Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào

Bài kệ 18

Như Lai hiện tại thời 如來現在時
Bất ngôn hữu dữ vô 不言有與無
Diệc bất ngôn hữu vô 亦不言有無
Phi hữu cập phi vô. 非有及非無

Như Lai giờ phút nầy
Không nói có và không 
Không vừa có vừa không 
Không không có không không.

Trong thời gian Như Lai đang có mặt, đang còn sống cũng không diễn tả được Như Lai bằng bốn mệnh đề: có, không, vừa có vừa không, không có cũng không không. Kinh A Nậu La Độ rất hay! Trong câu hỏi, người ta chỉ chú ý tới sau khi Như Lai tịch diệt thì Ngài có hay không có, hay vừa có vừa không có, hay không có cũng không không có. Đức Thế Tôn trả lời:

– Đừng nói tới chuyện sau này tôi diệt! Hãy nói chuyện bây giờ! Bây giờ đây, tôi có hay không có, hay vừa có vừa không có, hay không có cũng không không có?

Giáo lý đạo Bụt luôn luôn đưa ta về giây phút hiện tại để quán sát sự vật ngay trong giây phút hiện tại. Nếu thấy được sự vật trong giây phút hiện tại thì ta sẽ thấy được sự vật trong tương lai và trong quá khứ.

– Tôi đang ngồi trước mặt thầy. Thầy nói tôi có hay không có, hay vừa có vừa không có, hay không có cũng không không có?

Cuối cùng, thầy A Nậu La Độ thấy mình không thể dùng bốn mệnh đề đó để diễn tả Đức Như Lai ngay trong giờ phút mình đang ngồi trước mặt Ngài. Đức Như Lai nói:

– Tôi đang ngồi trước mặt thầy đây mà thầy tìm tôi với bốn mệnh đề đó còn không được thì sau khi tôi tịch rồi làm sao mà thầy tìm tôi với bốn mệnh đề kia?

Quý vị xách bốn cái thùng để đi lấy nước hay đi hái quít. Quý vị sẽ đổ nước vào bốn thùng rồi gánh về hay hái quít đầy bốn thùng rồi gánh về. Đi gánh nước về thì có nước, đi hái quít về thì có quít. Đem bốn thùng đi và đem về thành công gọi là đắc (prapta), tức là nắm bắt được (conceive), lý giải được. Đắc là grasp. Nhưng ta có thể nắm bắt được Như Lai không? Dùng bốn phạm trù không bao giờ nắm bắt được thực tại, trong đó có Như Lai, cũng như muốn nắm gió trong bàn tay. Thực tại không thể nắm bắt được gọi là bất khả đắc. Trong Tâm Kinh nói: Không có sở đắc, không có đối tượng để nắm bắt bằng bốn ý niệm. Như Lai còn sống ta cũng không nắm bắt được bằng bốn mệnh đề. Phải bỏ bốn mệnh đề đó thì ta mới có cơ hội tiếp xúc được với thực tại gọi là Như Lai.

Như Lai hiện tại thời: Trong lúc Như Lai còn có mặt đây.

Bất ngôn hữu dữ vô: Không thể nói Như Lai có hay không có.

Diệc bất ngôn hữu vô: Cũng không thể nói là vừa có vừa không có.

Phi hữu cập phi vô: Cũng không thể nói là chẳng có cũng chẳng không.

Cái gì thật sự có thì nó không thể trở thành không, cái gì thật sự không thì nó không thể trở thành có được. Những cái biểu hiện trước mặt ta không có tự tánh, thì ta không thể nói nó có hay nó không có. Hai phạm trù có và không không chứa được thực tại. “To be or not to be, that is the question!”. Nói phải chọn một trong hai là sai! Trong ánh sáng của đạo Bụt: “To be or not to be, that is not the question!”. Niết bàn cũng giống như Như Lai, cũng giống như cái bàn, nói nó  không đúng, nói nó không không đúng, nói nó vừa có vừa không không đúng, mà nói nó chẳng có chẳng không cũng không đúng.

Bài kệ 19

Niết bàn dữ thế gian 涅槃與世間
Vô hữu thiểu phân biệt 無有少分別
Thế gian dữ Niết bàn 世間與涅槃
Diệc vô thiểu phân biệt. 亦無少分別

Niết bàn và thế gian
Không mảy may phân biệt.
Thế gian và Niết bàn
Không mảy may phân biệt.

Một thực tại có sinh, có diệt, có có, có không, chúng ta gọi đó là thế gian, là luân hồi. Nói tới Niết bàn, chúng ta nghĩ tới một cái khác hẳn, cái đó không sinh, không diệt, không tới, không đi, không luân hồi. Người tu đạo thường nghĩ, mình phải rời bỏ thế gian để đi tìm Niết bàn. Nhưng bài kệ thứ 19 là một tiếng sấm sét rất lớn. Nó cho ta thấy Niết bàn và thế gian vốn không mảy may sai biệt. (There is no distinction, whatsoever, between Nirvana and Samsara).

