Đức Phật Được Tôn Vinh

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Con thấy một số Sát-đế-lợi bác học, có tài hùng biện, muốn đến chất vấn Thế Tôn, chuẩn bị trước những câu hỏi và những câu đả kích, nhưng khi đến trước Thế Tôn, tất cả những vị bác học ấy đều im lặng; và sau khi nghe pháp thoại của Thế Tôn, họ đã sinh tâm hoan hỉ, xin làm đệ tử Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Con có hai quan giữ ngựa, ăn cơm của con, đi xe của con, cuộc sống do con chu cấp, và chính con đem lại danh vọng cho chúng. Thế mà chúng không hạ mình đối với con như đã từng hạ mình đối với Thế Tôn. Một hôm nọ, trong lúc hành quân, con và hai người ấy tạm dừng chân tại một căn nhà chật hẹp để nghỉ qua đêm. Hai người ấy luận bàn sôi nổi về chánh pháp đến quá nửa đêm, rồi cả hai nằm quay đầu về hướng mà chúng biết là Thế Tôn đang an trú và trở chân về phía con nằm. Khi ấy con nghĩ: “Chắc chắn những vị này đã nhận thức được sự thù thắng trong giáo pháp của Thế Tôn, nên mới tôn kính Thế Tôn tột bực như vậy.”

Bạch Thế Tôn! Đó là những lý do khiến con kính phục và tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Thế Tôn. (4)

3. Đức Phật được bà-la-môn ca ngợi

Bà-la-môn Sonadanda thuộc dòng dõi quí tộc, có huyết thống thanh tịnh từ bảy đời, nổi tiếng giàu có, đẹp đẽ và thông thái, được vua chúa và dân chúng ngưỡng mộ; vì thế, các đệ tử của ông phát biểu rằng: “Thật xứng đáng cho đức Gotama (đức Phật) đến yết kiến tôn giả Sonadanda. Thật không xứng đáng cho tôn giả Sonadanda đến yết kiến đức Gotama”. Nhưng Sonadanda thì suy nghĩ ngược lại: “Thật xứng đáng cho Sonadanda này đến yết kiến Thế Tôn. Thật không xứng đáng cho Thế Tôn đến yết kiến Sonadanda”  Rồi ông nêu ra các lý do:

–   Sa-môn Gotama xuất gia, từ bỏ đại gia đình quyến thuộc.

–   Sa-môn Gotama từ bỏ rất nhiều vàng bạc, châu báu đang chôn dưới đất lẫn các loại trên mặt đất.

–   Dù song thân không bằng lòng, khóc than nước mắt ràn rụa, vẫn cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa xuất  gia.

–   Sa-môn rất đẹp trai, khả ái, trang nhã, tuấn tú, cao thượng, làm đẹp lòng  người.

–   … Là người giữ gìn giới hạnh của bậc Thánh, có đầy đủ thiện đức.

–   Là người nói lời chân thật, thuần thiện, giọng nói tao nhã, nghĩa lý minh bạch.

–   Là bậc tôn sư của các hàng tôn sư.

–   Là vị đã diệt tận  tham dục và mọi xao động của nội tâm.

–   Sa-môn Gotama chủ trương về hành động, về nghiệp.

–   Là bậc xuất thân từ chủng tộc cao quí: Sát-đế-lợi.

–   Có rất đông dân chúng vượt biển, băng ngàn đến hỏi đạo Sa-môn Gotama.

–   Có hàng ngàn Thiên nhân đến quy y Sa-môn Gotama.

–   Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được lan truyền: “Sa-môn Gotama là bậc Như Lai, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, trí đức đầy đủ, Thiện Thệ, hiểu biết thế gian, bậc Vô Thượng, bậc Trượng phu điều ngự những người đáng được điều ngự, bậc thầy loài trời và loài người, Phật, Thế Tôn”

–   Là vị có đủ 32 tướng tốt của bậc đại nhân.

–   Sa-môn Gotama chào hỏi mọi người bằng lời thân thiện, tao nhã, trân trọng và thành thực.

–   Được bốn chúng kính trọng, tôn sùng, quy ngưỡng và phục tùng.

–   Tại địa phương nào Sa-môn Gotama cư trú, thì nơi đó các loài phi nhân không làm hại con người.

–   Sa-môn Gotama là vị Giáo chủ, được tôn xưng là tối thượng trong các bậc Giáo tổ.

–   Danh tiếng của một số Sa-môn, Bà-la-môn dựa trên những bằng chứng vu vơ, còn danh tiếng của Sa-môn Gotama dựa trên trí đức vô thượng của Ngài.

–   Vua Seniyo Bimbisàra nước Magadha cùng với các vương tử, cung phi, thị tùng, đại thần rất kính trọng, tôn sùng, ngưỡng mộ và quy y Sa-môn Gotama.

–   Vua Pasenadi nước Kosala cùng với các vương tử, cung phi, thị tùng, đại thần rất kính trọng, tôn sùng, ngưỡng mộ và quy y Sa-môn Gotama.

