Chết Đi Về Đâu

CHẾT ĐI VỀ ĐÂU

Trong kinh, đức Phật đưa ra hình ảnh ẩn dụ về cây nến, nếu dùng lửa thắp sáng ngọn nến lên thì từ cái không lửa sẽ trở thành  có  lửa.  Lửa  có  thể  bị  chong  chênh  nếu  ta  dùng  tay  lắc,

hoặc một cơn gió thổi qua thì ánh sáng đó bị lập lòe, do tác động của sự vận chuyển không khí. Nếu tác động này quá mạnh, lửa có thể bị tắt, và lúc này điều gì xảy ra với ngọn lửa? Đức Phật đã đặt ra câu hỏi đó. Một số vị tỳ kheo trả lời:

– Lửa sẽ đi theo hướng mà sức gió bị ép, ví dụ nếu gió thổi qua từ phía bên tay trái thì lửa sẽ bị tắt. Như vậy, lửa đi từ bên trái sang bên phải, từ Đông sang Tây hoặc từ Nam sang Bắc và ngược lại.

Nhiều vị tỳ kheo khác im lặng. Lúc này, đức Phật trả lời:

– Việc tìm kiếm và định hướng sự ra đi của lửa là điều không cần thiết. Trong tình huống này, nếu ta chấp nhận lửa có một hướng đi thì phải quan sát lửa đó như thế nào, nó tiếp tục chạy ra sao. Trong khi ngọn lửa đã bị tắt mà ta lại bàn luận nó đi về hướng nào thì đây là một câu trả lời không thích hợp.

Ví dụ này được Thế Tôn đưa ra để nói về cái chết, về sự ra đi của những vị xuất gia chân chính có một đời sống tu học vững chãi, đạt được giá trị an lạc ở hiện đời thì sự giả định về tiến trình tái sinh của người đó về hướng A, B, hoặc C là điều không thích hợp. Bởi vì các ngài sẽ ra đi theo nguyện ước của bản thân. Chết đi về đâu? Chết – đi theo nguyện ước.

Lý luận này đã không làm hài lòng nhiều nhà nghiên cứu Phật học bởi vì sự súc tích của nó và cách thức giải thích không trọn vẹn, đầy đủ về ý nghĩa của sự ra đi. Chắc chắn các nhà nghiên cứu muốn đề cập đến mệnh đề triết học hoặc những phán đoán đề cập đến cái chết của Thế Tôn, và đời sống của Ngài sau khi chết. Điều này khiến họ cảm giác không thỏa mãn, nên vẫn tiếp tục đặt câu hỏi tương tự.

Thế Tôn quay họ trở về với đời sống thực tại, hãy đặt câu hỏi và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề hiện thực của đời sống an  lạc,  hạnh  phúc,  giá  trị  tĩnh  tại,  thảnh  thơi  quan  trọng  hơn nhiều so với việc tìm hiểu lửa này sẽ đi về hướng nào, và trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật đã có câu trả lời làm thỏa mãn những người tò mò.

Ngài đưa ra hình ảnh ẩn dụ cũng giống như sự xoay chiếu của mặt trời 12 tiếng vào ban ngày vừa kết thúc thì bóng tối cũng bắt đầu xuất hiện. Trong thời đại của đức Phật, con người chưa có kiến thức khoa học không gian về mặt trời, mặt trăng hay đời sống của các hành tinh khác. Thế Tôn chỉ đưa ra hình ảnh ẩn dụ đơn giản về cái chết và tái sinh của các bậc chứng đạo cũng tương tự như vầng mặt trời. Khi màn đêm xuất hiện không có nghĩa là mặt trời bị mất đi, nó vẫn tiếp tục rọi sáng ở một nửa bên kia trái đất, nghĩa là nó vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Điều đó chứng tỏ cái chết và tái sinh của các bậc chứng đạo đi theo nguyện ước của các ngài, miễn là nơi nào có nhân duyên, và thông qua nhân duyên đó, sự lợi lạc, an vui và hạnh phúc của chúng sanh được thiết lập.

