Hạnh Phúc Trong Tầm Tay – Chương V

Ước muốn  hạnh phúc

Kinh định nghĩa “một trong những cơ sở dẫn đến khổ đau là ước muốn mà không được toại nguyện”, có nghĩa là nguyện ước diễn ra theo cách này mà thành tựu lại theo  hướng hoàn toàn đối lập. Nỗi thất vọng do nỗ lực dụng công theo đuổi một lập trường, sự nghiệp lại không được đền bù trả giá đúng mức khiến con  người trở nên khổ đau.

Khổ đau trước nhất là tiếc nuối những gì đã bỏ ra mà không đạt được;  khổ đau thứ hai là kết quả, cái mà con người nghĩ rằng nó sẽ đáp ứng ở mức độ cuối cùng, nhưng mọi việc lại diễn ra theo cách thức riêng của  nó. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra là khi ước muốn được toại nguyện, con  người có thật sự được hạnh phúc không?. Câu trả lời tùy thuộc vào nội  dung của từng ước muốn. Chẳng hạn sự thành tựu ước muốn trở thành tay ăn trộm chuyên nghiệp, rõ ràng không mang lại hạnh phúc mà chỉ mang lại  niềm vui, niềm vui đó nuôi lớn bản ngã, còn hạnh phúc thì không có mặt  thật sự. Rất tiếc có nhiều người theo đuổi khuynh hướng tiêu cực này,  hoặc đánh đồng hai thành một, niềm vui là hạnh phúc. Có nhiều cách thức để truyền bá niềm vui, bao gồm cả những tiến trình rất mạo hiểm.

Hai cha con hành nghề ăn trộm. Người cha vô cùng lão luyện và người  con cũng muốn không thua kém cha mình. Anh yêu cầu cha truyền nghề một  cách chính tông. Một hôm vào lúc giữa khuya, người cha dẫn con lẻn vào  một ngôi nhà giàu có. Sau đó cha bảo con hãy chui vào tủ quần áo ngồi đợi cha. Người con vui mừng làm theo. Sau khi con chui vào tủ, người cha hô lớn lên “trộm, trộm” rồi bỏ chạy. Sáng hôm sau, con lững  thững trở về sau một đêm đối phó với các gia chủ và trốn chạy, thái độ anh hậm hực định thanh toán cha mình. Bấy giờ người cha gật gù vỗ vào  vai con và chúc mừng con đã thành nghề.

Câu chuyện một mặt phản ánh chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng một mặt phản ánh ước muốn được thành tựu chưa chắc là niềm hạnh phúc thuộc về đời  sống của nội tâm. Có những bài học cần tính hiện thực, đặt học trò vào  một bối cảnh để tự tạo giải pháp cho riêng mình. Chủ nghĩa kinh nghiệm  rập khuôn bắt thế hệ sau phải bê các giải pháp của thế hệ trước áp dụng  cho các tình huống hoàn toàn khác nhau là điều mà các triết gia duy lý  rất phản ứng. Họ cho rằng bê khuôn kinh nghiệm của người trước áp đặt  cho những người sau là tạo khổ sở cho họ, đặt một giá trị chân lý bất di bất dịch và bắt mọi người phải theo chân lý đó đôi lúc đánh mất những  khả thể có thể tiếp cận chân lý mà phải xóa bỏ những cái này mới làm  chân lý hiển hiện được.

Tuy nhiên phương diện cần nêu ở đây là liệu ước muốn khi được thành tựu có mang lại niềm hạnh phúc hay không?. Công thức “Ước muốn không thành tựu =>Khổ đau” chỉ diễn ra một chiều, chiều còn lại “Ước muốn được thành tựu => Hạnh phúc” chưa chắc là chân lý. Sự thành tựu ước muốn chưa hẳn là hạnh phúc, nếu  thành tựu ước muốn đó đặt trên nền tảng của đời sống vị kỷ mang lại khổ  đau, đi ngược lại quy luật của đạo đức, lương tâm và luật pháp.

