Hai con cọp tinh ở Hoành Sơn – Truyện Cổ Phật Giáo

Đời đường bên Trung Hoa, ở vùng Mân Trung có một sử sĩ tên là Mã Thừa. Mã Sinh tánh thanh thoát nhàn tĩnh, ưa ngao du ở nơi danh lam thắng cảnh, dù trèo non vượt suối cũng không nài sự gian lao.

Trong niên hiệu Trường Khánh, Mã sắm sửa hành trang đem theo một đứa tớ, đến du ngoạn các cảnh đẹp ở Hoành Sơn. Nghe nói nơi ngọn Chúc Dung có một ngôi chùa cỗ, khi xưa vốn là Đạo Tràng của Phục Hổ Thiền sư, cảnh trí bốn bề rất nên u nhã, Mã liền lần hỏi sơn dân tìm đường đến thăm viếng.
Một buổi xế ngọ, Mã cùng đứa tớ đã để bước đến đạo tràng ngọn Chúc Dung, tuy lộ trình khó nhọc, nhưng nhờ gió non phất phơ, thanh khí mát mẻ, xung quanh cổ thụ xum xuê, nhìn xa xa núi đồi thấp cao trùng điệp, chim hót véo von dường chào hỏi, hoa tươi muôn sắc tợ đón cười, thầy tớ cơ hồ như quên cả mệt mỏi. Đi lần vào trong, thấy ngôi chùa xưa đã hư đổ gần phân nửa, một vị lão Tăng tướng mạo khôi vĩ, tóc mày đều bạc, mừng rỡ bước ra đón chào lên viếng Đại Hùng Bảo điện, Mã sinh thấy nơi bàn Phật có ba chiếc hốt bằng bạc. Hành lễ xong, thầy trò được lão Tăng đưa xuống nhà hậu uống trà.  Giải lao giây lát, vị Tăng bảo: “Ở đây duy có một mình tôi đơn chiếc, xin ông tạm nghỉ nơi liêu sau và cho tôi nhờ đứa tớ xuống chỗ quán gần Huyện đây mua chút ít tương muối”. Mã Sinh vui lòng chấp thuận, đứa tớ cầm tiền ra đi, vị lão Tăng cũng có việc bên ngoài vắng mặt. Nằm nghỉ độ nửa giờ, Mã Thừa bước ra ngoài định đi dạo quanh, thì vừa gặp sơn dân tên Mã Chiểu cũng một mình lên non viếng cảnh. Cả hai cùng mừng rỡ hỏi han. Chiểu bảo Thừa rằng: “Tôi lên đến lưng chừng  núi bỗng thấy con cọp đi rồi mới vội vã lên đây”. Thừa gạn hỏi cách phục sức của người đó, nghe Chiểu tả lại hình dạng, biết là đứa tớ của mình, trong lòng bỗng nhiên thê thảm. Chiểu lại nói: “Từ xa tôi thấy cọp trắng sau khi ăn thịt người, liền trút bỏ lớp da ngoài, hoàn lại hình người mặc chiếc áo nhà Thiền, nghiễm nhiên là một vị lão Tăng”. Mã Thừa nghe nói lại càng kinh khủng.

Đang khi nhỏ to trò chuyện, vị lão Tăng ở bên ngoài về đến Mã Chiểu cả sợ bảo: “Thôi đúng là lão nầy rồi!”. Mã Thừa bấm tay bạn, ngầm bảo nên trấn tĩnh. Đợi lúc vị lão Tăng đến gần, Thừa liền lựa lời dò hỏi rằng: “Anh bạn tôi vừa thuật lại có người ở lưng chừng núi bị cọp ăn thịt, việc ấy Sư có biết chăng?”. Vị Tăng lộ nét giận bảo: “Ở cảnh của bần đạo đây, núi chẳng cọp beo thú dữ, cỏ không rắn rết trùng độc, cho đến rừng cũng vắng bóng ác điểu như loài chim cú, chim mèo.  Đó là lời đồn đãi của những kẻ nông nổi mà thôi!”. Thừa lặng lẽ quan sát, thấy nơi khoé miệng vị lão Tăng còn ứa máu tươi, lòng đã tin chắc, liền thác cớ nói rằng: “Bây giờ trời đã hoàng hôn, chúng tôi đi đường xa mệt mỏi, xin phép vào nhà sau an nghỉ, rạng ngày sẽ hầu chuyện”.

