽ làm cho người kia phiền não, và ngược lại. Những gì người kia muốn được an tĩnh lại là chướng ngại cho ta.  Hai chị em song sinh cùng giờ, cùng tháng, cùng năm, vẫn có những tính  cách hoàn toàn đối lập. Nếu theo quan niệm tử vi, từ ngày tháng năm sinh của Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp hay bất cứ tử vi nào trên thế giới, thì đây là trường hợp có thể dùng làm minh họa cho lời dạy của đức Phật “không có cá tính hay định mệnh tùy thuộc vào ngày tháng năm sinh, mà tất cả tùy thuộc vào môi trường giáo dục, cá tính, cách thức của nội tâm trong  từng con người”.

Nhà Phật lý giải trường hợp chị em song sinh nhưng lại có cá tính  khác nhau là do hành vi, giao tiếp mà mỗi người xây dựng, gieo trồng  khác nhau trong kiếp trước, nhưng qua đời cùng lúc hoặc họ tìm nghiệp  cảm tương ứng diễn ra cùng lúc. Khi gặp vợ chồng đang quan hệ giới tính  hoặc một người nữ đang trong giai đoạn mang thai, hai thần thức cùng ao ước tìm kiếm đời sống mới. Lúc đó nghiệp cảm tương ứng làm cho hai người giao thoa với nhau và cùng vào một gia đình trở thành chị em song sinh. Tuy sinh cùng ngày tháng năm, nhưng nghiệp lực và hành vi đạo đức đã  gieo trồng trong quá khứ của hai chị em là hoàn toàn khác biệt, cho nên  họ có thể tương đồng về nhóm vật lý, tức là nhóm phước báu, về tướng mạo giống nhau nhưng cá tính thì hoàn toàn khác biệt.

Kinh Đại Bát Niết Bàn nêu một câu chuyện buộc chúng ta phải  lý giải. Một hoàng tử đem lòng thương yêu một trong hai chị em sinh đôi. Kinh mô tả sự kiện đặc biệt đến độ chúng ta có thể hiểu nó là câu  chuyện mang tính hư cấu hơn là chuyện có thật. Cặp song sinh này, người  chị thì đẹp tuyệt trần như hằng nga giáng thế, hoặc đẹp đến “nghiêng thành đổ nước”; ngược lại, người em lại xấu xí đến độ nếu chúng ta gặp một lần sẽ không muốn gặp lại lần thứ hai. Nếu có nằm mơ thấy dung nhan đó, chúng ta  cũng không thể có được một giấc ngủ an lành. Sự tương phản giữa đẹp và  xấu trong trường hợp này như giữa trời và đất, giữa thiên đường và địa  ngục, giữa hạnh phúc và khổ đau. Kịch tính trong câu chuyện đức Phật nêu ra rất lớn. Làm thế nào để có thể hài hòa, chấp nhận người khác như một cá thể thì câu chuyện diễn tiến như sau.

Cô chị cũng rất thương yêu hoàng tử. Tuy nhiên, cô có một yêu cầu, đó là nếu thật lòng thương yêu và muốn cô trở thành vợ thì liệu anh có thể chấp nhận em ruột cô như em ruột của mình. Câu hỏi cũng là một lời  thách thức lớn. Câu chuyện dừng tại đó, và câu trả lời dành cho mỗi  người chúng ta. Nếu chúng ta rộng lượng thì có thể chấp nhận người em  xấu xí một cách dễ dàng; hoặc nếu chúng ta si tình, bất chấp tất cả những gì lệ thuộc vào người kia thì chúng ta sẽ thương cả đường đi lối  về.

Ca dao Việt Nam có câu “Yêu nhau yêu cả đường đi…” dễ dàng được chấp nhận, nhưng nếu không cùng thuộc về một cá tính thì liệu chúng ta có đủ sức chấp nhận người kia hay không, đó là điều tùy thuộc vào sự hiểu biết của từng người. Một trong những cách tiếp xúc, mổ xẻ câu  chuyện đó là, sự khác biệt giữa người chị và người em về cấu trúc sinh  học, gen di truyền, nếu nói theo thế hệ khoa học ngày nay, là khó chấp  nhận, vì hai người cùng gen di truyền thì không thể có người quá xấu và  người quá đẹp, mà nó phải giống nhau. Cá tính có thể khác, nhưng nhân  thể, cái biểu hiện ngoại hình không thể khác nhau được. Thế thì tại sao đức Phật lại dựng lên câu chuyện về sự khác nhau như vậy?.

Hãy hiểu rằng trong mỗi con người có đa nhân cách, có những lúc chúng ta rất đẹp, nhưng có những lúc chúng ta rất xấu, có những lúc chúng ta  hoan hỷ, nhưng có khi chúng ta cau có,… Những cá tính đối lập gần như là những hoạt động, sự tồn tại của chúng ta trong cuộc đời. Như vậy khi  yêu thương ai, chúng ta phải chuẩn bị để chấp nhận sự khác biệt của  người đó đối với mình. Muốn có hạnh phúc, muốn chia sẻ với ai thì phải  chấp nhận người đó như một cá thể bổ sung cho những gì mà chúng ta không có, bằng không thì sự khác biệt sẽ trở thành đối lập, dẫn đến mâu  thuẫn, va chạm và đổ vỡ.

Quan niệm sự khác biệt của người khác về cá tính, cách ứng xử, kiến  thức,… là một sự bổ sung cho chính mình, cũng giống như trong vườn hoa  với vô vàn loại hoa, đặc điểm của hoa này sẽ làm hoa kia nổi bật và  ngược lại, nhằm tạo nên một tổng thể phong phú đa dạng. Nếu cố tình loại bỏ những loại hoa cỏ dại thì tổng thể vườn hoa không nổi bật những loài hoa đẹp. Hay nói cách khác, cái đẹp trong trường hợp này nhờ có sự khác biệt lẫn nhau, mà nó làm cho nhau nổi bật hơn, hấp dẫn hơn. Sự khác  biệt về cá tính cũng vậy, đức Phật dạy cần có thái độ rộng mở để dễ dàng tiếp xúc với người khác và lắng nghe ý kiến của họ, lắng nghe những  thao thức, những cử chỉ, lời nói việc làm. Sau đó biến chúng trở thành  cái gì đó bổ sung cho bản thân. Hoàn cảnh là nơi trải tâm để tâm thích ứng với nó chứ không phải hoàn cảnh cần được diễn ra theo chiều kích  mong mỏi cá nhân. Xuôi theo nhà Phật là đặt mình trong tình huống có thể là xấu hoặc tốt, để thu nạp hạnh phúc, bằng không thì mỗi sự thay đổi  về cảnh huống có thể mang lại khổ đau.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.