Nỗi buồn thành niềm vui

Khi sống trong môi trường hoàn toàn trái biệt và đi ngược lại nguyện  vọng của chính mình thì phải làm thế nào để được an vui? Những nông dân  chân lấm tay bùn, bằng rất nhiều nỗ lực, nhưng cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Mỗi bước chân đi trên đồng ruộng mang theo cả gánh nặng về trách nhiệm gia đình, về cuộc sống. Khi vụ mùa bị thất thu, công sức  tiền bạc đổ dồn cho một năm trời nhưng cuối cùng không đủ để trả vốn. Lỗ vốn và mất công, rõ ràng khổ đau tràn ngập. Trong những tình huống này, người biết cách vẫn có thể tạo cho mình được niềm vui. Dĩ nhiên, niềm  vui có thể bắt nguồn từ sự tự an ủi nào đó, theo cách nói của người  phàm, bằng không thì phải biết cách nhìn, quán chiếu, để chuyển nỗi buồn thành niềm vui. Câu ca dao được các em mục đồng hát nghêu ngao trên đồng ruộng: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ”. Đó là cách thức tìm kiếm giá trị hạnh phúc từ những phương tiện, những  sự kiện đang diễn ra liên hệ đến cuộc sống hằng ngày của nông dân như là một số phận.

Ấn Độ là một nước nghèo khó, mặc dù sự phát triển về khoa học, vũ khí, các công nghệ hiện đại Ấn Độ đang từng bước theo kịp các nước  phương Tây, nhưng đời sống của quản đại đa số quần chúng là nghèo khó,  nghèo rớt mồng tơi, màn trời chiếu đất. Báo chí đưa tin, hàng năm sau  mỗi mùa mưa, mùa nắng, có tối thiểu ba trăm người chết. Họ không có đủ phương tiện để điều hoà khí hậu bất thường nóng và lạnh ở Ấn Độ. Nếu  quan sát cách thức con người Ấn Độ sống trong sự khổ sở đó, sẽ có nhiều điều cần học từ họ.

Hiện tượng kẹt xe trên đường kéo dài ba đến năm tiếng là rất phổ biến, nhưng trên gương mặt của tài xế và phụ lái Ấn Độ không thể hiện sự buồn rầu, bực dọc, tức tối. Anh tài xế hát nghêu ngao một đoạn nhạc thư giãn, lúc nào đi thì đi, lúc nào phải dừng thì ngồi chờ, không hề than  trách, cũng không đứng trên mui xe nhìn tới phía trước xem đoàn xe này  còn kẹt bao lâu nữa.

Đó là thái độ của người Ấn Độ, họ luôn tìm những cách an vui trong  hoàn cảnh khó khăn hằng ngày. Như vậy, hạnh phúc liên quan rất nhiều đến cách nhìn vấn đề, cách giải quyết vấn đề hơn là bản thân của vấn đề và  sự kiện đang diễn ra, dù các sự kiện đó là nghịch cảnh, khó khăn, gian  truân, thử thách.

Một anh đạp xích lô Ấn Độ kiếm sống bằng sức lao động tay chân, chở khách hàng to béo vẫn không làm cho họ cảm thấy khổ đau. Mỗi người có  một tiêu chí riêng, cá nhân anh đặt ra tiêu chí mỗi ngày kiếm hai mươi  rupi, khi kiếm đủ tiêu chí thì anh không chạy nữa mà ngả lưng nằm trên  xe xích lô thư giãn, ai gọi cũng lắc đầu không đi. Họ tìm mọi cách để an vui mà không cần phải bon chen, giàu có thế này thế nọ. Người Ấn Độ không quan niệm giàu có hoặc đầy đủ phương tiện là hạnh phúc. Vì vậy mà Ấn Độ là môi trường sản sinh ra rất nhiều tôn giáo có chiều kích tâm  linh hơn các tôn giáo phương Tây.

Sự thỏa mãn một ước muốn chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc đích thực.  Câu chuyện nhà thi hào, nhà văn Đức nổi tiếng thế kỷ 18, Goethe, đem  lòng thương Charlote Buphe, vợ của bạn ông. Mặc dù vậy, sự si tình vẫn  làm ông theo đuổi ước mơ được lấy Charlote làm vợ. Đã nhiều lần ông tìm  cách tiếp cận Charlote và tìm cách bày tỏ rằng: “Nếu không lấy được em anh sẽ tự tử để chứng minh tình yêu chung thủy và duy nhất”. Điều đó đã làm cho Charlote vô cùng hoảng sợ, bà đem điều đó chia sẻ với chồng mình.

