Sống Một Mình

“Chùa trên núi…” – người thường gọi thế. “Núi có chùa…” – vài người gọi thế.

Và trước khi có chùa thì núi có hang.
Hang có người ẩn tu ở đó.

Có dịp viếng thăm các chùa trên núi, bạn sẽ thấy “mô-típ” này khá phổ biến: Ngài từ đâu đến không ai biết, không tuổi không tên, không gốc gác họ hàng quê xứ… Ngài đến núi này ở hang, ăn trái cây uống nước suối, hằng ngày đi kiếm củi…

Sau đó ngài mất, và chùa được người dân quanh vùng dựng lên. Hang ngài trú giờ thành nơi thờ ngài. Người ta làm qua quýt cho ngài một cái tượng. Khói hương hằng ngày cũng qua quýt, người đến viếng thăm qua quýt, lễ lạy qua quýt, ngắm nhìn qua quýt… (May nhờ thế mà hang vẫn được giữ nguyên!) Và chùa ở gần hang thì ngày một bề thế, tấp nập, khang trang.

Không biết bao lần ta thẩn thờ đứng trước những cái hang như thế, lòng bùi ngùi ngưỡng vọng người xưa…

Ủa, mà có gì để bùi ngùi nhỉ? Ngưỡng vọng thì rõ rồi, mắc mớ gì lại bùi ngùi? Lòng đã thoát trần, an lạc với cỏ cây, ai còn vọng cố hương, nhớ làng, nhớ cha nhớ mẹ… Ta tự cười mình cứ lấy lòng phàm mà đo dạ thánh.

Ừ thì chẳng nhớ nhung, nhưng chút “tôi” kia sẽ thế nào khi nhìn một tia nắng sớm, một ánh chiều muộn, mấy giọt đầu mùa, một sáng trăng khuya qua kẽ đá… Lòng nào chẳng thấy nao nao? Cái nao nao không tên, khó tả của tâm hồn.

Hãy tưởng tượng chỉ một ta trong hang núi, giữa mênh mông đất trời vắng lặng. Xa lắm tiếng làng xóm con người mà ta đã từng quen. Chỉ có tiếng chim chóc, thú rừng và côn trùng lớn nhỏ tự tin cất lên từ ngôi nhà thiên nhiên vĩ đại của chung tất cả. Gối đầu lên đá, đặt lưng lên đá, ta lắng nghe và thử phân biệt tiếng chuyển mình của đá và tiếng vận động của từng tế bào giọt máu trong cơ thể của ta. Hai âm thanh ấy có gì liên hệ?

Ta sẽ làm gì khi sống một mình như thế nhỉ?

Ta sẽ khều chọc con cuốn chiếu bò ngang, sẽ vụng về tìm cách trả lời mấy chú chim nhảy nhót trên cành lá. Sẽ rình theo dấu mấy con sâu, coi cái cách nó “gian” thế nào để tránh kẻ thù và nhai ngấu lá non nụ búp. Ta sẽ đọc vống lên một bài kệ, sẽ ngâm nga một bài thơ, sẽ lấy hết sức bình sanh “hú dài một tiếng” thử coi đất trời có lạnh? Sẽ cất tiếng tụng kinh, gióng những hồi chuông cho ấm núi rừng… Ta tự cười mình với cái “kịch bản” biểu diễn sống một mình!

Chợt nhớ bài thơ Xuân vãn của Trần Nhân Tông:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung
Như kim khám phá Đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

Bản dịch của Ngô Tất Tố:

Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không
Xuân sang hoa nở rộn tơ lòng
Chúa xuân nay đã thành quen mặt
Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng.

Quả vậy, khi chưa thấu rõ lẽ sắc không thì tâm mới loạn động và xúc cảm theo cảnh, khi đã thấu rõ rồi thì cảnh chẳng rộn tâm, có gì để đa mang xúc cảm. Con chim trên cành muốn hót thì nó hót, con dế dưới đất muốn gáy thì nó gáy, làn gió giữa trời cần di chuyển thì nó thổi; tai ta, mắt mình sinh ra là để nghe nhìn thì chúng phải nghe nhìn… Can cớ gì ta khoác lên cho chúng đủ thứ vấn đề để vọng tưởng, ngẫm suy, xúc động. Sống giữa tất cả và lắng biết, hòa vào tất cả thì đâu có vọng niệm nào nảy sinh. Vọng niệm không sinh thì nhặt một cành củi, nhóm một ngọn lửa, uống một giọt sương, ăn một quả chín, xuân hạ thu đông nắng mưa tối sớm vui buồn có gì là khác biệt. Tâm trí rỗng rang thể nhập với đất trời… Sống như vậy là một kiếp người siêu sống. Sống như vậy có phải là sống một mình không? Một mình đâu phải là vắng hoe, chẳng có ai bên cạnh, không có cảnh trần, hoa cỏ, vạn vật chim muông… Một mình là có tất cả quanh ta mà ta vẫn là ta, một mình ở đây là nhất thể bản thể. Một mình như lời kinh Người biết sống một mình:

“Quán chiếu vào cuộc đời
Thấy rõ được vạn pháp
Không kẹt vào pháp nào
Lìa xa mọi ái nhiễm
Sống an lạc như thế
Tức là sống một mình”.

(Tạp A Hàm –1071. Thích Nhất Hạnh dịch)

Lìa ái nhiễm ở đây không chỉ là những ái nhiễm thông thường mà ngay đến cả những ái nhiễm vi tế. Đó là những ái nhiễm có vẻ thanh cao, thi vị của tâm hồn. Lìa luôn được các ái nhiễm này thì mới có thể gọi là người thực sự biết sống một mình, chớ chẳng phải lìa mọi người, độc cư ẩn thân là đã… “một mình…ba la mật!”

Chùa bên cạnh hang vẫn thong thả nhiệt tình gióng những hồi chuông tỉnh thức, nhưng hình như rất ít người tỉnh thức khi tai vọng tiếng chuông. Khách hành hương đến đây chỉ có vài người chịu khó quá chân vào hang ông Núi, có đến cũng vì chút tò mò, mục đích tham quan, hầu như chẳng mấy ai bận tâm tới vấn đề “sống một mình” của ông Núi. Cũng có đôi kẻ sĩ “bận tâm” đến việc này, nhưng chỉ dừng ở mức “bùi ngùi” cỡ như ta.

Bát hương chỏng chơ, lọ hoa lỡ dở… Nào có hề gì cái sự qua quýt thiêng liêng. Khói hương vẫn bay lên theo cách của khói hương dẫu kẻ dâng hương thành kính hay qua quýt. Tượng ông Núi vẫn an nhiên ngồi đó một mình.

Chùa trên núi mỗi ngày chuông vẫn đổ. Mặc người gióng kẻ nghe, tiếng chuông bản thể cũng vốn một mình.

Thu Nguyệt

http://www.daophatngaynay.com

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.