Hạnh Phúc Trong Tầm Tay – Chương V

Tác nhân của hạnh phúc

Mặc dù đạo Phật quan niệm về một chủ thể hay một ngã thể như là tác  giả của các sự kiện đang diễn ra, hoặc không có chủ thể của dòng nhận  thức và dòng chảy cảm xúc (vô ngã), nhưng như vậy không có nghĩa là tác  nhân của hạnh phúc không có mặt. Tác nhân đó là một chủ thể không có ngã thể, một chủ thể được kết hợp bởi dòng chảy của cảm xúc, ý niệm hoá, sự vận hành và nhận thức của tâm.

Sự khác biệt với quan niệm triết học và các tôn giáo khác ở chỗ triết học phương Tây, phương Đông, trừ đạo Phật, và các tôn giáo xưa nay cho  rằng con người có một ngã thể, mọi sự vật cũng đều có một thực thể phát  sinh, nếu có. Đối với nhà Phật, cái ngã thể đó nếu có chỉ là sự vận hành theo quy luật vô thường của thời gian, vô ngã về phương diện vật lý và  không gian. Cho nên, tác nhân hạnh phúc trong trường hợp này bao gồm:  Thứ nhất, hạnh phúc đạt được từ bản thân vô ngã của một cá thể nào đó;  thứ hai, hạnh phúc đạt được từ một tổng thể các cá thể vô ngã trong tinh thần đồng đội, cộng đồng mà nhà Phật thường gọi là cơ năng của cộng  nghiệp.

Quan niệm của Phật giáo Nam tông không chấp nhận khái niệm cộng  nghiệp, vì họ cho rằng tác ý, nhận thức đánh giá, dụng ý, khởi tâm của  con người là một hành động và cấu thành bản chất của hành vi, tạo thành “học thuyết hành động” trong đạo Phật. Do đó, tất cả những hành vi không thuộc về tác ý, có  nghĩa là vô tình, không dụng tâm, đều không phải là nghiệp. Đó là cách  giải thích thông thường dựa vào kinh điển Pàli, nhưng quan niệm như vậy  không phản ánh đúng câu đức Phật đã định nghĩa: “Này các tỳ kheo, tác ý là nghiệp, khi có tác ý, hành động con người được thể hiện qua ba cơ năng là thân, khẩu, ý”. Rõ ràng trong định nghĩa súc tích, ngắn gọn này, đức Phật hoàn toàn  không đề cập đến những gì không thuộc tác ý là không có hệ quả của  nghiệp. Đức Phật chỉ nói rằng chính tác ý và sự vận hành của ý thức, ý  niệm có bản chất là một hành động, khi hành động của ý thức có mặt thì  hành động của tay chân, lời nói, sự vận hành của thân sẽ tự động kéo  theo. Hay nói cách khác, trong định nghĩa này, đức Phật nói về mối quan  hệ biện chứng giữa ý thức và các hành vi trong cuộc đời. Ngài không hề nói tới hành vi không có ý thức là không có quả báo. Vì thế, lý giải  trong một số trường hợp của các học giả Nam tông có thể làm cho người  khác hiểu sai và hiểu lệch lạc học thuyết hành vi trong Phật giáo.

Một tài xế xe tải lái xe vào ban đêm. Trạng thái mỏi mệt uể oải, cộng thêm cơn buồn ngủ khiến anh ta đụng vào một ngôi nhà, các khách bộ hành và cán vào các xe đi trước. Không một tài xế nào muốn gây tai nạn,  nhưng trên thực tế điều này vẫn xảy ra bất cứ lúc nào khi tài xế ngủ gật trong lúc chạy xe về đêm. Họ vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, dù có những trường hợp xe máy chạy ẩu, xe đạp băng qua đường mà không để ý nhìn, thế nhưng tài xế xe tải vẫn phải chịu trách nhiệm nhiều hơn  theo quy định của luật giao thông. Trong trường hợp này, hành vi cán  người không có ý thức vẫn tạo ra hệ quả nghiệp báo, nhưng có thể nhẹ hơn, nếu có ý thức thì nghiệp báo sẽ nặng hơn.