Một hôm, chồng bà đến gặp Goethe và nói một cách tế nhị rằng: “i nghe người ta nói Goethe đem lòng thương vợ tôi. Tôi nghĩ nếu Goethe thương vợ tôi thì Goethe không còn là Goethe nữa”. Goethe đã rất nhanh trí trả lời: “Rất tiếc tôi không phải là Goethe như anh nói, nếu là Goethe tôi sẽ cho anh chồng biết tay, có nghĩa là tôi sẽ tự tử thật”. Nói như vậy, Goethe phủ định việc ông đem lòng yêu thương Charlote.

Thế nhưng ông vẫn hun đúc ngọn lửa tình yêu cháy bỏng và cho ra đời tác phẩm mang tên “Nỗi đau của chàng Werther”. Tác phẩm phản ánh chuyện tình của Werther và Lohtéa, tương tự chuyện  tình của ông và Charlote ngoài đời, nhưng cuối tác phẩm ông cho phép  Werther tự tử chết, vì tấm lòng chung thủy trong tình yêu một chiều mà  người kia không biết, không bao giờ đáp lại, và không thể nào đáp lại được.

Trong tác phẩm này, nhân vật Werther được nhà văn Goethe mô tả đạt được hạnh phúc tối đa trong tình yêu ảo mộng của mình. Cái chết chứng  minh lòng thương yêu của ông là duy nhất, không gì thay đổi, chuyển hóa được, và quan niệm của ông cho đó là hạnh phúc. Bao nhiêu chàng trai trẻ đã chết theo Werther, vì tìm thấy sự đồng cảm trong tác phẩm. Đó là sai lầm với khuynh hướng bắt chước mà không suy nghĩ tại sao lại làm điều đó. Nhưng có một điều rất khôi hài là bản thân Goethe thì không chết,  thậm chí sống đến gần trăm tuổi, trong khi rất nhiều thanh niên trẻ sau  khi đọc tác phẩm đều bỏ mạng.

Các nhà văn khác đã thốt lên lời phát biểu: “Chưa bao giờ có một  nhân vật nữ nào đẹp, quyến rũ, tuyệt vời như nhân vật Lohtéa, đã làm say mê biết bao con tim của các chàng trai và dẫn đến cái chết của họ nhưng tác giả của nó thì sống nhăn răng”. Ước muốn của Goethe là chết để chứng tỏ tình yêu duy nhất dành cho Charlote. Ông không thỏa mãn được  trong thực tế thì thỏa mãn qua tác phẩm.

Đó là lý do tại sao kinh Phật khẳng định “tác ý, tự do ý chí,  biểu hiện về đời sống nội tâm chính là một hành động, nếu đó là hành động tốt sẽ có phước báu, nếu là hành động xấu thì mang lại hậu quả tương ứng trong cuộc đời”. Theo nhân quả, Goethe đã tạo nghiệp xúi  giục biết bao chàng trai trẻ hồn nhiên, vô tư, nhưng thiếu sáng suốt lao vào cái chết thoả mãn tình yêu không được đáp lại.

Như vậy, có thể khẳng định: “Hạnh phúc không nằm ở chỗ  ước nguyện được hoàn tất có thể mang lại niềm vui, mà hạnh phúc là điều  gì đó vượt lên trên niềm vui thông thường”.

Dù hạnh phúc của phàm tục, nó liên hệ đến các giác quan khi các giác  quan được thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ như mắt quan sát các hình thái sắc  tướng, tai nghe âm thanh thích hợp… đều có thể tạo phản ứng hạnh phúc.  Nói cách khác, hạnh phúc là sự hưởng thụ, khoái cảm của các giác quan đối với các đối tượng mà chúng tiếp xúc. Nhưng sự thỏa mãn ước muốn  trong trường hợp này chưa phản ánh được bản chất của hạnh phúc đích  thực. Có những sự thoả mãn chỉ đem lại khổ đau cho con người. Do đó,  người Phật tử phải sáng suốt, dứt khoát, buông bỏ không tiếc nuối. Vì sự theo đuổi và đạt mục tiêu không chân chính chẳng những đánh mất giá trị hạnh phúc thật sự mà còn mang lại khổ đau cho người khác.

