Hạnh Phúc Trong Tầm Tay – Chương III

Chương 3 : Hạnh phúc hôm nay

Ging ti Trung tâm Bảo trợ Xã hội, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ngày 13-02- 2007
Đánh máy: Diệu Ngọc

Hạnh phúc và tự do

Nhiều người quan niệm tự do đồng nghĩa với hạnh phúc. Quan niệm về tự do ở mỗi người cũng rất khác nhau. Một số cho rằng việc rày đây mai đó, làm bạn với bầu trời xanh, có mặt ở các ngả đường, thậm chí ở gần gầm  cầu tối tăm, hoặc làm bất cứ điều gì theo ý muốn là tự do hạnh phúc.

Thực ra, ý niệm về sự tự do hoàn toàn khác với những điều vừa nêu.  Một đời sống tự ý muốn có khuynh hướng tự tiện, tự do đó không mang lại  hạnh phúc cho bản thân. Sự tự do được hiểu theo nghĩa tốt nhất là gắn  liền với hạnh phúc. Vì vậy, tự do phải là sự thanh thản về đời sống cảm  xúc, nói chung là an vui trong sinh hoạt, không có bất kỳ sự ràng buộc  nào. Sống với trạng thái như vậy được gọi là người đang có tự do.

Nhân dân Việt Nam có câu “an cư lạc nghiệp”. Lạc nghiệp đặt  trên nền tảng của sự cố định về nơi ăn chốn ở. Quan niệm dân gian này  cũng cho thấy tự do rày đây mai đó ở khắp phương trời không mang lại  hạnh phúc, vì thiếu yếu tố lạc nghiệp. Lạc nghiệp bao gồm hai vế: Nghề nghiệp và hạnh phúc có được từ nghề nghiệp. Cả hai vế này chỉ có thể  được thực hiện khi chúng ta có nơi ăn chốn ở ổn định. Như vậy, khuynh  hướng dân gian vẫn khuyên chúng ta thay đổi quan niệm về sự tự do chiều  theo ý muốn của bản thân.

Chạy theo ý muốn của bản thân phần lớn con người đánh mất chính mình. Thử quan sát nếu mở cửa cho các con chim trong lồng bay ra sẽ có hai  khuynh hướng khác nhau. Khuynh hướng thứ nhất là con chim cất cánh bay  cao, bay xa về trời xanh, tránh khỏi mọi sợ hãi do con người bắt giết,  tránh khỏi mọi nỗi lo về sự xâm tổn. Khuynh hướng thứ hai, một số con  chỉ bay đây đó rồi đậu trên các cành cây, vỉa hè, mái nhà.

Điểm chung là chúng cảm thấy đạt được hạnh phúc trong lối sống phóng khoáng không bị ràng buộc.

Thế giới của loài chim muông gắn liền với trời xanh. Tự do của chúng  là không gian vô tận. Thế giới con người khác hoàn toàn, vì nó là một định chế xã hội, nơi có truyền thống cha mẹ con cái, vợ chồng, anh em,  người thân với những tình thương yêu, chăm sóc, lo lắng lẫn nhau. Con  người không thể bắt chước các loài chim tìm đến một nơi tự do vô phương  hướng, bất an định.

Vun đp tình thương yêu

Nhà Phật nêu ra hai loại người: Thứ nhất là những vị tăng sĩ xuất gia sống bần hàn, phát huy các giá trị tinh thần và tâm linh, tìm kiếm giá  trị hạnh phúc trong việc phục vụ tha nhân. Loại người thứ hai là những  người có nghề nghiệp, nhà cửa, tài sản địa vị, vị trí xã hội khác nhau, được nhà Phật gọi là người tại gia, tức là đang sống trong mái ấm gia đình được bắt đầu bằng đơn vị ngôi nhà vật lý.

Ngôi nhà vốn có tính chất an ninh đảm bảo cho tài sản chúng ta làm ra từ mồ hôi nước mắt, ngoài ra nó còn có chức năng nối nhịp tình thương  giữa vợ chồng con cái. Không có ngôi nhà thì mỗi thành viên trong gia đình không thể thành công, cuộc sống rày đây mai đó không thể đảm bảo  sức khỏe. Đời sống trong một mái ấm tạo nền tảng hạnh phúc, đảm bảo sức  khỏe để theo đuổi và đạt những điều mong muốn.

