Thanh Tịnh Đạo – Chương VII

58. Ở đây bằng cách sử dụng đặc tính của ngôn ngữ khởi đầu là những ví dụ “phát triển hình thức, thay đổi hình thức” hoặc bằng cách sử dụng đặc tính “định tính” khởi đầu bằng những ví dụ “có bụng màu lốm đốm” v.v… (xem Pànini, Ganapàtha, 6, 3, 109), có thể rằng Ngài cũng có thể được gọi là Thế tôn (Bhagava) khi đã được gọi là May mắn (bhàgya) đạt đến toàn thiện về Thí và Giới, v.v… là những điều kiện phát sinh phúc lạc thế gian và xuất thế gian.

59. Tương tự như vậy, Ngài có thể được gọi là bhagavà vì Ngài đã được gọi là “có sự từ bỏ” (bhaggavà) do những đe dọa (abhanji) cả trăm ngàn thứ phiền não, lo lắng và ô nhiễm được phân loại thành tham, sân si, thất niệm, vô tàm vô quý, phẫn hận, khinh bỉ và thống trị, ganh tị, và tham lam, lừa dối và gian lận, cứng đầu và tự kiêu, ngã mạn và cao ngạo, khoe khoang và lơ đễnh, khát ái, và ngu si, ba bất thiện căn các loại tà hạnh, ô nhiễm, cấu uế, ảo tưởng, tầm tư duy và những phân biệt, bốn điên đảo, lậu hoặc, triền cái, bộc lưu, hệ phược, thói xấu, khát ái, chấp thủ, năm tâm hoang vu, tâm ách phược, những triền cái và những loại ưa thích, sáu căn và những nhóm khát ái, mười bất thiện nghiệp, 62 tà kiến, 108 lối cư xử thuộc về tham ái, nói tóm lại là năm thứ ma phiền não, ma ngũ ấm, ma hành nghiệp, thiên ma và tử ma.

Từ bỏ (bhagga) tham sân si
Ngài không còn lậu hoặc,
Ác pháp được tận trừ
“Thế tôn” xứng tên gọi.

60. Sự may mắn hạnh phúc của Ngài (bhàgyavata) được chứng tỏ bằng sắc thân đủ trăm công đức, và sự tận trừ các lỗi được chứng tỏ bởi tính cách toàn vẹn của pháp thân Ngài. Hạnh phúc của ngài chỉ sự tôn trọng của thế gian, sự dứt trừ lậu hoặc nơi ngài chỉ sự tôn trọng của những bậc giống như Ngài. Thân hạnh phúc của Ngài được tin cậy của người thế tục, sự từ bỏ lỗi lầm đáng được tin cậy của người xuất gia. Và khi cả hai hạng người này nương tựa nơi Ngài, thì chúng được cứu vớt khỏi thân khổ và tâm khổ, được cứu giúp bằng tài thí lẫn pháp thí, chúng có thể tìm được cả hai thứ phúc lạc thế gian và xuất thế gian.

61. Ngài cũng được gọi là bhàgavà(Thế tôn) vì Ngài liên hệ đến hạnh phúc (bhagohi yuttattà): trong đời, danh từ hạnh phúc được dùng để chỉ sáu thứ là sự làm chủ, pháp, danh tiếng, sáng chói, nguyện, tinh tấn. Ngài đã đạt được sự làm chủ tối thượng trên tâm của Ngài. Ngài có đầy đủ pháp thế gian là các thần thông “hiện thân hình thật nhỏ” (animà: như vi trần), “làm thân nhẹ bổng” (laghima: làm thân nhẹ đi trên hư không) v.v… Cũng như pháp xuất thế, ngài lại có danh tiếng hoàn toàn thanh tịnh được lan truyền khắp ba cõi. Ngài có vẻ sáng chói của tứ chi, toàn vẹn trong mọi vẻ trong mọi vẻ, có thể làm đẹp mắt những người ưa nhìn thấy sắc thân của Ngài. Ngài có nguyện, nghĩa là phát sinh những thứ cần dùng, bất cứ gì Ngài cần đến và mong ước để tự lợi và lợi tha đều được phát sinh ngay tại chỗ tức khắc cho Ngài dùng. Ngài có sự tinh tấn, nghĩa là chánh tinh tấn, lý do làm cho toàn thể thế gian tôn sùng Ngài.

