Hạnh Phúc Kỳ Diệu – Chương X

Chương 10 – ÐẠO PHẬT LÀM CHO ÐỜI TÔI TƯƠI SÁNG AN VUI VÀ HẠNH PHÚC VÔ CÙNG

Ðức Phật ra đời để nói rõ tánh tự nhiên chân thật của chúng ta tự nó rộng lớn bao la, thuần một tình thương yêu trong sáng, sự thông minh tươi mát, sự hiểu biết chân thật và nguồn hạnh phúc vô biên. Tánh ấy được gọi là Chân Tâm, tâm chân thật hay Phật tánh. Ðức Phật mở bày, giảng dạy cho ta rõ ràng về cái tâm chân thật đó vốn mãi mãi có mặt, vốn rộng lớn bao la, vốn an vui vô cùng và vốn trong sạch không chút nhiễm ô hay tội lỗi. Mỗi người khi sinh ra dù giàu hay nghèo, nam hay nữ, đen hay trắng đều có Phật tánh như nhau. Ngay cả với đức Phật dù ngài đã thành Phật, tức là sống an vui chân thật vĩnh viễn thì Phật tánh của Ngài cũng không khác gì Phật tánh của mỗi chúng ta. Thật như thế, Phật tánh vốn có mặt và bình đẳng nơi mọi người.

Ngoài ra, đức Phật còn chỉ cho chúng ta cách thực hành, tức là phương pháp cụ thể để sống với nguồn hạnh phúc bao la sẵn có nơi mỗi chúng ta trong đời sống hàng ngày, tức là sống với Phật tánh đó trong các sinh hoạt khác nhau ở sở hay ở nhà. Chúng ta có thể chọn sống lối sống vui trong các ngôi chùa hay trong mái ấm gia đình. Dù sống cuộc đời người tu sĩ hay cuộc đời người cư sĩ, tức Phật tử có gia đình, chúng ta đều có khả năng thực hành và sống đời an vui hạnh phúc như nhau.

Phương pháp thực hành sống đời an vui gồm nhiều cách mà chúng ta gọi là pháp môn như Thiền, Tịnh Ðộ, Nguyên Thủy hay Mật Tông. Nhưng dù theo tông phái nào chúng ta cũng có thể thực hành sống đời an vui hạnh phúc và đạt được sự hiểu biết chân thật như nhau. Các vị ở trong chùa chiền đem tình thương trong sáng mà hướng dẫn Phật tử về đạo Phật, giúp họ có sự hiểu biết chân thật để sống đời an lành hạnh phúc. Các vị Phật tử nương tựa vào đức Phật, vào chân lý Ngài đã giảng dạy, vào quý thầy cô để hiểu rõ giá trị của đời sống chính mình và cách thực hành để sống đời an vui, đẹp đẽ nhất mà mình, gia đình mình, cộng đồng mình, xã hội mình có thể đạt được.

Làm Sao Sống Với Niềm An Vui Hạnh Phúc Bao La Ấy

Nếu cuộc sống cứ bình thản trôi qua thì chúng ta ít để ý đến đời sống nội tâm của mình. Trên thực tế, chúng ta thấy đời mình vui buồn lẫn lộn. Và nhiều lúc buồn phiền khổ não quá, chúng ta ước mong tìm một lối thoát nhưng tìm hoài chẳng được. Chúng ta đến với đạo Phật để tìm hiểu về suối nguồn tâm linh sẵn có nơi mình.

Ðức Phật chỉ cho chúng ta các sự hiểu biết chân thật để chúng ta hiểu rõ mọi sự vật và thực hành những điều tích cực, tốt đẹp để cho ta có thể sống với cuộc đời an lành hạnh phúc cao vút nhất mà mỗi người có thể đạt được.

Những điều chân thật và giản dị Ngài đã dạy đó gọi là Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Thánh Ðế hay Tứ Diệu Ðế, the Four Noble Truths).