Chấp nhận bản thân

Thái độ chấp nhận bản thân vừa nghe qua tạo cảm giác sai lầm là chấp  nhận bản ngã, nuôi dưỡng bản ngã, nuôi dưỡng khuynh hướng, cá tính, sự khác biệt của mình so với người khác. Càng nuôi dưỡng thì lòng tự đại,  tự phụ, kiêu căng ỷ lại càng lớn và dĩ nhiên càng xa rời bản chất của  hạnh phúc. Hãnh diện về phương diện bề ngoài là niềm vui, không phải là  hạnh phúc.

Thái độ chấp nhận bản thân được hiểu như cách thức sống vận dụng chất liệu của chánh niệm tỉnh thức trong từng hành vi lời nói cử chỉ việc  làm, và nhất là lý tưởng đang theo đuổi. Quá trình theo đuổi đó có thể mang lại kết quả như ý hay hoàn toàn trái ngược. Sự chấp nhận bản thân  trong trường hợp này không ở chỗ thỏa mãn với những gì đạt được, hoặc  thỏa mãn theo cách an phận thủ thường còn được gọi tâm lý “tiêu nhược mạn”, là cách thức làm cho con người đi ngược lại với sự tiến hoá, tiến triển, thành công.

Chấp nhận bản thân là tình huống nỗ lực hết mình, nhưng kết quả lại  diễn ra theo cách thức khác. Thông thường, sự không thỏa mãn sẽ mang lại khổ đau cùng cực, nhưng với người tu và sống với chất liệu Phật pháp sẽ có thể kiềm chế mình bằng cách quán chiếu lại những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Sự quán sát về các nguyên nhân giúp rút tỉa bài học  mang lại sự thành công ở lần thứ hai, thứ ba và các lần khác. Tóm lại,  dựa trên những nỗ lực hết mình, chấp nhận bản thân là cách thức tạm thời hài lòng với những gì đã đạt. Đừng bao giờ so sánh với kết quả thành  công cao hơn của người khác, vì sự so sánh trong trường hợp này chỉ mang lại khổ đau.

Một trong những thái độ tâm lý chấp nhận bản thân trên tinh thần Phật dạy là phải tâm niệm: “Mình sẽ thành công, người khác làm được thì mình cũng làm được”. Có thể đặt ra hàng chục cách quan niệm tương tự về tiềm năng của mình,  của người khác. Chính thái độ này sẽ tạo sự tự tin, nhờ đó mới đủ sức đối phó với các trắc trở trên con đường đang theo đuổi. Ai tâm niệm hoài nghi thì dù người đó có khả năng nhưng khả năng đó bị chặn lại, không  có dịp để thi thố và thực hiện.

Đức Phật Thích Ca đã từng tuyên thệ, dù khi đó không ai chứng kiến, ngoài cỏ cây hoa lá, trời mây non nước: “Nếu dưới cội bồ đề này, sự thành đạo, giác ngộ không diễn ra thì dù thịt nát xương tan ta quyết không rời khỏi”. Đó là một quyết tâm lớn đặt trên nền tảng tự tin mình có thể đạt được  cái gì đó mà hiện tại vẫn chưa hình dung. Cũng nhờ lòng quyết tâm to lớn mà kết quả của sự giác ngộ đã đến với đức Phật theo cách như Ngài mong đợi.

Dĩ nhiên, trong tâm thức của đức Phật lúc bấy giờ không thể không có trạng thái tâm lý này: “Ta là thái tử, thay vì kế ngôi vua trở thành bậc chuyển luân thánh vương  làm rạng danh dòng họ Sakya (Thích Ca) và toàn cõi nước Ấn Độ, ta từ bỏ  để đi tìm những giá trị hạnh phúc thuộc về tâm linh và tinh thần, nếu  những theo đuổi này không đạt được thì vĩnh viễn đời đời kiếp kiếp thái  tử Sakya dòng họ Thích Ca bị đàm tiếu là một người chẳng ra gì”. Nhiều cách suy nghĩ tương tự có thể xuất hiện trong lòng đức Phật, một  phần phản ánh lòng tự trọng, một phần phản ánh khả năng đạt được điều gì đó cao hơn. Tất cả hỗ trợ lẫn nhau để tạo chất liệu đặt mình trong một  quỹ đạo chỉ có thành công chứ không có thất bại. Chấp nhận bản thân là  chấp nhận theo cách thức đó.