–   Bà-la-môn Pokkharasàdi cùng với vợ con, thị giả, tuỳ tùng đều kính trọng tôn sùng, ngưỡng mộ và quy y Sa-môn Gotama.

… Này các hiền giả, đó là những ưu điểm mà ta được biết về tôn giả Gotama. Nhưng tôn giả không phải chỉ có chừng đó ưu điểm mà còn có vô số ưu điểm khác.

Thế rồi, Bà-la-môn Sonadanda cùng đồ chúng đi đến tham kiến Thế Tôn, được Thế Tôn thuyết pháp khích lệ. Ông vô cùng hoan hỉ, thốt lời tán thán Phật, rồi xin làm đệ tử Phật và nguyện trung thành cho đến lúc mệnh chung. (5)

Tương tự như Bà-la-môn Sonadanda trên đây là Bà-la-môn Kùtadanta, ông vốn là một vị Giáo trưởng nổi tiếng đương thời, lại được vua Bình Sa trọng vọng ban thưởng một phong ấp. Thế nên, khi ông muốn đến tham vấn đức Phật, đồ chúng Bà-la-môn tìm cách ngăn cản, và ông đã giải thích:

“Nầy các hiền giả, hãy nghe ta giải thích vì sao thật xứng đáng cho chúng ta đến yết kiến Sa-môn Gotama, trái lại, thật không xứng đáng cho Sa- môn Gotama đến yết kiến chúng ta. Vì bảy đời tổ phụ của Sa-môn Gotama cả mẫu hệ và phụ hệ đều có huyết thống thanh tịnh, không bị một vết nhơ nào về huyết thống thọ sinh. Do vậy, thật xứng đáng cho chúng ta đến yết kiến Sa-môn Gotama.”  Rồi ông liệt kê 23 ưu điểm khác của đức Phật như  Sonadanda đã ca ngợi. Cuối cùng, ông đến yết kiến Phật, được Phật cảm hoá và ông xin làm đệ tử đức Phật. (6)

Tiếp đến là lòng ngưỡng mộ của Bà-la-môn Pingiyàni đối với đức Phật. Một hôm, sau khi viếng thăm Đức Phật trở về, một người bạn là Bà-la-môn Karanapali hỏi ông nghĩ thế nào về trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama. Ông đáp: “Thưa tôn giả, tôi là ai mà có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama? Chỉ có ai ngang trình độ với Ngài mới có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Ngài mà thôi.” Người bạn lại hỏi ông đã thấy được những đặc thù gì nơi tôn giả Gotama mà tỏ ra tin tưởng tuyệt đối như thế. Ông trình bày: “Thưa tôn giả, ví như một người đã thoả mãn với vị ngọt tối thượng, sẽ không còn thèm khát những vị ngọt tầm thường. Cũng vậy, khi đã nghe pháp của Sa-môn Gotama, như khế kinh, phúng tụng v.v…, thì không còn thích nghe các lý thuyết của các Sa-môn, Bà-la-môn thấp kém khác. Ví như một người bị đói lả và mệt mỏi, tìm được một bánh mật, cứ mỗi miếng vị ấy nếm, vị ấy thưởng thức vị ngọt thuần khiết của bánh. Hoặc một người rìm được một khúc gỗ chiên đàn, thì tại nơi nào, người ấy cũng cảm nhận được hương thơm ngào ngạt của gỗ chiên đàn. Ví như một người đang mắc bệnh trầm trọng, đau khổ, mà được một lương y chữa cho lành bệnh. Ví như một hồ sen có nước trong mát, ngọt ngào, bờ hồ được xây đẹp đẽ, rồi một người bị sức nóng thiêu đốt, bị khát nước bức bách, tìm đến hồ ấy. Thế rồi, người ấy bước xuống hồ, uống nước, tắm rửa; do đó, tất cả nỗi khao khát, nóng bức, mệt mỏi đều tan biến. Cũng vậy, thưa tôn giả, khi đã được nghe pháp của tôn giả Gotama, như khế kinh…, thì tất cả những khao khát, nóng bức, mệt mỏi đều hoàn toàn tan biến.”

Sau khi nghe bạn trình bày, Bà-la-môn Karanapali từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y, quỳ gối bên phải trên mặt đất, chắp tay hướng về trú xứ của Thế Tôn, thốt lên lời cảm hứng sau đây 3 lần:

“Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.”(7)

Không phải chỉ có chừng ấy Bà-là-môn tán dương Đức Phật mà còn nhiều vị khác như các Bà-la-môn Pikkharasadi(8), Brahmayu(9) Todeyyaputta(10) ; ban đầu, những vị này tỏ ra ngờ vực đức Thế Tôn, nhưng cuối cùng đều được Phật thuyết pháp, cảm hoá và họ đã tự nguyện quy hướng theo Phật.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.