Bốn Yếu Tố Cơ Bản Thúc Đẩy Phật Giáo Việt Nam Phát Triển

1. Trẻ hóa người lãnh đạo

Không phải chỉ có ở nước ngoài mà ngay cả trong nước hiện nay đều có xu hướng chung chọn người trẻ có trình độ chuyên môn gánh vác những nhiệm vụ quan trọng. Lý do dẫn đến quan điểm này, vì nhu cầu giải quyết công việc hiệu quả. Những nguyên nhân làm cho công việc trì trệ, trong đó có yếu tố lớn tuổi, vì người lớn tuổi có tính bảo thủ, giải quyết công việc chậm chạp, không còn nhanh nhẹn, trong khi đó tuổi trẻ ít cố chấp hơn, giải quyết công việc cũng linh hoạt nhanh nhẹn hơn, cập nhật kiến thức cũng nhanh nhẹn hơn. Đây chính là những yếu tố khiến các nhà quản lý có xu hướng chọn giới trẻ có khả năng chuyên môn làm việc hơn là chọn người lớn tuổi, và cũng là lý do vì sao các nước trên thế giới và kể cả ở Việt Nam đều qui định tuổi nghỉ hưu là 65 (có một số nước qui định tuổi nghỉ hưu sớm hơn là 60 tuổi). Người đến tuổi này, tìm việc làm phổ thông đã là khó, huống gì giữ chức vụ quan trọng tổ chức.

Tuy nhiên, cách chọn người lãnh đạo trong Phật giáo Việt Nam ngược lại với xu thế này, chọn người cao tuổi làm việc. Thực tế cho thấy những vị đang giữ các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng phó Ban Trị sự các Tỉnh Thành, các Ban ngành trực thuộc Trung Ương là Viện, Trường đều ở độ tuổi từ 70 trở lên, trong đó, tuổi càng cao giữ chức vụ càng lớn, càng quan trọng.

Tại sao Phật giáo lại chọn tiêu chí này, phải chăng dựa vào hai yếu tố: “Đạo đức và kinh nghiệm” chăng? Thế thì theo Phật giáo thế nào gọi là đạo đức? Phải chăng là căn cứ hạ lạp, hoặc đơn giản chỉ dựa vào yếu tố gìn giữ giới luật? Theo tôi, những yếu tố này chưa đủ để gọi là đạo đức trong Phật giáo, vì theo đức Phật khái niệm “đạo đức” phải dựa trên nền móng trí tuệ, tức khả năng đoạn trừ tham sân si, khả năng quản lý cuộc sống. Yếu tố thứ hai gọi là “Kinh nghiệm”. Thế thì kinh nghiệm gì? Chắc chắn không thể dựa vào kinh nghiệm theo kiểu sống lâu lên lão làng, hoặc kinh nghiệm quản lý một tự viện nào đó, vì hai cách quản lý hoàn toàn khác nhau, quản lý tự viện là cách quản lý theo tình cảm, tự thu tự chi, tự quyết định, hành xử theo cảm tính, ngược lại cách quản lý một công việc mang tính xã hội thì phải dựa vào qui chế, hành xử theo qui chế, mọi việc phải được bàn thảo và lấy ý kiến chung. Hơn nữa, những công việc của Giáo hội là công việc chung của Phật giáo Việt Nam, mang tính quốc gia, đại diện cho quốc gia, không phải là công việc của một tự viện, do vậy người làm việc – lãnh đạo cho Giáo hội, cần phải có ý thức biết khả năng và trách nhiệm của mình trước công việc chung, đồng thời phải lấy sự hưng thịnh của Phật giáo làm động lực khi nhận việc và từ việc, đặt quyền lợi và vinh dự của Phật giáo Việt Nam lên trên quyền lợi và vinh dự của mình. Như vậy, người làm việc cho Giáo hội ở bất cứ vị trí nào, đòi hỏi người ấy phải có trình độ chuyên môn, mới có thể gánh vát công việc chuyên ngành của Giáo hội. Như vậy, khái niệm “kinh nghiệm” được đề cập ở đây phải là người có kiến thức chuyên môn, đồng thời đã có kinh nghiệm làm công việc chuyên môn đó.

