Hạnh Phúc Trong Tầm Tay – Chương IV

Cần nỗ lực xây dựng lại những gì đã làm

Khi nói nỗ lực lần thứ hai, chúng tôi thừa nhận rằng trong cuộc đời  dù giàu hay nghèo, không mấy ai may mắn thành công trong lần đầu tiên nỗ lực. Nhiều người đạt vương miện hoa hậu hay quán quân trong các trò  chơi, thủ khoa trong các kỳ thi, làm giám đốc này hay chủ tịch Hội đồng  quản trị nọ, chúng ta cứ tưởng cuộc đời của họ rất yên ả; trên thực tế, họ đã vượt qua rất nhiều gian truân thử thách. Giờ phút vinh quang nhất  của họ mà chúng ta biết được là ở thời điểm họ thành công, còn thời điểm họ phấn đấu vươn lên trong cuộc đời, ít người kể chúng ta nghe. Không  có cái gì không phải trả giá. Do đó nỗ lực lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, trong cuộc đời là điều rất cần thiết và không thể thiếu.

Có hai anh em cùng làm giám đốc. Sau một năm rưỡi, từ cuộc khủng  hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến khủng hoảng tài chính tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản và nhiều loại hình  kinh doanh khác bị phá sản. Tiền trong tay vài chục tỷ nhưng qua biến cố khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho họ chỉ còn con số 0. Nhiều người đã phải tự tử hoặc ngồi tù, vì không có tiền chi trả cho những khoản  nợ. Tình yêu, hạnh phúc gia đình,… những đổ vỡ khác kéo theo sau.

Hai anh em giám đốc, mỗi người quản lý một công ty. Trong khủng hoảng chung, họ trở thành tay trắng. Người anh không phải là Phật tử, mặc dù  quý kính Phật pháp, nhưng vì không có người tư vấn, trong lúc đổ nợ đã  vương vào chứng bệnh trầm cảm nghiêm trọng, mượn rượu tìm quên. Bế tắc  ngày càng bế tắc, cuối cùng anh đã uống thuốc ngủ, và vĩnh viễn trở thành kẻ tâm thần.

Trong khi đó, người em ở phương xa cũng bị thua lỗ tương tự. Nhưng ý  niệm và chí hướng của người em có phần tích cực lạc quan hơn. Khi bị khủng hoảng tinh thần, anh đã tìm đến các nhà sư nhờ tư vấn, được thực  tập thiền, làm lắng dịu dòng cảm xúc, biết rõ quy luật vô thường trong  cuộc đời, thành công thất bại như những áng mây trôi, có đó rồi mất đó.  Nhờ vậy, anh làm chủ được dòng cảm xúc của mình, hiểu được thất bại là  mẹ của thành công trong tương lai, thất bại là phương tiện, một mặt bằng tốt để phấn đấu làm mới trong cuộc đời. Dù cũng trắng tay như bao người khác, nhưng anh vẫn sống hạnh phúc và bình an, thừa nhận những bất hạnh diễn ra xung quanh, và không lấy đó là quan trọng. Khi còn sức khỏe,  mạng sống, lý chí, lý tưởng, ai cũng có thể gầy dựng lại từ đầu, và thực tế cho thấy rất nhiều người đã gầy dựng một cách thành công.

Nỗ lực trong sự thất bại là tiền đề dẫn đến thành công có nền tảng  hơn trong tương lai. Lúc đó, chúng ta mới quý trọng hơn sức lao động, mồ hôi, nước mắt, và sự khôn ngoan của bản thân. Cho nên đừng chán nản,  thất vọng, hay bỏ cuộc nửa chừng mà hãy tin tưởng về một tương lai tốt đẹp, như những chiếc lá màu xanh vào mùa xuân, mặc dù trong mùa thu nó  chỉ còn trơ trọi những cành khô, nhưng không vì thế mà bảo rằng cây kia đã chết. Cây vẫn sống, nhựa và sức sống vẫn còn tiềm ẩn bên trong. Ba  tháng của mùa thu trôi qua, sức sống lại tiếp tục vươn mầm trỗi dậy.

Con người chúng ta còn mạnh hơn các cây của bốn mùa. Đời người có  những thăng trầm, khi lên voi lúc xuống chó. Khi sống mất lý tưởng, lúc  vững tâm tin tưởng vào chính mình, lúc khác gần như buông trôi như lục  bình. Nhưng hãy luôn nhớ đến những thời khắc thành công và mong mỏi nhân bản sự thành công đó trong hiện tại và tương lai. Với niềm tin sắt đá  thì sự nỗ lực ở những lần kéo theo, sau lần thất bại sẽ bù đắp cho chúng ta một cách xứng đáng.

Ngạn ngữ Anh có câu: “Freedom is not free”. Đích điểm của sự tự do, hay hạnh phúc của sự thành công trong cuộc đời không bao giờ là  miễn phí. Chúng ta phải tốn tiền, công sức, trí tuệ để có được nó. Do  vậy, cứ mỗi lần nỗ lực lần thứ hai, chúng ta mong mỏi hạnh phúc trong  tầm tay mình phải đạt được, với quyết tâm cao độ, trước sau gì cũng làm  chủ được tương lai của mình. Đạo Phật dạy rất rõ, quá khứ đã qua, không  nên nhớ tưởng, vì nhớ tưởng là hâm nóng sự khổ đau; tương lai nằm trong  hiện tại, hãy sống, đầu tư và tin tưởng hết mình ở hiện tại thì tương  lai sẽ có mặt.