Trong cuộc đua maratong, nếu nêu quyết tâm bám theo anh hạng ba ở những kỳ thi trước thì chắc chắn người đó sẽ không bao giờ đạt được kết  quả hạng nhì và hạng nhất, huống hồ là phá kỷ lục. Tâm huyết của người  tham dự cuộc đua này phải tin rằng mình có cơ hội phá kỷ lục. Sau khi nỗ lực hết mình mà không phá được kỷ lục thì ít nhất cũng dành được hạng  nhất hoặc hạng nhì. Tiêu chí chấp nhận bản thân phải được đặt ở mức độ cao cấp nhất và kết quả đó trừ hao những điều kiện, hoàn cảnh khác biệt, các trở ngại thử thách còn lại kết quả vừa chừng. Chấp nhận bản thân  không phải chấp nhận thái độ hạ liệt, không thừa nhận mình có một tầm  vóc, tiềm năng đạt được những gì như các đức Phật, Bồ tát, Thánh Tăng,  cao Tăng và những con người vĩ đại, có nhiều giá trị đóng góp cho cuộc đời đã đạt được.

Tổ Quy Sơn từng dạy: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ”, nghĩa  là nếu người khác đã từng trở thành bậc trượng phu, đấng quân tử, những  con người pháp khí cho cuộc đời, đạo pháp thì tại sao bản thân ta không  làm được điều đó. Đó là tiêu chí chấp nhận bản thân, nhưng không tự biến mình trở thành người cống cao ngã mạn. Đức Phật dạy “phương pháp  sống của bậc hiền giả là sống với những giây phút hiện tại, với sự hiện  hữu của chánh niệm và tỉnh thức, hơn là quay về quá khứ vàng son, những  thành công rực rỡ, những điều thuộc về truyền thống tốt đẹp của Phật  giáo, ông bà tổ tiên hay của chính bản thân mình”. Sống với những  cái đẹp trong quá khứ chỉ tạo cảm giác nuối tiếc. Chấp nhận bản thân  trong trường hợp này là đóng bít khả năng tiến tới thành công trong hiện tại và tương lai.

Kinh điển Pàli kể câu chuyện về chú Sadi bảy tuổi có thái độ chấp  nhận bản thân khá cương quyết. Lần đầu tiên được ngài Xá Lợi Phất dẫn đi khất thực, chú quan sát người làm đê dẫn nước vào ruộng. Chú thắc mắc  với sư phụ không hiểu người ta làm đê dẫn nước để làm gì. Ngài Xá Lợi  Phất giải thích: “Để nước vào đồng ruộng giúp mùa màng được bội thu”. Lúc đó, chú Sadi khởi lên tâm niệm rằng: “Nếu người ta biết cách dẫn nước vào đồng ruộng tạo sức sống cho cây cỏ, hoa màu, thì tại sao con người không biết cách dẫn tâm mình vào biển giác  ngộ và giải thoát”, đặt tâm vào trong lòng đại đương là cách thức  tạo cửa ngõ đưa mình ra biển cả của đạo pháp và chánh pháp, và quan  trọng là đi thế nào để sóng lặng gió yên, đạt được an vui hạnh phúc như mong đợi. Sau đó hai thầy trò tiếp tục đi. Cảnh tượng thứ hai họ gặp là  một người đang cưa, đục đẽo để làm bánh xe bò. Chú Sadi cũng thắc mắc  không hiểu họ làm vậy nhằm mục đích gì. Ngài Xá Lợi Phất trả lời “họ tạo bánh xe và chiếc xe này máng vào cổ con bò để con bò chuyên chở hàng hoá mà không làm mất sức khỏe của người chủ, hiệu quả của công việc tăng cao, tiết kiệm thời gian, hàng hoá đựơc chở nhiều hơn so với sức  lao động của con người”. Lúc bấy giờ chú Sadi lại khởi lên một tâm niệm khác: “Nếu người ta biết cách vận dụng sức chuyên chở của con bò thông qua sự hỗ trợ của bánh xe để đạt đươc sự chuyên chở hàng hoá thì tại sao họ không  biết biến tâm mình thành bánh xe của chánh pháp chuyển xoay để làm cho  mình được an vui và mang hạnh phúc đến cho nhiều người hơn”.

