Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào

Bài kệ 7

Hữu thượng phi Niết bàn 有尚非涅槃
Hà huống ư vô da? 何況於無耶
Niết bàn vô hữu hữu 涅槃無有有
Hà xứ đương hữu vô? 何處當有無

Có còn chẳng Niết bàn,
Không Niết bàn sao được?
Niết bàn không là có,
Tại sao lại là không?

Có những người đặt điều kiện, phải biết chắc Niết bàn là có, rồi mới tu. Nếu Niết bàn không thật có thì tu rất tốn công. Đó là lề lối suy nghĩ thường tình của con người. Thầy Long Thọ nói: Bất cứ cái gì mà ta gọi là có đều phải biến dị và tàn hoại. Nếu Niết bàn mà có thì nó cũng biến dị và tàn hoại. Như thế thì Niết bàn có phải là cái mà ta muốn đi tìm không? Niết bàn không phải là cái có. Thấy được như vậy thì người ta hy vọng Niết bàn không phải là cái có. Người ta nhảy từ thái cực có sang thái cực không. Vậy Niết bàn là cái không sao? Nirvana is a non-existence? Câu trả lời là:

Hữu thượng phi Niết bàn
Hà huống ư vô da

 còn không phải là Niết bàn, hà huống gì là không có!

Niết bàn vô hữu hữu
Hà xứ đương hữu vô

Niết bàn đã không phải là có thì tại sao nó lại là không? Cái không là đối với cái có. Ta sẽ thấy sự chứng minh của thầy Long Thọ trong bài kệ tiếp theo.

Bài kệ 8

Nhược vô thị Niết bàn 若無是涅槃
Vân hà danh bất thọ? 云何名不受
Vị tằng hữu bất thọ 未曾有不受
Nhi danh vi vô pháp. 而名為無法

Nếu Niết bàn là không
Sao gọi là vô thọ?
Chưa từng có vô thọ
Mà được gọi pháp không.

Nhược vô thị Niết bàn
Vân hà danh bất thọ

Nếu cái không là Niết bàn thì tại sao Niết bàn được gọi là vô thọ? Vô thọ có nghĩa là không tùy thuộc vào những điều kiện khác để có, không, lên, xuống. Tất cả những pháp có và những pháp không đều là hữu thọ. (If Nirvana is non-existent, how could it be called independant? Because everything, existent or non-existent, depends on other things).

Hôm qua ngồi thiền, nhìn khúc củi, tôi thấy nó nhìn tôi cười. Tôi cười lại và quán chiếu nó. Mọi người đều nghĩ khúc củi này là có (existent). Có thể ngày mai sư chú sẽ bỏ nó vào lò và độ chừng ba giờ sau thì nó sẽ trở thành không (non-existent). Cái có của khúc củi đã tùy thuộc vào mặt trời, đám mây, đại địa, thời tiết, sư chú, v.v… Cái có là một cái tùy thuộc, gọi là hữu thọ (dependant). Khi khúc củi được bỏ vào lò đốt đi và trở thành không có thì cái không của nó cũng tùy thuộc vào lửa, dưỡng khí, sư chú, v.v… Cái có tùy thuộc mà cái không cũng tùy thuộc (hữu thọ).

Niết bàn là có thì Niết bàn cũng tùy thuộc, mà Niết bàn là không thì Niết bàn cũng tùy thuộc. Khi nào còn tùy thuộc thì chưa phải là Niết bàn. Niết bàn phải là cái không tùy thuộc (independant).

Vị tằng hữu bất thọ
Nhi danh vi vô pháp

Chưa từng có pháp nào có tính bất thọ mà được gọi là pháp vô; chưa từng có pháp vô nào mà có tính vô thọ (tính độc lập). Câu này nhắc ta một câu đã học trong bài kệ thứ sáu: Vô hữu bất tùng thọ, nhi danh vi hữu pháp. Không pháp gì không từ thọ mà được gọi là pháp có. Nghĩa là bất cứ pháp nào được gọi là  đều phải từ thọ mà ra. It’s nothing that can be described as existent, that does not depend on other things. Pháp không cũng vậy. Không có gì được gọi là không mà không từ thọ mà ra. Bây giờ khúc củi là một pháp có, nó tùy thuộc vào đám mây, mặt trời, rừng cây v.v… Mai mốt khúc củi thành pháp không, thì nó cũng tùy thuộc vào lửa, dưỡng khí hay sư chú, v.v…

Nhược vô thị Niết bàn
Vân hà danh bất thọ

Nghĩa là: Nếu Niết bàn là không thì tại sao Niết bàn còn được gọi là bất thọ (không tùy thuộc)? Tại vì không cũng tùy thuộc vào điều kiện. Chúng ta muốn được  thì phải có điều kiện như ăn uống v.v… Chúng ta muốn được không thì cũng phải có điều kiện như đi tự tử để từ có trở thành không. Cái có của mình phải tùy thuộc mà cái không của mình cũng phải tùy thuộc. Vậy thì, nếu Niết bàn là không thì tại sao Niết bàn còn được gọi là không tùy thuộc?

Vị tằng hữu bất thọ
Nhi danh vi vô pháp

Không có pháp nào không tùy thuộc mà được gọi là pháp không. Bất cứ pháp không nào cũng phải tùy thuộc. Có hay không đều phải tùy thuộc, chỉ có Niết bàn là không tùy thuộc.

Bài kệ 9

Thọ chư nhân duyên cố 受諸因緣故
Luân chuyển sinh tử trung 輪轉生死中
Bất thọ chư nhân duyên 不受諸因緣
Thị danh vi Niết bàn. 是名為涅槃

Tùy thuộc nơi nhân duyên
Luân chuyển trong sinh tử.
Không tùy các nhân duyên
Đó gọi là Niết bàn.

Thọ chư nhân duyên cố

Cố, nghĩa là vì lý do. Vì lý do tùy thuộc vào các nhân duyên mà ở trong cõi sinh tử, trôi dạt tới lui. (Because we depend on conditions, that is why we come and go in the realm of birth and death (saṃsāra).

Bất thọ chư nhân duyên
Thị danh vi Niết bàn

Không tùy thuộc vào các nhân duyên, đó gọi là Niết bàn. (Not dependant on conditions, that is called Nirvana). Đây là định nghĩa của Niết bàn và sinh tử. Sinh tử là saṃsāra (wandering), tức là đi lang thang. Niết bàn là không đi lang thang, là đã về đã tới. Chúng ta đi lang thang tại vì chúng ta còn tùy thuộc vào những điều kiện. Không còn tùy thuộc vào những điều kiện thì lúc đó chúng ta an trú trong Niết bàn.

Trong chữ luân chuyển, luân là đi vòng, chuyển là thay đổi, chúng ta dịch là tới-đi (coming and going), nguyên văn trong tiếng Phạn là ājāvam-javim. Cụm từ ājāvam-javim có nghĩa là tới-lui, ra-vào trong sinh tử. Depending on conditions, that is why we come and go in the realm of saṃsāra. No longer depend on conditions, we are in the Nirvana.

Tự tính của sinh tử là tùy thuộc, là hữu thọ. Còn tự tính của Niết bàn là vô thọ. Hữu thọ là tùy thuộc vào các nhân duyên, vô thọ là không tùy thuộc vào các nhân duyên.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.