Thanh Tịnh Đạo – Chương IV

40. 5) Thực phẩm: Người hợp đồ ngọt, kẻ hợp đồ chua.

6) Khí hậu: Người hợp khí hậu lạnh, kẻ hợp khí hậu nóng. Do đó, khi hành giả thấy nhờ sống trong một khí hậu nào đó, dùng một thức ăn nào đó mà mình cảm thấy thoải mái, tâm chưa định trở nên định tỉnh, tâm đã định càng thêm định, thì khí hậu và thức ăn đó là thích hợp. Ngược lại là không thích hợp.

41. 7) Uy nghi: Có người thích hợp với uy nghi đi, người thích hợp đứng, người thích hợp ngồi hoặc nằm. Bởi thế, hành giả nên thử tất cả uy nghi cũng như thử trú xứ, mỗi uy nghi 3 ngày liền và uy nghi nào nhờ đó tâm chưa định được định, tâm đã định càng thêm định thì đó là thích hợp. Ngoài ra là không thích hợp.

Hành giả nên tránh 7 thứ không thích hợp và chọn cái thích hợp. Khi tu tập theo cách đó, tinh cần quán tưởng thì hành giả “không lâu sẽ được an chỉ”.

Mười Thiện Xảo Trong Ðịnh An Chỉ

42. Tuy nhiên, nếu tu tập theo cách đó mà hành giả vẫn không đắc định thì cần phải nhờ đến 10 thiện xảo trong sự đắc định an chỉ như sau: 1. Làm sạch nội, ngoại xứ. 2. Duy trì quân bình giữa các căn. 3. Thiện xảo về tướng. 4. Nỗ lực tâm vào lúc đáng nỗ lực. 5. Chế ngự tâm lúc đáng chế ngự. 6. Khích lệ tâm lúc đáng khích lệ. 7. Nhìn tâm với thái độ xã khi cần nhìn với xã. 8. Tránh những người không định tĩnh. 9. Gần gũi những người định tĩnh. 10. Quyết tâm đối với định.

43. 1) Làm sạch nội, ngoại xứ: Khi tóc, móng tay, móng chân, lông trên thân mọc dài, hoạc thân thấm đầy mồ hôi, gọi là nội xứ không sach. áo dơ, hôi hám cũ kỹ, bở mục hoặc trú xứ dơ bẩn là ngoại xứ. Khi nội xứ, ngoại xứ đều bất tịnh thì tri kiến trong tâm và tâm sở cũng bất tịnh, như ánh sáng từ một cây đèn có bình dầu, tim (bấc) và dầu không sạch, các hành không hiện rõ cho một người cố hiểu chúng bằng tri kiến không sạch và khi người ấy chú tâm vào đề mục thiền, nó không đi đến tăng trưởng, lớn mạnh và viên mãn.

44. Nhưng khi nội và ngoại xứ đều sạch thì tri kiến trong tâm và tâm sở được trong sạch như ánh sáng của một cây đèn có bình dầu, bấc và dầu đều sạch; các hành trở nên rõ rệt cho người cố hiểu chúng với tri kiến trong sạch và khi vị ấy tu tập đề mục thiền, nó được tăng trưởng, lớn mạnh, viên mãn.

45. 2) Duy trì các căn: có nghĩa là làm quân bình 5 căn tín, tấn, niệm, định, tuệ. Vì nếu tín căn mạnh mà những căn khác yếu thì tấn căn không thể thi hành nhiệm vụ nó là nỗ lực, niệm căn nhiệm vụ an trú, định căn nhiệm vụ không tán loạn và tuệ căn với nhiệm vụ thấy rõ. Trong trường hợp ấy, tín căn cần được châm chước bằng cách xét lại bản chất của từng pháp liên hệ, nghĩa là những đối tượng chú ý hoặc bằng cách đừng để ý đến chúng, theo kiểu với tín căn quá mạnh. Có thể chứng minh điều này với câu chuyện về trưởng lão (S. iii, 119) Vakkali.