62. Ngài còn được gọi là bhagavà vì Ngài là đấng “sở hữu những gì đã được phân tích” (vibhattàvà), như Ngài đã phân tích và thuyết minh các pháp thành ba loại là thiện ác, và vô ký v.v… Hoặc phân tích các pháp thiện, v.v… Thành ra những pháp như uẩn, xứ, giới, đế (chân lý), căn, duyên khởi v.v… Hoặc phân tích khổ đế thành những nghĩa như bức bách, hữu vi, đốt cháy, thay đổi. Tập đế thành những nghĩa tích luỹ, nguồn gốc, trói buộc, chướng ngại. Diệt đế thành những nghĩa giải thoát, viễn ly, vô vi, bất tử, và Ðạo đế thành những nghĩa lối ra, nguyên nhân thấy rõ, và sự ưu thắng. Ngài đã phân tích, đã khai thị, đã chỉ ra những ý nghĩa ấy.

63. Ngài có thể được gọi là bhagavà (Thế Tôn) vì Ngài được gọi là đấng “đã từ bỏ sự đi vào các loại hữu” (vantagamano bhavesu), vì đối với ba loại hữu (bhava), sự đi vào (gamana) hay nói cách khác, sự khát ái đã được Ngài từ bỏ (vanta). Âm bha từ chữ bhava, âm ga từ chữ gamana, và âm va từ chữ gamana, và âm va từ chữ vanta với chữ a dài ra, làm thành bhagavà.

64. Ngài có thể được gọi là bhagavà (Thế Tôn) khi Ngài được gọi là một người “đã lui tới (bhattavà)” do Ngài đã lui tới (bhaji), đã thân cận, đã thường xuyên thực hành những pháp thế gian và xuất thế gian, siêu nhân, như ba trú là thiên trú, phạm trú và thánh trú; ba thứ viễn ly là thân viễn ly, tâm viễn ly, và hữu viễn ly; ba giải thoát là không vô tướng, vô nguyện, và những thứ khác nữa. [Ba trú là “thiên trú” kasina thiền, “phạm trú”: tứ thiền v.v… “thánh trú”; đắc quả. Về ba thứ viễn ly, xem Ch. IV, phần chú thích]

65. Khi thiền giả nhớ lại những đức đặc biệt của Phật theo cách sau: “Vì lý do này Ðức Thế Tôn là bậc A-la-hán… Vì lý do này Ngài là Thế tôn”, thì ngay khi ấy hành giả không bị ám ảnh bởi tham hay sân, hay si tâm vị ấy có được sự ngay thẳng, nhờ cảm hứng từ đấng toàn thiện” (A. iii, 285).

66. Bởi thế, khi hành giả đã dẹp trừ những triền cái bằng cách ngăn ngừa những ám ảnh của tham, v.v… Và tâm hành giả đối diện với đề mục thiền quán một cách ngay thẳng, thì tầm và tứ sinh với một khuynh hướng thiên về những đức tính đặc biệt của đấng Giác Ngộ. Khi hành giả tiếp tục luyện tầm và tứ trên đối tượng là những đức tính đặc biệt của đấng Giác Ngộ, thì hỉ khởi lên nơi hành giả. Với tâm có hỉ, với hỉ là nguyên nhân gần, sự rối loạn của thân và tâm được an tĩnh nhờ khinh an, thân lạc và tâm lạc khởi lên. Khi có lạc, tâm hành giả, với những đức tính đặc biệt của Thế tôn làm đối tượng, trở nên định tĩnh và như vậy cuối cùng những thiền chi khởi lên cùng một loạt. Nhưng do tính cách sâu xa của những đức tính đặc biệt của đấng Giác Ngộ, hoặc vì hành giả bận tâm tưởng niệm những đức tính đặc biệt thuộc nhiều loại, cho nên chỉ đạt được định cận hành, không đạt đến định an chỉ. Và chính cận hành định ấy cùng được gọi là “niệm Phật”, vì nó khởi lên nhờ tưởng niệm những đức tính đặc biệt của Thế tôn.

67. Khi một tỷ kheo chú tâm đến việc tưởng niệm đấng Giác Ngộ như vậy, vị ấy cung kính tôn trọng đức đại sư, đạt đến sự viên mãn đức tin, chánh niệm, trí tuệ và công đức. Vị ấy có nhiều hạnh phúc và an lạc, chinh phục được sự sợ hãi khủng bố. Vị ấy cảm giác như mình đang sống trước mặt đấng đạo sư. Thân xác vị ấy khi trú trong tưởng niệm những đức tính đặc biệt của Phật, trở thành đấng tôn trọng như một điện thờ Phật. Tâm vị ấy hướng về chư Phật. Khi gặp một cơ hội phạm giới, hành giả cảm thấy tàm quý, như thế đang đứng trước mặt đấng đạo sư. Dù cho hành giả không thâm nhập được gì cao siêu, thì ít nhất cũng tiến đến một cảnh giới an lạc.