1. Sự Thật Cao Quý Về Khổ (Khổ Ðế):

Thông thường chúng ta sống yên ổn thì ít biết về những cái khổ. Nhưng bất chợt một chuyện gì không may xảy ra thì ta cuống cuồng trong sự khổ đau không biết cách nào giải quyết vì không biết cái khổ đến từ đâu và làm sao diệt trừ chúng. Là một vị Thầy chân thật, đức Phật chỉ rõ cho chúng ta các sự khổ gồm hai loại: Khổ về thể chất và khổ về tinh thần.

Khổ về thể chất chúng ta rất dễ nhận biết qua các hiện tượng như sinh sản, quá già cả yếu đuối, bệnh hoạn và chết chóc. Tóm lại, tất cả những gì làm cho thân thể chúng ta đau đớn.

Khổ về tinh thần như buồn rầu, tức tối, giận dữ, lo lắng, sợ hãi xuất hiện khi người hoặc vật ta ưa thích, thương yêu bị chia lìa, xa cách, hay những gì chúng ta không muốn hay ghét bỏ lại phải gần gũi, gặp phải. Nói khác đi: Ưa mà không được, ghét mà phải gần.

2. Sự Thật Cao Quý Thứ Hai Về Nguyên Nhân Của Khổ (Tập Ðế):

Khổ về thể chất là do các sự thay đổi thể chất tạo ra như đứa bé khi sinh ra bị đau đớn vì em bé đang nằm yên ổn và ấm áp trong bụng mẹ bị áp lực mạnh mẽ tống ra ngoài, lại phải tiếp xúc với ánh sáng làm chói mắt, đụng các vật làm đau da và thịt, hoặc khi chúng ta bị bệnh tật, tai nạn làm chúng ta đau đớn, v.v…

Sự khổ đau về tinh thần còn ghê gớm hơn nữa vì nó khó nhận biết, dai dẳng, thâm sâu và có mặt khắp mọi nơi, chỗ nào có loài người là có sự đau khổ này. Nước giàu mạnh nhất hiện nay là Hoa Kỳ hàng năm có đến sáu chục triệu người bị chứng đau đầu (Xin đọc tài liệu đính kèm), bốn chục triệu người bị các chứng sợ hãi, 30% dân số bị xem là có bịnh tâm trí, nạn nghiện cần sa, ma túy, rượu lan tràn vì áp lực của đời sống, v.v… Ðức Phật thấy rõ chung quy do sự dính mắc (Attachment) vào những điều mình thích hay mình ghét nên đưa đến những căng thẳng bên trong tạo ra oán ghét, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, bất an, thù hận, chua xót, buồn tủi mà chúng ta gọi chung là khổ đau về tinh thần.

3. Sự Thật Cao Quý Thứ Ba Về Diệt Khổ (Diệt Ðế):

Ðạo Phật hướng đến một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. Nhiều kinh điển diễn ta chốn cực lạc, chốn Tịnh Ðộ trong đó các hài nhi được sinh ra từ các đóa hoa sen tinh khiết, như thế người đàn bà không bị khổ đau vì thai nghén hay sinh nở, không ai bị bệnh tật, già cả và chết chóc. Tóm lại, mọi sự khổ đau về thể chất và tinh thần không có nơi đó. Ðó là thế giới lý tưởng mà người Phật tử hướng về khi còn sống hoặc khi qua đời.

Về các khổ đau thể chất, đức Phật khuyến khích người Phật tử đem tình thương yêu trong sáng mà giúp đỡ những ai đang bị khó khăn. Làm cách nào ngăn chặn những bệnh tật, đói kém, nghèo nàn, khổ đau qua các chương trình y khoa, giáo dục hay xã hội. Nói khác đi, chúng ta cải tiến và nâng cao đời sống con người để giảm thiểu mọi khổ đau thể chất: làm cho sự sinh nở bớt đau đớn cho người mẹ lẫn người con, chữa trị các bệnh tật, chăm sóc người đau ốm, tật nguyền, già nua tuổi tác, làm cho các sự chém giết, tàn hại đừng xảy ra gây thương tích và chết chóc. Tóm lại, làm giảm thiểu tối đa mọi khổ đau về thể chất.