Thế thì Một người chưa bao giờ làm việc hành chánh thì làm sao có kinh nghiệm về hành chánh; chưa bao giờ làm giáo dục nghiên cứu thì làm sao có kinh nghiệm về giáo dục nghiên cứu, không thể lấy kinh nghiệm dạy điệu, dạy bổn đạo trong chùa xem đó như là kinh nghiệm giáo dục. Thật ra, theo tôi nguyên nhân chính dẫn đến Phật giáo Việt Nam chọn người lớn tuổi ra làm lãnh đạo, đó là thói quen của thái độ “kính lão đắc thọ” của người Việt Nam. Quan điểm đó được áp dụng trong gia đình thì tốt, nhưng áp dụng trong tổ chức cơ quan hành chánh thì vô cùng tai hại, vì người lớn tuổi không đồng nghĩa là người có trình độ người chuyên môn, người có hạ lạp cao cũng không đồng nghĩa là người biết hành chánh tổ chức, biết làm giáo dục và nghiên cứu, nếu không chuyên môn mà nhận nhiệm vụ thì đó là nguyên nhân dẫn đến Phật pháp suy yếu.

Xét về mặt cơ thể học cho thấy, tuổi càng già sức càng yếu, thường xuyên xảy ra đau yếu bịnh hoạn, tâm trí cũng theo đó mỏi mệt chán nản, thế thì làm sao có đủ sáng suốt để đương đầu giải quyết công việc Giáo hội, nếu có giải quyết cũng chỉ là cách giải quyết cho xong chuyện, thông thường thì né tránh công việc, thế là công việc càng ngày càng nhiều càng chồng chất, cuối cùng là bỏ mặc, xem như không có việc gì xảy ra, đó là kết quả của tình trạng chung của Phật giáo Việt Nam hiện nay, ví dụ Phật giáo Việt Nam có Viện nghiên cứu, nhưng trách nhiệm của viện này làm gì không ai biết cả, chỉ lâu lâu thấy danh sách nhân sự mới công bố trên báo chí là xong. Đây chỉ là một ví dụ điển hình, trên thực tế thì có quá nhiều vấn đề để bàn, để giải quyết.

Theo tôi, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này chính là người lớn tuổi làm công tác lãnh đạo Giáo hội, từ tuổi tác già nua, sức khỏe kém, kéo theo một số vấn đề tiêu cực như bảo thủ, cố chấp, độc quyền, bao che, bè phái, làm cản trở cho sự phát triển Giáo hội, đi ngược lại sự phát triển của đất nước và nhân loại. Muốn Phật giáo phát triển, trước tiên cần phải tuyển chọn tăng ni trẻ có khả năng chuyên môn, giữ những nhiệm vụ chuyên môn của Giáo hội, họ sẽ là người đưa ra sách lược hợp lý, đủ sức khỏe và năng lực để giải quyết vấn đề của Giáo hội.

2. Chuyên môn hóa người lãnh đạo

Phật giáo Việt Nam trước đây, sinh hoạt dưới hình thức môn phái tự viện, có nghĩa là mỗi chùa mỗi tông môn tự quản lý tăng tín đồ của mình. Thời bấy giờ, những nhu cầu từ xã hội đối với Phật giáo cũng đơn giản, chủ yếu chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho quần chúng, không phức tạp như xã hội ngày nay, nhất là Phật giáo sau ngày hội nhập WTO. Từ nguyên tắc duyên sinh – cái này có cái kia có mà hiểu vấn đề, con đường hội nhập không mang ý nghĩa chỉ hội nhập góc độ mậu dịch, sự hội nhập đó không thể không kéo theo sự hội nhập văn hóa, giáo dục, tôn giáo…, điều đó có nghĩa là các lãnh vực văn hóa truyền thống này được duy trì phát triển hay bị đào thải tùy thuộc vào khả năng cạnh tranh của tổ chức đó, trong đó có cả Phật giáo. Trước tình hình này, Phật giáo muốn tồn tại và phát triển cùng xã hội thì không thể khép mình trong vỏ ốc, mà đòi hỏi phải chạy theo xu thế chung của thời đại, trong ý nghĩa tốt đẹp, trước hết người lãnh đạo phải thay đổi cách suy tư, kế đến là phương thức làm việc, bằng cách sử dụng bố trí những người có trình độ chuyên môn giữ những chức vụ then chốt để cố vấn cho người lãnh đạo Giáo Hội, chính những người chuyên môn này mới giải quyết những công việc tồn đọng, kịp thời sửa đổi những việc bất cập, đưa ra những kế hoạch hợp lý và đúng hướng, để đáp ứng những nhu cầu từ xã hội ở thời đại hội nhập, làm cơ sở cho Phật giáo Việt Nam phát triển. Nếu không làm như vậy, Phật giáo sẽ không đủ sức cạnh tranh ứng xử ở thời đại đa văn hóa, là thời đại của công nghệ thông tin, thì điều đó đồng nghĩa Phật giáo bị xã hội đào thải, dần dần đi vào quên lãng, hoặc tồn tại dưới hình thức tín ngưỡng dân gian.