[Trưởng lão đau nặng gần chết, cứ ân hận và không được trông thấy Ðức Thế Tôn. Phật vì lòng từ mẫn, đến thăm trưởng lão và dạy không cần thấy xác thân hủ bại làm gì. Nhưng ai thấy Pháp là thấy Phật và thấy Phật có nghĩa là thấy pháp. Rồi ngài dạy trưởng lão quán sắc vô thường và cái gì vô thường là khổ, cái gì khổ là phi ngã. Như vậy, là dùng tuệ để làm quân bình tín quá mạnh nơi trưởng lão].

46. Nếu tấn căn quá mạnh thì tín căn không thể làm cái nhiệm vụ quyết định và các căn khác cũng không thể làm những nhiệm vụ chúng. Bởi thế trong trường hợp này, tấn căn cần được châm chước bằng xã, khinh an, định. Ðiều này có thể chứng minh với câu chuyện trưởng lão Sona (A. iii, 374-6). Cũng thế, với các căn còn lại, khi bất cứ một căn nào trở nên quá mạnh thì những căn khác không thể làm nhiệm vụ của chúng.

47. Nhưng, điều được đặc biệt khuyễn cáo là quân bình tín với tuệ, định với tấn. Vì một người tín nhiều, tuệ ít thì tin tưởng không phê phán, không căn cứ. Một người tuệ nhiều tín ít thì dễ lạc vào kiểu láu cá và cũng khó trị như người bị lạm thuốc. Nếu quân bình 2 căn ấy thì chỉ tin khi có lý do để tin. Và giãi đãi dễ thắng lướt một người định nhiều tấn ít, vì định dễ sinh biếng nhác. Trạo cữ thắng lướt một người tấn nhiều, ít định, vì tinh tấn dễ sinh trạo cữ. Nhưng nếu định song đôi với tinh tấn thì không thể rơi vào giãi đãi và tinh tấn song đôi với định thì không rơi vào trạo cử. Bởi thế, 2 căn này cần được quân bình, định “an chỉ” phát sinh khi có sự quân bình giữa tấn căn và định căn.

48. Lại nữa, định và tín cần quân bình. Người tập định cần có niềm tin mạnh vì nhờ tín mạnh mà đắc an chỉ. Vả lại có sự quân bình giữa định và tuệ. Một người tu tập định cần có sự nhứt tâm mạnh vì nhờ tuệ mà thể nhập các đặc tính (vô thường, khổ, vô ngã), nhưng với sự quân bình giữa định, tuệ, hành giả còn đạt đến an chỉ.

49. Tuy nhiên, niệm là pháp cần yếu đối với mọi trường hợp vì niệm làm cho tâm khỏi rơi vào trạo cữ vì các căn tín, tấn, tuệ. Niệm cũng làm cho tâm khỏi rơi vào giãi đãi vì cái căn dễ phát sinh giãi đãi là định. Bởi thế, trong mọi trường hợp, niệm là điều đáng muốn, như muối là cần thiết trong các thứ nước chấm, như thủ tướng cần thiết trong mọi công việc của vua. Bởi vậy, Luận nói: “Niệm được Thế Tôn gọi là phổ quát vì tâm có niệm làm chỗ y cứ, niệm được biểu hiện nhờ sự che chở hộ trì và không có sự nỗ lực và điều phục tâm nếu không có niệm”.

50. 3) Thiện xảo về tướng là sự khéo léo làm phát sinh tướng nhứt tâm chưa phát sinh qua biến xứ đất… Sự khéo léo phát triển tướng đã sinh; khéo léo giữ gìn tướng đã phát triển. ở đây muốn đề cập thiện xão thuộc loại sau cùng này.