Cho nên, có những trường hợp tác nhân bắt nguồn từ nhận thức, quyết định của một cá thể mà hoàn toàn không có sự tác động của bất cứ người  nào. Cộng nghiệp, dĩ nhiên phải có, dù nghiệp được cấu thành bởi các  hành vi có ý thức. Có những hành vi ý thức trùng nhau, hoặc giao thoa  với nhau ở một tần số nào đó. Chẳng hạn trường hợp của những hooligan  bóng đá, khi đội bóng của họ bị loại khỏi vòng tứ kết có thể dẫn đến  tình trạng hooligan tự tử, vì thua cá độ, nhiều người bực tức đi tìm đội bóng đối phương để trả thù… Như vậy, sự tức giận, các hình thức biểu  tình chống đối, mặc dù không ai bảo ai, nhưng nó đều có một tần số sân  hận, không hoan hỷ với kết quả bại trận của đội bóng mình ngưỡng mộ từ lâu. Và như vậy, các hoạt động ý chí bất đồng đó giống nhau về bản chất  nên tạo thành một hành vi được gọi là cộng nghiệp.

Cho nên tác nhân hạnh phúc trong trường hợp tập thể cùng hỗ tương,  cùng làm việc, cùng tạo nên một hành vi sống nào đó, hạnh phúc vẫn có  thể được xem là cộng nghiệp. Ở một số quốc gia, người dân vừa lọt lòng đã có những chế độ an sinh xã hội rất cao. Người thất nghiệp không chết, hầu như không có hình ảnh của kẻ ăn xin ngoài đường, bởi vì tất cả những người có công ăn việc làm đều phải đóng thuế cho nhà nước. Như vậy, hành vi đóng thuế tập thể tạo thành cộng nghiệp là giúp đỡ người  khác, duy trì an sinh xã hội tốt đẹp. Mỗi tháng người thất nghiệp được  nhận trợ cấp đủ để duy trì một cuộc sống bình an. Ngoài ra, họ được các  chế độ như mua thuốc, các sản phẩm dược liệu với giá bằng phân nửa những người có công ăn việc làm. Nếu người thất nghiệp là phụ nữ có hai con  nhỏ, thì chế độ an sinh xã hội sẽ tăng lên gấp ba lần. Cho nên người ta  có thể phát biểu mà không sợ sai lầm rằng: “Lao động là vinh quang, nhưng lang thang thì không chết đói”. Hệ thống đó tạo hoàn cảnh thích hợp cho những người thiếu may mắn trong xã hội, không lâm vào cảnh khốn cùng để dẫn tới những hành động vi phạm luật pháp. Do đó, những quan niệm về chế độ an sinh xã hội và tất cả cùng sống theo chế độ đó sẽ tạo nên nghiệp tập thể và người sinh ra ở nước đó sẽ hưởng những phước báu mà nước khác không bằng.

Nước Việt Nam có những cộng nghiệp tạo thành bản chất văn hóa dân  tộc, phong cách con người Việt Nam, dù nhỏ bé nhưng kiên cường bất  khuất, dũng cảm, không sợ giặc ngoại xâm. Mỗi thứ có một giá trị riêng.  Nhà Phật cho rằng người sống trong những nước nghèo có cơ hội hưởng hạnh phúc về phương diện nhận thức, tâm lý cao hơn, bởi vì “hoa sen chỉ nở ở bùn dơ”. Người sống trong hoàn cảnh thuận lợi đôi lúc không tận hưởng những cơ hội sẵn có, quan niệm “đứng núi này trông núi nọ”, làm người ta đánh mất nhiều cơ hội hưởng thụ hạnh phúc.

