Hạnh Phúc Trong Tầm Tay – Chương I

Cách ứng xử với cuộc đời

Một người Việt Nam vượt biên sang Pháp. Sau mấy chục năm gian nan lưu lạc, cuối cùng anh cũng có cuộc sống ổn định và trở về thăm quê hương.  Trở về đất nước mà trước đây mình từng hạnh phúc, nhưng bây giờ hạnh  phúc đó không còn nữa. Anh nói rằng anh không thể chấp nhận hoàn cảnh  hiện tại, vì anh cho rằng anh đang sống trong một thế giới rất tự do và  nhân quyền. Tất cả quyền của con người được tôn trọng một cách tuyệt đối. Thay vì có thái độ thông cảm với bà con, quyến thuộc của mình, anh  cảm thấy ngột ngạt và tìm cách rời khỏi Việt Nam sớm. Như vậy, trong  trường hợp này, ước muốn hạnh phúc được đặt trên tiêu chí nhân quyền,  nếu thiếu nhân quyền thì hạnh phúc sẽ không còn tồn tại.

Quan niệm cuộc đời như vậy khó có thể được hạnh phúc. Liệu thế giới  nhân quyền ở phương Tây có đảm bảo được hạnh phúc hay không? Ngoài nhân  quyền còn có vô vàn loại hạnh phúc thuộc về đời sống nội tại, nhận thức, ứng xử, cách sống. Nếu không trải tâm để đón nhận những hoàn cảnh không như ý, hạnh phúc sẽ không bao giờ có mặt.

Để có được hạnh phúc, đôi lúc phải chấp nhận những hoàn cảnh trái  ngược. Chấp nhận trong trường hợp này khác với cách thức an phận thủ thường, đặt mình trong tình huống gọi là số phận an bày, giống như quan  niệm của Nho giáo, Thiên chúa giáo, Do thái giáo hay Hồi giáo. Tức là  tất cả mọi thứ trên cuộc đời này, từ hạnh phúc đến khổ đau, từ cảnh  huống mà mình sống cho đến những cảnh huống mình mong mỏi đều do một  Thượng đế nào đó sắp đặt, can thiệp, chi phối và mình chỉ cần đặt niềm  tin vào Thượng đế thì mọi thứ trên cuộc đời này sẽ được giải quyết. Sống với thái độ an phận thủ thường, con người chấp nhận số phận mà không đặt niềm tin vào tương lai sáng lạng, phản ứng gần như trói buộc mình  trong cái mai rùa, khó có thể quán những hoàn cảnh khác biệt trở thành  cảnh huống mang lại hạnh phúc.

Hạnh phúc là cách ứng xử với cuộc đời. Ứng xử này đòi hỏi sự khôn  ngoan, trí tuệ nhận thức, sự sáng suốt hơn là những tính chất của hoàn  cảnh đang diễn ra, vì hoàn cảnh đang diễn ra là quy luật vật lý hay quy  luật của vũ trụ không bao giờ tỷ lệ thuận với qui luật của tâm.

Hạnh phúc thuộc về nhận thức

Đời sống vật chất đầy đủ liệu có thể đảm bảo được hạnh phúc lâu dài  hay đời sống vô sản tuyệt đối như các nhà sư mới thật sự hạnh phúc?

Trong kinh đức Phật kể, một vị đạo sư nổi tiếng đến độ các vị vua Ấn đều đến học hỏi đời sống tâm linh từ ngài, hoặc hỏi về những pháp an  bang trị quốc bình thiên hạ, cụ thể là cách tổ chức xã hội, cách giải  quyết những vấn đề kinh tế, văn hóa, truyền thống v.v… nói chung. Theo  thông tục của người Ấn Độ, dù là vua quan hay thường dân, khi đến với vị đạo sư, chúng ta đến với lòng chí thành chí kính hơn là đến với vai vế xã hội mà mình đang có. Cách biểu hiện lòng chí thành đó, chúng ta phải  dừng cương ngựa ở một khoảng cách khá xa cố định. Sau đó phải đi đơn độc trên đôi chân trần với lòng tôn kính, nhà vua đã làm theo cách thức đó để đến học hỏi pháp của vị đạo sư này. Trong lúc học hỏi pháp, nơi nhà  vua dừng cương ngựa bị phát hỏa, tất cả hành lý ngọc ngà châu báu mới  thu nhận từ những nước cống nạp biến thành mây khói theo cơn hỏa hoạn.  Nhưng kịch tính chủ chốt lúc này lại diễn ra trong biểu hiện của hai  người, đạo sư và nhà vua.

Trong câu chuyện đức Phật kể, nhà vua vẫn điềm tĩnh hỏi đạo lý và ông say mê với những điều đạo lý mà đạo sư trình bày. Ông cảm thấy hạnh  phúc, không màng đến đám lửa cháy, không màng đến những vật quí bị đám  lửa thiêu đốt. Ông chỉ màng đến chánh pháp, giá trị của đời sống tâm  linh mà ông đang thiếu thốn. Trong khi đó, vị đạo sư bất chợt nhìn về phía cánh rừng nơi đám lửa đang cháy, tại sao? Vì đạo sư này chỉ có hai  bộ quần áo. Một bộ ông mặc, còn một bộ đang được phơi ở phía đám cháy. Đạo sư sợ rằng nếu mất bộ quần áo, ông sẽ không còn bộ nào để thay.

Trong câu chuyện của đức Phật, mặc dù đạo sư không có tài sản như các nhà sư hiện nay, nhưng cách ứng xử còn khác, huống hồ các nhà sư hiện  nay có chùa, có đoàn thể, có tài sản, thậm chí có tài khoản riêng. Như vậy, nhận định câu chuyện này, chúng ta thấy liệu đời sống vô sản thật  sự có mang đến cho chúng ta trạng thái hạnh phúc lâu dài hay không?

