Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào

Bài kệ 14

Hữu vô nhị sự cộng 有無二事共
Vân hà thị Niết bàn 云何是涅槃
Thị nhị bất đồng xứ 是二不同處
Như minh ám bất câu. 如明暗不俱

Hợp hai cái ấy lại
Làm sao có Niết bàn?
Hai cái không cộng trú
Như sáng tối không chung.

Hữu vô cộng nhị sự
Vân hà thị Niết bàn

Nhị sự là hai cái. Hai cái gộp chung lại làm thế nào gọi là Niết bàn được?

Thị nhị bất đồng xứ
Như minh ám bất câu

Cái có và cái không, như ánh sáng và bóng tối, không bao giờ ở chung được.

Bài kệ 15

Nhược phi hữu phi vô 若非有非無 
Danh chi vi Niết bàn 名之為涅槃
Thử phi hữu phi vô 此非有非無
Dĩ hà nhi phân biệt? 以何而分別

Cái chẳng có chẳng không
Mà gọi là Niết bàn,
Chẳng có chẳng không ấy,
Làm sao mà phân biệt?

Cái  không phải là Niết bàn, cái không không phải là Niết bàn, cái “vừa có vừa không” không phải là Niết bàn. Bây giờ chúng ta đi vào phạm trù thứ tư: Không có cũng không không (phi hữu phi vô).

Nhược phi hữu phi vô
Danh chi vi Niết bàn
Thử phi hữu phi vô
Dĩ hà nhi phân biệt

Nếu gọi cái “không có cũng không không” là Niết bàn thì lấy gì để phân biệt cái “không có không không” đó. Chúng ta không thể quan niệm được cái “không có không không”. Nó không phải là một ý niệm, nó chỉ là một danh từ thôi.

Bài kệ 16

Phân biệt phi hữu vô 分別非有無
Như thị danh Niết bàn 如是名涅槃
Nhược hữu vô thành giả 若有無成者
Phi hữu phi vô thành. 非有非無成

Phân biệt chẳng có không
Mà gọi là Niết bàn.
Nếu có không thành được
Chẳng có không mới thành.

Phân biệt phi hữu vô
Như thị danh Niết bàn

Đặt ra cái phi hữu vô mà gọi là Niết bàn thì không đúng, tại vì:

Nhược hữu vô thành giả
Phi hữu phi vô thành

nếu khái niệm về hữu vô thành lập được thì khái niệm về phi hữu phi vô mới có thể thành lập được; nếu khái niệm về hữu vô không thành lập thì khái niệm về phi hữu phi vô cũng không thành lập. Cũng như khi nói đến trái và phải, nếu trái không thành lập thì làm gì có phải? Nếu không có trên thì làm sao có dưới? Nếu không có cái  thì làm sao có cái không có ? Lý luận này cũng giống lý luận trong những bài kệ trước. Sau khi xô ngã ý niệm  thì ý niệm không không thể nào đứng vững được, tại vì không là đối lập với có, một cái rơi thì cái kia cũng rơi theo. Chúng ta đã xô ngã ý niệm:  và không là Niết bàn. Ý niệm có  không bị xô ngã thì ý niệm không có cũng không không cũng bị xô ngã, tại vì hai ý niệm đó đối chọi với nhau như ý niệm có với không, ý niệm trái với phải, ý niệm trên với dưới. Đó là biện chứng pháp (dialectic) của thầy Long Thọ. Phân biệt phi hữu phi vô mà gọi là Niết bàn là không đúng, tại vì quan niệm vừa có vừa không bất thành thì quan niệm không phải có không phải không cũng bất thành.

Nếu có không thành được
Chẳng có không mới thành

Quan niệm có không đã bị xô ngã rồi thì quan niệm không có cũng không không cũng bị xô ngã theo.

‘‘Sau khi Đức Như Lai diệt độ rồi thì Như Lai còn hay không còn, hay Như Lai vừa còn vừa không còn, hay Như Lai vừa không còn vừa không không còn?’’. Đó là đối tượng của kinh A Nậu La Độ. Có một hôm, thầy A Nậu La Độ đang đi ngoài đường, gặp một số du sĩ của một giáo phái khác chặn thầy lại hỏi: Thầy A Nậu La Độ, Đức Như Lai được tôn xưng là bậc giác ngộ hoàn toàn. Vậy Ngài nói thế nào về vấn đề sau khi chết? Ngài còn hay không còn, hay vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn? Thầy A Nậu La Độ trả lời: Thầy tôi không bao giờ nói đến thực tại qua bốn mệnh đề: có, không, vừa có vừa không, hay không có cũng không không. Thầy trả lời cũng đúng, nhưng bên kia chưa được thỏa mãn. Thầy A Nậu La Độ về hỏi Đức Thế Tôn và Đức Thế Tôn đã dạy thầy A Nậu La Độ qua kinh A Nậu La Độ.