Đừng mơ tưởng những hạnh phúc quá lớn vượt ngoài tầm với. Chướng ngại lớn nhất của hạnh phúc là mơ tưởng hạnh phúc quá lớn. Những ai rơi vào  thái độ nhận thức vừa nêu sẽ khinh thường và không quan trọng những điều nho nhỏ có thể vun đắp được. Dân gian Việt Nam thường nói “p gió thành bão”, tích tụ những cái nho nhỏ một cách tăng dần đều và không gián đoạn,  chúng ta sẽ có cả một tương lai. Điều này ai cũng có thể làm được không  nhất thiết người giàu và thành công.

Trước tiên, muốn có hạnh phúc thật sự thì hãy buông bỏ những hạnh  phúc quá cao sang. Dĩ nhiên trong nỗ lực, chúng ta phải nhón chân, với  tay nhưng đừng với quá xa. Hãy xây dựng hạnh phúc bằng những điều đơn  giản, có ý nghĩa trong cuộc đời mình.

Nhiều người trong chúng ta sống và hạnh phúc đã có mặt như những  tiếng vang tạo thành những âm vọng có thể nghe được, còn nắm được âm  thanh đó và giữ nó lại với mình một cách lâu dài thì hầu như vượt ngoài  tầm với. Nếu cứ giữ khoảnh khắc của quá khứ thì chúng ta sẽ đánh mất  hiện tại trong khi năng lượng đời sống nằm ở hiện tại. Hạnh phúc của đời sống được xây dựng trên hiện tại nên mơ tưởng về tương lai hay chạy về quá khứ, hiện tại sẽ không còn.

Đừng biến hạnh phúc thành những tiếng vang vọng trong không gian mà  phải là những cái ta có thể nghe được bằng tai mình. Đừng mơ tưởng hạnh  phúc là bình dưỡng khí, nếu thiếu nó ta không sống được mà phải thấy  hạnh phúc như không khí mà ta đang hít thở. Cũng đừng mơ tưởng hạnh phúc cao xa, cao lương mỹ vị mà chỉ cần ước muốn mỗi ngày ta có bát cơm ngon miệng, có được giấc ngủ khi nằm xuống không chịu quá nhiều trằn trọc  băn khoăn. Những nho nhỏ như thế dễ dàng trong tầm với của chúng ta.  Hạnh phúc giống như một chiếc đồng hồ mà sự giản đơn của nó nhiều chừng  nào thì độ bền của nó cao chừng đó. Những điều bình dị nhưng ý nghĩa là  cần nhất chứ không phải những điều chúng ta mơ tưởng.

Trở ngại lớn nhất của hạnh phúc là thái độ trông chờ những hạnh phúc  mà mình chưa hề có. Hãy sống với nhân và quả. Đạo Phật dạy, muốn có ăn  thì phải gieo trồng, dân gian cũng nói theo cách thức tương tự “muốn ăn phải lăn xuống bếp”. Muốn có thì phải làm, làm nhiều có nhiều, làm ít có ít. Cuộc đời sẽ trở nên vô vị, buồn chán, tẻ nhạt nếu chúng ta không nỗ lực làm gì cả. Làm  cho bản thân, làm cho tha nhân, làm cho cuộc đời là hành động gầy dựng  hạnh phúc cho bản thân mình. Hãy ít nhất một lần ghé thăm bệnh viện để thấy rất nhiều người muốn làm nhưng không còn đủ sức. Cuộc đời của họ gắn liền với sự hỗ trợ trọn vẹn của tha nhân. Đa số chúng ta dẫu bất  hạnh cũng chưa đến nỗi như thế. Người khác có phước báu về tài sản, sự nghiệp thì chúng ta có phước báu về thân thể khỏe mạnh và nhiều thứ khác. Chưa chắc phước nào hơn phước nào. Hạnh phúc nào hơn hạnh phúc  nào.

Đứng núi này trông núi nọ” thuộc tâm lý phổ biến. Cái không có thì kỳ vọng, cái ta đang có thì hất hủi, bỏ đi, nghĩ rằng nó không  có giá trị. Khi đối diện với cảnh già bệnh và hấp hối trước cái chết,  hầu như đời sống con người rất mỏng manh, giả tạm, lúc đó chúng ta mới  thấy sức khỏe là quý trọng hơn hết chứ không phải gia tài sự nghiệp. Từ vua, quan, khanh tước xuống người bình dân trong xã hội đều đến với cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng. Khi vẫy chào cuộc đời, chúng ta cũng đi bằng hai bàn tay trắng. Càng luyến tiếc của cải gia tài sự nghiệp nhiều chừng nào thì càng bị trở ngại trong tái sinh chừng đó. Do đó, không có nhiều tài sản chưa hẳn là bất hạnh. Nếu biết cách, chúng ta vẫn có được những hạnh phúc bù đắp những gì ta không có. Hãy sống và nghĩ đến những điều thiết thực hằng ngày.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.