Thanh Tịnh Đạo

90. Câu “không để vui đùa “được nói là để từ bỏ si tăng trưởng, “không để đam mê” là từ bỏ sân tăng trưởng, “không phải để trang sức và làm đẹp” là để từ bỏ tham tăng trưởng. Và, hai câu đầu là để ngăn ngừa trói buộc khởi lên cho chính bản thân, còn câu thứ ba là ngăn ngừa trói buộc khởi lên cho người khác.

91. Thân nầy, cái xác thân gồm bốn đại. Ðể được sống lâu, là để tiếp tục sống. Ðược bảo dưỡng là để khỏi gián đoạn mạng sống. Vị ấy sử dụng đồ ăn khất thực vì mục đích duy trì tiếp tục thân xác, như chủ nhân một ngôi nhà cũ sử dụng những cột chống đỡ mái nhà, như người đánh xe dùng dầu mỡ cho trục xe, không phải để vui đùa, trang sức, đam mê, làm bộ. Hơn nữa, “sống lâu” là chỉ mạng căn. Vậy, câu “để thân nầy được sống lâu, được bảo dưỡng” có nghĩa là, vì mục đích duy trì mạng căn trong thân xác này.

92. Ðể khỏi bị tổn hại: cơn đói được gọi là “tổn hại” vì nó làm sầu não. Vị ấy dùng đồ ăn khất thực vì mục đích chấm dứt cái hại ấy, như thoa dầu lên vết thương, lấy nóng chống lạnh v.v… Ðể hộ trì phạm hạnh: vì mục đích hỗ trợ cho sự sống trong sạch ở trong giáo lý và trong đạo lộ. Bởi vì, khi vị tỳ kheo dấn mình vào việc vượt qua sa mạc sinh tử bằng phương tiện Ba môn học, dựa trên sức khoẻ thân xác mà điều kiện cần thiết chính là thức ăn, thì việc xử dụng thức ăn cũng giống như người muốn qua sa mạc phải ăn thịt con mình, hoặc như người muốn qua sông dùng bè, vượt biển dùng tàu vậy.

93. Như thế nầy ta sẽ diệt trừ những cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới: như người bệnh dùng thuốc, vị tỳ kheo dùng đồ ăn khất thực nghĩ: “Do dùng thức ăn này, ta sẽ chấm dứt cảm thọ cũ là cơn đói, mà không cho khởi cảm thọ mới là tham dục. “Lại nữa, “cảm thọ cũ” là cảm thọ do duyên những nghiệp trước, bây giờ khởi lên vì ăn uống không điều độ, không thích hợp. Ta sẽ chấm dứt cảm thọ củ ấy, chận đứng nó bằng cách ăn uống điều độ, thích hợp. Và “các cảm thọ mới” là cảm thọ sẽ khởi lên trong tương lai, do sự tích luỹ nghiệp hiện tại là sử dụng dồ khất thực một cách không thích đáng. Ta cũng sẽ không cho khởi lên các cảm thọ mới ấy, bằng cách dùng đồ khất thực cho thích đáng.

Những gì trình bày trên đây bao hàm việc sử dụng chánh đáng những vật cần thiết, từ bỏ ép xác khổ hạnh, nhưng không bỏ lạc thọ hợp pháp.

94. Ta sẽ sống khoẻ mạnh: “Trong thân này, được tồn tại nhờ những vật dụng, ta sẽ có sức khoẻ do ăn uống điều độ, sức khoẻ ấy được gọi là sự “dai sức” vì sẽ không có mối nguy làm dứt mạng căn, hay ngăn cản bốn uy nghi. Giác sát như vậy, vị tỷ kheo dùng đồ khất thực như người mặc bệnh kinh niên dùng thuốc, Sống không lỗi, an ổn: Vị ấy dùng đồ khất thực, nghĩ: Ta sẽ có được sự không lỗi bằng cách tránh xin, nhận và ăn một cách không thích đáng, và ta sẽ sống an ổn bằng cách ăn uống điều độ”. Hoặc vị ấy nghĩ: “Ta sẽ được sự không lỗi, nhờ không có mặt những lỗi lầm như chán mệt, lừ đừ, buồn ngủ, bị người trí chê trách v.v… Do duyên ăn uống vô độ gây ra. Và ta sẽ có sự sống an ổn nhờ sức khoẻ do duyên ăn tiết độ “. Hoặc vị ấy thọ dụng đồ khất thực, nghĩ những lạc thú nằm dài, lừ đừ biếng nhác vì đã không ăn quá độ. Và ta sẽ có một đời sống an ổn bằng cách chế ngự bốn uy nghi, nhờ ăn giảm mức tối đa chừng bốn năm miếng”. Vì có câu:

Ăn còn bốn năm miếng
Thì nên dừng, uống nước
Như vậy người tinh cần
Sẽ sống được an ổn. (Thag. 983)

Những gì được nói trên đây có thể hiểu là sự phân biệt rõ mục đích, và thực hành trung đạo.

95. Trú xứ(senàsana) đây là cái giường (sena) và chỗ ngồi (àsana). Vì bất cứ chỗ não ta ngủ (seti) dù trong một ngôi chùa, hay một cái chòi dựa vách, v.v… Thì đó là cái giường, chỗ ngủ; và bất cứ chỗ nào ta ngồi (àsati) thì đó là chỗ ngồi hay toà (àsana). Cả hai là sàng toà hay trú xứ.