Chú Sadi trong câu chuyện vừa nêu đã liên tưởng rất khéo thuận từng  cảnh. Sự liên tưởng như cách thức liên tưởng của các nhà làm phim, viết  truyện khoa học viễn tưởng vẽ nên những cảnh tượng, đôi khi cảnh tượng đó phải đến hai ba thế kỷ sau mới có thực, thậm chí không bao giờ có  thực. Thế nhưng người ta vẫn đặt ra những khả thể như vậy để bám vào mà  vươn lên. Chú Sadi, mặc dù hoàn toàn không được đào tạo về ngành tương  lai học hay viễn tưởng học, nhưng chú ta có được những hạt giống của sự chấp nhận bản thân rằng mình có được những tiềm năng đặc biệt.

Câu chuyện hoàn toàn có thật, không hư cấu cũng không cường điệu.  Theo học thuyết hạt giống trong duy thức học, tất cả con người mang theo mình những hạt giống từ đời này sang đời khác, tức là từ lúc mới lọt  lòng, tất cả những hạt giống này theo đuổi con người như bóng với hình.  Những hạt giống về tiềm năng làm cho con người khác biệt và tạo thành  bẩm chất, cá tính, đặc điểm, thành công của từng con người trong cuộc đời. Đó là lý do tại sao có những thần đồng mới sinh ra đã thành công về rất nhiều phương diện đặc biệt mà những người khác dù học hai mươi năm, ba mươi năm cũng không thể nào bằng. Bởi vì bộ não của thần đồng đó  chứa quá nhiều dữ liệu về sự thông thái trong một lĩnh vực mà người đó đã đeo đuổi từ nhiều kiếp trước. Chấp nhận bản thân là cách thức thừa  nhận rằng mình có sẵn những hạt giống đó, vấn đề ở chỗ làm thế nào để cho các hạt giống tiềm năng này có dịp phát triển trở thành hiện thực.

Giáo dục trong đạo Phật chẳng qua để kích thích con người tin vào  những tiềm năng đó, chấp nhận tiềm năng mình có được không thua bất cứ ai. Giáo dục không phải là sự nhồi sọ, bắt học trò thuộc từng câu từng  chữ bài giảng theo cách thức nền giáo dục Việt Nam hiện tại. Theo nhà  Phật, học không phải biến bản thân thành một thư viện chứa những dữ liệu của kiến thức, mà học để tìm cách phát huy, bồi bổ kiến thức, xây dựng  kiến thức mới. Học để sáng tạo, học để tạo tinh hoa mới mẻ mà thầy mình  chưa có.

Truyền thống ba đời chư Phật chấp nhận bản thân nên các ngài có được  sự tự tin rất lớn, trở thành những vị Phật với nhiều danh hiệu khác hoàn toàn danh hiệu thầy mình trong quá khứ. Đức Phật Thích Ca là đệ tử của  Phật Nhiên Đăng nhưng không trở thành Phật Nhiên Đăng thứ hai, thứ ba.  Vị Phật sau đó một kiếp là Phật Di Lặc chứ không thành Phật Thích Ca thứ hai, bản sao của Ngài. Cứ như vậy mà có vô lượng vô số đức Phật trong  quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là những cách chấp nhận bản thân,  chấp nhận với tất cả tiềm năng cao cấp nhất mà con người đều có. Cho  nên, đừng bao giờ

nghĩ rằng mình không có khả năng thuyết giảng, viết sách, huấn dụng  người khác rồi từ đó không màng đến các công việc hoằng pháp lợi sinh  với tư cách người tu. Sự không tin tưởng vào tiềm năng sẵn có là sự tự  đánh lừa, làm cho bản thân không thể đạt được những khả năng vốn có thể  đạt được.

Chấp nhận người khác

Chấp nhận người khác không phải để nịnh bợ hầu mong được quan tâm,  giúp đỡ trở lại, mà là tin tưởng, vì thấy rằng họ đã phát huy hết tiềm  năng. Sự chấp nhận người khác là một việc vô cùng khó.

Chấp nhận bản thân dễ hơn, vì sự chấp nhận bản thân nào cũng dựa trên bản ngã mà đôi lúc cũng cần phải dựa trên bản ngã để trở nên cao  thượng, rồi sau đó diệt bản ngã đó đi. Người không tự tin thì khó thành  công, nhưng người tự tin lại thường có bản ngã rất lớn, có cá tính mạnh, những tố chất gần như không giống ai, như vậy rất dễ thành công trong  cuộc đời. Người không tự tin thường có phong cách bắt chước, cuốn theo  chiều gió, gió thổi mây bay, cuộc đời thế nào thì nương theo thế ấy,  không dám đặt ra khuynh hướng đi khác hơn để tạo những chất liệu rất  riêng cho bản thân mình theo cách chấp nhận những tiềm năng vốn có. Chấp nhận người khác không phải là xu nịnh hay a dua theo thành công của họ, mà chấp nhận họ với tư cách là một con người có đủ tất cả những gì mà  họ có thể làm được. Thái độ này giúp tâm xa lìa đố kỵ, ganh ghét, nhỏ mọn, tầm thường.