Do đó, người Phật tử xưng tụng ngài là bậc Y Vương, vị vua thầy thuốc và là vị cha lành, Ðấng Từ Phụ vì ngài nói điều chân thật, dạy chúng ta điều chân thật để chúng ta có được đời sống an lành hạnh phúc. Các nhà khoa học hy vọng trong thế kỷ tới, với sự tiến bộ nhanh chóng của y khoa hóa học, vật lý nguyên tử, v.v… người ta có thể thay đổi các di thể (Gene) trong thân thể người cha và mẹ để con cái sinh ra mạnh khỏe và không bệnh tật, tuổi thọ gia tăng, những người già yếu được chích các loại thuốc để được trẻ trung trở lại.

Về sự đau khổ tinh thần, đức Phật chỉ dạy phương pháp mầu nhiệm giúp cho mỗi người chúng ta quay về với tánh an vui rộng lớn trong sáng sẵn có nơi chính mình. Các phương pháp thực hành như ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, lạy Phật, trì chú để buông xả mọi sự dính mắc, mọi sự ám ảnh để cho lòng ta tràn đầy niềm hạnh phúc trong sáng bao la. Người Phật tử thực hành Pháp môn tu tập nào như Thiền, Tịnh, Mật một cách đúng đắn đều được cả vì tu đúng đưa đến giải thoát, tu sai tạo thêm khổ đau. (Do đó, quý thầy luôn luôn nhắc nhở quý vị Phật tử đừng ham tu tắt, nghe bất cứ ai hứa hẹn theo họ là lên thiên đàng hay thành Phật, thành tiên ngay tức thì thì vội theo mà không phân biệt những điều ấy vốn giả dối và vô ích, chỉ là sự trốn chạy khổ đau chứ không đối diện và giải quyết tận cội nguồn của chúng theo lời Phật dạy cùng phương pháp ngài chỉ bày).

Như thế, tu là quay về với Phật tánh tràn đầy niềm an vui rộng lớn, rồi từ kinh nghiệm tâm linh rõ rệt và chân thật đó chúng ta áp dụng vào các sinh hoạt hàng ngày như làm việc, học hành, lái xe, đi chợ, nấu ăn, chùi nhà, tập thể thao, v.v… Người Phật tử tu ngay trong cuộc sống hàng ngày, không phải chờ già, đến tuổi về hưu rồi mới lên chùa tu vì tu như thế không ích lợi gì cho khoảng thời gian trẻ trung đầy sức mạnh tinh thần và thể chất của họ cả và làm phí phạm cuộc đời thanh xuân trong những khổ đau tiếp nối. Chính từ kinh nghiệm an vui tươi sáng có được khi thực hành đạo Phật mà người Phật tử thấy rõ sự chân thật của cuộc sống tích cực nên biết ơn đức Phật và gọi ngài là bậc Vô Thượng Sư, bậc Thầy không ai hơn được nữa hay là bậc Dược Vương, bậc ban cho món thuốc linh diệu làm tan biến mọi khổ đau tinh thần.

Khi tâm ta thực hành sự buông xả thoải mái, không dính mắc vào các ý tưởng xung đột mâu thuẫn làm dấy khởi những lo âu, sợ hãi, giận hờn, khổ đau thì tâm ta quay về với trạng thái trong sáng rộng lớn ấy bừng dậy tình thương yêu trong sáng bao la, sự thông minh tươi mát linh động và niềm an vui sung sướng hạnh phúc nồng ấm sâu thẳm. Sống hạnh phúc như thế là sống với chân tâm, với Phật tánh, với tâm giác ngộ.