Người thực sự có trí.
Thì thường xuyên tưởng niệm
Các đức của Thế tôn
Ðấng an lạc vĩ đại

Trên đây là đoạn nói về tưởng niệm Thế tôn, với giải thích chi tiết.

Niệm Pháp

68. Một người muốn tu tập đề mục niệm pháp, hãy đi vào độc cư và tưởng niệm những đức tính đặc biệt của Pháp (Luật và kinh tạng cùng chín pháp xuất thế) như sau: “Pháp” được Ðức Thế Tôn khéo giảng, tự chứng ngay hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, có hiệu năng hướng thượng, được người có trí chứng biết”. (M. i, 37; A. iii, 285)

69 Khéo thuyết giảng: mệnh đề này bao gồm pháp của kinh điển cũng như pháp khác, những mệnh đề còn lại ám chỉ riêng pháp xuất thế. Pháp thuộc kinh điển được khéo thuyết giảng, vì tốt đẹp ở chặn đầu, chặn giữa và chặn cuối, và nó tuyên bố đời sống phạm hạnh hoàn toàn viên mãn trong sạch, với đầy đủ ý nghĩa và chi tiết”. (M i, 179) Ngay cả một bài kệ, một đoạn kinh trong giáo lý của Ðức Thế Tôn cũng tốt đẹp ở chặn giữa với những gì nó trình bày, và tốt đẹp ở chặn cuối với kết luận. Một quyển kinh tốt đẹp ở chặng đầu với dẫn nhập, cho biết nơi chốn và lý do (duyên khởi) thuyết kinh, tốt đẹp ở chặn giữa vì thích hợp với những người đáng giáo hoá, vì ý nghĩa không mơ hồ, được lập luận có nhân và dụ, và tốt đẹp ở chặn cuối với kết luận làm khởi tín tâm nơi người nghe.

70. Cũng vậy toàn bộ giáo lý tốt đẹp ở chặn dầu với giới là sự an lạc bản thân, chặn giữa với định, Tuệ, đạo, quả, và tốt đẹp ở chặn cuối với niết bàn. Hoặc tốt đẹp ở chặn đầu vì giới và định. Tốt đẹp ở chặn giữa vì Tuệ và đạo. Tốt đẹp ở chặn cuối vì quả và Niết bàn. Hoặc, giáo lý tốt đẹp ở chặn đầu vì là sự khám phá tốt đẹp của Ðức Phật. Tốt đẹp ở chặn giữa vì tính chất khéo điều hoà của pháp. Tốt đẹp ở chặn cuối vì đó là đạo lộ tốt mà tăng già đã đi vào.

71. Do nghe pháp mà những triền cái được trừ khử, đó là tốt đẹp ở chặn đầu. Do thực hành pháp mà có lạc khinh an và tuệ là tốt đẹp ở chặn giữa. Kết quả Pháp ấy đem lại là đạo và quả, đưa đến sự bất động gọi là tốt đẹp ở chặn cuối.

72. “Ðời sống phạm hạnh” nghĩa là đời sống phạm hạnh theo giáo lý và đời sống phạm hạnh thuộc đạo lộ mà Ðức Thế Tôn thuyết giảng, đời sống phạm hạnh ấy là “có ý nghĩa” vì có thể được người trí giảo nghiệm, “có chi tiết” vì gợi niềm tin nơi người thường. Nó có ý nghĩa vì có mục đích sâu xa. Nó có chi tiết vì danh dự rõ ràng. Nó “hoàn toàn viên mãn” vì không có điều gì có thể thêm. Nó “trong sạch” vô cấu vì không có điều gì có thể bớt. Lại nữa, pháp có nghĩa vì nó đem lại quả chứng nhờ thực hành đạo lộ, và có chi tiết vì đem lại sự đa văn nhờ nắm vững kinh điển. Pháp là hoàn toàn viên mãn vì liên tục đến năm pháp uẩn là Giới uẩn, Ðịnh uẩn, Tuệ uẩn, giải thoát uẩn, Giải thoát tri kiến uẩn. “trong sạch” vì không có khuyết điểm, vì nó tồn tại cho mục đích vượt qua bộc lưu luân hồi sinh tử (xem M. i, 134) và vì nó không liên hệ đến những chuyện thế tục.