51. 4) Thế nào là nỗ lực tâm khi cần nỗ lực? Khi tâm đâm ra giãi đãi vì ít tinh tiến… Thì thay vì tu tập 3 giác chi khinh an, định, xã, hành giả, nên tu tập trạch pháp, tính tiến, hỉ. Vì Ðức Thế Tôn dạy: “Nếu các tỳ kheo, giả sử có người muốn làm cho một đốm lửa nhỏ cháy lên mà bỏ cỏ ướt, củi ướt và rưới nước, rắc bụi lên thì có làm cho đốm lửa bừng cháy được không? – Bạch Thế Tôn, không. – Cũng thế các tỷ kheo, khi tâm đã lười biếng thì không phải lúc tu tập khinh an giác chi, định giác chi, xã giác chi. Tại sao? Vì một tâm lười biếng không thể nhờ những pháp ấy mà phấn chấn lên được. Khi tâm lười biếng, cần phải tu tập trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỉ giác chi, vì một tâm lười biếng có thể nhờ các pháp này mà được kích động. Như người muốn một đốm lửa nhỏ cháy rực lên mà bỏ thêm cỏ khô, phân bò khô, củi khô, lấy miệng thổi không rắc bui lên thì có thể làm cho đốm lửa cháy sáng lên được”. (S. v., 112)

52. Và ở đây, sự tu tập mỗi giác chi là thức ăn cho giác chi ấy, như kinh dạy: “Này các tỳ kheo, có những pháp thiện, bất thiện, có những pháp có tội, không tội, có những pháp liệt, thắng, có những pháp dự phần đen trắng. ở đây nếu như lý tác ý, làm cho sung mãn, thì đó là món ăn làm cho trạch pháp giác chi chưa sanh khởi, hay trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập, tăng trưởng, làm cho viên mãn. “Cũng vậy, này các tỳ kheo, có phát cần giới (àrambhadhàtu: mới khởi sự cố gắng), tinh cần giới, dũng mãnh giới, ở đây nếu như lý tác ý, làm cho sung mãn, là món ăn làm tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay đã sanh được tu tập, tăng trưởng, viên mãn”. Cũng thế, “này các tỳ kheo, có những pháp phát sinh hỉ giác chi, ở đây nếu như lý tác ý, làm cho sung mãn, thì đầy là món ăn cho hỉ giác chưa sanh được sanh khởi, đã sanh được tu tập, tăng trưởng, viên mãn”. (S. v. 104)

53. Ở đây, “như ý tác ý” các pháp thiện… Có nghĩa là sự tác ý đi sâu vào các tính chất riêng biệt (biệt tướng và (ba) đặc tính chung (tổng tướng). Như lý tác ý đối với phát cần giới… Có nghĩa là sự chú ý phát sinh khi khởi lên tinh cần… Sự tinh tấn mới khởi lên thì gọi là phát cần giới. Tinh cần giới mạnh hơn vì nó bỏ rơi biếng nhác. Dũng mãnh giới (parakkamao-dhàtu) lại còn mạnh hơn tinh cần giới (nikkama-dhàtu) vì tiếp tục kiên trì trong những giai đoạn kế tiếp. “Những pháp phát sinh hỉ giác chi” là tên gọi chỉ hỉ, sự chú ý để khởi nó lên gọi là “như ý tác ý”.

54. Ngoài ra, còn có 7 pháp đưa đến sự phát sinh trạch pháp giác chi là: 1. Đặt câu hỏi, 2. Làm sạch nội ngoại xứ, 3. Quân bình các căn, 4. Tránh những kẻ thiếu trí tuệ, 5. Thân cận người có trí, 6. ôn lại lĩnh vực tri kiến sâu xa, 7. Quyết định đối với trạch pháp.

55. Có 11 pháp đưa đến phát khởi tinh tấn giác chi: 1. Ôn lại sự khủng khiếp của các đoạ xứ, 2. Thấy lợi ích trong sự đạt đến những điều thù thắng thuộc thế gian, xuất thế gian nhờ tinh tấn, 3. Nhìn lại con đường mình đi: Con đường mà chư Phật, độc giác, thnàh văn đã đi, ta cũng sẽ đi, con đường ấy không thuộc về một kẻ biếng nhác, 4. Sự xứng đáng nhận đồ khất thực vì nó phát sinh quả báo lớn cho người bố thí, 5. Nhớ đến sự hùng vĩ của đấng Ðạo sư: “ Ðức Ðạo sư của ta tán dương người tinh tấn. Nền giáo lý siêu tuyệt này, một giáo lý đem lại nhiều lợi cho chúng ta chỉ tôn quý nhờ ở thực hành mà thôi”, 6. Nghĩ đến sự lớn lao của pháp tài: “Chính các gia tài lớn là Diệu pháp này phải do ta nắm giữ, không thể do một kẻ biếng nhác”, 7. Từ bỏ hôn trầm thuỵ miên bằng cách tác ý đến quán tưởng,, đổi tư thế uy nghi, đi dạo giữa trời…, 8. Tránh những kẻ biếng nhác, 9. Gần những người siêng năng, 10. Ôn lại bốn chánh cần, 11. Quyết định đối với tinh tấn.