4. Sự Thật Cao Quý Về Sống Ðời An Vui Hạnh Phúc (Ðạo Ðế):

Sống với tâm chân thật, với Phật tánh như thế từ ngày này qua ngày khác là Sống Ðời An Vui Hạnh Phúc Chân Thật. Ðức Phật là bậc giác ngộ nên ngài sống miên viễn trong niềm an vui hạnh phúc bao la đó còn chúng ta khi thực hành đời sống giác ngộ chúng ta sống vài giây, vài phút hay vài giờ mỗi ngày trong niềm hạnh phúc tràn đầy, niềm hạnh phúc tự nó tỏa chiếu, tự nó có mặt mà không nương tựa vào bất cứ điều gì cả. Tâm ta lúc đó như bầu trời xanh cao rộng lớn bao la tươi mát, êm dịu, thoải mái, vui vẻ và sung sướng không cùng. Trong tâm đó chỉ tràn đầy tình thương yêu trong sáng và sự hiểu biết chân thật nên chúng ta thấy biết rõ ràng, suy nghĩ đúng đắn, nói năng hòa nhã lịch sự, làm những điều tốt cho mình và cho người, trí óc sáng suốt và hiểu biết đúng sai, v.v…

Sống Ðạo là sống an vui hòa thuận thoải mái vui vẻ như thế từ ngày nầy qua ngày khác. Từ kinh nghiệm tâm linh đó chúng ta biết rõ ý nghĩa sự có mặt của mình trong cuộc đời này: Chúng ta sinh để sống hạnh phúc, lớn lên trong hạnh phúc, già đi trong hạnh phúc và khi qua đời, ta quay về vũ trụ rộng lớn bao la của chốn Cực Lạc, thế giới an vui rực rỡ kỳ diệu của chư Phật.

Ðạo Phật Không Diệt Dục Mà Chỉ Diệt Khổ

Dục là muốn. Muốn có thức ăn ngon và bổ dưỡng hay muốn uống thật nhiều rượu và ăn thật nhiều thịt, muốn có sự giao tiếp tốt đẹp với bạn bè hay muốn gây gổ đánh lộn, muốn chăm sóc con cái để chúng nên người tốt hay muốn dùng thì giờ tìm thú vui cho mình không quan tâm đến gia đình đều là những cái muốn, chỉ khác nhau một bên là tốt và một bên là xấu. Ðạo Phật khuyến khích chúng ta thực hành các điều muốn tốt và đừng làm những điều muốn xấu chứ không bao giờ dạy phải diệt tất cả mọi cái muốn. Nếu chúng ta thực hành các điều muốn tốt (thiện dục) thì chúng ta được nhiều an vui.

Như thế đạo Phật không chủ trương diệt dục (diệt mọi thứ chúng ta muốn) mà chỉ diệt những cái muốn xấu đưa đến khổ đau và thực hành những cái muốn tốt đem lại nhiều hạnh phúc. Theo nhà tâm lý học Abraham Maslow, có năm nhu cầu thông thường mà mỗi người chúng ta cần có để sống đời an vui lành mạnh: có được sự đầy đủ về thể chất, an ninh, tình thân thiết, tự kính trọng và thể hiện được khả năng của mình. Năm nhu cầu ấy rất lành mạnh, chúng cần phải được thỏa mãn để chúng ta có được đời sống khỏe mạnh, an vui và phát triển về tinh thần lẫn thể chất. Những nhu cầu tự nhiên kia tạo ra những cái muốn. Nơi đây đạo Phật giúp chúng ta nhận rõ những cái muốn nào để thỏa mãn các nhu cầu nói trên là tốt (thiện dục) và những thứ nào là xấu (ác dục) để chúng ta không bị những cái muốn xấu tàn hại đời mình và đời kẻ khác.

1. Nhu cầu thể chất:

Mỗi người chúng ta đều cần có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, phương tiện di chuyển, thuốc men khi đau ốm, bệnh tật. Muốn có các thứ ấy cho bản thân và cho gia đình là điều muốn tốt (thiện dục). Nếu chúng ta có thực phẩm để ăn, nhà tốt để gia đình ở, xe cộ tốt để đi làm việc, trường học tốt để con cái học hành, bạn tốt để giao du, việc làm tốt để nuôi sống bản thân và gia đình thì đó là sự tốt đẹp trong đời sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta bị dính mắc quá nhiều bởi ý muốn phải ăn cho thật nhiều, uống cho thật nhiều, có thật nhiều áo quần, xe cộ, nhà cửa thì chúng sẽ làm cho thân thể và tinh thần chúng ta luôn luôn bị căng thẳng và dễ đưa đến bệnh tật. Ðó là điều muốn xấu (ác dục).