73 Lại nữa, khéo giảng vì được tuyên bố một cách thích đáng không ngược. Ngoại đạo thì ngược ở chỗ, cái được xem chướng ngại không phải chướng ngại thực, cái được xem là lối thoátkhông phải là lối thoát thực, do đó pháp của ngoại đạo là vụng giảng. Những Pháp Thế tôn giảng thì không ngược như vậy: những Pháp Ngài gọi là chướng ngại thực sự là chướng ngại, những Pháp Ngài gọi là giải thoát thực sự là giải thoát.

Như vậy, trước hết, Pháp của kinh điển là pháp “khéo giảng”.

74. Pháp xuất thế gian là “khéo thuyết giảng” vì đạo lộ phù hợp với niết bàn, và niết bàn phù hợp với đạo lộ, “con đường đưa đến Niết bàn đã được Thế tôn tuyên bố một cách thích đáng cho các đệ tử, niết bàn và đạo lộ phù hợp nhau. Cũng như nước của sông Hằng gặp và tiếp nối với nước sông Yamunà cũng vậy, con đường dẫn đến niết bàn đã được Ðức Thế Tôn công bố một cách thích đáng cho các đệ tử, niết bàn và đạo lộ gặp gỡ” (D. ii, 225)

75. Và Thánh đạo, con đường Trung đạo không thiên cực đoan nào, là được “khéo thuyết giảng”. Các quả sa môn cũng được “khéo thuyết giảng” khi được công bố là những cấu uế đã thanh tịnh. Niết bàn, cũng được khéo giảng khi được công bố bản chất là thường, bất tử, nơi trú ẩn, chỗ nương tựa v.v… Bởi vậy, pháp xuất thế cũng được “khéo thuyết giảng”.

76. Thiết thực hiện tại, trước hết thánh đạo là “thiết thực hiện tại” vì có thể thấy được bởi một con người cao quý khi đã xa lìa tham dục v.v… Nơi bản thân: “Này Bà-la-môn, khi một người bị nhuốm bởi tham, bị tràn ngập, tâm bị ám ảnh bởi tham, thì nó suy nghĩ hại mình, hại người, hại cả hai, và cảm thọ đau khổ về tâm. Khi tham đã được trừ diệt, nó không suy nghĩ hại mình, hại người, hại cả hai, và không cảm thọ đau khổ về tâm. Ðây, này Bà-la-môn, là pháp thiết thực hiện tại (A. i, 156)

77. Lại nữa, pháp xuất thế có chín loại cũng là thiết thực hiện tại vì khi một người đã đạt đến đấy, thì pháp ấy tự người này thấy được người tri kiến thẩm sát, không cần nương tựa người khác.

78 Hoặc, kiến (ditthi) thích hợp (pasattha quá khứ của ngữ căn: sams) gọi là sanditthi pháp chinh phục người ta nhờ tính cách có thể thấy được kết quả ngay trong hiện tại, nên gọi là thiết thực hiện tại. Thánh đạo chinh phục được những phiền não nhờ thấy đúng, thánh quả và niết bàn cũng chinh phục phiền não nhờ chánh kiến làm nhân.

79. Hoặc, cũng có thể giải thích rằng, vì pháp xuất thế (luật) làm ngưng cái vòng khủng khiếp nghiệp v.v… Ngay khi nó vừa được trông thấy nhờ tuệ thể nhập, nên pháp là thiết thực hiện tại vì đáng được thấy.

80. Không thuộc thời gian: Pháp ấy không có chậm trễ trong việc đem lại kết quả, nên gọi là không có thời gian (akàla). Nghĩa là, thay vì triển hạn một thời gian dài lâu, năm, bảy ngày, mới cho kết quả thì pháp, đem lại kết quả ngay tức thì.

81. Hoặc, cái gì cần một thời gian để cho kết quả là pháp thế gian về thiện (nghiệp). Nhưng pháp này thì không cần thời gian vì kết quả của nó đến ngay, nên gọi là không thuộc thời gian. Ðiều này được nói về đạo lộ hay con đường.