Vào thế kỷ thứ XI tại Trung Hoa, có một cậu bé vốn rất thích leo núi. Ngày nọ, một ông lão cốt cách như bậc tiên nhân đến và sờ vào đầu cậu  bé rồi nói: “Sau này nếu con muốn chinh phục các ngọn núi thì đừng bao giờ leo các ngọn núi thấp, hãy leo những ngọn núi cao nhất”. Nói xong, ông ra về và ngày hôm sau qua đời. Cậu bé nhớ câu nói ấy, đến khi mười tám tuổi cậu bắt đầu chinh phục các ngọn núi ở Giang Bắc và  Giang Nam, nơi có khoảng bảy mươi lăm ngọn núi chọc trời. Cậu ta chọn  ngọn núi cao nhất để leo, khi leo nửa chừng cậu nhìn sang ngọn núi kế bên thì thấy ngọn núi kế bên cao hơn ngọn núi mình đang leo. Đây thực ra chỉ là ảo giác về phương diện không gian. Khi ở dưới chân núi này nhìn  sang núi bên cạnh, dĩ nhiên ngọn núi ta đang đứng là cao nhất, nhưng khi leo đến giữa chừng thì lại thấy núi kia cao hơn. Cậu ta bò xuống rồi  lại chạy qua núi đó leo lên. Cứ như vậy hết núi này đến núi kia. Bảy  mươi lăm ngọn núi cậu đều leo cả, và cuối cùng không leo đến đỉnh núi  nào. Như vậy, “đứng núi này trông núi nọ” làm người ta đánh mất rất nhiều cơ hội để tiếp nhận vinh hoa của hạnh phúc.

Người phương Tây rất thích nền văn hóa tâm linh phương Đông, vì họ cho rằng hạnh phúc cộng đồng của họ và phương diện vật chất không đủ sức đảm bảo được những nỗi đau về tâm, nỗi đau ly dị, tham lam, sân hận, si mê hay nỗi đau về những gì muốn mà không đạt được. Rất nhiều người du  lịch tâm linh ở những nước nghèo khó như Ấn Độ, dĩ nhiên không phải để tìm những giá trị thẩm mỹ của nhà cao cửa rộng, kiến trúc nguy nga đồ sộ… mà để tìm những công trình lịch sử văn hóa liên hệ đến môi trường  tâm linh của tôn giáo. Ngược lại, người đang sống ở phương Đông với mức  sống thấp, giá trị tâm linh có sẵn, nhưng họ lại không màng mà đi tìm  mảnh đất hứa ở phương Tây để đáp ứng nhu cầu thiếu thốn về vật chất và  phương tiện sinh hoạt. Cả hai đều đang đứng ở tình trạng “đứng núi này trông núi nọ” nên đánh mất cơ may hạnh phúc của chính mình. Vì thế, hạnh phúc thực  chất chỉ là dòng chảy của cảm xúc lệ thuộc rất nhiều vào thái độ và cái  gốc bản chất cuộc đời dành cho con người hơn là về những gì người ta  hiện có hay không có.

Thời lượng hạnh phúc

Có những trường hợp hạnh phúc chỉ tồn tại trong vài giây, vài tiếng,  vài ngày, hoặc có những trường hợp hạnh phúc kéo dài một năm, hai năm,  ba năm hoặc vĩnh viễn. Thời lượng của hạnh phúc có thể chia làm hai  loại: Hạnh phúc tạm thời và hạnh phúc lâu dài.

Hạnh phúc tạm thời thường bắt nguồn từ những sở hữu, vai trò vị thế xã hội, chức tước, hay nhu cầu yếu phẩm đáp ứng những điều con người  mong mỏi. Tất cả mang lại giá trị hạnh phúc với thời lượng có giới hạn.  Chẳng hạn rượu và ma tuý mà những thanh niên chọn lựa để tìm hạnh phúc, đánh tan nỗi lo lắng buồn phiền, mệt nhọc khi đứng trước hoàn cảnh khó  khăn, hoặc những bế tắc mà họ đã nỗ lực rất nhiều nhưng không tìm ra được giải pháp. Đó là trải nghiệm về phương diện quên đau khổ trong cảm  giác kích thích tố nhất thời. Dĩ nhiên, hiệu ứng phụ của nó làm cho  người say rượu mất đi sự kiểm soát về thân.