Chúng ta hay dùng ví dụ nước và sóng. Nước được ví dụ cho Niết bàn. Sóng được ví dụ cho thế gian: có lên, có xuống, có cao, có thấp, có còn, có mất, có lớn, có nhỏ, có đẹp, có xấu. Nước thì không như vậy. Nhưng nếu lấy nước đi thì không còn sóng, mà lấy sóng đi cũng không còn nước. Sóng với nước là một, không thể tách rời nhau. Tại vì u mê nên ta thấy đó là thế gian. Nếu không u mê thì ta thấy đó là Niết bàn. Niết bàn và thế gian không phải là hai thực thể tách biệt. Thái độ bỏ một cái để đi tìm một cái là dại dột. Chỉ trong truyền thống đạo Bụt tuệ giác này mới được trình bày một cách rõ rệt, trực tiếp và hùng tráng như vậy mà thôi. Quan niệm lưỡng nguyên của chúng ta về thế gian và Niết bàn phải được lấy đi thì ta mới có cơ hội tiếp xúc với Niết bàn.

Câu “Niết bàn và thế gian không mảy may phân biệt” đã đủ nghĩa rồi nhưng thầy Long Thọ còn lặp lại câu “Thế gian và Niết bàn không mảy may phân biệt”. Hai câu đó giống nhau. Trong kinh Bụt hay nhấn mạnh như vậy: Sắc tức thị không, không tức thị sắc.

Niết bàn dữ thế gian

Vô hữu thiểu phân biệt

Thế gian dữ Niết bàn

Diệc vô thiểu phân biệt.

Giữa Niết bàn và thế gian không có một chút xíu nào phân biệt.

Bài kệ 20

Niết bàn chi thật tế 涅槃之實際
Cập dữ thế gian tế 及與世間際
Như thị nhị tế giả 如是二際者
Vô hào ly sai biệt. 無毫釐差別

Thật chất của Niết bàn,
Thật chất của thế gian,
Thật chất hai thứ ấy
Không mảy may sai khác.

Thật chất của Niết bàn và thật chất của thế gian không mảy may sai khác. Thật chất (true nature) được dịch từ chữ bhūta-koti có nghĩa là ranh giới của sự thật. Thật chất là bản thân của thực tại, là chân như (suchness). Khi nhìn khơi khơi bên ngoài chúng ta chỉ thấy hình tướng mà chưa thấy được thật chất. Nhìn với niệm, định, tuệ thì ta khám phá ra bản chất gọi là thật tế. Tế là biên giới (limit). Trong bài kệ của thiền sư Liễu Quán trong điệp hộ giới có câu:

Thật tế đại đạo tánh hải thanh trừng

dịch là: Đường lớn thật tại, biển thể tính trong. Là con cháu của Tổ Liễu Quán, chúng ta phải hiểu câu đó: Con đường lớn của thật tại là biển thể tính trong ngần. Thật tế là bản chất, là chân như, là biên giới của sự thật mà ta có thể tiếp xúc tới.

Thật chất của Niết bàn là vô sinh bất diệt, không tới không đi, không có, không không, không vừa có vừa không, không chẳng có chẳng không. Không phải chỉ bản chất của Niết bàn là như vậy mà bản chất của Như Lai và của tất cả các pháp đều như vậy. Bản chất của cái bàn, của sư chú, của sư cô cũng vậy. Bản chất của tất cả các pháp là không có, không không, không vừa có vừa không, không không có cũng không không.

Tóm lại chẳng những chúng ta không nắm được Như Lai mà tất cả các pháp như cái bàn, đám mây, hòn sỏi hay sư chú, ta cũng không nắm được bằng bốn mệnh đề đó nên gọi là chư pháp bất khả đắc. Nhìn sâu vào một đám mây, một hòn cuội hay một bông hoa, ta thấy rõ bản chất của tất cả là Không: không có, không không, không sinh, không diệt. Lúc bắt đầu ta tưởng như vậy, ta thấy có sự phân biệt giữa Niết bàn và sinh tử. Nhưng nhìn thật sâu vào sinh tử, ta chạm tới Niết bàn. Ngoài sinh tử thì không thể tìm được Niết bàn cũng như ngoài sóng thì không tìm được nước. Giáo lý của đạo Bụt là: Niết bàn sinh tử thị không hoa. Niết bàn và sinh tử là một. Khi ngu dốt thì ta phân biệt sinh tử và Niết bàn, khi giác ngộ thì ta thấy sinh tử và Niết bàn không mảy may sai biệt.

Niết bàn chi thật tế
Cập dữ thế gian tế
Như thị nhị tế giả
Vô hào ly sai biệt

Thật tế của Niết bàn và thật tế của thế gian, hai thực tại đó không khác nhau một tơ tóc nào. Hào ly là mảy may. Vô hào ly sai biệt, tức là không khác nhau chút xíu nào, hai cái là đồng nhất.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.