Khi các thành viên có mặt trong trung tâm bảo trợ xã hội, nếu nghĩ cuộc sống của mình là sự gò bó do quản thúc thì khổ đau sẽ xuất hiện.  Hãy quan niệm trung tâm như một ngôi nhà. Từng thành viên trong nhà trở thành người thân của nhau, mặc dù không có quan hệ huyết thống. “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, bà con ruột thịt phương xa khó có thể chăm sóc thương yêu chúng ta như chính những người bạn đồng liêu sống cùng phòng. Khi nghĩ mình đang sống trong một trung tâm, thì ý thức về sự bị cai quản xuất hiện làm chúng  ta cảm thấy khó chịu, bứt rứt muốn thoát khỏi như các chú chim rộng cánh bay về trời. Thế giới chim muông là thế giới của bản năng chạy theo nhu cầu hiện tại, không như thế giới con người có ý thức nghĩ đến phương  hướng lâu dài, có tổ chức sinh hoạt để tạo ra nền tảng giá trị thương  yêu, chăm sóc và bảo vệ lẫn nhau. Do đó hãy quan niệm cuộc sống trung  tâm như một ngôi nhà, ngoài chức năng vệ sinh, an ninh, còn có chức năng chăm sóc tình thương, tình yêu.

Nhìn nhận những người nhỏ tuổi hơn như con cháu và người lớn tuổi hơn như anh chị, cha mẹ, ông bà của mình thì trạng thái cô đơn, buồn tẻ vì  không có người thân sẽ được vơi đi. Thay vì phải lập gia đình để có một đứa con chăm sóc, lo lắng thì việc xem tất cả trẻ nhỏ xung quanh như con cháu của mình mà không cần thiết phải tạo ra con cái nữa, miễn sao  chúng ta thể hiện tình thương và xem đó như một gia đình.

Tuổi đời của trẻ thơ gắn liền với quyền được học, quyền được yêu  thương, chăm sóc bảo bọc của người lớn. Thế nhưng nhiều em bé mới sinh  ra đã không được gần cha mẹ. Đối diện trước hoàn cảnh đó, cộng với sự rủ rê của bạn bè, các trẻ trở thành những mảnh đời lang thang ở phương  trời vô định, và không nhìn thấy tương lai của mình. Vào các trung tâm  bảo trợ, chúng ta có cơ hội được học và giáo dục, nên phải nghĩ rằng đó  là quyền lợi lớn nhất của mình. Sống rày đây mai đó, bữa đói bữa no, khi được người thương, lúc gặp kẻ ghét… Tính chất hên xui làm chúng ta chán nản thất vọng, không lối đi về. Do đó, khi có một nơi nương tựa thì nên tận dụng cơ hội để học đến nơi đến chốn. Kiến thức là nền tảng của hạnh phúc, vì nó dẫn dắt chúng ta đến những khuynh hướng có giá trị. Tuổi  nhỏ không học, lớn lên sẽ bị thiệt thòi. Nếu chỉ nhìn thế giới bao la  rộng lớn như con ếch từ đáy giếng nhìn lên bầu trời xanh thông qua miệng giếng, bị giới hạn không gian, thì chúng ta không thể thấy hết được bầu trời và tưởng rằng thế giới chỉ chừng đó. Và nếu chẳng may cái giếng  mình đang ở toàn bóng tối, thiếu vật thực, các phương tiện sinh hoạt thì không gian đó làm chúng ta cảm thấy khổ đau cùng cực. Do đó, cuộc sống ở các trung tâm với không gian mênh mông cỏ cây hoa lá, bầu trời, sinh  hoạt, giao lưu tiếp xúc, phương tiện truyền hình, được học tập, được  thương yêu thì chúng ta nên thấy đó là điều kiện để đạt an vui hạnh  phúc. Khi thấy hạnh phúc thì niềm tin tương lai sáng lạng sẽ tràn về, vì tương lai là kết quả của hiện tại. Tuổi nhỏ không được đầu tư, khi lớn  lên mất phương hướng và trở thành những thói quen xấu khó có thể sửa  chữa. Vì vậy, phải uốn nắn ngay từ nhỏ.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.