2. Nhu cầu an ninh:

Mỗi người chúng ta đều muốn đời sống mình được yên ổn, không bị ai đe dọa, bắt bớ, đánh đập hay hành hạ về tinh thần. Ðiều muốn này là thiện dục, là điều muốn tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ muốn mình được an ổn mà lại tạo ra sự bất an, đau khổ cho kẻ khác là điều muốn xấu, là ác dục.

3. Nhu cầu tình thân thiết:

Mỗi chúng ta đều có tình thương mến cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, xóm làng, quê hương xứ sở. Tình thương yêu đó làm cho đời sống chúng ta được nhiều an vui hạnh phúc trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta quá bị ám ảnh hay mê đắm một loại tình yêu nào đưa đến sự rối loạn cho đời sống của mình và đời sống của người thì đó là ác dục mà chúng ta thường gọi là ích kỷ: chỉ thương gia đình mình, muốn cho gia đình mình sung sướng dù phải làm hại đến gia đình người khác, chỉ muốn dân tộc mình, xứ sở mình giàu mạnh dù phải xâm chiếm hay tàn hại xứ sở người khác. Đó là ác dục.

4. Nhu cầu tự trọng:

Có sự tự tin và bằng lòng về chính mình, biết rõ mình có khả năng và làm những điều tốt đẹp cho mình, cho gia đình và xã hội. Như thế, người tự trọng là người rất thoải mái về chính mình, và khi đã có được điều ấy thì họ có đời sống quân bình, không đòi hỏi người khác phải đề cao hay sùng kính mình. Muốn mình có được sự tự trọng là thiện dục. Ngược lại, nếu mình thiếu sự tự trọng, bắt buộc kẻ khác phải tôn kính mình nếu không mình trừng phạt họ hoặc dùng những cách lừa dối để cho họ tưởng thật và ca ngợi mình thì đó là ác dục.

5. Nhu cầu tự thể hiện, thực hiện các khả năng của mình:

Mỗi người chúng ta đều có năng khiếu khác nhau như sửa chữa máy móc, làm toán, làm thơ, ca hát, viết lách hay đánh đàn. Khi chúng ta phát triển các khả năng ấy và thực hiện chúng một cách tốt đẹp thì chúng ta sẽ rất vui sướng. Do đó, muốn thực hiện khả năng mình là một điều rất tốt. Trường hợp chúng ta chỉ muốn thực hiện những khả năng của mình mà chèn ép không cho người khác phát triển khả năng của họ thì đó là ác dục.

Về sau, nhà tâm lý học này nhận thấy ngoài năm nhu cầu chính nói trên, con người còn có nhu cầu sống với niềm hạnh phúc bao la của tâm giải thoát. Đối với một số người, nhu cầu ấy có thể làm cho họ không còn quan tâm đến những nhu cầu căn bản. Do đó, chúng ta thấy nhiều vị tu sĩ, tuy sống cuộc đời đạm bạc nhưng họ rất an vui hạnh phúc gấp bội lần những người giàu sang hay có nhiều tài năng. Các vị tu sĩ giác ngộ đó, tức là những vị sống với lòng an vui trong sáng hạnh phúc tràn đầy đó, đem sự hiểu biết chân thật của mình mà hướng dẫn cho người Phật tử để họ đạt được sự an vui giải thoát trong cuộc sống hàng ngày trong gia đình và ngoài xã hội.