Đưa mình lên bàn cân với người khác là thái độ không chấp nhận được  trong đạo Phật. Đức Phật chưa bao giờ khẳng định rằng chỉ có một đức  Phật duy nhất trong lịch sử mà có vô số Phật, tam thiên, vạn thiên Phật, ngoài ra còn vô lượng vô số Phật, nhiều như số cát sông Hằng, không thể nào đếm được. Đó là cách thức chấp nhận người khác. Nếu đức Phật không  có thái độ chấp nhận người khác, Ngài đã nói trên cuộc đời chỉ có duy  nhất một đức Phật, và tất cả những người trong quá khứ, hiện tại, tương  lai cũng chỉ trở thành đệ tử của đức Phật mà thôi. Điều này đã xuất hiện trong các tôn giáo hữu thần, và thậm chí vô thần, nhưng không hề có  trong đạo Phật. Các tôn giáo khác chỉ thừa nhận một đấng Chúa, xuất hiện dưới nhiều danh hiệu: Allah, Brahma,… hay bất cứ danh hiệu Thượng đế, Chúa trời, đấng sáng tạo, đấng tạo hoá, là nguyên nhân khởi thủy, nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ. Có nhiều cách thức, nhiều danh xưng khác nhau nhưng tất cả đều biểu tỏ thái độ không bao giờ chấp nhận người khác có được vai trò, khả năng, thành công như mình đang có. Tu học theo các tôn giáo hữu thần trong trường hợp này con người sẽ trở thành một con  người, không hơn được nữa.

Đức Phật dạy “Chất liệu giác ngộ của Ngài và mọi người đều ngang nhau”. Đến nay nhiều người vẫn không chấp nhận chân lý của lời tuyên bố đó. Đó là lý do trong kinh Pháp Hoa, năm trăm vị tỳ kheo A La Hán đã đứng dậy  bỏ đi khi đức Phật tuyên bố “tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật”.

Chấp nhận người khác là hoan hỷ với những thành công về phương diện  danh dự, nỗ lực, sự nghiệp, và tất cả tấm lòng yêu mến, kính trọng đối  với người đó. Đặt mình và người lên bàn cân trong tình huống không đội  trời chung chỉ làm cho mình trở nên ti tiện. Những vị vua Ai Cập là  những người có thái độ đó. Các vị vua đã đổ dồn tất cả tiền bạc, ngọc  ngà châu báu sau những cuộc chinh chiến, thu được từ những nước thuộc địa, để xây kim tự tháp hùng vỹ để chứng minh uy quyền của mình trong  lịch sử Ai Cập và nhân loại. Có hàng trăm, hàng ngàn người đã đổ mạng  trong quá trình xây dựng. Sau khi kim tự tháp hoàn thành, những nhà kiến trúc sư vĩ đại của công trình cũng bị giết chết, bởi vì nếu để họ sống  họ có thể tạo ra những kim tự tháp tương tự hoặc tốt hơn. Đó là thái độ không chấp nhận người khác bằng mình. Các vị vua thường muốn mình là  biểu tượng của chân lý, do đó, những ai muốn bằng vua là mang tội khinh  quân và bị xử trảm.

Vì vậy, hạnh tùy hỷ là thái độ rất quan trọng, mặc dù tùy hỷ không  hưởng được phần chia sẻ gì. Tùy hỷ trước thành quả của người khác, của  thế hệ sau là việc nên làm. Thế hệ sau nắm bắt kinh nghiệm của những  người đi trước, tổng hợp tinh hoa kinh nghiệm đó để tạo cho mình chất  liệu mà người trước chưa bằng được. Sóng sau đẩy sóng trước, cứ như vậy  mà tiếp nối nhau không dừng. Tiềm năng nếu có cơ hội phát triển nó sẽ  được trưởng thành, đó là điều đáng trân trọng.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.