Câu trả lời này đã làm thỏa mãn các tiền đề, định đề và lý giải của triết học về bản chất sau khi chết của những bậc cao Tăng. Thế còn đối với người phàm kẻ tục như chúng ta thì chết sẽ đi về đâu? Câu trả lời ở đây lệ thuộc hoàn toàn vào thái độ của người ra đi.

KHÔNG TIẾC NUỐI CÁI CHẾT

Đức Phật đề cập đến sự ra đi ít nhiều có mối liên hệ đến di thể con người, mà quan trọng nhất vẫn là tro cốt. Nó là cơ sở vật lý quan trọng để hương linh bám víu vào. Ngày nay cùng với sự tiến bộ phát triển của khoa học kỹ thuật, có khá nhiều phương tiện giúp lưu giữ lại những kỷ niệm trong quá khứ thông qua hình ảnh, video, các phương tiện internet hoặc các viện bảo tàng có thể nắn tạo lại hình tượng của một nhân vật nào đó. Chẳng hạn như công nghệ Thái Lan thực hiện việc này rất tinh vi, chỉ cần  cung  cấp  cho  họ  một  thước  phim  khoảng  năm  phút  về  cơ thể vật lý của một người nào đó với tư thế mà họ đang ngồi cùng với mái tóc thiệt thì chỉ trong vòng một tháng sau, họ nắn tạo ra hình tượng mà độ chính xác của nó đạt hơn 90%. Chỉ cần trả khoảng 15.000 USD là đã có một hình tượng giống hệt mình rồi, và nhiều người cho rằng đây là điều rất hạnh phúc, bởi vì nó là kỷ niệm vật của mình.

Thế nhưng theo tâm lý học của đạo Phật, đây là cản lực lớn cho tiến trình tái sanh. Hương linh sẽ có cơ hội bám víu vào cơ thể vật lý khi mạng sống đã chết, cơ thể bị hôi thối, rã rời theo qui luật vật lý thì cấu trúc di thể mà ta đã nắn tạo ra bản photocopy của mình sẽ là cái rất đẹp, cũng vì sự nuối tiếc này mà nhiều hương linh khó ra đi. Ngoài ra, nền văn hóa phương Tây còn đặt nặng tập tục trang điểm cho người chết trước khi tẩm liệm. Người ta đánh phấn, tô son trông gương mặt thật đẹp, giống như người chết đang trong trạng thái ngủ an lành. Nhiều người cứ nghĩ rằng làm như thế là thương tưởng, quý trọng người ra đi, mà trên thực tế tình huống này sẽ làm cho hương linh dễ bị chấp trước và dính mắc nhiều hơn. Bởi lúc còn sống mình không đẹp mà khi chết mình lại đẹp như vậy, khiến hương linh có tâm trạng tiếc nuối, muốn bám víu vào hình hài, thân thể đó không muốn ra đi. Do đó, họ tiếp tục tồn tại dưới hình thức khổ đau của ngạ quỷ.

Trong trạng thái nuối tiếc xuất hiện, hương linh thường bám víu vào bất kỳ một cấu trúc hay hình dạng di thể còn lại. Đó có thể là bức ảnh, giọng nói được ghi âm, bàn thờ trang nghiêm, mồ mả, đền thờ họ tộc v.v…và xa hơn nữa là di cốt, hoặc các tượng là bản sao của hương linh được làm tinh vi và đẹp. Như vậy, điều gì dẫn đến sự nuối tiếc đó? Trong kinh, đức Phật nêu ra ba tình huống:

–  Gia  tài,  sự  nghiệp  khiến  hương  linh  nuối  tiếc,  khó  có  thể buông.

– Tình yêu giữa vợ và chồng (trường hợp này nguy hiểm nhất) nếu tình yêu đó bị nguội lạnh thì sẽ được chuyển thể thành tình thương giữa cha mẹ và con cái. Nếu họ không có con cái thì tình thương đó lại được chuyển thể sang một dạng khác là anh em hoặc người thân với nhau. Nói chung, bám vào bất kỳ mối dây tình cảm nào trong những tình huống như thế vẫn làm cho sự ra đi của hương linh gặp trục trặc.