Như thế, mọi người đều có các nhu cầu cần phải được đáp ứng để sống lành mạnh. Chính các nhu cầu ấy tạo ra những cái muốn nơi chúng ta và nếu chúng ta thực hiện những cái muốn tốt (thiện dục) thì ta được khỏe mạnh an vui. Ngược lại, nếu chúng ta bị những cái muốn xấu lôi kéo (ác dục) thì chúng ta tạo ra khổ đau, bệnh tật cho mình và cho người. Để giúp cho người Phật tử nhận rõ những điều muốn nào là có hại (Ác dục) đức Phật khuyến khích chúng ta nhận và thực hành năm giới căn bản như không giết người, không ăn nằm với vợ hay chồng người khác, không nói láo, không trộm cắp, không uống rượu hay dùng các chất độc hại như cần sa, ma túy. Các ác dục trên là ham muốn sai lầm nên gọi là tham. Khi đã có sự ham muốn sai lầm mà không thỏa mãn chúng được thì đâm ra tức giận, đó là sân. Sở dĩ có tham và sân là do mình mê mờ không biết được điều chân thật, đó là si. Tham, sân và si là ba thứ độc hại, tam độc tàn phá đời sống của rất nhiều người quanh ta.

Quả thật như thế, những điều ác dục không nên làm, vì nếu làm sẽ gây ra những tổn hại cho mình hay cho người. Để đời sống được an vui phát triển, đức Phật dạy những người Phật tử tại gia phải cố gắng thực hành bốn điều tốt lành (thiện dục) để tạo căn bản cho đời sống lành mạnh hạnh phúc của mỗi chúng ta.

Bốn Điều Muốn Tốt (Thiện Dục) Cần Thực Hành

Trong kinh Thiện Sanh, đức Phật dạy người Phật tử tại gia phải có bốn điều muốn tốt lành (thiện dục) như sau:

1. Muốn học tập một nghề nghiệp vững chắc (phương tiện cụ túc): Tùy theo khả năng và hoàn cảnh mỗi người chúng ta chọn một nghề mà học và thực hành cho hoàn hảo (Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh). Khi làm việc phải hướng đến kết quả tốt đẹp.

2. Muốn bảo tồn của cải làm ra (thủ hộ cụ túc): Chúng ta biết giữ gìn của cải làm ra, không hoang phí trong bài bạc, trai gái, rượu chè, hút sách hay ăn tiêu xa xỉ. Đức Phật dạy nên chia tiền bạc làm ba phần:

· Một phần để tiêu dùng cho các nhu cầu hàng ngày như áo quần, ăn uống, xe cộ, nhà cửa.

· Một phần để đầu tư vào việc kinh doanh sinh lời.

· Một phần để giúp đỡ bà con hay làm việc từ thiện như giúp kẻ nghèo khó, xây dựng chùa chiền, phổ biến Phật pháp, đóng góp vào các việc ích lợi chung.

Như thế, muốn có tiền bạc, muốn kinh doanh cho thêm nhiều tiền của, muốn thực hiện các chương trình có lợi ích cho nhiều người là các điều muốn tốt mà đức Phật khuyến khích người Phật tử tại gia nên làm.

3. Muốn có bạn lành và tốt (thiện tri thức cụ túc): Kết thân với những người hiền và tốt để nâng đỡ, khuyến khích và giúp đỡ lẫn nhau phát triển nghề nghiệp, mở mang kinh doanh, học hỏi đạo pháp, sống đời đạo hạnh và hạnh phúc.

4. Muốn sống tốt đẹp theo khả năng và tài sản của mình (chính mạng cụ túc): Không keo kiệt mà cũng không lãng phí. Sống tương xứng với mức lợi tức của mình thu được để cá nhân mình an vui, gia đình hạnh phúc, bạn bè hòa thuận, cộng đồng mến mộ và ích lợi cho xã hội.

Dĩ nhiên, cuộc sống ngoài đời rất phức tạp, việc phân biệt các điều muốn tốt (thiện dục) và các điều muốn xấu (ác dục) nhiều lúc không dễ dàng nên đức Phật chỉ dạy chúng ta giữ gìn năm giới căn bản, tức là không làm những điều gây tổn hại cho mình hay cho người.