Cần chú ý, con người được trưởng thành trong xã hội ngày nay, đều được trang bị một kiến thức cơ bản về con người về xã hội, ngay cả về tự nhiên, họ khó có thể chấp nhận những gì không thực tế, thiếu cơ sở lý luận. Để tránh vấn đề này, Phật giáo chủ động đào tạo người có trình độ chuyên môn và Phật giáo phải sử dụng người chuyên môn đó để giải quyết từng vấn đề cụ thể. Không thể cùng một người có thể am tường và giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, càng không thể giao trách nhiệm cho người không có kiến thức chuyên môn giải quyết vấn đề, Cũng không phải là người xuất gia lâu năm có hạ lạp cao là người có thể giải quyết vấn đề, chỉ có người chuyên môn mới giải quyết công việc chuyên môn. Người chuyên môn là người am tường, có thẩm quyền về một lãnh vực nào đó. Do vậy, ở thời đại ngày nay, người đứng đầu trong việc hành chánh không thể là người không có kinh nghiệm về tổ chức hành chánh, người đứng đầu ngành về giáo dục nghiên cứu không thể là người không am tường về giáo dục, nghiên cứu… Nếu người không chuyên môn lãnh đạo công việc chuyên môn dễ dẫn đến tình trạng liên kết với người không chuyên môn chỉ để bảo vệ địa vị, khiến người chuyên môn né tránh, từ đó làm cho tổ chức suy sụp, đó là những nguyên nhân dẫn đến sự suy vong Phật pháp.

Do đó Phật giáo Việt Nam cần phải mạnh dạn tuyển chọn những người chuyên môn đảm nhận những chức vụ chuyên ngành cho Giáo hội. Người lãnh đạo nên đặt quyền lợi và sự hưng thịnh Phật pháp lên hàng đầu, không nên đặt quyền lợi cá nhân lên hàng đầu.

3. Không kiêm nhiệm chức vụ

Chúng ta là con người chứ không phải là bậc siêu nhân, cũng không phải là Tề Thiên Đại Thánh có phép phân thân, biến hóa thành nhiều thân khác nhau để làm việc. Thời gian có hạn, khả năng con người cũng giới hạn, một người không thể đảm đương nhiều nhiệm vụ khác nhau trong cùng một thời gian. Thế mà thể thức hành chánh của Giáo Hội Phật giáo làm ngược lại qui luật này, một người đảm trách nhiều chức vụ, có người giữ đến trên 10 chức vụ lớn nhỏ khác nhau, đó là chuyện thường trong Giáo Hội, vì lẽ Giáo Hội nghĩ rằng, chung quanh mình không có ai, Tăng ni trẻ thiếu tài thiếu đức, lại thiếu kinh nghiệm, cho nên không dám giao công việc; người được giao nhiệm vụ cảm thấy hãnh diện cho mình là người tài giỏi có đức độ, cho nên mới được Giáo Hội giao phó, cứ thế một người giữ chức vụ này đến chức vụ khác, từ trung ương cho đến địa phương, thậm chí các mặt hoạt động khác nhau. Câu hỏi được đặt ra, làm thế nào một người có thể đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau như thế? Câu trả lời đơn giản là “Trời đã sinh voi thì phải sinh cỏ”, đã có tên cơ quan thì phải có người đảm nhiệm chức vụ, còn việc làm được hay không là vấn đề khác, có tội vạ gì khi nhận chức mà không làm việc, hiến chương Giáo hội cũng không có điều khoản qui định cụ thể nào ràng buộc người nhận chức phải hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thời gian cụ thể, do vậy nếu không hoàn thành thì cũng không sao, có điều xử phạt nào nào đâu mà sợ, dù chỉ là lời cảnh cáo, cùng lắm hết nhiệm kỳ giao cho người khác là xong. Từ thực tế trong Giáo hội cho thấy, chưa có vị nào bị cách chức vì không hoàn hành nhiệm vụ, chỉ bị cách chức hay thay đổi chức vụ khi không nghe bề trên, do vậy Giáo hội giao chức gì thì cứ nhận chức vụ ấy, nhận càng nhiều chức mới chứng tỏ mình là người có đức độ và năng lực, cảm thấy hãnh diện khi được giới thiệu trước quần chúng. Đó là ý thức tạo thành sự nhận chức một cách vô tội vạ, thiếu tinh thần trách nhiệm, đặt quyền lợi của mình trên quyền lợi Phật pháp, biểu hiện quan điểm “mục hạ vô nhân”, không những đi ngược lại tinh thần “như lý tác ý” “y pháp bất y nhân” trong Phật giáo, còn trái với xã hội văn minh nêu cao tinh thần dân chủ bình đẳng, đồng thời biểu thị thái độ tự ngã, xem thường người khác.