Dân gian Trung Hoa có câu triết lý rất ấn tượng: “Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh; nâng chén rượu tiêu sầu, càng sầu thêm”. Nước là dòng chảy của các phân tử H O và là sự vận hành liên tục, nó  không phải là vật chất rắn của các nguyên tố vật lý thông thường như gỗ hay đất đá…, vì thế, dao không thể chặt được nước. Tương tự, người mượn  rượu giải sầu, tìm quên cảm giác buồn bực, nhưng càng uống vào sầu càng  tăng, vì sau khi hết tác dụng của rượu, họ còn lại về phương diện cảm  giác chỉ là cái miệng đắng ngắt, cộng với tác hại cho gan, bao tử. Thân  thể thì hôi bẩn, tinh thần bải oải, cảm giác chán chường tăng dần đều  theo mức rượu mà người đó đã tiêu thụ. Vì thế, phản ứng của rượu chỉ tạo cảm giác hạnh phúc tạm thời.

Sử dụng ma tuý, người ta tìm những cảm giác tự tin, hạnh phúc theo  cảnh tiên bồng không thể tìm thấy ở hạ giới. Theo phân tích, cảm giác  khoái lạc của ma túy, còn lớn hơn cảm giác giao hợp dục tính giữa vợ và  chồng gấp trăm ngàn lần. Điều này rất nguy hiểm. Cho nên, một người bị nghiện ma túy thì cơ hội để bỏ rất khó.

Câu chuyện có thật về con trai của một quan chức lớn rơi vào cơn  nghiện và đã bị đưa vào trung tâm cai nghiện. Khi cha đến thăm và khuyên con hãy từ bỏ để làm lại cuộc đời, người con trả lời rằng: “Con rất muốn điều này và con đã cố gắng nhưng không thành công. Cha không tin  thì cha hãy thử. Nếu cha bỏ được thì con sẵn sàng từ bỏ theo cha. Đến  lúc đó, nếu con bỏ không được, con sẽ chết trước mặt cha”. Người  cha nghe vậy liền chích vào tay một phần tư ống thuốc. Sau đó người cha  chẳng những không bỏ được mà còn đón con về nhà và nhờ con mua thuốc.  Cho nên, trên đường phố Sài Gòn thường nhan nhản những dòng “Ma túy, đừng nên dại dột thử, dù chỉ một lần”.

Cảm giác hạnh phúc thuộc về giác quan mang tính chất tạm thời là những điều cần phải dè dặt. “Nghìn vàng mua lấy nụ cười như không”, đó là quan niệm hưởng thụ hạnh phúc của nhiều người có tiền của mà quên đi trách nhiệm gia đình, xã hội và những hậu quả mà họ chưa bao giờ nghĩ đến. Tốt nhất không nên đặt nặng các giá trị của hạnh phúc mang  tính chất tạm thời dựa trên cơ năng giác quan, vì chúng không đem lại an lạc thật sự.

Hạnh phúc lâu dài hoàn toàn không liên hệ đến giác quan. Nó chỉ xuất  hiện đối với những hành giả thật sự, những con người dấn thân vào con đường chuyển hoá tâm linh. Trong con đường chuyển hóa tâm linh đó, người ta sẵn sàng đánh đổi tất cả những hạnh phúc thông thường của cuộc đời để đạt những hạnh phúc cao hơn. Ai chưa từ bỏ thái độ hưởng thụ thì chắc chắn hạnh phúc tâm linh lâu dài sẽ không bao giờ có mặt. Rất nhiều  người trong tôn giáo lao vào tìm kiếm con đường giác ngộ tâm linh đó,  nhưng không thành công bởi vì phương pháp không đúng đắn. Cho nên, ý  muốn là một lẽ, nhưng để đạt được hạnh phúc lâu dài là một chuyện hoàn  toàn khác. Đức Phật dạy “ta phải có một ý thức và một thái độ kiên  cường, đặt dấu hỏi thật lớn về bất cứ điều gì được nghe qua, được hiểu  biết. Đừng vội tin dù đó là kinh điển, truyền thống, tín ngưỡng, là lời  dạy của bậc thầy, những lý luận siêu hình phù hợp với lập trường bản  thân hay được nhiều người tán đồng a dua, được bảo vệ bởi quyền uy và  sức mạnh. Cần phải có thái độ đặt dấu hỏi về những điều đó”.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.