Đoạn hai người đem hành trang vào hậu trường, nhìn quanh thấy đây là nhà trai. Nơi bàn giữa có thờ cốt tượng một vị Tăng mày trắng rủ dài, nơi vách trên đề câu: “Nam mô Giám Trai sứ giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa Xà Tôn Giả”. Cả hai liền gài đóng cửa chắc chắn, khiêng bàn tấn chặt thêm cửa sau trước, đốt ngọn nến sáng để ở chỗ thờ Tân Đầu Lô A La Hán.  Xong, mới lấy lương khô ra ăn, rồi cùng thì thầm bàn luận: “Đây tất con cọp bạch lâu năm đã thành tinh.  Chắc mấy vị Tăng khi trước ở chùa này đều bị nó ăn thịt cả, sau nó mới hóa thành hình sa môn để gạt người. Những du khách lên viếng cảnh, có thể đã nhiều kẻ bị mất mạng vì nó. Cái chết đã đến gần, chúng ta chớ nên ngủ, phải cùng nhau bàn định để thoát qua tai nạn này”.

Lẩn bẩn đã gần nửa đêm, cả hai tính chưa ra kế, bỗng nghe từ phía trước rồi đến sau, có tiếng va vào cửa rầm rầm. Biết là cọp tinh muốn phá cửa vào ăn thịt, hai người kinh hoảng vội chạy đến đốt hương nơi bàn thờ, cùng quỳ xuống chắp tay niệm danh hiệu Đức Tân Đầu Lô Tôn Giả cầu xin cứu độ. Chí thành niệm được một lúc lâu bỗng nghe từ pho tượng có tiếng ngâm chậm rãi nho nhỏ rằng:

“Người Dần sẽ đắm trong thành nước

Gã Ngọ nên chia hướng cấn Kim

Nếu như đặc Tiến thêm giương ná

Tướng dữ đi sau bị tổn tim”.

Vì cửa rất chắc cọp tinh không vào được, nên tạm thối lui. Trong khi đó hai người duy để hết tâm cầu nguyện, quên cả ngoại duyên. Đến chừng nghe rõ bài kệ, dò lắng bên ngoài thấy yên, mới cùng nhau bàn giải rằng: “Người Dần – Dần thuộc về hành chi Hổ, tức chỉ cọp tinh hoá thành người. Thành nước – nước có thành quách xung quanh, đó là nước giếng.  Gã Ngọ – Ngọ là ngựa, tức chỉ cho chúng ta vì đều là họ Mã. Hướng Cấn Kim – chữ Cấn đứng bên chữ Kim, thành chữ Ngân. Đó là ý bảo chúng ta phải chia thứ gì bằng bạc. Còn hai câu sau, hai người không thể giải thích được.

Sáng ra gần đến trưa, có tiếng vị lão Tăng gọi đi ăn cháo. Không còn lòng dạ nào để ăn uống, mà ở mãi trong nhà khách cũng bị chết đói, bất đắc dĩ cả hai phải mở cửa ra ngoài. Mã Chiểu than thở: “Tình thế này chúng ta không thể liều lĩnh xuống núi, vì sợ nó hoàn hình đón đường vật chết!”. Mã Thừa nhìn quanh thấy cái giếng bên nhà trai, chợt động tâm cơ bảo: “Thôi đúng rồi, Tôn Giả mách bảo chúng ta như vầy…”

Liền đó hai người tới giếng, gọi to lên rằng: “Sư lại đây xem dưới giếng có cái chi lạ lắm”. Lão Tăng đến nơi nhìn xuống, bất ngờ bị hai người xô xuống giếng, rồi cả hai cùng khuân tảng đá lớn liệng bồi thêm. Kết cuộc lão Tăng chết đắm dưới giếng hoàn thành hình con cọp bạch nổi lên. Hai người rảnh mối bận tâm, vào chùa tìm thức ăn thấy ba cái hốt bằng bạc nơi bàn Phật, nhớ lại lời kệ, liều thâu lấy rồi cùng xuống núi.