Chúng ta đã đọc kinh A Nậu La Độ trong Nhật Tụng Thiền Môn 2000. Hai bài kệ 17 và 18 phản chiếu tinh túy của kinh A Nậu La Độ, một kinh Nguyên thỉ mà không phải là kinh Đại thừa.

Bài kệ 17

Như Lai diệt độ hậu 如來滅度後
Bất ngôn hữu dữ vô 不言有與無
Diệc bất ngôn hữu vô 亦不言有無
Phi hữu cập phi vô. 非有及非無

Như Lai diệt độ rồi
Không nói có và không
Không vừa có vừa không
Không không có không không.

Như Lai diệt độ hậu: Hậu là sau, diệt độ là qua đời, Như Lai là Bụt. Sau khi Như Lai qua đời.

Bất ngôn hữu dữ vô: Không thể nói được Ngài là có hay Ngài là không.

Diệc bất ngôn hữu vô: Cũng không thể nói Ngài vừa có vừa không.

Phi hữu cập phi vô: Không thể nói Ngài không có cũng không không.

Chúng ta không thể ‘‘nhét’’ Như Lai vào một trong bốn cái hộp: có, không, vừa có vừa không và không có cũng không không.

Nhiều người trong chúng ta tin rằng, ta có một linh hồn bất tử, rất nhiều Phật tử tin như vậy. Sau khi thân xác này tan hoại thì linh hồn vẫn còn y như lúc ta còn sống, và nó đi tìm một thân xác khác để nhập vô. Đó là ý niệm về luân hồi của một số Phật tử. Ý niệm đó trái chống với giáo lý của Đức Thế Tôn, có thể gọi đó là đạo Bụt ngoài da (popular Buddhism). So với giáo nghĩa thâm sâu của đạo Bụt, đó là một tà kiến. Nhưng với những người có căn cơ thấp kém, không đi xa được, thì phải bắt đầu từ chỗ đó mà đi tới từ từ. Trong Cơ đốc giáo và trong nhiều tôn giáo khác, người ta cũng tin có một linh hồn bất tử, tức là sau khi thân xác tan hoại, linh hồn đó hoặc đi lên thiên đường hoặc đi xuống địa ngục. Trong đời sống bận rộn hàng ngày, có những giây phút ta tự hỏi, không biết ta sẽ đi về đâu? Nhưng những giây phút đó rất ngắn ngủi tại vì công việc và lo lắng quá nhiều.

Trong khi đó, có một số người chủ trương Duy Vật Luận. Có rất đông các nhà khoa học tin ngược lại; họ tin có một linh hồn nhưng nó không bất tử, bởi vì khi thân xác tan hoại thì linh hồn hoàn toàn không còn nữa. Nhưng các nhà khoa học có tuệ giác thâm sâu thì không thấy như vậy. Niềm tin vào đoạn diệt (annihilation) cũng phản khoa học. Lavoisier, một nhà khoa học Pháp, mấy trăm năm trước đã nói: “Rien ne se crée, rien ne se perd”. Nhà khoa học đó nói rất gần với đạo Bụt. Không có gì sinh ra và cũng không có gì mất đi! Nói rằng, có một cái và cái đó sẽ tan biến hoàn toàn không còn gì nữa, là một nhận thức trái với khoa học. Đó là quan điểm đoạn diệt. Trong chúng ta cũng có người nghĩ, sau khi thân xác tan hoại rồi thì ta không còn gì nữa. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có viết trong Bài Ca Siêu Thoát: Đâu có lẽ có chiều qua mà không sáng nay? (It’s absurd that exists last night but it becomes non-existing this morning!). Đó là một câu hỏi!

Chúng ta là học trò của Bụt, là một người tu học theo tuệ giác của Bụt thì phải nhìn với con mắt nào? Câu chuyện các du sĩ ngoại đạo hỏi thầy A Nậu La Độ được ghi chép trong nhiều kinh. Những câu hỏi như vậy được đặt ra rất nhiều. Mỗi lần câu hỏi được đặt ra là Bụt im lặng không trả lời. Tại vì trả lời “có” không được mà trả lời “không” cũng không được, không thể xác nhận được cú thứ nhất là đúng hay sai và như vậy cũng không thể xác nhận được cú thứ hai.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.