56. Có 11 pháp đưa đến sự sinh khởi hỉ giác chi: 1. Niệm Phật, 2. Niệm pháp, 3. Niệm tăng, 4. Niệm giới, 5. Niệm thí, 6. Niệm chư thiên, 7. Niệm sự bình an, 8. Tránh gần người thô lỗ, 9. Gần người thanh tao, 10. Đọc lại những kinh khích lệ, 11. Quyết tâm đối với hỉ. Như vậy, hành giả tu tập trạch pháp, tinh tấn, hỉ giác chi bằng cách khởi lên những pháp trên. Ðây là tu tập tâm vào lúc cần tu tập.

57. 5) Chế ngự tâm vào lúc cần chế ngự: khi tâm hành giả bị giao động, vì quá hăng say thì thay vì tu tập trạch pháp, tinh tấn, hỉ, vị ấy nên tu tập 3 giác chi là khinh an, định, xã; như Thế Tôn dạy: “Này các tỳ kheo, ví như có người muốn dập tắt một đống lửa lớn, mà bỏ cỏ khô, v.v… lên, không rắc bụi lên, thì có thể dập tắt không? – Bạch Thế Tôn, không – Cũng thế, này các tỳ kheo, khi tâm giao động, thì không phải lúc để tu tập trạch pháp, tinh tấn, hỉ giác chi, vì một tâm giao động không thể nhờ các pháp này mà an tĩnh lại. Nhưng khi tâm giao động, thì đấy là lúc cần tu tập khinh an, định, xã giác chi. Vì một tâm giao động nhờ những pháp này mà được định tĩnh… Như một người muốn dập tắt một đống lửa lớn, mà bỏ cỏ ướt, rắc bụi lên đấy, thì có thể dập tắt”. (S. v. 114)

58. Và sự tu tập khinh an, định, xã là thức ăn cho những giác chi ấy, như kinh nói: “Này các tỳ kheo, có thân khinh an, tâm khinh an, nếu như lý tác ý, làm sung mãn, thì đấy là món ăn cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh, đã sanh được tu tập, tăng trưởng, viên mãn. Cũng thế, này các tỳ kheo, có tịnh chỉ tướng bất loạn tướng, nêu như lý tác ý, thì đấy là món ăn làm cho định giác chi chưa sanh được sanh, đã sanh được tu tập, tăng trưởng, viên mãn. Cũng vậy, các tỳ kheo có các pháp trú xứ cho xã giác chi, nếu như lý tác ý, làm cho sung mãn, thì chính là món ăn làm cho xã chi chưa sanh được sanh, đã sanh được tu tập, tăng trưởng, viên mãn. (S. v. 104)

59. “Như lý tác ý” trong 3 trường hợp trên, có nghĩa là sự tác ý đề khởi lên sự khinh an, định, xã bằng cách quan sát cái cách chúng đã khởi lên nơi mình trước kia như thế nào. “Tịnh chỉ tướng” tức là định, “bất loạn” cũng đồng nghĩa.

60. Ngoài ra, còn có 7 pháp làm sinh khởi khinh an giác chi: 1. Dùng thực phẩm bực thượng, 2. ở trong khí hậu tốt, 3. Giữ tư thế thoải mái dễ chịu, 4. Làm theo trung đạo, 5. Tránh kẻ hung hăng, bạo động, 6. Gần gũi người thân hành an tinh, 7. Quyết tâm đối với sự khinh an.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.