Đi đến nửa đường, trời đã sẩm tối. Cả hai gặp một người thợ săn đón lại bảo: “Đêm đã đến, đường xuống núi e có nhiều thú dữ. Phía trước tôi đã đặt bẫy, xin hai ông tạm lên chòi gác ở với tôi cho qua đêm nay”. Hai người kinh sợ, vội theo thợ săn leo lên cây, ngủ trên chòi gác. Giây lát trăng non mọc lên.  Trong sáng ánh sáng mơ màng, bỗng có một đoàn độ năm mươi người, Tăng, Ni, Đạo sĩ, đàn ông, đàn bà từ trên núi đi xuống. Đoàng người có kẻ trầm lặng, có người ca ngâm hoặc nhảy múa. Khi đến chỗ đặt bẫy, cả bọn nổi giận bảo: “Hồi trưa có hai tên giặc giết chết vị sư già của chúng ta. Nay bọn ta theo dấu mà tìm bắt, lại có kẻ cả gan dám đặt bẫy muốn giết tướng quân của chúng ta nữa”. Nói xong gỡ tháo chốt ná rồi bỏ đi. Mã Chiểu gạn hỏi: “Bọn đó là chi, Tướng quân là ai”. Thợ săn đáp: “Đó là những người bị cọp giết chết thành ma tràng, gọi là hổ trành. Bọn ma này tiền đạo đi trước dọn đường.  Tướng quân, có lẽ là chỉ cho con cọp đi sau”. Mã Thừa nhớ lại lời kệ liền hỏi thợ săn: “Anh tên họ là chi?”. Thợ săn đáp: “Tôi họ Ngưu tên Tiến”.Hai người cả mừng bảo: “Nếu thế, lời kệ có ứng nghiệm rồi. Hai câu “Nếu như Đặc Tiến thêm giương ná, tướng dữ đi sau bị tổm tim”. Chữ Đặc có chữ Ngưu ở một bên, Đặc Tiến tức là ám chỉ cho Ngưu Tiến. Còn tướng dữ đi sau chỉ cho tướng quân mà họ nói.  Đây chắc là một con cọp thành tinh nữa, nên mới gọi là “dữ”. Có lẽ cọp kia là chánh tướng, cọp này là phó tướng”.

Không kịp giải thích câu chuyện hai người vội thôi thúc nên giương ná lại. Anh thợ săn y lời, xuống giương bẫy ná rồi leo trở lên. Vừa ngồi yên, bỗng thấy từ xa có con cọp xám rất to lần lần tiến đến. Vì thờ ơ, chân trước cọp đạp nhằm chốt nỏ, mũi tên phát ra xuyên trúng vào tim, nó gào rống một lúc rồi tắt thở. Bọn ma trành nghe tiếng chạy trở lại, phục xuống bên xác hổ than khóc rằng: “Ai lại nỡ giết hại tướng quân của chúng ta như thế này?”.

Ở trên cây Mã Chiểu nghe khóc bỗng tức giận quát lớn: “Chúng bây thật là lũ ma khờ dại! Lúc sống đã bị cọp giết một cách thê thảm nay ta vì chúng bay báo thù, sao không cảm tạ lại còn than khóc? Ma quỷ gì mà không linh hiển chi cả vậy!”. Tiếng quát vừa dứt bốn bề yên lặng, bỗng có con ma đáp rằng: “Chúng tôi bị thế lực của nó ám, nên không biết tướng quân là cọp tinh. Nay nghe ông nói mới bàng hoàng tỉnh ngộ!”. Nói xong cả bọn đạp xác cọp rủa mắng, tạ ơn ba người rồi tản đi mất. Mã Thừa lần lượt thuật lại trước sau câu chuyện cho anh thợ săn nghe. Đoạn lấy ra ba chiếc hốt bạc, chia nhau ba người mỗi người một cái. Thợ săn than thở bảo: “Những con cọp tinh đều có tánh linh thông, nếu không nhờ sức ám trợ của Tôn Giả Tân Đầu Lô, tất chẳng dễ gì giết hại được chúng nó!”.

Sáng lại, hai họ Mã từ biệt người thợ săn, xuống núi trở về…

Liên Du

Việc làm hư thật tự mình hay

Họa phước do ta chớ hỏi Thầy

Thiện ác chung qui đều báo ứng

Nếu không sớm đến ắt là chầy.

Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120338027/tap-ii-8.html

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.