82. Ðến để mà thấy: pháp này đáng mời gọi người ta thẩm sát (ehipassa -vidhi) như sau: “hãy đến đây mà thấy pháp này” (ehi passaimamdhammam), cho nên gọi là “đến để mà thấy” (Ehipassika). Tại sao Pháp đáng được mời gọi đến mà thấy? Vì đã được tìm thấy và vì thanh tịnh. Nếu một người bảo có tiền hay vàng trong một nắm tay không (tức là nói láo) thì nó không thể bảo “đến đây mà xem”. Mặt khác, phân tiểu có thể thấy, nhưng ta không thể làm người khác hoan hỉ bằng cách khoe “Ðến mà xem cái này”, trái lại, phải lấy cỏ lá mà che cho khuất con mắt vì bất tịnh. Nhưng, pháp xuất thế với chín thành phần thực sự đã được tìm thấy và thuần tịnh như trăng rằm trong bầu trời không mấy, như ngọc mani trên tấm vải sạch. Bởi thế, Pháp đáng mời gọi ta “đến mà thấy”

83. Pháp này với bốn đạo bốn quả là đáng dụ dẫn, nói cách khác, đáng khơi dậy trong tâm người ta bằng cách tu tập, dù cho y phục hay đầu của ta đang bốc cháy (xem A iv, 520). Do đó pháp này gọi là”Dẫn tới trước“ hay hướng thượng Opanayika. Ðiều này áp dụng cho tám pháp xuất thế vô vi thì đáng trở thành đối tượng của tâm, nên cũng là “dẫn tới trước”, nghĩa là đáng được xem như chỗ trú ẩn của ta bằng cách chứng nhập.

84. Hoặc cái dẫn dụ (upaneti) người thánh thiện đến niết bàn chính là thánh đạo. Lại nữa, cái có thể dưa đến giác ngộ là Pháp gồm quả và niết bàn.

85. Ðược người trí chứng biết: Pháp ấy có thể được chứng nghiệm bởi tất cả hạng người trí khởi từ hạng “lợi tuệ” (Xem A. ii, 135) mỗi người tự chứng lấy như sau: “Vì không thể xảy ra cái việc một vị giáo thọ sư tu đạo mà người đồng trú với vị ấy lại từ bỏ được cấu uế, hay người đồng trú được an lạc nhờ vị giáo thọ sư đắc quả, hoặc chứng niết bàn nhờ vị giáo thọ sư đã chứng. Bởi thế, Pháp này không thể được thấy như người ta thấy vật trang sức trên đầu người khác, mà chỉ được thấy trong tự tâm mình, nghĩa là chỉ có người có trí kinh nghiệm, không phải lãnh vực của kẻ ngu.

86. Lại nữa, Pháp này khéo thuyết giảng vì nó thiết thực hiện tại, vì không bị triển hạn. Nó không bị triển hạn vì mời gọi sự thẩm sát thì có tính cách hướng tới trước.

87. Khi thiền giả suy nghiệm những đức tính đặc biệt của Pháp như vậy, “thì ngay lúc ấy, tâm vị ấy không bị ám ảnh bởi tham dục, sân nhuế, ngu si, tâm vị ấy ngay lúc đó được ngay thẳng nhờ cảm hứng từ pháp” (A. iii, 285)

Bởi vậy, khi hành giả đã đạt được những triền cái theo cách đã nói (đ. 66), thì những thiền chi khởi lên trong một tâm sát na. Nhưng do tính cách sâu xa của những đức tính đặc biệt của pháp, hoặc vì hành giả bận tâm tưởng niệm nhiều đức tính đặc biệt thuộc nhiều loại, cho nên thiền vị ấy đạt được chỉ là cận hành định, không đạt đến định an chỉ.

88. Khi một tỷ kheo chuyên tâm tưởng niệm pháp, vị ấy nghĩ: “Trong quá khứ, ta chưa từng gặp một bậc thầy nào dạy một pháp hướng thượng như thế, có tài năng như thế, ta cũng không thấy một bậc thầy nào như Ðức Thế Tôn. Vì thấy những đức đặc biệt của pháp như vậy, vị ấy tôn trọng cung kính đấng đạo sư, tôn trọng pháp và đạt đến viên mãn về tín v.v… Vị ấy được nhiều hạnh phúc và hân hoan. Vị ấy nhiếp phục được sợ hãi khủng bố, có khả năng nhẫn khổ, cảm thấy như thể đang sống với pháp hiện tiền. Và thân của hành giả, khi an trú trong sự niệm pháp, trở thành vật đáng tôn trọng như một điện thờ. Tâm vị ấy hướng đến sự thành tựu Pháp vô tỷ. Gặp phải cơ hội phạm giới, hành giả có ý thức tàm quí mãnh liệt khi tưởng đến pháp. Và nếu hành giả không thâm nhập được cái gì cao siêu hơn, thì ít nhất cũng tiến đến một cõi an lạc.

Người thực sự có trí.
Thì thường xuyên tu tập
Sự tưởng niệm về Pháp
Tối thắng nhiều tiềm năng

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.