– Có quá nhiều chương trình, dự án, kế hoạch chưa làm xong nên họ không sẵn sàng chấp nhận cái chết. Sự tức tối trong tình huống này sẽ khiến hương linh rơi vào trạng thái ngạ quỷ. Do đó, bằng mọi giá và mọi phương tiện, người Phật tử cần tu tập, huấn luyện cho mình và người thân từ bỏ trạng thái nuối tiếc về cảm xúc, nhận thức liên hệ đến nhiều tình huống khác nhau, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.

Năm 2004, tôi được một vị thầy dẫn đến tham quan nhà tưởng niệm của diễn viên điện ảnh kim ca sĩ Elvis Presley. Nơi đây trưng bày nhiều kỷ vật trong giai đoạn mà danh vọng, sự nghiệp của ông đang ở đỉnh cao, chẳng hạn như quần áo, mắt kính, đĩa CD, băng nhạc v.v… và thậm chí nơi đây còn bày bán cả những chiếc áo có in hình ông. Theo chúng tôi được biết, mỗi năm số tiền thu được từ việc tổ chức bán vé tham quan tại nhà tưởng niệm này lên đến con số rất cao, nghĩa là tuy ông đã chết nhưng vẫn còn tiếp tục tạo ra đồng tiền. Trong tình huống đó, nếu ca sĩ này không hiểu, cứ bám víu vào sự thành công, vinh quang, danh tiếng và những cái người ta đã làm cho mình sau khi chết thì chắc chắn ông sẽ bị rơi vào trạng thái ngạ quỷ về lâu dài.

Tương tự như các vị vua Pharao của nền văn hóa kim tự tháp Ai Cập hoặc những người chết mất xác cũng vậy, cơ hội tái sinh ở họ thật hẩm hiu vô cùng. Bởi vì cấu trúc vật lý đó vẫn còn nguyên vẹn, làm cho hương linh quyến luyến khó có thể ra đi. Điều này khác hoàn toàn so với tình huống để lại nhục thân của các vị thiền sư, chẳng hạn ở Việt Nam có thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu, do tu tập và hạnh nguyện đặc biệt mà các ngài đã để lại xá lợi toàn thân. Trải qua nhiều thế kỷ không cần sử dụng đến hóa chất, nghệ thuật ướp xác của phương Tây hoặc Ai Cập cổ đại mà thân thể vẫn không hề bị hư thối hay rã mục. Tại Thái Lan, hai vị Hòa thượng Việt Nam đã có công khai mở đạo Phật của Việt Nam sang Bangkok khi chết cũng để lại nhục thân. Trung Quốc cũng chỉ có khoảng ba hoặc bốn nhục thân. Đầu tiên là nhục thân của ngài Lục Tổ Huệ Năng, kế đến là tỳ kheo ni Vô Tận Tạng – một vị đại ni cùng thời Lục Tổ Huệ Năng, và trải qua nhiều thế kỷ mãi đến năm 1963 mới tiếp tục có nhục thân của thiền sư Nguyệt Khê.

Sự kiện để lại nhục thân cũng là một nguyện ước của các ngài để minh chứng cho các tín đồ Phật giáo, những người tìm đến hoặc chưa có niềm tin về đạo Phật. Có những điều khoa học không thể nào lý giải được, cấu trúc vật lý của con người là vô thường nhưng vẫn có thể giữ lại bằng một cách thức nào đó, nếu như người đó khi chết gắn liền với nguyện ước của mình.

Trong cuộc sống, ta vẫn thường hay nói tinh thần của người A còn sống mãi trong tim, hoặc nếu là người con cháu kế thừa gia tài của một gia tộc có chiều sâu về văn hóa, giáo dục, ta vẫn thường hãnh diện tự nhủ rằng: “tinh thần đóng góp của ông bà tổ tiên vẫn còn sống mãi trong tim chúng ta” thế thì tại sao chúng ta lại nói chết là hết? Ít nhất là giá trị đóng góp về mặt đạo đức và cộng đồng xã hội vẫn còn đó, cho nên không bao giờ là hết hoặc chấm dứt bằng những dấu chấm, nó chỉ là điểm diễn ra trên tiến trình của sanh tử mà thôi.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.