Năm Điều Xấu Ác Không Làm (Ngũ Giới)

Để giúp chúng ta nhận biết rõ ràng đâu là điều muốn lành, đâu là điều muốn ác, đức Phật dạy chúng ta thực hành năm giới tức là năm điều mình nguyện không làm:

1. Không giết người và không xúi giục kẻ khác giết người. Trong trường hợp các quân nhân có nhiệm vụ bảo vệ xứ sở chống xâm lăng hay nhân viên công lực thi hành nhiệm vụ bảo vệ an ninh cộng đồng thì hành vi của họ không phát xuất từ ý muốn giết người mà là ý muốn bảo vệ những người yếu đuối chống lại kẻ gây tội ác. Nói khác đi, khi họ thực hành nhiệm vụ giao phó đúng đắn.

Riêng về giới không sát hại loài vật thì người thọ giới không giết hại các loài vật gây thiệt hại hay bệnh tật cho cộng đồng. Còn những con vật mang mầm bệnh như dán, ruồi, muỗi, chuột bọ, vi trùng, v.v… thì chúng ta có thể trừ khử chúng mà không phạm vào lời nguyện không giết hại (Bất sát). Như thế, đối với Phật tử tại gia, giới không giết hại (Bất sát) rất hạn chế vì người cư sĩ phải làm nhiều công việc như làm vườn thì phải trừ sâu bọ phá hoại mùa màng, làm bác sĩ thì phải giết các vi trùng gây bệnh tật, làm cảnh sát thì ngăn chặn kẻ trộm cướp sát nhân, v.v… Người tu sĩ giữ gìn giới bất sát chặt chẽ hơn vì quý tăng ni ở trong chùa, và việc ăn chay trường để biểu lộ lòng hiếu sinh, thương yêu đời sống của mọi loài.

2. Không tà dâm: Không ăn nằm với vợ hay chồng người khác làm cho gia đình họ bị đổ vỡ, khổ đau vì sự ham muốn bất thiện của mình. Đối với các vị tăng ni, họ nguyện không làm điều dâm dục để chuyển tất cả nguồn năng lực của sự ham muốn thành tình thương yêu trong sáng bao la và sự dũng mãnh trên con đường thực hành cứu độ chúng sinh.

3. Không trộm cắp của cải người hay làm giàu trên sự đau khổ của người khác như đầu cơ tích trữ, cho vay nặng lời, trả tiền nhân công quá rẻ, v.v…

4. Không nói láo, nói điều ác độc hay nói điều tạo ra sự xung đột.

5. Không sử dụng các chất độc hại như rượu, ma túy và các thứ làm tàn hại thân thể.

Việc giữ gìn giới luật như thế không phải là điều dễ dàng, do đó người Phật tử tùy hoàn cảnh sinh hoạt của mình mà xin thọ từ từ các giới. Dĩ nhiên thọ và giữ được năm giới là điều rất tốt, nhưng tùy theo khả năng của mình mà xin nhận từ một đến năm giới. Nếu nhận một giới mà giữ gìn tốt đẹp còn hơn là nhận cả năm giới mà chẳng giữ được giới nào cả làm mất niềm tin của kẻ khác là điều không tốt.

Để cho người Phật tử tiến dần trên con đường đạo hạnh và sống đời an vui, đầu tiên người Phật tử nhận (thọ) Ba Sự Quay Về (Tam Quy): Quay về nương tựa Phật để hiểu biết điều chân thật, quay về nương tựa Pháp để thực hành cách sống an lành hạnh phúc, quay về nương tựa Tăng là những người nguyện sống cuộc đời an vui chân thật và chỉ dẫn cho kẻ khác tiến bước trên con đường cao đẹp đó.

Sau thời gian tìm hiểu điều hay lẽ thật của đạo, hiểu rõ sự giữ gìn giới luật đem đến cho mình nhiều điều an lành tốt đẹp trong cuộc sống và tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta xin thọ nhận từ một đến năm giới. Khi thọ giới như thế chúng ta phải biết rõ ràng là mình muốn thọ giới nào và phải làm điều gì như thế mới có ích lợi cho con đường tâm linh của chúng ta. Dĩ nhiên, cuối cùng chúng ta cũng đi đến việc thọ nhận năm giới nhưng sự tiến bước từ từ tạo cho chúng ta một nền tảng tâm linh vững chắc và thấy rõ mình tiến bộ trên con đường tu tập.