Đa chức đa quyền để lại hậu quả rất nghiêm trọng, kết quả cuối cùng của nó là sự suy sụp Phật pháp. Do vậy, muốn Phật giáo phát triển, một trong những công việc phải cải cách là: một người chỉ giữ một chức vụ, không được kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Đây chính là lý do tại sao ông Trần Lưu Hải, Ủy viên trung ương, phó ban tổ chức trung ương đảng khi trao đổi với VnExpress.net vào ngày 27/4/2009 đã nói: “Nếu tập trung nhiều quyền vào một người mà không chọn được cán bộ tốt thì rất dễ nảy sinh tiêu cực như độc đoán, bè cánh, mất dân chủ”. Người thế gian không rõ giáo lý nhà Phật còn thấy rõ sự nguy hiểm của việc nhiều chức nhiều quyền, chúng ta là người tu, đệ tử đức Phật lại không thấy rõ vấn đề này sao?

4. Hoạt động theo qui chế

Thể chế ,qui chế là những điều khoản qui định cụ thể, để cho mọi thành viên từ vị lãnh đạo cao nhất cho đến một nhân viên thấp nhất cùng một tổ chức tuyệt đối tuân hành, nó là cán cân công bình nhất để xử lý những trường hợp vi phạm của các thành viên, ngay cả người lãnh đạo cao nhất của tổ chức. Vì tính quan trọng của nó như vậy, cho nên bản qui chế phải được biên soạn bởi những người chuyên môn, nắm rõ đường hướng chủ trương phạm vi hoạt động của tổ chức, cũng như các lĩnh vực chuyên môn, những qui định trong ấy phải chứa đựng yếu tố giúp tổ chức hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tránh những qui định mang tính chất làm cản sự phát triển, hoặc những qui định lập lờ, không cụ thể rõ ràng, gây nhiều tranh cãi, hoặc thừa hoặc thiếu, điều quan trọng nhất là ý nghĩa của từng điều phải nhất quán, không mâu thuẫn lẫn nhau. Bản qui chế với những qui điều càng rõ ràng cụ thể thực tế và khả thi chừng nào thì đó là điều kiện cơ bản để tổ chức phát triển, nó là nguyên tắc cho mọi thành viên thi hành, bất cứ ai không làm đúng theo qui chế thì sẽ bị qui chế đào thải, tránh trường hợp độc đoán độc quyền và thao túng trong tổ chức, sự vi phạm qui chế là yếu tố quyết định cho người ấy nghỉ việc, không loại trừ cho bất cứ ai, dù là thủ trưởng của cơ quan. Đây chính là tinh thần y pháp bất y nhân trong đạo Phật.

Trên đây là 4 yếu tố cơ bản làm đòn bẩy cho Phật giáo Việt Nam phát triển. Trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo nhằm tránh trường hợp cố chấp chầy ì công việc; chuyên môn hóa đội ngũ lãnh đạo nhằm phát huy tính chuyên nghiệp; không kiêm nhiệm chức vụ tránh trường hợp vô trách nhiệm, không tôn trọng người khác; hoạt động theo qui chế nhằm tránh thái độ độc quyền độc đoán. Giáo hội thực thi 4 yếu tố này, người viết tin rằng Phật giáo Việt Nam cất cánh bay xa.

Thích Hạnh Bình

http://bodephatquoc.com/bon-yeu-to-co-ban-thuc-day-phat-giao-viet-nam-phat-trien-2.html

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.