Chỉ để tránh những nguy hiểm của thời tiết và sống độc cư:thời tiết trong nghĩa gây nguy hiểm (parasahana), gọi là “nguy hiểm của thời tiết” (utu- parissaya). Những trình trạng khí hậu không thích hợp, làm thân xác rối loạn kéo theo sự rối loạn của tâm, có thể tránh được nhờ xử dụng trú xứ. Trú xứ cốt để tránh những khổ này, và để hưởng độc cư. Dĩ nhiên, sự tránh nguy hiểm của thời tiết còn được nói trong câu “ngăn ngừa lạnh” v.v… Nhưng, cũng như trong trường hợp dùng y phục, sự che đậy hổ thẹn được xem là mục đích bất biến, còn những mục đích khác đều có tính cách giai đoạn, ở đây cũng vậy, nhắc lại cốt để nhấn mạnh mục đích bất biến là tránh nguy hiểm của thời tiết, còn những mục đích khác chỉ là giai đoạn. Lại nữa “thời tiết” chỉ khí hậu, rõ rệt và tiềm ẩn. Nguy hiểm rõ rệt là sư tử, cọp beo, v.v… Trong khi nguy hiểm tiềm ẩn là tham sân si v.v… Khi một tỳ kheo biết và giác sát như vậy trong khi dùng loại trú xứ nào để những món không phòng hộ và do thấy những sắc pháp không thích đáng, thì vị ấy được gọi là có “chân chánh giác sát, xử dụng trú xứ để tránh những nguy hiểm của thời tiết”.

96. Nhu yếu về dược phẩm trị bệnh: “trị” có nghĩa là đi ngược lại (paccaya) với bệnh tật (pati -ayana), chỉ bất cứ loai thuộc nào thích hợp để chữa lành: dầu, mật, sữa, bo v.v… Gọi là “dược phẩm trị bệnh”. Danh từ Pàli parikkhàra dịch là “nhu yếu” ở đây, nhưng ở đoạn khác, nó có nghĩa là đồ trang bị, phụ tùng. ở đây, cả hai ý nghĩa đều dùng được, vì dược phẩm trị bệnh là đồ trang bị để duy trì sự sống, nó che chở ta bằng cách ngăn ngừa các khổ não có hại sự sống, đồng thời, nó là đồ phụ tùng, vì là vật để kéo dài mạng sống. Do vậy gọi là “nhu yếu”.

97. Ngăn chận các cảm giác thống khổ đã sinh: “thống khổ” là sự xáo trộn tứ đại, và những bệnh do sự xáo trộn ấy gây ra, như ung nhọt, phung v.v… “Cảm thọ thống khổ” là những cảm giác đau đớn, những cảm giác phát sinh do bất thiện nghiệp. Ðể được ly khổ hoàn toàn để hoàn toàn thoát khỏi các khổ.

Trên đây là giải thích ý nghĩa của Giới liên hệ giữa vật dụng. Nói tóm lại, đặc tính của nó là những vật sau khi chân chánh giác sát.

98. (a) Trong giới gồm bốn phần này sự chế ngự của Giới bổn được thọ trì do lòng tin, vì sự tuyên thuyết những học giới không thuộc lãnh vực của các đệ tử, bằng chứng là đức Phật từ chối không cho phép các đệ tử chế ra học giới. (Vin, iii, 9-10). Khi đã vì lòng tin mà thọ lãnh những học giới Phật chế, thì ta phải viên mãn học giới ấy, bất kể sinh mạng, như kinh nói:

Như gà mái giữ trứng
Như trâu mao giữ đuôi
Như người giữ con cưng
Hay một mắt còn lại
Cũng vậy khi đã nguyện
Hộ trì các cấm giới
Hãy luôn luôn cẩn thận
Và biết sợ phạm giới.

Ðức Phật còn dạy thêm: “Khi ta đã tuyên bố một học giới cho các đệ tử, các đệ tử ta không được vượt qua học giới ấy, dù có phải mất mạng”. (A. I v, 201)

99. Câu chuyện những vị trưởng lão bị giặc trói bằng dây cỏ được kể như sau: Trong rừng Mahàvattani, bọn cướp trói nằm một vị thượng toạ với một thứ dây màu đen. Trong bảy ngày nằm đấy, ngài tăng trưởng được tuệ quán, chứng quả Bất hoàn, từ trần và được sanh lên cõi Phạm thiên. ở Tích lan, một trưởng lão cũng bị giặc trói nằm bằng cây leo trong một khu rừng. Khi rừng phát hoả mà cây leo chưa được cắt, ngài an lập trong tuệ và đạt Niết bàn ngay khi mất. Khi trưởng lão Abhaya, giảng sư Trường bộ, đi qua đấy cùng với 500 tỷ kheo, trông thấy sự việc, hoả táng nhục thân ngài và xây tháp thờ. Bởi thế, các vị thiện gia nam tử đời sau cũng nên noi gương ấy, giữ các học giới thật thanh tịnh, từ bỏ mạng sống nếu cần, còn hơn là vị phạm giới luật mà Ðức Thế Tôn đã chế ra.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.