Năm Điều Lành Nguyện Làm

Không làm các điều ác, làm các điều lành để lòng mình được trong sáng an vui đó là lời dạy của đức Phật. Khi trở thành người Phật tử chúng ta thấy lòng mình gia tăng tình thương yêu và sự hiểu biết chân thật do đó từ năm điều xấu ác chúng ta nguyện không làm, chúng ta lại còn muốn làm điều tốt đẹp cho mọi người an vui. Năm điều tốt đẹp đó hoàn toàn ngược lại với năm điều xấu ác nói trên mà chúng ta nguyện không làm. Năm điều lành này hoàn toàn tích cực và mang lại nhiều hạnh phúc cho mình và cho người khi ta thực hành chúng:

1. Cứu giúp người đang bị tai nạn, bệnh tật hay khổ đau.

2. Bảo vệ hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

3. Nói lời thành thật, hòa nhã, và lịch sự để tạo sự giao hảo tốt đẹp và an vui chung.

4. Bố thí tiền bạc cho người nghèo khó hay đóng góp tài lực vào các chương trình có ích lợi chung.

5. Thực hành các chương trình làm cho thân thể mình lành mạnh, trí óc mình trong sáng, tài năng mình gia tăng như thể thao, thơ văn, âm nhạc, khoa học, v.v… (Năm điều lành này thường được chia nhỏ ra thành mười điều lành gọi là Thập Thiện, nơi đây chúng ta thu tóm lại cho dễ nhớ để tự nhắc nhở mình và phổ biến cho nhiều người hiểu, tin và thực hành).

Như thế, thực hành các điều trên là thực hành đạo Phật. Càng thực hành đạo Phật thì càng thấy an vui hạnh phúc. Càng thấy hạnh phúc thì càng thực hành những điều trên một cách dễ dàng. Từ đó chúng ta có niềm tin mãnh liệt (Tín) về đạo Phật, có sự mong ước làm điều lành (Nguyện) và thực hành các điều lành trong cuộc sống (Hạnh).

Bồ Tát Đạo

Khi thực hành các điều trên tức là sống với tâm an vui giải thoát, tức là sống với tâm Phật, lòng chúng ta chỉ thuần tình thương trong sáng, sự thông minh tươi mát bén nhạy, sự hiểu biết chân thật và nguồn an vui rộng lớn. Đó tức là chúng ta thấy biết được, giác ngộ được, trực tiếp sống với chân tâm hay Phật tánh nơi mình. Khi đời sống chúng ta có nhiều tình thương, sự hiểu biết chân thật và hạnh phúc rộng lớn thì ta mong muốn mọi người đều hưởng được điều quý báu ấy. Do đó, ta thực hành Bồ Tát Đạo, đem chánh pháp truyền bá sâu rộng và khuyến khích họ thực hành. Làm điều ấy với lòng thành là phổ độ chúng sinh, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn về tinh thần biết cách hành trì chánh pháp để sống đời an vui hạnh phúc.

Càng thực hành việc phổ độ chúng sinh thì tình thương yêu nơi ta càng phát triển, sự hiểu biết chân thật càng lớn mạnh, nguồn hạnh phúc càng gia tăng càng làm khơi động nguồn năng lực trong lành nơi mỗi chúng ta thúc dục chúng ta mạnh mẽ tiến lên trên đường sống an vui giác ngộ (Tự giác) và giúp người khác sống an vui chân thật (Giác tha). Hai điều ấy hòa hợp tròn đầy (Giác hạnh viên mãn) làm cho cuộc sống mỗi chúng ta rực rỡ như ánh sáng ban mai.

Quả thật như thế, tự mình thực hành sống đời hạnh phúc và giúp kẻ khác sống đời hạnh phúc sẽ làm cho đời sống chúng ta tràn đầy hạnh phúc. Từ đó, tự thân mỗi chúng ta kinh nghiệm được, biết rõ ràng là hạnh phúc của mỗi chúng ta và hạnh phúc của người khác vốn không thể tách lìa được: hạnh phúc của mỗi người và mọi người trong xã hội liên hệ với nhau một cách mật thiết.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.