Trong câu chuyện, đạo sư là người vô sản, ông giảng đạo lý rất hay,  rất sâu. Từ đạo lý đó, bao nhiêu người được hạnh phúc nhưng bản thân đạo sư lại không hạnh phúc, bởi vì ông chỉ sống với kiến thức chứ không  sống với sự hành trì. Ông có thể hiểu đạo lý vô thường và nói về vô  thường một cách tâm đắc, thuyết phục nhưng đời sống, sự chứng đắc về vô  thường ở ông không có. Đạo sư tiếc nuối về bộ quần áo, ông mang tâm bám  víu vào nó, mặc dù nó là tài sản tối thiểu mà con người cần phải có.

Đời sống vật chất đầy đủ đôi lúc tạo phương tiện an vui, nhưng cũng  là những phương tiện ràng buộc con người. Tại sao? Ví dụ, trước đây  chúng ta có một tivi trắng đen, cảm thấy rất vui khi tiếp cận thông tin, du lịch đó đây trên thế giới mà không cần phải mua vé máy bay. Chỉ cần  bật đài là có thể đi từ địa điểm đang ngồi trước tivi đến khắp mọi nơi.  Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật,  con người ngày càng được sống trong môi trường tiện nghi hơn, do đó, cơ hội để cơ thể hoạt động ngày càng giảm.

Tất cả máy móc trong gia đình đều có thiết bị điều khiển từ xa, chỉ cần ngồi bấm là mọi thứ vận hành theo ý muốn của chúng ta. Như vậy,  những phương tiện đó phục vụ cho hạnh phúc của chúng ta, thỏa mãn những  gì chúng ta muốn, nhưng đồng thời phương tiện đó cũng sẽ gây cho chúng  ta những chứng bệnh khác.

Đó là những hội chứng của sự nghiệp ngập, đặc biệt đối với người thất nghiệp. Trong hoàn cảnh từ sáng đến tối không có việc làm, người ta dễ dàng làm bạn với chiếc ti vi. Thói quen dán mắt trước ti vi từ sáng đến  tối, hình thức giải trí này, sẽ biến người đó trở thành con nghiện. Lúc đó, hạnh phúc lớn nhất với họ là xem tivi. Hoặc những thú vui giải trí  phổ biến, tụ họp thành nhóm la cà trong các phòng gym tập thể dục dụng  cụ hay thể dục thẩm mỹ. Đam mê chạy theo nhu cầu cải thiện ngoại hình đôi lúc khiến người ta lạc lối, đánh mất mục đích chính là bảo vệ sức  khỏe cường tráng một cách lâu dài.

Trên một phương diện nào đó, đời sống vật chất dư giả tránh cho chúng ta khỏi lo lắng về những thiếu thốn hằng ngày. Nhờ vắng bóng của sự lo  lắng đó mà chúng ta có được tâm an vui đến chùa ngồi hai tiếng, thậm chí suốt ngày, mà không cảm thấy bất an. Chúng ta có thể tạm gác tất cả việc gia đình để dành trọn một ngày an tâm tại chùa, tìm kiếm giá trị tinh thần và hạnh phúc. Bằng ngược lại, chúng ta có thể có những cái  vướng bận khác. Một căn nhà với đầy đủ tiện nghi, chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể điều khiển ti vi, máy lạnh, rèm cửa, đầu đĩa, quạt,… bằng  những chiếc điều khiển từ xa, dần dà con người trở nên lười vận động,  tay chân cơ bắp thiếu linh hoạt. Thêm vào đó là chế độ ăn uống quá dư thừa đạm, gây nên chứng bệnh béo phì và các chứng bệnh nguy hiểm khác.  Hạnh phúc thật sự không liên hệ đến khối lượng vật chất chúng ta có hay  không, mà nó liên hệ đến chất lượng tâm linh chúng ta quán niệm về cái  có và không có này.

Một nhà sư chỉ có ba y một bát, ngủ dưới gốc cây, đời sống thong  dong, rày đây mai đó để chia sẻ những giá trị tinh thần cho bà con bá  tánh, nhưng nếu bản thân nhà sư không buông được tâm thì sự tu hành  không có giá trị gì cả.

Hành giả đến chùa tu, tạm gác tất cả công ăn việc làm, thậm chí những bận bịu với gia đình, con cái, cháu chắt. Dĩ nhiên, chúng ta tìm kiếm  giá trị tâm linh, nhưng liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội đó hay chỉ đến như thói quen, nhu cầu tìm vui hoặc đến chùa để tâm sự với những  người bạn đạo. Nếu chỉ tìm kiếm giá trị hạnh phúc theo một góc độ quan  niệm đơn thuần như vậy, chúng tôi nghĩ một ngày tu tập đó rất uổng phí,  bởi cái giá trị to lớn nhưng chúng ta đạt được chỉ một phần.

Tóm lại hạnh phúc nói một cách tuyệt đối nằm ở nhận thức của con  người về những gì có và không có. Biết vận dụng tiền của vào mục đích từ thiện, bố thí, cúng dường, và làm những việc tốt cho cuộc đời thì  phương tiện đó là cơ hội để gia tăng hạnh phúc, bằng ngược lại nó có thể trở thành khổ đau. Hạnh phúc thuộc về nội tâm, thuộc về nhận thức, cách ứng xử của chúng ta đối với cuộc đời. Nó là niềm khao khát, là nhu cầu  không thể thiếu. Hãy mở rộng tầm nhìn, mở rộng chân trời và hạnh phúc nó có sẵn chứ không cần tìm kiếm đâu xa.

Thích Nhật Từ – Nhà xuất bản Phương Đông 2011

http://thuvienhoasen.org

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.